Câu hỏi “tại sao?” – nên và không nên

Có rất nhiều lời khuyên về việc nên đặt câu hỏi “tại sao?”. Cũng thỉnh thoảng có lời khuyên không nên hỏi “tại sao?”, ví dụ không nên hỏi thế với một đứa trẻ khi nó làm gì đó lầm lỗi. Vậy tóm lại là nên hay không nên, khi nào nên?

Trước tiên, ta cần làm rõ hành vi “hỏi”. Thật ra từ này bao hàm những ý đồ khác nhau, và ta cần phân biệt chúng. Căn cứ vào ngữ điệu và body language của người hỏi, cơ bản có hai khả năng:

  1. Truy, chất vấn. “Tao hỏi mày nhé, tại sao mày lại làm thế, hả?”
  2. Tìm thông tin để hiểu chuyện. “Bố muốn biết, tại sao lúc đó con lại không muốn đi?”

Tiếng Anh có các từ ask, question, enquire. Ask bao gồm nhiều nghĩa, question (động từ) có ý truy, hỏi cung, còn enquire là tìm hiểu thông tin. Như vậy, chỉ cần làm rõ nghĩa, “hỏi tại sao” ở đây là question hay enquire, ta sẽ hiểu ngay khi nào nên làm gì.

Bảng trên tổng hợp các tình huống hỏi “tại sao”:

  • Nếu câu hỏi hướng đến sự việc, thì luôn là tìm hiểu. Câu hỏi này giúp tăng kiến thức, thỏa mãn nhu cầu khám phá. Trẻ con rất hay hỏi (nghìn câu hỏi tại sao) và người lớn nên duy trì để không ngừng học hỏi.
  • Nếu câu hỏi hướng đến hành vi, thì cần chia làm ba: hành vi của bản thân người hỏi (tự vấn), của người dưới hay ngang hàng (con trẻ, nhân viên dưới quyền, bạn, vợ chồng) hay của người trên (sếp, bề trên). Trong cả 3 trường hợp, do cảm xúc ta sẽ rất hay bị sa vào tình huống question thay vì enquire, trong khi enquire mới giúp ta học hỏi, đồng thời tạo được thiện cảm của người đối thoại.

Khi đối thoại với một đứa trẻ, dễ thấy người lớn hay bị rơi vào trạng thái ra oai, thể hiện sự không hài lòng khiến đứa trẻ thấy có lỗi, đôi khi thấy oan ức, và sẽ phản kháng hoặc xấu hổ với bản thân mà không hiểu vì sao (xem bài này). Còn nếu người lớn tự kiểm soát được cảm xúc của bản thân và hỏi “tại sao?” theo kiểu enquire, thì sẽ giúp đứa trẻ rất nhiều và tạo sự gắn bó, kể cả khi cuối cùng cũng không rõ tại sao.

Có tình huống, người lớn cứ tưởng mình đang enquire trong khi thật ra là có cả question (thể hiện bực tức, thất vọng), và bản thân KHÔNG ý thức được điều đó. Nếu có ai đó quan sát cuộc nói chuyện rồi góp ý lại với họ, thì họ tỏ ra ngạc nhiên và phản bác , “đâu, tôi có làm thế đâu?”. Trong trường hợp này, họ không hề nói dối, không hề chối bỏ, mà thành thực tin là mình đã hành xử theo kiểu enquire! Hiện tượng tâm lý thú vị này được mô tả ở đây.

Có lẽ, để tự hướng mình sang enquire, khi hỏi “tại sao?” ta nên bắt đầu bằng cụm từ “Tôi muốn tìm hiểu, tại sao…”. Khi đó đối phương sẽ cảm thấy ta muốn biết chứ không phải đang xả giận, buộc tội, hay đang tìm cách chứng minh sự ngu ngốc của họ.

Leave a Reply