Tag Archives: nguyễn thành nam

Vạn lý lập trình ty: review sau 12 năm

Phi lộ. Anh Nguyễn Thành Nam, tôi và một team đang xây dựng và dạy môn học Understanding FPT Culture – phân tích văn hóa FPT theo lý thuyết của Edgar Schein. Trong phạm vi môn học, FPT Software được lấy làm ví dụ cho sự hình thành và phát triển của một tiểu văn hóa (subculture) bên trong FPT, qua 4 giai đoạn Forming, Storming, Norming và Performing. Theo anh Nam, các giai đoạn đó của FSOFT được hình thành trong các năm: 94-98, 99-2004, 2004-2011 và từ 2011-2021, mỗi giai đoạn đều có những quyết định bước ngoặt.

Continue reading

“Hết hạn bí mật”

(Bài của anh Nguyễn Thành Nam trên facebook cá nhân, ngày 10/1/2018)
(kỷ niệm 19 năm thành lập Fsoft)
Hồi mới thành lập Fsoft, anh Bình cứ dặn đi dặn lại quan trọng nhất chỉ có vấn đề quy trình và đào tạo đội ngũ. Chuyến đi đầu tiên sang Ấn năm 1998, gặp ai cũng hỏi: chúng mày có quy trình không? Hùng Râu còn suy luận, quy trình thế nào cũng phải in ra, mà ít thằng đọc nên sẽ vứt vào thùng rác, nên hắn hay lén lút ra nhặt rác đút vào cặp. Tất nhiên toàn là rác thật. Có tối đi ăn, gặp 1 cậu rất đẹp giai, công ty 600 người, nói về quy trình thao thao bất tuyệt. Bỗng dưng cậu ấy dừng lại hỏi độp a Bình: mày có phải đảng viên cộng sản không? A Bình hoảng sợ, ấp úng, à không, kiểu nhưng mà tốt… Cậu ấy cười to: bố tao là chủ tịch Đảng Cộng sản bang này đấy, tao cũng học Đại học hữu nghị Matxcova (trường chuyên đào tạo con em lãnh đạo các nước cộng sản). Anh em tiếc hùi hụi, biết thế a Bình khai là cộng sản gộc, biết đâu nó lại cho bửu bối “quy trình”.
Để thấy copy được cũng đâu phải dễ. Phải có cao thủ. Cỡ như Phan Phương Đạt. Thi Toán quốc tế. Tốt nghiệp tiến sĩ Toán từ nước ngoài về. Anh nhận làm công tác nhân sự và đào tạo cho Fsoft lúc đó mới có 13 nhân viên:-)
Đầu năm 2000, tôi với Đạt lại đi Ấn độ tìm “quy trình”. Lúc đó chính phủ Ấn độ cho Việt nam vay 5m USD, chẳng biết dùng làm gì. Không hiểu anh Bình dỗ ngon ngọt thế nào chính phủ Việt nam quyết định sử dụng vào việc mua công nghệ đào tạo nhân viên của Ấn độ. Một Công ty lớn của Ấn độ biết vậy nên lobby tích cực FPT. Tôi với Đạt lên đường đến trung tâm đào tạo của họ tại Trivandrum, thủ phủ bang Kerala.
Trung tâm nằm trên một quả đồi rất đẹp, cây cối, nhà cửa… túm lại là thơ mộng. Chúng tôi sướng mê khi thấy phòng học quy củ, thư viện, bảng tin, sân chơi… lại còn được dự giờ của một vị sếp lớn với nhân viên mới, gọi là “encounter”, đại khái là nghe lãnh đạo tẩy não. Cũng như bây giờ, Đạt lăm lăm máy ảnh, chúng tôi chụp liên tục, cả bàn học, cách lắp đèn trên trần, các mẩu giấy dán trên bảng tin để về dò lại nội dung trên đó. Tuy nhiên hai cái quan trọng nhất curiculum đào tạo nhân viên mới và nhất là bài giảng về quy trình thì vẫn chẳng biết hỏi ai. Lại có một chú Ấn độ được cử take care nên cứ theo sát, cũng mất tự do.
