Trong cuốn sách của mình, Anastasia Veselko, một nhà tư vấn tài chính cá nhân và là tác giả của blog Cô gái có tiền, đã phá vỡ định kiến rằng một phụ nữ không thể tự kiếm tiền mua nhà và hoàn toàn độc lập về tài chính.

Ảnh trong bài gốc forbes.ru
“Không phải là tiết kiệm, mà là quản lý chi phí” – Veselko sửa lỗi cho độc giả blog. Trong cuốn “Cô gái có tiền: sách về tài chính và suy nghĩ lành mạnh” sẽ được nhà xuất bản Alpina cho ra mắt vào tháng 11, cô chia sẻ những chiêu trò (life hack) mà rốt cuộc sẽ giúp bạn gom tiền đi du lịch, mua căn hộ mới và có tuổi già sung túc. Được NXB cho phép, Forbes Woman đăng vài trích đoạn.
Tiền là một loại tài nguyên. Bạn có được chúng bằng cách đánh đổi thời gian, khả năng và thói quen của mình. Và thật tuyệt khi sử dụng chúng cho lợi ích của bạn, để chúng phục vụ các mối quan tâm của bạn, giúp bạn đạt được mục tiêu đề ra.
Thật tiếc nếu, giống người Anh điêng, bạn đi đổi vàng lấy hạt thủy tinh, nghĩa là đánh đổi thời gian và sức lực của mình cho một tủ chứa đầy những thứ không cần thiết, cho thực phẩm ném vào thùng rác, cho mỹ phẩm mà, vì không cần đến, sẽ sớm được chuyển sang túi trang điểm của mẹ hoặc chị.
Tiền nên được dùng để đạt mục tiêu của bạn!
Chuyện thường xảy ra: bạn thấy trên Instagram ảnh của một người bạn trong một khách sạn mới ở Hy Lạp, hoặc một cửa hàng ở Milan, hoặc tại khóa học diễn thuyết. Bạn vào “chỉ để xem và đọc các comment”, và sau nửa giờ thì phát hiện ra mình đã kịp mua thẻ thành viên, đã đặt chỗ hoặc mua gì đó.
Nhưng, từ lâu bạn đã muốn đến một khu nghỉ dưỡng, học tiếng Tây Ban Nha, kiểm tra sức khỏe và đưa mẹ đi biển. Nhưng, than ôi, lại không còn tiền cho những việc này. Tôi thậm chí không nói về những việc lớn của tương lai như một ngôi nhà bên bờ biển hay học hành của con cái.
Chi phí là vô tận, và thu nhập thì hạn chế – có vẻ là sự thật hiển nhiên, nhưng dường như ta không muốn đồng ý với nó. Nếu để ngân sách chảy tự do và không đưa ra quyết định cân nhắc về cách tiêu tiền, thì các quảng cáo, bạn bè, ngân hàng, đồng nghiệp hoặc cha mẹ sẽ làm hộ bạn điều này.
Chị thì rủ đi mua váy mới cho bữa tiệc. Cha mẹ nhấn mạnh rằng đã đến lúc mua căn hộ. “Vì bạn xứng đáng!” – Biển quảng cáo bồi thêm.
Làm thế nào để giữ cân bằng? Làm sao học cách điều phối giữa ham muốn ngắn hạn và kế hoạch dài hạn? Có một giải pháp, và bạn biết điều đó: lập kế hoạch ngân sách và tiêu dùng có ý thức. Vâng, vâng, tôi biết, bạn ngay lập tức đã nhăn mặt vì chán. Cũng như nhăn mặt trước một sự thật không thể chối cãi khác: “Để giảm cân, bạn cần ăn ít hơn”. Biết sao được, khi chỉ có mỗi cách đó, cả với giảm cân và tiêu pha. Khi bạn cầm lái tài chính của mình, bạn sẽ trở nên thoải mái và nhẹ nhàng hơn rất nhiều để sống bây giờ và nhìn về tương lai.
Bạn hình dung được cơ hội và biết mục tiêu của mình: một kỳ nghỉ ở Ý vào mùa hè này, học hành của con trong 10 năm, một ngôi nhà nghỉ năm 60 tuổi. Thật tuyệt khi biết rằng có một khoản tiền cho sự kiện không lường trước được, tiền đi nghỉ đã gom, và đủ cho cả dịp kỷ niệm của mẹ.
Đồng thời, bạn chắc chắn rằng ngày mai sẽ không phải trả các khoản nợ hôm nay. Ngược lại, bạn sẽ nhận được tiền lãi từ các khoản đầu tư và vui sống.
