Gonzalez Gallego – Trắng trên Đen (7)

Ruben David Gonzalez Gallego. “Trắng trên Đen”
Dịch từ nguyên bản tiếng Nga: Phương Hoài, 8-2004
Sách được Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp với NXB Hội Nhà Văn xuất bản năm 2004 với tựa “Những dải trắng trên nền đen”.

Nữ tội đồ

Nhà dưỡng lão. Ngày chuyển thành đêm, đêm chuyển dần sang ngày. Các mùa trong năm hoà lẫn vào nhau, thời gian cứ trôi. Chẳng có gì xảy ra, chẳng có gì ngạc nhiên. Vẫn những khuôn mặt ấy, vẫn những câu chuyện ấy. Nhưng đôi khi, một thực tế thân quen hiện lên, trỗi loạn và cho thấy điều gì đó khác thường, không thể nhét vừa vào những khái niệm đơn giản và quen thuộc.

Bà sống trong nhà dưỡng lão từ lâu, hình như từ ngày nó được thành lập. Một người phụ nữ khiêm nhường và lặng lẽ, một con người nhỏ nhoi trong thế giới rộng lớn và tàn nhẫn. Một người phụ nữ nhỏ bé. Bà có chiều cao không hơn của một đứa trẻ lên năm tuổi. Tay và chân nhỏ xíu được nối bằng những khớp xương yếu ớt nên cô không thể đi được. Nằm úp mặt trên một tấm ván thấp có trục bi, cô dùng chân đẩy lên sàn và di chuyển theo cách đó.
Người phụ nữ ấy làm việc trong xưởng phục vụ nghi lễ. Có một xưởng như vậy trong cái nhà dưỡng lão buồn thảm của chúng tôi. Trang trí áo quan, vòng hoa giả và những thứ đồ tế loè loẹt khác do các bà già của trại làm cho tất cả những người chết của thành phố nhỏ. Có thể đặt vòng hoa ở xưởng trong nghĩa trang, nhưng mọi người đều công nhận rằng vòng hoa ở đó đắt hơn, làm cẩu thả, thiếu đi sự kính cẩn cần có đối với những thứ tế nhị và quan trọng như vậy. Năm này qua năm khác bà làm những bông hoa bằng giấy, đính nó vào vòng hoa đám ma – sự thể hiện kính cẩn mối quan tâm đối với người đã mất.

Chẳng ai xúc phạm người phụ nữ bất hạnh, các nhân viên nhà dưỡng lão không để ý đến chiếc xe trườn chậm chạp trong hành lang của bà, bà không nhờ ai giúp dỡ, tự đến nhà vệ sinh và nhà ăn. Những kẻ say rượu hung hăng thỉnh thoảng lại khủng bố cư dân của nhà dưỡng lão, cũng không động đến sinh linh yếu ớt ấy.

Bà cứ sống như thế. Ban ngày làm hoa cho người chết, ban đêm thùa những chiếc khăn lót hay thêu nổi. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Sống bình thường. Căn phòng nhỏ dần được bà trang bị cho phù hợp với vóc dáng khiêm tốn của mình. Đệm trên sàn, chiếc bàn thấp, chiếc ghế búp bê, những chiếc khăn lót thêu hoa và những chiếc gối thêu nổi.

Bà sống lâu, quá lâu. Đã hơn bốn mươi tuổi nhiều rồi. Đã sống quá đủ. Trong một cuộc họp thường lệ, ban lãnh đạo cho rằng đã đến lúc chuyển bà ấy lên tầng ba. Một việc làm theo kế hoạch. Nhịp độ bình thường của một cỗ máy làm việc chuẩn xác. Trên tầng ba người ta sẽ đặt bà lên chiếc giường người lớn thông thường trong căn phòng có ba người sắp chết và để cho bà chết từ từ. Người ta sẽ lấy mất của bà thứ của cải cuối cùng – tự do tự phục vụ bản thân.

