Ông Nguyễn Lân là tác giả của một số cuốn từ điển được sử dụng nhiều ở Việt Nam, trong đó có 3 cuốn: (1) Từ điển từ và ngữ Việt Nam, (2) Từ điển từ và ngữ Hán Việt, (3) Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam. Bản thân tôi cũng có cuốn (1) ở nhà. Gần đây, trên mạng có một số bài viết phân tích những sai sót mang tính hệ thống trong các cuốn sách trên, để cho chắc chắn, tôi cũng thử kiểm tra lại ngẫu nhiên một số dẫn chứng thì thấy các tác giả các bài phân tích là đúng. Những cuốn sách này, nếu vẫn được dùng làm chuẩn mực, thì sẽ có hại cho người học rất nhiều.
Điều đáng kinh ngạc (chứ không phải ngạc nhiên) là tại sao những quyển sách tai hại như thế này lại được in ra, thậm chí được tái bản nhiều lần, và tại sao một tác giả (đã từng) uy tín như ông Nguyễn Lân lại có thể làm ẩu như vậy. Là người yêu tiếng Việt, tôi muốn các bài viết này được nhiều người đọc hơn, và các quyển từ điển nguy hại kia bớt tác oai tác quái.
Trong bài của mình, tác giả Lê Mạnh Chiến có kể về việc bài viết của mình bị ông Nguyễn Lân Dũng, con trai ông Nguyễn Lân, gây khó dễ, cản trở đăng. Không có thông tin kiểm chứng nên tôi không dám khẳng định, nhưng cũng mong ông Lân Dũng cũng như tất cả những người khác tranh luận trên tinh thần khoa học, chứ không tìm cách bưng bít – đó không phải là cách bảo vệ uy tín cho tác giả các cuốn từ điển trên, mà ngược lại.
Dưới đây là link các bài viết:
A. Chùm bài của Hoàng Tuấn Công:
- Kỳ 1: Phương pháp luận
- Kỳ 2: Thiếu kiến thức cơ sở ngôn ngữ học
- Kỳ 3: Lỗ hổng kiến thức Hán Nôm
- Kỳ 4: Kiến văn và tra cứu
- Kỳ 5: Tư duy logic
B. Một bài riêng cũng của Hoàng Tuấn Công:
Những sai lầm mang tính hệ thống trong “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ VÀ TỤC NGỮ VIỆT NAM”
C. Bài của Lê Mạnh Chiến:
Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt