Tác gia và Đại gia

Trên HBR.org vừa có bài rất thú vị: “Think Like an Author, Not an Owner” (tạm dịch, hãy tư duy giống tác gia đừng giống đại gia”. Đại ý là nền kinh tế được dẫn dắt bởi 2 thế lực: các tác giả (tạo ra công nghệ, sản phẩm, v.v.) và chủ sở hữu (mua và khai thác các công nghệ, sản phẩm kia). Đến cuối cùng, lịch sử ghi nhận và đặt các tác gia cao hơn các đại gia.

Câu chuyện trong bài: Trước Mickey Mouse, từng có nhân vật hoạt hình rất nổi là chú thỏ Oswald. Tác giả của nó là Walt Disney và Ubbe Iwerks, và chủ sở hữu là Universal Studios. Khi Oswald trở nên nổi tiếng, US gây sức ép với các tác giả để có lợi nhuận lớn hơn, ví dụ đòi cắt giảm ngân sách sản xuất phim. Biết là chiến đấu về mặt pháp lý sẽ thua, hai ông đã tiếp tục làm những gì mà các tác gia làm tốt nhất – tạo ra nhân vật mới, chính là chú chuột Mickey.

Nhiều chủ sở hữu cho rằng thứ quý giá nhất là sản phẩm do các tác giả tạo ra, nhưng thực ra thứ quý nhất lại là khả năng tạo ra sản phẩm của các tác giả. US sở hữu nhân vật Oswald nhưng không sở hữu năng lực làm cho nó sống động. Với những sản phẩm hoàn thiện một lần (ví dụ một bức tranh), thì có thể không cần sự tham gia của tác giả nữa, nhưng với những sản phẩm liên tục được phát triển, được nâng cấp – ví dụ nhân vật hoạt hình, hay sản phẩm công nghệ, hay một mô hình kinh doanh, thì việc tác giả tiếp tục là vô cùng quan trọng.

Hôm trước, anh Hùng Viettel và anh Bình FPT có cuộc trao đổi về nhiều nội dung, trong đó có công nghệ. Anh Hùng nói “công ty không sở hữu công nghệ, mà là cá nhân hoặc nhóm nhỏ”, anh Bình thì khẳng định ngược lại “công ty sở hữu công nghệ”. Lúc đó mình thiên về ủng hộ anh Hùng, cũng chưa lý giải được tại sao, nay đọc bài của HBR thì hiếu ý anh Hùng chính là về các tác giả. Công ty muốn có sản phẩm, có công nghệ thì phải tìm được những cá nhân có khả năng làm việc đó.

Tác giả luôn là những cá nhân cụ thể, chủ sở hữu có thể là pháp nhân. Đại diện chủ sở hữu sẽ thay đổi theo thời gian và thường có mục tiêu kinh tế chứ k0 gắn bó với sản phẩm. Nôm na, được giá là bán. Các tác giả thì thường gắn bó với sản phẩm hơn hẳn, yêu nó như ruột thịt, và không chỉ hướng đến mục tiêu kinh tế. Theo bài báo, “Universal Studios coi Oswald như một công cụ để kiếm tiền, còn Disney coi tiền như một công cụ để làm nên lịch sử – lịch sử hoạt hình”. Tất nhiên, chủ sở hữu cũng có vai trò của mình, mà quan trọng nhất là giúp mở rộng (scale) và chèo chống tổ chức trong thời kỳ suy giảm sáng tạo của các tác gia.

Cũng trong trao đổi giữa lãnh đạo Viettel và FPT, anh Hùng chia sẻ về chuyện cần tạo cơ hội cho thế hệ tiếp theo đẻ ra những “đứa con” của mình, cũng như thế hệ trước đã đẻ ra Viettel. Đó chính là cơ hội để các cán bộ trở thành tác giả chứ không chỉ là đại diện hay giúp việc cho chủ sở hữu (đôi khi đã từng là tác gia trong quá khứ). Thực tế FPT cũng vậy, bản thân FPT hay các mô hình hoạt động trong nó như FTEL, FSOFT, FU, VnE, v.v. đều mang dáng dấp các tác giả tạo ra chúng. Những chính sách như “Thành Cát Tư Hãn” cần chú ý đến những nhu cầu của tác gia nhiều hơn, thay vì quá chú ý vào mục tiêu tài chính.

Bài báo kết luận, suy cho cùng, người tạo ra giá trị cho xã hội là các tác gia chứ k0 phải các đại gia.

1 thought on “Tác gia và Đại gia

  1. Pingback: Bàn về Tác gia và Đại gia ( Câu chuyện thương hiệu )

Leave a Reply