Bà đã lặng lẽ sống cuộc đời dài đẵng của mình, chưa bao giờ yêu cầu gì ở lãnh đạo, vậy mà bỗng nhiên lại đăng kí xin gặp giám đốc. Bà ngồi hàng giờ xếp hàng và đợi bằng được quyền theo luật định của mình, van xin trong nước mắt đừng đuổi bà ra khỏi căn phòng nhỏ, van xin hãy để bà sống nốt thời gian còn lại trong không gian quen thuộc. Người ta đã lắng nghe như thường lệ, đã từ chối như thường lệ và cuối cùng thì đuổi bà ra khỏi hàng người chờ được tiếp.

Vào cái đêm trước ngày ấn định chuyển chỗ, bà đã treo cổ trên tay nắm cửa. Nữ tội đồ.

Người sĩ quan

Người ta đưa đến nhà dưỡng lão một người mới. Người đàn ông to lớn cụt chân ngồi trên chiếc xe lăn thấp tè. Ông tự tin liếc quanh và chậm chạp đi vào phòng. Ông định vị được ngay, không cần mách bảo. Ông đi khắp toà nhà ba tầng của chúng tôi, không vội vã, từ phòng này sang phòng khác. Bắt đầu từ nhà ăn. Lúc đó đang là bữa trưa. Ông xem người ta cho ăn gì, khẽ cười khẩy buồn rầu, không ăn. Ông đi thang máy lên tầng ba – tầng của những người phải chết, tầng của những người sắp chết. Ông ngó vào từng phòng, không hoảng hốt, ồn ào, không bịt mũi ghê tởm, không quay lưng lại sự thật. Ông nhìn thấy những người già đáng thương nằm bất động trên giường, nghe thấy những tiếng rên rỉ, kêu la. Đến chiều ông quay trở về phòng của mình, nằm lên giường.

Một căn phòng tốt ở tầng hai. Với một người cùng phòng. Trên cửa có treo tấm biển đẹp đẽ có dòng chữ: “Cựu chiến binh Chiến Tranh Vệ Quốc sống ở đây”. Những điều kiện sống bình thường. Có thể tới nhà ăn ngày ba lần, ăn những gì được cho ăn, chiều chiều xem vô tuyến cùng với mọi người. Một phần lương hưu thừa đủ để trang trải những nhu cầu không phức tạp của người luống tuổi – thuốc lá, trà, bánh quy. Nếu muốn, chẳng ai và chẳng có điều gì có thể ngăn ông mua vodka và uống với người cùng phòng, nói chuyện về quá khứ, kể cho nhau nghe họ là ai trong quá khứ, họ đã chiến đấu và chiến thắng ra sao, đã luôn chiến thắng. Có thể đẩy xe tới nhà vệ sinh chừng nào đôi tay còn cho phép, chừng nào tay còn giữ nổi cái thìa, chừng nào còn đủ sức để ngày ngày chiến đấu vì quyền được thấy mình là con người.
Chiều hôm đó họ không có vodka. Cùng phòng là một người tốt bụng. Chấp nhận cuộc sống do nhà nước đài thọ, ông già lặng lẽ lắng nghe chuyện người mới đến suốt từ chiều đến nửa đêm. Bằng giọng chỉ huy, người đàn ông cụt chân rành rọt kể chi tiết toàn bộ đời mình. Nhưng dù cho ông có bắt đầu như thế nào thì câu chuyện vẫn quay về một mối: trong chiến tranh, ông đã từng là sĩ quan trinh sát xa.

Những sĩ quan trinh sát xa. Những chiến sĩ đã được thử thách, những người dũng cảm, giỏi nhất trong số những người giỏi, những người số một. Ưu tú. Họ đột nhập vào khu vực của kẻ thù, vượt qua những bãi mìn, tiến sâu vào lòng địch. Không phải ai cũng quay trở về, những người quay trở về lại tiếp tục đi vào lòng địch. Chiến tranh là chiến tranh. Họ không lẩn tránh cái chết, họ thực hiện nhiệm vụ, làm theo chỉ thị. Cái chết không phải là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với một người. Họ sợ bị bắt làm tù binh – nhục nhã, bị lăng nhục, bất lực. Trong trinh sát xa không có tù binh và thương binh. Theo chỉ thị, người làm chậm bước tiến của toàn đội phải tự sát. Một người chết còn hơn tất cả đều chết. Một người tự bắn mình, những người khác đi tiếp, thực hiện nhiệm vụ, giết giặc. Trả thù cho Tổ quốc mình, cho những đồng đội đã hi sinh, cho những người đã tình nguyện rời bỏ cuộc sống vì nghĩa lớn. Nếu vết thương nặng đến mức người lính không thể tự bắn mình, bên cạnh luôn có một người bạn, anh ta sẽ buộc phải giúp. Một người bạn thật sự, không phải xã giao, không phải cùng hội rượu hay chỉ là người hàng xóm ở cầu thanh bên cạnh. Đó là người sẽ không phản bội, người sẽ chia sẻ miếng bánh mì cuối cùng, viên đạn cuối cùng.