Hãy hình dung việc bớt lo về tương lai sẽ giảm căng thẳng hàng ngày như thế nào. Chả lẽ các vấn đề môi trường, tin đồn công sở và các cuộc họp phụ huynh chưa đủ sao? Chí ít, riêng tài chính thì ta có thể đưa vào quy củ. Ngoài ra, căng thẳng là nguyên nhân của lão hóa. Hãy coi như bằng cách này, bạn đầu tư thời gian và sức lực cho sắc đẹp và tuổi trẻ của chính mình.
Vâng, để được thế thì phải làm việc. Hiểu, học, mắc lỗi lúc đầu, nhưng nó đáng thế. Dần dần, bạn sẽ bắt đầu hiểu. Đầu tư sẽ không còn là gì đó trừu tượng, mà sẽ được thể hiện bằng lãi suất rất thực trên một khoản tiền gửi, bằng cổ tức. Và tin tức tài chính với bạn sẽ không còn là một bài văn tiếng Trung Quốc, mà là một hành động thú vị. Mọi người sẽ bắt đầu tìm kiếm lời khuyên của bạn. Ở quán cà phê, bạn sẽ không buôn về người này người nọ, mà về các chiến lược đầu tư.
Tài chính là một khía cạnh to lớn và thú vị của cuộc sống, sao lại bỏ qua? Và cuối cùng, bạn không muốn làm gương cho trẻ em sao?
Thông thường, khi kể về sự dốt nát tài chính của mình, ta bắt đầu bằng một bài tẻ nhạt “bố mẹ không dạy, không chỉ, không giải thích”, hay “trong gia đình không nói chuyện tiền nong”, hay “với mẹ thì tài chính là một khu rừng tối, bà thậm chí còn không dùng thẻ”. Hãy làm sao để con bạn không thế.
Bạn truyền cho chúng tình yêu với ăn uống lành mạnh và thể thao, dạy chúng đánh răng và nói “làm ơn”. Tương tự, thói quen suy nghĩ về tiền sẽ có ích cho chúng trong tương lai – sẽ tiết kiệm nơ ron thần kinh, thời gian và tiền bạc của chúng. Và cả của bạn nữa.
Các tư duy (settings) có hại
Trước khi tiến hành hành động quyết định, ta sẽ chuẩn bị tinh thần và loại bỏ cỏ dại tư duy, để hạt giống của các quyết định tài chính lành mạnh sẽ rơi xuống mảnh đất đã được làm cỏ.
Cỏ dại là những tư duy (settings) có hại đã mọc rất vững chắc trong những cái đầu nữ xinh đẹp. Có nhiều định kiến về tiền bạc, nhưng về sự kết hợp “phụ nữ và tiền bạc” thì đặc biệt nhiều. Chúng ngăn cản ta phát triển, phấn đấu cho tự do tài chính, và ngăn ta tin vào sức mạnh của chính mình. Và kết quả là, những phụ nữ thông minh, nữ doanh nhân, người thành đạt cảm thấy bất lực khi nói đến tài chính cá nhân, nghi ngờ bản thân, chọn cách vùi đầu vào cát hoặc hy vọng phép màu.
Điều lạ nhất là ngay cả những người chuyên nghiệp về tài chính cũng rơi vào cái bẫy này. “Mặc dù tôi học kinh tế, làm kế toán quản trị và tài chính của công ty, thành thạo các chỉ số tài chính, nhưng về tài chính cá nhân thì tôi hoàn toàn không biết gì. Vì đếm tiền của người khác là một chuyện, còn nhân số tiền của bạn lên là chuyện khác. Đó là những năng lực khác nhau” – một khách hàng của tôi đã chia sẻ trong quá trình tư vấn.
Có lẽ, vấn đề chính là suy nghĩ trong đầu và kỳ vọng của chúng ta. Ta đinh ninh ngay từ đầu rằng tài chính “không phải là việc của tâm trí phụ nữ.” Do đó, tôi đã viết một cuốn sách dành riêng cho phụ nữ: bản thân tôi biết nó khó khăn như thế nào đối với chúng ta. Hãy cùng xem xét kỹ hơn các tư duy phổ biến nhất.
“Tài chính là xa lạ với tôi”
Câu này được nói ra với nụ cười ngượng ngùng. Điều này được hiểu là: “bạn thấy đấy, kế toán không dành cho tôi. Tôi là người bay bổng, ngẫu hứng, tôi lướt qua cuộc sống và không muốn phải tiết kiệm cho một ngày đen tối nào”
Một phương án khác: “Tôi là người theo chủ nghĩa nhân văn, những con số không phải là sở trường của tôi.” Và trong trường hợp này cũng vậy, nó ngụ ý rằng một người toan tính thì không nữ tính.