Đạt đoán mò, hay mình vào thư viện hỏi mượn giáo trình giảng dạy cho bọn nhân viên mới, thế nào chẳng phải dạy quy trình. Y rằng có thật. Chúng tôi mừng húm, mỗi đứa một quyển đọc say sưa. Đạt có trí nhớ Toán học đọc đâu nhớ đây vậy mà được một lúc, cũng đơ luôn. Đạt đưa sáng kiến, bảo hay anh ra canh cổng, để em chụp ảnh. Được 4-5 trang thì một chú Ấn độ thình lình xuất hiện. Chúng mày làm gì ở đây? Tao thấy mấy hôm nay đi đâu cũng chụp ảnh, nghĩa là thế nào?
Chúng tôi bị bắt quả tang cũng hoảng, lúng búng: thế chúng mày muốn xử thế nào? Ngoan thế, tao cũng nể mà tha. Nhưng bọn mày phải viết ngay một cái mail về nhà, nói rằng trung tâm chúng tao là tuyệt vời, rất xứng đáng đồng tiền bát gạo, nghe chưa.
Tưởng gì chứ thế thì quá dễ, tôi viết ngay một cái mail cho anh Bình, kể rằng thế này, thế này, tóm lại là mình rất nên mua công nghệ này, đưa cho bọn chúng xem, ok rồi gửi đi. Ra phố, tôi lập tức tìm ngay một kiosk điện thoại để gọi về cho a Bình để anh đỡ ngạc nhiên về cái mail hiển nhiên như thế, tiện thể biết luôn ở nhà đang đàm phán thuận lợi với HarveyNash. Nhẹ cả người.
Không cam chịu thất bại, chúng tôi chuyển đối tượng tìm hiểu sang các giáo viên. Đoán là giáo viên (thường là cấp lãnh đạo từ các nơi về dạy) phải ăn uống sang trọng, chúng tôi cắn răng vào ăn trong ở khách sạn 5 sao để rình. May quá, bắt được một chú, giám đốc 1 trung tâm cỡ 800 người, cực mau mồm, mau miệng, hỏi gì cũng trả lời đầy đủ. Cuối buổi thấy chúng tôi ghi chép không kịp, chú bảo: thôi chúng mày qua Trung tâm của tao, tao bảo bọn đàn em trình bày cho. Thế là chúng tôi thay đổi lịch trình, qua Madras. Đúng hẹn, chú lần lượt kêu đàn em demo cho chúng tôi hệ thống quản lý nhân sự, bảo đảm chất lượng, đào tạo nhân viên, thậm chí cả kế toán. Cuối buổi chú còn copy cho chúng tôi một bản spec chương trình IPMS (Integrated Project Management System), tiền thân đầu tiên của Fsoft Insight.
Chúng tôi lên đường về nước, cảm thấy đường đi nước bước đã rõ hơn nhiều. Từ cái IPMS đấy, qua tay Phan Văn Hưng rồi Phạm Minh Tuấn bắt đầu có 2 sản phẩm đầu tiên dùng được là TimeSheet và DashBoard. Đặc biệt DashBoard có công hạ gục nhiều khách hàng đầu tiên của Fsoft chẳng khác gì những quả lựu đạn đầu tiên chống Pháp của anh hùng Ngô Gia Khảm.
Món vay đó chẳng bao giờ thành sự thật. Sau vụ này bị Fsoft còn bị ghi sổ đen một thời gian, thậm chí chí nghe đâu bị tố cáo với khách hàng. Nhưng Fsoft đã tự triển khai được CMM4 rồi CMM5, tự chế công cụ Fsoft Insight và vô khối các công cụ quản trị khác để quản lý công ty với 13000 kỹ sư ngày nay.
Vậy mới có thơ rằng:
Đi đâu cũng chép cũng ghi
Không biết thì hỏi, copy tức thì
Ảnh: Hai nhân vật chính đi chơi sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Ngây thơ vô số tội

Không đo được thì không quản lý được?

Không hiểu sao với nhiều người, câu “Cái gì không đo được thì không quản lý được” trở thành chân lý (tiên đề) trong lĩnh vực quản trị. Có thể là vì nó được nói ra bởi những “cây đa cây đề”?

Cá nhân tôi luôn nghi ngờ mệnh đề này. Thực tế trong cuộc sống có rất nhiều thứ (mà toàn những thứ quan trọng nhất) ta vẫn phải quản lý hàng ngày và không thể đo đếm (hiểu là định lượng, bằng số) được. Hơn nữa, việc lượng hóa những thứ không thể định lượng làm ta có ảo tưởng là đang kiểm soát được chúng, dẫn đến những quyết định sai.