Người sĩ quan cứ kể mãi, kể mãi. Chuyện vấp phải mìn. Chuyện yêu cầu người bạn: “Hãy bắn đi”. Tai nạn xảy ra cách biên giới không xa, người bạn vác ông về được với người mình, mười cây số – không sâu trong lòng địch. Chuyện ông sợ phải trở thành gánh nặng suốt đời ra sao, rồi làm việc trong hợp tác xã, khâu thú nhồi bông. Lấy vợ, nuôi các con khôn lớn. Con cái tốt, chỉ có điều chúng không còn cần tới một ông già cụt chân.

Và gần sáng, người sĩ quan đã tự cứa cổ mình bằng con dao nhíp. Cứa rất lâu. Con dao nhỏ cùn đụt. Vậy mà người cùng phòng đáng thương không nghe thấy gì hết trong giấc ngủ rất tỉnh của người già. Không một tiếng động, không một tiếng kêu rên.

Người sĩ quan trinh sát xa đã chết. Một cái chết đúng đắn, theo điều lệ. Chỉ có điều không có người bạn bên cạnh, một người bạn thật sự, người hút với ông điếu thuốc cuối cùng, đưa cho ông khẩu súng và ý tứ lùi lại, không làm phiền. Không có người bạn bên cạnh, không có. Thật buồn.

Người cho ăn

Các bà già thường chết vào mùa xuân. Họ chết vào bất cứ thời gian nào trong năm, chết thường xuyên, nhưng chết nhiều nhất chính là vào mùa xuân. Mùa xuân, trong các phòng ấm hơn, mùa xuân, người ta mở toang cửa sổ và cửa ra vào để không khí trong lành ùa vào cái thế giới ngột ngạt của trại điều dưỡng. Mùa xuân, cuộc sống được cải thiện. Nhưng họ ngoan cố níu kéo cuộc sống suốt cả mùa đông, chờ đợi mùa xuân chỉ để được thả lỏng, để trao mình cho tự nhiên và ra đi thanh thản. Trong nhà dưỡng lão, các ông già ít hơn nhiều. Họ chết mà không quan tâm gì đến sự thay đổi mùa. Họ không cố gắng sống đến mùa xuân. Nếu cuộc sống từ chối họ ân huệ cuối cùng là chai vodka hay đồ nhắm ngon, họ đi về thế giới bên kia mà không hề chống cự.

Tôi ngồi trong sân nhà dưỡng lão. Ngồi một mình. Tôi không buồn, tuyệt nhiên không thấy buồn, Tôi ngắm nhìn mùa xuân. Tôi còn trẻ, tôi tin rằng sẽ còn sống trên đời này không chỉ một năm nữa. Đối với tôi mùa xuân không có ý nghĩa nhiều như đối với người già.

Trên cửa xuất hiện một người. Một bà già lọm khọm đang di chuyển, tay vịn vào lưng ghế. Bằng những động tác giật cục bà nhấc cả người lên, thoáng đứng trên đôi chân, tay đẩy chiếc ghế lên trước vài phân. Rồi lại nặng nhọc tì vào ghế, chậm chạp lê đôi chân tới chiếc ghế. Bà nhìn xung quanh, không nhận ra khuôn mặt quen nào, quả quyết tiến về phía tôi. Lại một người trò chuyện, lại một câu chuyện nữa.

Bà già tới bên tôi, đặt chiếc ghế đối diện với xe lăn của tôi, chậm chạp và nặng nề ngồi xuống.