Các cô gái, đây là sự tự lừa dối!
Không thể tách mình khỏi tiền đâu. Đây không phải là vật lý hạt nhân, lĩnh vực mà hầu hết chúng ta chẳng liên quan gì. Mỗi ngày, ta đều thực hiện giao dịch và đưa ra quyết định tài chính. Vì vậy, hãy làm điều đó một cách có ý thức và vì lợi ích của chính ta.
“Phụ nữ xử lý số má rất tệ”
Lại một định kiến không có nền tảng. Thế ở trường ai học giỏi hơn?
Này các cô gái! Thực tế là kiến thức toán học phổ thông thừa đủ để quản lý tiền nong và đưa ra quyết định đúng đắn trong lĩnh vực tài chính.
Khi tôi đề nghị các khách hàng nữ thực hiện một phép tính đơn giản về tiền gửi ngân hàng, họ đã xin thứ lỗi, bởi vì “không hề tính toán gì kể từ khi tốt nghiệp”. Thật không?
Thế thì, tại sao bạn biết rằng một chiếc túi trong một cửa hàng trực tuyến Mỹ rẻ hơn trong cửa hàng của ta, thậm chí với mức giảm 30%? Thấy chưa, rõ là bạn có khả năng cho một số tính toán toán học cơ bản.
Tôi đảm bảo với bạn là không cần hơn. Chỉ cần suy nghĩ thông thường và một máy tính trực tuyến là đủ.
“Người phụ nữ giàu khiến đàn ông xa lánh”
Dường như là vì ta đang nói về một phụ nữ giàu có và xấu xí. Thay vào đó, hãy tưởng tượng một vẻ đẹp trẻ trung, khêu gợi (ví dụ Kaia Gerber).
Cô ấy khiến đàn ông xa lánh ư? Tôi không nghĩ thế… Có lẽ, câu đó có ý là một khi cô gái có tiền, thì sẽ yêu cầu cao hơn đối với đàn ông. Thế thì quá tốt! Hãy tìm cho mình một bạn đồng hành xứng đáng. Đồng thời, tiền bạc sẽ giúp bạn trẻ trung, xinh đẹp và khỏe mạnh hơn.
“Hãy để đàn ông mua nhà”
Có cô gái đã trả lời tôi như vậy khi tôi đề nghị suy nghĩ về việc mua nhà. Thật tiếc, không chỉ cô ấy nghĩ thế.
Sao phải nghĩ bây giờ nếu bạn vẫn có thể hy vọng vào phép lạ? Hơn nữa, khi chinh mình không thực sự tin rằng điều này là có thể: một đằng là kiếm tiền để mua túi, đằng khác là bất động sản.
Nhưng tại sao không? Mỗi chúng ta đều có thể mua nhà. Có thể be bé thôi, nhưng là của bạn. Chỉ cần một khoản thanh toán ban đầu, sau đó là vay thế chấp. Và không nên trì hoãn chuyện này. Ở tuổi 30, bạn thương hại những người vay thế chấp: “những kẻ dại dột, tự nhiên trở thành nô lệ, không tiền đi du lịch, không mua sắm.” Nhưng đến 40, bạn thấy rằng những “kẻ dại dột” đã trả tiền hết tiền vay từ lâu, đã có sự nghiệp, đi du lịch và sống trong căn hộ của mình, còn bạn thì lại một lần nữa đi tìm “chủ” mới.
Còn chuyện chồng mua thì quá tốt! Chúc cho tất cả tìm được một ông chồng có nhà. Nhưng căn hộ của riêng bạn không thừa. Tôi đã mua một căn hộ studio ở tuổi 28. Vài năm sau, tôi chuyển đến ở với chồng và cho thuê căn hộ của tôi – điều này giúp trả tiền vay. Sau đó, chúng tôi đã bán nó và mua căn hộ rộng hơn. Tôi thích việc này. Tôi nghĩ rằng sẽ còn thực hiện nhiều giao dịch bất động sản.
“Ta sống có một lần”
Một lần, đúng thế. Sẽ không có cơ hội thứ hai để đảm bảo tương lai cho chính bạn. Những cô gái này hay nói: “phải thử mọi thứ trong đời!” – hàm ý những cuộc phiêu lưu và thám hiểm. Vậy hãy thử tiết kiệm tiền. Hãy thử chi tiêu ít hơn số tiền mình kiếm được. Hãy thử mua một căn hộ và giúp đỡ cha mẹ.
