Đếch biết gì cũng tiến (hay là giá trị của sự ngu dốt)

Nhà FPT có câu “tiến lên toàn cầu đếch biết gì cũng tiến”, thể hiện máu liều và đồng thời cũng tự trào bản thân là không biết mà vẫn cứ làm.

Nhưng hóa ra, cái sự ngu dốt, “đếch biết gì” đó lại chính là điều kiện cần cho sáng tạo. Đúng hơn là “đếch biết gì (nên) mới tiến”. Thử xem hai câu chuyện:

Giữa thế kỷ 19, người ta lập kế hoạch đào hầm qua núi Hussac để mở đường sắt từ Massachusetts sang New York. Thăm dò cho thấy núi chỉ toàn đá mềm, đào hầm không khó, dự tính tiêu mất 2 triệu đô. Thực tế là việc đào hầm khó khăn hơn rất nhiều, tiêu tốn gấp hơn chục lần so với dự toán. Nếu biết trước như vậy, các nhà đầu tư đã không đời nào bỏ tiền ra làm tuyến đường sắt này. Tuy nhiên, nếu vậy thì cả khu vực đã không thể phát triển được như về sau.

Câu chuyện thứ hai là một nhà máy giấy ở Pakistan. Nhà máy trông cậy vào rừng tre gần đó làm nguyên liệu, nhưng đúng lúc xây xong thì cả khu rừng ra hoa, tre chết sạch. Bên bờ phá sản, người ta buộc phải đi tìm các loại nguyên liệu khác, vùng khác. Cuối cùng, nhà máy phát triển được thêm nhiều loại nguyên liệu, nhiều vùng nguyên liệu và trở nên giá trị hơn hẳn so với phương án ban đầu.

Vậy thì, sự ngu dốt là trở ngại hay là điều kiện cần cho tiến bộ?

Theo “nguyên tắc bàn tay ẩn” của Hirschman, sự sáng tạo luôn đến với ta một cách bất ngờ: ta không thể trông chờ vào nó và chỉ dám tin khi nhìn thấy nó xảy ra. Suy ra, ta không thể lập kế hoạch chủ động cho sự sáng tạo, mà thường có nó khi bị rơi vào tình huống không lối thoát. Quả thực chúng ta không bao giờ lập kế hoạch cho sáng tạo, vì ngay từ đầu chúng ta thường cố gắng làm cho các mục tiêu càng “khả thi” càng tốt (doanh thu chẳng hạn), đồng nghĩa là cố gắng làm sao để chẳng phải sáng tạo gì cả!

Một số nhà lãnh đạo ý thức được giá trị của sự ngu dốt và tìm cách sử dụng nó một cách hiệu quả. Ví dụ Narayana Murthy của Infosys đã áp dụng nguyên tắc có tên là “mức độ ngu dốt tối ưu” (Degree of Optimal Ignorance – DOI) để ra quyết định. Theo đó, “kiến thức của lãnh đạo về vấn đề quan tâm phải kém hơn so với cấp dưới và phải nhiều hơn so với cấp trên. Mức độ tối ưu sẽ hình thành trên cơ sở tích lũy kinh nghiệm.

Có lẽ những lãnh đạo “Biết Tuốt” sẽ là trở ngại lớn cho sự sáng tạo trong tổ chức của mình.

3 thoughts on “Đếch biết gì cũng tiến (hay là giá trị của sự ngu dốt)

Leave a Reply to Phan Phuong DatCancel reply