Suốt thời gian chiến tranh bà làm trong hợp tác xã. Làm việc từ sáng đến chiều. Không được trả tiền. Chỉ có một mục đích: tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng. Ngày công lao động được trả bằng tấm. Tấm dùng để nấu cháo. Chỉ có cháo, không có gì khác. Thậm chí bánh mì cũng không có. Sau chiến tranh có dễ thở hơn – chồng bà trở về khoẻ mạnh và nguyên vẹn. Bà cùng chồng lên thành phố. Chồng bà lái xe, bà làm việc trong nhà máy may mặc. ở thành phố, chồng bà nhanh chóng thành kẻ nát rượu, rồi chết. Người phụ nữ nhớ đến cuộc sống ở thành phố như những năm tháng đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Bà làm việc ngày tám tiếng, còn lại được tự do. Trong nhà máy, ngày nào cũng có bữa trưa: súp, món chính và nước quả. Rất ổn. Sau giờ làm việc cả tập thể kéo nhau đi đào móng cho một công trình mới, tự nguyện, không lấy tiền. Đó gọi là “Tiếng gọi của Đoàn Thanh niên”. Bà tự hào kể tên những công trình trong thành phố có sự đóng góp của bà. Họ đào móng đến tận chiều muộn, mùa đông trên công trường bật đèn pha. Và ai cũng tự nguyện, vui vẻ. Đêm đến bà trở về nhà, ăn chút gì đó rồi ngã vật ra giường. Buổi sáng lại tới nhà máy. Chủ nhật đi xem phim. Cuộc sống thật tốt đẹp.

Bà về hưu năm sáu mươi tuổi. Mắt kém, không còn làm trong nhà máy may mặc được nữa. Nửa năm sau bà bị đột quỵ. Hàng xóm đưa bà đến nhà dưỡng lão. Bà nghĩ, thế là hết. Rồi người cùng phòng đòi uống. Bà từ từ ngồi dậy, giúp bạn, bản thân cũng uống, hình như thấy có khá hơn. Bà đi xem xét nhà dưỡng lão. Tốt rồi, có mái nhà che thân, có cái ăn. Chỉ có một điều – tất cả đều ổn khi chân còn đứng được. Nếu khuỵu xuống, sẽ chẳng có ai tới giúp. Họ sẽ đặt đĩa cháo lên chiếc tủ con cạnh giường – rồi muốn sống thế nào cũng mặc. Dù có kêu hay không cũng sẽ chẳng có ai tới giúp. Bà hoảng sợ. Đôi tay quen làm việc đòi được hoạt động. Bà đi tới các phòng, đút cho những người liệt ăn. Sau bữa sáng, bà bắt đầu đi. Chưa kịp đút bữa sáng cho tất cả, đã đến giờ ăn trưa, sau đó là bữa tối. Ngày lại ngày, từ bữa sáng đến bữa tối. Bà không kịp đút cho tất cả. Bà tự hứa sẽ chỉ đút cho những người yếu nhất, những người sắp chết. Những người khoẻ mạnh hơn, bà đút vào tay họ mẩu bánh mì của bữa trưa. Có bánh mì trong tay – sẽ không thể chết được.

Các căn phòng rất hôi hám, mùi của thối rữa và cái chết. Các bà già rất hay đòi bô, một số người đòi thay đồ. Bọn họ thường đòi bô nhiều hơn đòi ăn, nhiều hơn đòi uống. Bà không chịu. Bà thầm nhủ sẽ chỉ đút ăn thôi.

Bà ngó vào phòng, hỏi có cần đút ăn không. Họ có phản ứng khác nhau trước câu hỏi vô hại ấy. Một vài người kiêu hãnh trả lời bằng giọng lạnh lùng cố ý rằng trong phòng tất cả đều đi lại được, mắng mỏ người phụ nữ đút cơm, dùng những từ tệ hại. Cho rằng đó là điềm xấu: nếu người phụ nữ đút cơm đến phòng sẽ có người chết. Bà không giận, lại đi tiếp, từ phòng này qua phòng khác.

