“Đáng chết”

Chính quyền nào cũng cần tính chính danh – lý do tại sao họ được cầm quyền. Ngày xưa, vua tự xưng là thiên tử, tức là được Trời ban cho quyền lực tuyệt đối dưới thiên hạ. Đến khi triều đại lung lay, sẽ có nhiều nhân kiệt xuất hiện theo “ý Trời” như họ tuyên bố, và chiếm ngai vàng. Trời đã chuyển sang ủng hộ họ. Đến lượt mình, vua chư hầu cần được thiên triều tấn phong để chính danh. Các vua nhà Nguyễn, dù đóng đô ở Huế, mỗi khi lên ngôi phải ra Thăng long để nhận lễ phong của Hoàng đế Trung Hoa.

Ngày nay, tính chính danh của nhà cầm quyền là do dân bầu, đại diện cho nhân dân. Do đó họ luôn tuyên bố mọi thứ họ làm là “của dân, do dân, vì dân”. Người dân, khi có tội, được xét xử thông qua tòa án, bảo đảm các quyền tố tụng của họ, và tòa án hoạt động độc lập với chính quyền. Nhưng cũng có tình huống chính quyền, vì mục đích nào đó, muốn trừng phạt và kết án ai đó ngoài tòa hay trước khi ra tòa, thì họ làm thế nào? Họ không thể làm điều đó với “dân” vì sẽ mâu thuẫn với tính chính danh của họ, do đó họ sẽ tìm cách loại bỏ đối tượng ra khỏi khái niệm “người dân”, tước đi quyền công dân của họ, đặt ra ngoài phạm vi được pháp luật bảo vệ.

Một khi dư luận tin vào điều đó, sẽ có nhiều người tình nguyện và hăng hái tham gia vào quá trình xét xử và trừng phạt kẻ bất hạnh kia một cách tự phát, bằng lời nói hay thậm chí là hành động. Trong mắt những người này, kẻ bất hạnh không phải là một thành viên trong xã hội nữa (ví dụ không phải là “dân lành” nữa), và được dán mác “đáng chết”. Rất nhiều chuyện như thế đã xảy ra trong lịch sử, từ săn phù thủy, cách mạng Pháp, tổ chức KKK ở Mỹ, “kẻ thù của nhân dân” ở Nga, hay đấu tố địa chủ ở Việt Nam. Các nạn nhân bị kết đủ thứ tội, thật có bịa có, không có cơ hội bào chữa, và được xử không phải theo luật, mà bởi thứ “tiến bộ” hơn, ví dụ như trong cách mạng Pháp, bị xử bởi “lương tri cách mạng”. Có điều, không hiểu sao trong 100 vụ thì “lương tri cách mạng” đòi hành quyết cả 100!

Điều đáng sợ là số đông kia tin rằng mình đang thực thi hoặc góp phần thực thi công lý, đang làm việc thiện, góp phần trừ “ác quỷ”. Họ không thể ra về mà không đích thân đạp một phát, càng đau càng tốt, vào con người đang nằm co quắp giữa đám đông hò reo. Cũng có những người có động cơ thực dụng để làm thế, nhưng đa số thực sự tin rằng họ làm thế vì gì đó cao đẹp.

Theo Kinh Thánh, Chúa Trời cấm Adam và Eva ăn trái từ cây phân biệt Thiện Ác. Có lý giải rằng, Ngài làm thế vì Adam và Eva chưa đủ trưởng thành, nếu ăn trái cây này thì sẽ ngộ nhận về Thiện Ác, tức là làm điều Ác trong khi đinh ninh rằng mình đang làm việc Thiện. Trong lịch sử, nhiều cuộc tàn sát xảy ra vì người ta tin rằng mình đang chiến đấu cho chính nghĩa.

Nếu ai đó đang nóng lòng “thực thi công lý”, xin hãy chậm lại một nhịp và suy nghĩ kỹ trước khi lên tiếng hay hành động. Đừng cố chen vào đạp kẻ đã ngã, cho dù có tin rằng trước đó họ đã gây những tội ác gì. Hãy phê phán bản thân việc ác, hành vi xấu, nhưng hãy tránh việc tự trao cho mình quyền kết án và trừng phạt. Có lẽ cách này sẽ giúp bớt đi một thứ phải ân hận về sau.

QuotePics.com | Only Love Can Drive Out Hate | QuotePics.com

 

2 thoughts on ““Đáng chết”

  1. Nguyen Van Thang

    Đúng là cần tìm hiểu lịch sử để hiểu bản chất các sự kiện của hiện tại.

    Reply

Leave a Reply to Nguyen Van ThangCancel reply