“Vì tôi xứng đáng với điều đó”
Khẩu hiệu, xuất hiện vào năm 1971, vẫn đang tự tin tung hoành trên hành tinh – một tràng pháo tay cho tài năng tiếp thị của L’Oréal Paris! “Khẩu hiểu này hướng đến phụ nữ, tập trung sự chú ý của họ vào bản thân, vào vẻ đẹp bên trong và bên ngoài của họ, khiến họ cảm thấy mạnh mẽ và tự tin hơn” – đại diện thương hiệu giải thích.
Chà, ý định rất cao quý, nhưng nó khiến ta quen với việc biện minh cho những thứ ta mua dù không đủ tiền: một kỳ nghỉ mà ta chưa kiếm được, một chiếc iPhone đời chót bằng tiền vay. “Vì tôi xứng đáng với điều đó!” Xứng đáng với cái gì chứ: lãi vay ngân hàng? Căn hộ đi thuê? Tuổi già ăn bám con cái? Không, các cô gái ạ, chúng ta xứng đáng có tài khoản ngân hàng, thu nhập thụ động, tuổi già sung túc và bất động sản của mình.
“Túi hàng hiệu cũng là đầu tư”
Thử tra từ điển: “Đầu tư – phân bổ vốn để thu lợi nhuận”. Túi không mang lại lãi suất như tiền gửi ngân hàng. Điều này nghĩa là bạn chỉ có thể kiếm được lợi nhuận bằng cách bán nó đắt hơn lúc mua. Túi thực sự đang trở nên đắt hơn, và nhiều người đang chạy theo thủ thuật này. Nhưng, bạn có thể bán được cái túi mười tuổi của mình với giá của một cái mới không? Tôi rất nghi ngờ. Chưa kể bạn phải mất thời gian mặc cả, gặp khách hàng, quảng bá hàng. Trong khi, cổ phiếu mua mười năm trước, hôm nay có thể được chuyển đổi thành tiền trong ba phút.
Nhưng vì tò mò, tôi đã tính thử:
Một chiếc túi Chanel 2.55 cỡ trung có giá 220 đô la vào năm 1955 và 5.900 đô la vào năm 2019. Tính trung bình, giá tăng 5,3% mỗi năm. Chỉ số S&P 500, phản ánh giá trị cổ phiếu của các công ty lớn ở Mỹ, tăng trung bình 7,3%. Tức là, đầu tư vào cổ phiếu vẫn có lợi nhuận cao hơn.
“Tiền không phải là hạnh phúc”
Giàu có không liên quan đến mức độ hạnh phúc, đúng là “người giàu cũng khóc”. Số tiền rất lớn không cần thiết cho hạnh phúc, nhưng những khoản nhỏ và thường xuyên thì lại rất cần. Tồn tại một con số nhất định – nếu thu nhập của bạn thấp hơn, thì rất khó để hạnh phúc. Nó đã được tính toán: 80 nghìn đô một năm cho người Mỹ và 70 nghìn rúp một tháng cho người Nga. Khoản tối thiểu để có thể quên đi việc sinh tồn và bắt đầu sống. Hãy nghĩ xem, bao nhiêu người cao tuổi nước ta có loại thu nhập này? Còn bạn, bạn vẫn còn kịp chuẩn bị cho mình.
“Lập kế hoạch là vô nghĩa cho những gì sẽ xảy ra 20 năm nữa!”
Nhiều người tin rằng lập kế hoạch: a) về tài chính; b) ở Nga – là hoàn toàn vô nghĩa. Tình hình quá bất ổn định. Dù các cuộc khủng hoảng được vượt qua, sự tự tin không tăng thêm. Thế nhưng: những người giữ tiền tiết kiệm bằng đô la đã vượt qua thành công cả năm 1998 và 2014; người hiểu thị trường chứng khoán mua cổ phiếu rẻ năm 2008 và kiếm lời 2000% mỗi năm; những người để dành tiền đã kịp mua căn hộ khi chúng hạ giá năm 2008, hoặc vay thế chấp rẻ năm 2018; những người quan tâm đến tài chính đã tận dụng cơ hội gửi tiền ngân hàng với lãi suất 19% trong năm 2015. Và vân vân …
Chắc chắn trong trí nhớ của bạn có một vài người quen dường như luôn có tiền. Cho kỳ nghỉ, cho điện thoại thông minh mới, và cho cả việc học hành của con cái. Thời Xô Viết, những người như vậy đã mua được xe hơi và xây căn hộ; ngày nay họ đầu tư chứng khoán, mua bất động sản và điều hành doanh nghiệp thành công. Những người này không ngại lập kế hoạch, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và dựa vào chính họ, chứ không phải vào lương hưu nhà nước. Chúng ta hãy đừng lo lắng về những thay đổi sắp tới, mà nghĩ về những gì sẽ luôn cần thiết. Và 20 năm nữa, tiền tiết kiệm, tài sản sinh lãi, khả năng đánh giá rủi ro và đưa ra quyết định tài chính đúng đắn vẫn sẽ rất thời sự.