Thảm hại nhất là những người rất cần giúp đỡ. Những người khi còn khoẻ đã từng mắng bà già đút cơm, xua đuổi và chửi mắng bà, nay rơi vào tình trạng bất lực, lại kêu gào giúp đỡ lớn tiếng nhất, họ van nài được cho ăn, giận dữ khi bà không kịp tới vào bữa trưa. Họ nuốt chửng những thìa thức ăn, mắt liếc khẩu phần ăn xem bà già đút cơm có lấy trộm miếng nào không. Những người như vậy nằm rất lâu, trong cứt đái, da thối rữa, lở loét. Nhưng vẫn sống. Sống hàng năm trời. Sống, mất trí, không nhận ra người giúp đỡ mình, nhưng vẫn liên tục há miệng trước thìa cháo, tham lam nuốt, ánh mắt thất thần dán vào vô định.

Trời tối dần. Chúng tôi không để ý nửa ngày đã trôi qua.
– Bà ơi, bà đã đút cho mọi người bao nhiêu năm rồi?
– Ba mươi hai năm. Đến lễ Phục sinh sẽ là ba mươi ba năm. Ta có ghi lại hết. Tính hết.
– Bà đúng là anh hùng! – Tôi khâm phục thốt lên. – Ba mươi hai năm! Vô tư phục vụ mọi người!
– Vô tư ư?

Bà già đút cơm rung người cười khẽ không thành tiếng. Vội vàng làm dấu thánh ba lần liền, thì thầm cầu nguyện.
– Bọn trẻ các người thật là ngốc nghếch. Không hiểu gì về cuộc sống cũng như cái chết.
Bà nghiêm khắc nhìn tôi bằng cặp mắt bé tí độc ác. Chăm chú xem xét đôi tay tôi.
– Tự ăn à?
– Tự ăn.

Bà thở dài. Rõ là bà rất muốn chia xẻ bí mật của mình với ai đó.

Không nhìn vào mắt tôi, bà già liến thoắng nói một hơi, rõ ràng và cẩn trọng:
– Cậu nói là vô tư ư? Có lí do đấy. Người ta đã muốn cho ta tiền. Không phải tất cả những người liệt giường đều mô côi cả đâu. Họ hàng của họ đến, nhét những đồng tiền bẩn thỉu vào tay ta. Nhưng ta không nhận. Nếu họ bỏ vào túi mà ta không biết, ta đưa hết cho các cụ, đến tận xu cuối cùng. Những người đã không còn biết gì, ta mua kẹo và cho họ ăn đến cái cuối cùng. Ta chẳng cần tiền của họ cũng như ơn nghĩa của họ. Ta đã thề. Khi ta mới đến đây ta đút ăn cho mọi người vì ngu ngốc, chả có ý gì. Và một lần, khi ta đến đút cho một bà già, bà ta lại nói: “Đưa bô đây”. Ta trả lời rằng ta không đưa bô, chỉ đút ăn. Bà ấy nói, tốt thôi, đút đi. Bà ta ngậm bánh mì đầy mồm, nhai và nhổ vào mặt ta. Nhổ đầy mặt ta. Còn bây giờ, bà ta nói, hãy buộc khăn mùi xoa thật chặt dưới cằm cho tôi để khi tôi chết mồm không bị há ra. Bà ta nói, tôi sẽ không ăn nữa. Sáng nào ta cũng tới chỗ bà ta, biết đâu bà ta nghĩ lại, nhưng bà ấy chỉ nhìn ta nghiêm khắc và quay đi. Bà ta nằm hai tuần, chết dần. Khi đó ta thề rằng sẽ đút cho tất cả nếu kịp. Sau bà ấy, nhiều người khác cũng từ chối ăn, ta đã quen rồi. Ta chỉ nhớ người đầu tiên. Và ta cũng đã thề sẽ chết lặng lẽ, không dày vò. Ta yếu ớt, ta không đủ sức để nhổ bánh mì. Còn nằm liệt và vệ sinh ngay tại chỗ thì thật đáng sợ. Lúc đó ta rất hoảng sợ. Vậy mà cậu nói là vô tư.

Giấy phép ra vào

Nhà dưỡng lão. Không phải ký túc xá, không phải bệnh viện. Hàng rào chắc chắn bằng những khối bê tông cốt sắt, cổng bằng thép. Trại nằm cách xa thành phố. Bên cạnh là nhà tù thường dành cho phạm. Nơi đó thì rõ rồi, có tù nhân, có dây thép gai. Các tù nhân thật sung sướng, mãn hạn, họ sẽ được tự do. Chúng tôi chẳng có gì để hi vọng. Một khu cách ly. Người lạ không được vào. Người sống trong đó không có quyền bước ra khỏi cổng nếu không có giấy phép của giám đốc. Một cái giấy phép thông thường, có chữ kí và đóng dấu. Canh cổng cẩn mật là một người từng là cai của trại bên cạnh. Ông ta đã già để có thể phục vụ trong Công an, còn đối với cái cổng của chúng tôi, ông ta vẫn còn phù hợp. Ngồi và mở cổng cho lãnh đạo. Một công việc bình thường, quen thuộc, hơn nữa lại có một khoản không tồi thêm vào lương hưu.

Người nào khoẻ mạnh hơn hay nhanh nhẹn hơn thì trèo qua hàng rào hay đào tường. Đối với chúng tôi, những người tật nguyền ngồi xe lăn, lão gác cổng bất hạnh đó là một con chó dữ thật sự.

Một thanh niên tật nguyền gọi taxi. Anh ta đã thoả thuận trước với đám bạn để họ đưa anh ta vào xe. Ba ngày trước chuyến đi, anh ta đã kiếm được một giấy phép ra vào. Mọi chuyện đều ổn, đều theo kế hoạch, ở đây mọi người cho anh ta vào xe, nơi đến sẽ có người đón. Anh ta đã ngồi trong xe, xe lăn gấp lại để trong thùng xe.

Họ tiến lại cổng. Bác tài bật đèn hiệu. Một lão già thấp lùn bước ra khỏi chòi canh, không vội vã, đôi mắt độc ác sắc lẻm.
– Ai trong xe?
Bác tài không hiểu câu hỏi.
– Một người.
– Có giấy phép ra vào không?

Người lái xe lúng túng lấy của người thanh niên tàn tật giấy phép ra vào, đưa cho lão. Lão ta chăm chú xem xét tờ giấy bằng con mắt thạo đời.
– Được rồi, hãy để anh ta đi qua. Tôi nhận ra anh ta, thường xuyên lảng vảng quanh cổng. Chỉ có điều lần trước anh ta ngồi xe lăn và không có giấy phép ra vào.
– Nhưng lần này thì có! Ông mở cổng đi.
– Anh không hiểu tôi rồi. Trong giấy ghi là “Cho phép đi ra khỏi lãnh thổ nhà dưỡng lão”. Đây là giấy tờ. Tôi phải thực hiện đúng theo như vậy. Nếu anh ta muốn ra, hãy để anh ta đi ra, không muốn thì thôi. Ngồi trong xe, anh ta sẽ không thể ra khỏi trại.

Bác tài tức giận. Người đàn ông không còn trẻ không quen thất bại. Ông ta lái xe tới khu nhà của nhà dưỡng lão, đi bộ vào bên trong. Sau nửa tiếng giải thích với giám đốc nhà dưỡng lão, trong tay ông ta vẫn là giấy phép ra vào ấy, nhưng có thêm một dòng ngoài lề bằng bút mực: “và đi xe ra”. Trong góc được đóng thêm một cái dấu tròn của trại. Người thanh niên tật nguyền phấn khởi. Hôm đó có lẽ giám đốc đang vui. Theo luật, phải huỷ giấy cũ, viết đơn xin cấp giấy phép mới và đợi mấy ngày để giải quyết một việc phức tạp như vậy. Xe ô tô tiến lại cổng lần thứ hai. Lão thường trực chăm chú nghiên cứu tờ giấy đã được sửa, trả lại nó cho bác tài và miễn cưỡng đi mở cổng.

Họ đi trong im lặng độ mấy phút. Bỗng bác tài dừng xe lại. Tay xiết chặt vô lăng, ông ta thở hắt ra. Không nhìn người hành khách, ông nói vào không khí trước mặt, giận dữ, căng thẳng.
– Này chàng trai, đừng giận, ta sẽ không lấy tiền của cậu đâu. Không phải bởi vì cậu tàn tật. Thời trẻ ta đã ngồi tù ba năm, ta nhớ đến hết đời. Kể từ khi đó ta căm thù bọn cớm.