Gần đây, trong bài Analyst: Analyze Thyself, Mintzberg (cũng là cây đa cây đề nên chắc đủ uy tín) đã giúp làm rõ những nghi ngờ của tôi. Ông viết:

“Có một tiên đề ai cũng biết – cái gì không đo được thì không quản lý được” (Kaplan và Porter, trong bài viết trên HBR năm 2011). Đúng là ai cũng biết, và sai, nếu không nói thẳng ra là ngớ ngẩn.

Liệu ai có thể đo được văn hóa, leadership, hay tiềm năng của một sản phẩm mới hoàn toàn? Và do đó, chẳng lẽ chúng không thể được quản lý? Liệu Kaplan và Porter có đo được hiệu quả của những lời khuyên của mình? Thật vậy, liệu ai đã từng thử đo kết quả của việc đo đạc, hay chỉ đương nhiên coi nó là tuyệt vời? Và đo kết quả của công việc quản lý? (Đừng nói với tôi là việc đó được đo bằng giá cổ phiếu. Hãy tham khảo bài này). Vì chúng không thể đo được, phải chăng ta không thể quản lý được?

Bạn biết không, vẫn quản lý được. Chỉ cần chúng ta hiểu rằng nhiều thứ – mà là những thứ quan trọng nhất – ở các tổ chức (và trong cuộc sống) không thể đo được, nhưng vẫn cần quản lý, cả về phương diện cá nhân lẫn cả tổ chức. Tất nhiên ta phải đo cái gì có thể, nhưng ta không nên để bị lú lẫn bởi chuyện đo đạc, điều mà ta rất hay mắc phải.

Hôm nay lại có thêm một chia sẻ của anh Nguyễn Thành Nam (FPT) với cùng quan điểm:

KPI

Nhiều người cho rằng công việc và cuộc sống riêng là tách bạch. Và vì thế ở cơ quan và gia đình ta sẽ có 2 bộ quy tắc hành xử, hai cách làm việc khác nhau. Ở công ty, thường đòi hỏi rất nhiều báo cáo, số má, chỉ tiêu. Mốt bây giờ gọi là KPI. Ở nhà thì có thể tùy tiện.

Tôi nghĩ thế không ổn. Thực tế thì con người không dễ dàng tách bạch. Nên tốt nhất coi công việc và cuộc sống riêng là nối tiếp của nhau, hòa quyện lẫn nhau, bổ sung cho nhau.

Trong cuộc sống riêng, chúng ta quan tâm đến niềm vui, nỗi buồn, giận dữ, khổ đau. KPI duy nhất đôi khi chỉ là còn bao nhiêu tiền trong ví. Cảm xúc mới làm cho chúng ta cảm giác được sống.

Công ty suy cho cùng, là một tập hợp các con người ko phải bộ máy chi chít đồng hồ. Vậy tại sao phải có nhiều KPI như vậy?. Sau này ta không làm công ty nữa, ta chỉ mang theo cảm xúc, kỷ niệm, ai mang theo KPI 🙂

Tôi, khi chuyển sang FU phụ trách mảng toàn cầu hóa cũng được bổ cho một cơ số các KPI.

Khi còn ở Fsoft, cũng thường tâm niệm với anh em, toàn cầu hóa tức là mình đi đến đâu, cũng có anh em địa phương ra đón. Chứ không phải số nước ta từng đặt chân đến bằng visa du lịch. “Lữ thứ tha phương ngộ cố tri” ấm áp lắm!

Lần này đi với Brunei với Cương.

12h đêm máy bay hạ cánh. Bố một bạn nhân viên đánh xe ra đón về nhà ngủ. Bạn nhân viên này sang học ở FU rồi xin lại làm việc ở VN luôn. Bác kể, nhà có 7 đứa con, 12 cu cháu. 2 biệt thự phố, một trang trại trồng rau vui tuổi già. Bảo sẽ sang Việt nam mang cafe về trồng.

Sáng hôm sau có 1 bạn sinh viên khác lái xe đến đón đi họp. Bạn này học Vật lý năm thứ ba, đang thực tập tại Đà nẵng. Bảo tốt nghiệp xong, có lẽ tao cũng sẽ ở lại VN làm việc!

