Phân biệt: ý thức, tiền ý thức, tiềm thức và vô thức

Bài này giới thiệu và phân biệt các khái niệm trên, nằm trong mô hình topo về tâm trí của Freud.

Các khái niệm này đều đã tồn tại trước Freud, nhưng Freud là người tổng hợp và diễn giải chúng một cách hệ thống hơn. Trong cuốn Giải mã giấc mơ viết năm 1900, Freud trình bày mô hình topo của tâm trí (topographic model of the mind, ý nói bản đồ, địa hình của tâm trí), theo đó tâm trí có thể được chia làm 3 khu vực: ý thức (conscious), tiền ý thức (preconscious) và vô thức (vô ý thức – unconscious). Đây là một trong ba mô hình quan trọng trong lý thuyết phân tích tâm lý học (phân tâm học) của Freud, hai cái kia là mô hình phát triển tâm lý tính dục (psychosexual stages) và mô hình cấu trúc tâm lý (structural, nói về id, ego và superego).

Freud's Three Levels of Mind
Minh họa từ nguồn Verywell mind

Khái niệm tiềm thức (subconscious)

Bên cạnh ba khái niệm trên, còn có khái niệm subconscious (tiềm thức, tiềm = ẩn giấu). Một số người giải thích rằng tiềm thức chính là tiền ý thức, một số lại cho rằng tiềm thức tương đương với vô thức. Ví dụ trong bài này, tác giả coi tiềm thức là tiền ý thức:

“…cấp độ tiếp theo là tiềm thức (hay tiền ý thức), là thứ mà từ đó những giấc mơ được hình thành. Chúng ta có thể coi đó là kho lưu trữ tất cả những trải nghiệm được ghi nhớ, những ấn tượng để lại trong tâm trí bởi những trải nghiệm đó và những khuynh hướng được đánh thức hoặc củng cố bởi những ấn tượng này.”

Còn trong bài này, tác giả coi tiềm thức là vô thức:

“Nguyên tắc chung là, trong hầu hết các tài liệu chuyên môn đả động đến chức năng tâm thần (không chỉ bao gồm phân tâm học mà còn cả tâm thần học, tâm lý học và khoa học thần kinh, v.v.), giống như Freud, các tác giả có xu hướng sử dụng từ “vô thức” thay vì “tiềm thức”. Và mặc dù từ “tiềm thức” vẫn tiếp tục xuất hiện trong các tài liệu không chuyên môn, nó hiếm khi được định nghĩa cẩn thận, và có thể đồng nghĩa hoặc không đồng nghĩa với “vô thức”.”

Như vậy, có thể hiểu tiềm thức được sử dụng để chỉ cả tiền ý thức lẫn vô thức, và tốt nhất là tránh sử dụng nếu không muốn gây nhầm lẫn.

Mô hình topo của tâm trí, theo Freud

Phần ý thức của tâm trí lưu giữ thông tin mà bạn đang tập trung vào lúc này — những gì bạn đang nghĩ và cảm thấy ngay bây giờ (ví dụ khi đang đọc bài này).

Tiền ý thức chứa tư liệu có khả năng trở thành ý thức nhưng không nằm trong ý thức vào lúc này, bởi vì sự chú ý của bạn đang không hướng về nó. Nếu muốn chuyển tư liệu từ ​​tiền ý thức vào ý thức, bạn chỉ cần tập trung sự chú ý vào nó. Ví dụ, hãy xem xét những gì bạn ăn tối qua. Một tích tắc trước, thông tin đó là tiền ý thức và bây giờ nó đã nằm trong ý thức, bởi vì bạn đã “kéo nó” lên vùng ý thức. (Đừng lo lắng, trong một vài khoảnh khắc, nó sẽ quay về tiền ý thức và bạn có thể chuyển sang những việc quan trọng hơn). Vùng ý thức giống như người gác cổng, ta chỉ có thể truy cập vào tiền ý thức thông qua nó. Có thể hiểu nó chính là bộ nhớ của ta.

Vô thức — phần gây tranh cãi nhất của mô hình topo — chứa tư liệu tạo ra lo lắng (ví dụ: xung động tình dục, sự thôi thúc gây hấn) bị kìm nén một cách có chủ ý (được giữ bên ngoài vùng có ý thức như một hình thức tự bảo vệ, vì chúng khiến bạn không thoải mái).

Mặc dù các hành vi của chúng ta có xu hướng cho thấy có lực vô thức thúc đẩy chúng, ta lại không thể dễ dàng truy cập thông tin được lưu trữ trong tâm trí vô thức. Trong suốt thời thơ ấu của mình, chúng ta đã thu thập nhiều ký ức và trải nghiệm khác nhau và hình thành nên niềm tin, nỗi sợ hãi và bất an mà chúng ta mang theo ngày nay. Tuy nhiên, ta không thể nhớ lại hầu hết những ký ức này. Chúng là những lực vô thức thúc đẩy hành vi của ta.