Ông tắt đồng hồ tính tiền, nhấn ga. Chiếc xe lao đi hết tốc lực, rời xa nhà dưỡng lão, xa trại giam, xa lão gác cổng khốn khiếp. Thật tuyệt. Tự do.

Thằng ngốc

Bến xe buýt. Tôi và vợ định đi đâu đó. Chúng tôi đợi xe. Cuối cùng xe cũng tới, sau vô lăng là một thanh niên trẻ đeo đôi kính mốt màu đen. Alla dùng tay đỡ tôi, đặt chân phải lên bực, chuyển toàn bộ trọng lượng lên đó. Bỗng anh lái xe mỉm cười với chúng tôi, nhấn ga. Alla xoay người vì xe lắc mạnh, em khuỵu gối nửa vòng, vẫn dìu tôi trên tay. Em không ngã, những buổi tập judo không phải là vô ích. Em đứng dậy và đặt lại tôi vào xe lăn.

Một người đàn ông say rượu đang đứng trên bến xe không nhịn được cười phá lên. Ông ta cười hồi lâu rất khoái trá, rồi tiến lại phía chúng tôi. Alla lùi lại, em không hiểu sao tôi lại có thể nói chuyện với những loại người như vậy.

– Anh ta là thằng ngu, – ông ta nói với tôi, – thằng ngu.
– Tại sao?
– Bởi vì anh có xe lăn, anh có thể ngắm mặt trời, những con chim trên mặt đường kia, còn anh ta sẽ thế nào sau tai nạn, không ai biết được, nghề của anh ta rất nguy hiểm.

Tôi hiểu ra. Mỉm cười. Quả thật anh ta là thằng ngốc.

Đất sét

Nặn bố thật dễ. Dễ hơn cả nặn một cái nấm. Chỉ cần nặn hai cục hình tròn bằng đất sét.

***

Khi còn bé, chúng tôi nặn đất sét. Cô giáo dưỡng to béo chia cho chúng tôi mỗi người hai cục đất sét. Một cục phải nặn thành hình ống dài, cục kia thành một cái bánh xèo mỏng. Nếu gắn ống và bánh xèo sẽ thành một cái nấm. Một nhiệm vụ đơn giản đối với lũ trẻ sắp lớn.

Tôi đặt tay lên đất sét. Tách hai cục đất sét ra. Cố gắng nặn đất sét trên bàn. Vô ích. Tôi đẩy cục đất sét lăn trên bàn, nó chẳng mỏng đi cũng chẳng dầy hơn. Tôi quay sang cục thứ hai, kết quả cũng tương tự.

Mỗi đứa trẻ hoàn thành công việc một kiểu. Có đứa làm được cây nấm thẳng và đẹp đẽ, có đứa nấm nhỏ và cong queo. Cô giáo dưỡng đến bên từng đứa, ai cũng được cô khuyên, người thì được cô sửa lại mũ nấm, người được lại sửa chân nấm. Cô giáo dưỡng lại gần tôi.

– Xem cháu làm được gì nào? – Cô dịu dàng hỏi.
Tôi chống hai cục đất sét lên nhau. Theo tôi dù sao như vậy cũng có chút giống cái nấm.
– Đây là cái gì vậy? Cháu nặn gì đây?

Cô giáo dưỡng cầm chỗ đất sét của tôi, nặn bằng những động tác nhanh nhẹn khéo léo của đôi tay lành lặn.
– Giờ cháu hiểu phải làm thế nào chứ?

Tôi gật đầu. Giờ tôi đã hiểu.
– Và bây giờ, các cháu, chúng ta sẽ xem cây nấm của ai đẹp nhất. Cây nấm đẹp nhất là của Ruben.

Tôi nhìn lên bàn. Chiếc nấm đứng trước mặt tôi quả là thẳng thất và đúng nhất. Tôi chẳng thiết. Đó không phải là chiếc nấm của tôi.

***

Con tôi nặn bố nó. Nặn bố thật dễ. Dễ hơn nặn cái nấm. Cần phải nặn hai cục đất sét hình tròn. Hai cục giống nhau, hai bánh xe của xe lăn.

***

Và bây giờ, các cháu, chúng ta sẽ xem cây nấm của ai đẹp nhất.

Leave a Reply