Họp với lãnh đạo bạn, thì 2 bên tay bắt mặt mừng, chưa đầy 1 tiếng đã xong 2 dự án hợp tác chung, tầm cỡ ASEAN. Ăn trưa lại thêm 2 sinh viên cũ đến ăn cùng. Bảo các thầy mà mang mỳ Quảng với Bún đậu mắm tôm sang bán ở đây thì giàu ngay.

Gặp các bạn ở Đại học quốc gia Brunei lần đầu tháng 12/2012. Tháng 7/2103 bạn sang thăm ta. Tháng 9/2013 sinh viên Brunei đầu tiên sang FU học 1 kỳ. Tháng 5/2014 ta sang thăm bạn. Tổng cộng đã có vài trăm sinh viên bạn sang ta học.

Đấy, cũng số chi chít, nhưng là những con số ấm áp. Nhắc đến là đầy kỷ niệm. Không lạnh lẽo vô cảm như KPI.

Bổ sung 6/3/2017:

Cha đẻ của TQM – Deming – đã nêu 7 căn bệnh chết người của phong cách quản lý phương Tây, trong đó có bệnh “quản lý công ty chỉ dựa trên những số liệu có thể thấy. Trích:

Nhiều yếu tố quan trọng là những thứ không được biết và không thể biết. Rõ ràng điều này trái với thứ mà nhiều người nhầm lẫn cho rằng của Deming, rằng bạn chỉ có thể quản lý được những gì bạn có thể đo. Deming không tin điều này và thực tế coi nó là căn bệnh chết người của quản lý.

Bổ sung 6/8/2020:

Trong cuốn Organizational Culture and Leadership, 5th Edition, Edgar Schein tiếp cận việc đo đạc đánh giá (measurement) như một yếu tố quan trọng của văn hóa tổ chức. Đặt câu hỏi “must measurement be quantitaive?”, Shein cho rằng thói quen cố gắng lượng hóa mọi thứ đến từ văn hóa nghề nghiệp của các nhà quản lý, và khởi điểm là do đếm tiền.

FireShot Capture 038 - Kindle Cloud Reader - read.amazon.com

Shein đưa ra ví dụ về đo đạc nhân viên. Khi công ty lớn, để có thể ra quyết định nhanh, lãnh đạo sẽ cố gắng đo đạc định lượng nhân viên theo cách nào đó. Ví dụ mỗi nhân viên được cho điểm performance và potential, và ai có điểm potential cao sẽ được ưu tiên cất nhắc. Chuyện xảy ra là, ở công ty nọ lãnh đạo thấy có hiện tượng nhân viên lớn tuổi thì performance đều thấp. Lấy làm lạ, cho điều tra tìm hiểu. Hóa ra, khi cán bộ quản lý cho điểm 1 nhân viên lớn tuổi là performance cao và potential thấp thì cấp trên phán “không thể có chuyện đó”, cho nên cán bộ quản lý kia đành hạ điểm performance xuống (vì điểm potential quan trọng hơn với cấp trên).

Shein cho rằng việc lượng hóa cần được cân nhắc lợi hại và sử dụng sáng suốt.

Xem thêm: Định luật Goodhart và Campbell

Bổ sung 25/10/2021. Trích từ sách The Excellence Divident của Tom Peters:

Nguyễn Thành Nam: Giáo dục không cần Cách mạng!