Các thuật ngữ ý thức, tiền ý thức và vô thức tiếp tục được sử dụng ngày nay trong tâm lý học và nhiều nghiên cứu đã khẳng định đáng kể cho lý thuyết của Freud về quá trình xử lý ý thức và tiền ý thức. Nhưng sự tồn tại của vô thức vẫn còn gây tranh cãi. Một số nhà nghiên cứu lập luận rằng bằng chứng cho nó là thuyết phục, số khác cho rằng quá trình xử lý “vô thức” có thể được giải thích mà không cần thừa nhận sự tồn tại của một kho lưu trữ những mong muốn bị kìm nén và những thôi thúc rắc rối theo trường phái Freud.

Đến năm 1923, Freud đưa ra mô hình cấu trúc (structural model) với ba yếu tố id, ego và superego, và kết hợp với mô hình topo này để tạo ra “cấu trúc nhân cách theo Freud” – xem ở cuối bài.

Lỡ lời kiểu Freud (Freudian slip)

Một cách để hiểu cách thức hoạt động của tâm trí ý thức và vô thức là xem xét cái được gọi là lỡ lời. Nhiều người trong chúng ta đã trải qua cái được gọi là lỡ lời kiểu Freud vào một thời điểm nào đó. Những lời nói lỡ này được cho là tiết lộ những suy nghĩ hoặc cảm xúc tiềm ẩn, vô thức.

Freud tin rằng mặc dù tâm trí vô thức phần lớn không thể tiếp cận được, nhưng một số nội dung đôi khi có thể nổi lên một cách bất ngờ, chẳng hạn như trong giấc mơ hoặc khi lỡ lời. Một ví dụ về Freudian slip là một người đàn ông vô tình sử dụng tên bạn gái cũ khi đề cập đến bạn gái hiện tại. Trong khi hầu hết chúng ta cho rằng đây là một lỗi bình thường, thì Freud cho rằng sự lỡ lời đó cho thấy sự xâm nhập đột ngột của tâm trí vô thức vào tâm trí có ý thức, và thường do những cảm xúc chưa được giải quyết hoặc bị kìm nén (và suy luận này chưa chắc đã đúng).

Mô hình cấu trúc nhân cách của Freud

Freud xây dựng một framework về việc nhân cách được cấu trúc như thế nào. Theo Freud, động lực cơ bản của nhân cách và hành vi là ham muốn tình dục (libido). Năng lượng libido này được cung cấp cho ba thành phần tạo nên nhân cách: cái nó, cái tôi và siêu tôi.

  • Cái nó (Id) là khía cạnh của nhân cách khi một người ra đời. Đó là phần nguyên thủy nhất của nhân cách, và thúc đẩy người ta thực hiện những nhu cầu và ham muốn cơ bản nhất của họ.
  • Cái tôi (Ego, bản ngã) là khía cạnh của nhân cách chịu trách nhiệm kiểm soát những thôi thúc của id và buộc nó phải hành xử phù hợp với thực tế.
  • Cái siêu tôi (super-ego, siêu ngã) là khía cạnh cuối cùng của mà nhân cách cần phát triển, và chứa đựng tất cả những lý tưởng, đạo đức và giá trị được thấm nhuần bởi cha mẹ và nền văn hóa. Phần nhân cách này cố gắng hướng ego hành xử theo những lý tưởng này. Khi đó, ego phải điều hòa giữa những bản năng nguyên thủy của id, những tiêu chuẩn lý tưởng của super-ego, và thực tại.

Khái niệm về id, ego và super-ego của Freud đã trở nên nổi tiếng trong văn hóa đại chúng, bất chấp việc thiếu sự ủng hộ và hoài nghi đáng kể từ nhiều nhà nghiên cứu. Theo Freud, chính ba yếu tố này của nhân cách kết hợp với nhau tạo nên những hành vi phức tạp của con người.

Kết hợp mô hình topo và mô hình cấu trúc của Freud, ta có bức tranh “cấu trúc nhân cách theo Freud” như sau (iceberg metaphor):

Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Sigmund_Freud

Tham khảo thêm:

The Psychodynamic Perspective (NOBA project)
The Preconscious, Conscious, and Unconscious Minds (Verywell mind)
Preconscious (wikipedia)

5 thoughts on “Phân biệt: ý thức, tiền ý thức, tiềm thức và vô thức

  1. reflect.and.rethink

    Chào blog. mình rất thích bản dịch này và rất muốn được chia sẻ đến với nhiều người hơn. Mình không biết liệu có thể reup bài viết này được không ạ? Mình sẽ trích link gốc và update link bài viết reup tại mục comment này! Cảm ơn bạn đã lắng nghe!

    Reply
  2. Anonymous

    dạ con chào chú, con vào đọc bài và thấy rất hay ạ, con xin phép trích lấy 1 vài ý và triển khai viết những bài mới (trên Facebook) ạ. Con sẽ trích dẫn và ghi nguồn đầy đủ ạ. Mong chú sớm hồi âm ạ.

    Reply

Leave a Reply to Phan Phuong DatCancel reply