“Không phải là cần chi tiêu ít hơn, mà là phải kiếm được nhiều hơn”
Một phản biện phổ biến, đáp trả đề xuất cẩn thận hơn về chi tiêu. Phổ biến – nhưng đồng thời không chính xác.
Thứ nhất, không hiểu sao người ta cho rằng “tiêu ít hơn” và “kiếm nhiều hơn” không thể cùng chung sống. Vâng, xin mời kiếm nhiều tiền, có ai cản đâu? Cá nhân tôi ủng hộ hai tay, chính tôi cũng có một kế hoạch. Nhưng, vấn đề là không phải lúc nào và không phải ai cũng thành công trong việc này.
Thứ hai, nó có vẻ như một lời kêu gọi để tiêu sạch tiền. Tôi sẽ kiếm được nhiều hơn để tiêu nhiều hơn, và tôi sẽ không tính toán chi phí và tối ưu ngân sách.
Thứ ba, bạn chỉ có thể tiêu những gì đang có, những gì bạn đã kiếm được, chứ không phải những gì bạn có thể, có kế hoạch hoặc hy vọng kiếm được. Đừng chia bộ da con gấu mà ta chưa bắt được, mà hãy sử dụng những gì đã có. Và hãy sử dụng một cách thông minh.
Đừng hy vọng rằng “khi nào kiếm được nhiều tiền, khi đó tôi sẽ bắt đầu quản lý.” Số tiền lớn thậm chí còn khó quản lý hơn. Để thường xuyên tiết kiệm 5 nghìn, bạn cần có kỷ luật tương tự như để tiết kiệm 100 nghìn hoặc quản lý tiền triệu. Với nhiều triệu, sẽ khó hơn.
Đặc biệt với các tín đồ của tư duy này, tôi xin bổ sung:
Michael Jackson đã trả 30 triệu một năm cho các khoản vay và để lại khoản nợ 400 triệu đô la sau khi chết.
Whitney Houston, ngay trước khi qua đời, đang trên bờ vực phá sản, tiêu sạch 100 triệu tài sản.
Pushkin sau khi chết vẫn còn nợ 120 nghìn rúp. Tương đương khoảng một triệu đô bây giờ. Sa hoàng đã giúp trả nợ.
Hãy làm ngay
Bạn có nhớ triết lý của những bước nhỏ? Thực hiện một bước nhỏ ngày hôm nay. Và một bước ngày mai. Và một ngày mốt.
1 bỏ ống 1 nghìn rúp.
2 Đến ngân hàng và mua 100 đô.
3 Đọc một tin tức tài chính.
4 Nói chuyện với đồng nghiệp trong bữa trưa, hỏi xem cô ta có quản lý ngân sách.
5 Ghi lại chi phí ngày hôm nay.
6 Đăng ký bất kỳ hội thảo tài chính miễn phí nào.
7 Đếm số tuần cho đến kỳ nghỉ tới của bạn, và tính xem cần tiết kiệm bao nhiêu mỗi tuần để tích lũy đủ tiền đến lúc đó.
8 Viết ra 5 điều bạn muốn làm khi nghỉ hưu (nghỉ ngơi ở resort, đi spa, cà phê sang chảnh, v.v.) và ước tính ngân sách cần thiết cho việc này.
9 Xem một cuộc nói chuyện TED về chủ đề giảm tiêu dùng (ít thứ hơn, hạnh phúc hơn).
10 Hãy nghĩ cách kiếm 10 nghìn rúp cho đến hết tuần.
11 Tính số tiền bạn kiếm được mỗi giờ. Và một năm?
12 Viết 30 biến thể của câu “Tiền là …”
Dịch từ nguồn, Forbes Russia (tiếng Nga)
Pingback: Lời khuyên cho phụ nữ: túi hàng hiệu, căn hộ hay tuổi già sung túc – làm sao để kiếm đủ tiền cho tất cả các thứ – Site Title