Giáo dục không cần Cách mạng!
Ai cũng bảo giáo dục cần đổi mới, cần cách mạng.
Tôi chả tin. Dạy trò thì cũng như dạy con. Chả cha mẹ nào thích cách mạng trong việc nuôi trẻ con. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, hàng ngàn phương pháp, vạn cuốn sách… ai cũng có thể tham khảo. Nhưng không cần cách mạng. Cái cần là “common sense”, nôm na là “lẽ đời thường”.
Vậy mà có người cứ vu Funix là cuộc “cách mạng” trong giáo dục đại học.
Chúng tôi hoạt động theo 10 nguyên tắc “đời thường” đại để như sau, nhờ anh em bạn bè xem thử, cách mạng ở chỗ nào?
  1. Tiết kiệm. Eistein bảo, không gì bằng tiết kiệm thời gian. Ai học nhanh được phải khuyến khích. Học kỳ dự kiến 6 tháng có bạn học trong 50 ngày, môn 1 tháng có bạn học trong 9 ngày. Thì cho đỗ ngay thôi, để các bạn ấy còn học tiếp.
  2. Giảng hay phải có căn. Giáo sư Robert Muller của Đại học Berkeley bảo thế. “Lecturing” hay là năng khiếu. Muller bảo cả UC Berkeley chỉ có độ chục ông. Các ông ấy đều đưa hết lên MOOC rồi. Funix tự thấy chưa có căn nên hạn chế đăng đàn giảng. Thay vào đó tuyển mentor hiểu biết có kinh nghiệm để giảng giải. Như Long Vũ, Quang Huy bình luận cái hay của Messi, Ronaldo… vậy.
  3. Tiếng Anh ko phải là vấn đề. Dân Việt xem phim Hollywood ầm ầm có sao đâu. Làm cái phụ đề là ai cũng có thể nghe giáo sư Mỹ giảng hết. Mà nghe lâu thì trình độ tiếng Anh sẽ lên. Sinh viên Funix đủ loại từ trẻ em, cụ già, đến sinh viên ngoại thương, việt kiều ở bển đều học được hết.
  4. Học đến đâu làm được đến đó. Thay khái niệm học kỳ bằng chứng chỉ. Mỗi chứng chỉ là một tập hợp kiến thức mà sinh viên có thể áp dụng được ngay, đi xin việc được. Vừa học vừa làm để lấy bằng . Mà không học nữa cũng được. Funix mất khách, mà không thấy tiếc.
  5. Chỉ cần máu là được học. Muốn nhập học chỉ cần viết 1 cái đơn, làm sao chứng minh là bạn thực sự muốn học và có điều kiện (thời gian, học phí) để học. Còn bạn muốn học từ đầu, hay từ giữa, hay từ cuối tùy bạn.
  6. Thắc mắc phải được giải tỏa tức thì. Sinh viên hỏi phải được trả lời ngay lập tức. Để lâu “cứt trâu hóa bùn”, mất hứng, chưa kể đã quên béng cả câu hỏi. Đội ngũ mentor funix là những chuyên gia trong ngành, ngồi săn câu hỏi để thỏa mãn các em sinh viên.
  7. Dạy không bằng Dỗ cho Học. Học không bằng Hỏi. Tiếng Việt thật là tinh tế. Học là để Làm. Làm thì phải Hỏi. Hỏi được tức là sẽ Làm được. Hỏi ngu thì khuyến khích. Làm được thì cho đỗ luôn. Khỏi lăn tăn trắc nghiệm hay tự luận. Trò hỏi, thầy được lợi.
  8. Alumni từ ngày đầu tiên. Sao phải đợi đến khi tốt nghiệp mới tham gia mạng lưới Alumni. Funix khuyến khích sinh viên (xTer) các khóa và mentor (xMen) thành lập các cộng đồng từ ngày đầu tiên đi học. Dựa vào nhau để thành đạt chứ ko phải đợi đến khi thành đạt mới về thăm thầy, thăm trường!
  9. On(line) Phải có Off mới phê. Nói chuyện trên mạng hàng ngày, đến lúc Off gặp nhau sẽ rất phê. Tất cả sinh viên mà mentor được yêu cầu tham gia Of bắt buộc hàng tháng. Chém gió, vặn vẹo nhau. Of xong ra quán bia bọt, karaoke, kết nối. Khuyến khíc Of hàng tuần, nhà trường sẽ hỗ trợ.
  10. Tốt không có nghĩa là phải đắt. Funix không ủng hộ ca sĩ Mỹ Linh phát biểu rau sạch phải đắt:-) Rau là phải sạch! Dạy là phải tốt! Được học bài giảng của các giáo sư Mỹ, được chuyên gia Việt nam giảng giải cặn kẽ hàng ngày mà học phí tại Funix chỉ bằng 15% RMIT Việt nam, 40% các trường Việt nam chất lượng cao như FPT, Hoa Sen.
Mọi việc cứ tự nhiên, sai thì sửa, xấu thì cải tiến. Chả thấy cách mạng gì!
Thấm thoắt đã được gần năm từ ngày khai giảng (20/11/2015). Khó khăn thì nhiều nhưng anh em cả sinh viên lẫn mentor tụ tập ngày càng đông vui!
Hay cách mạng chính là thế:-)
10-nguyen-tac-funix