Giới thiệu: Tài liệu này nhằm giúp mọi người định danh và phân loại các vỏ sò vỏ ốc dễ tìm thấy ở các bãi biển Việt Nam, thường là các loài Nhuyễn thể nhỏ. Các bố mẹ có thể sử dụng để khuyến khích trẻ con học hỏi một cách chủ động và hứng thú (phenomenon-based learning). Trẻ em (và cả người lớn) sẽ học được không chỉ kiến thức sinh học, mà còn rèn luyện óc thẩm mỹ, kỹ năng quan sát, sắp xếp, cách tiếp cận khoa học và có hệ thống. Trẻ em cũng thêm hiểu và thêm yêu thiên nhiên, biển và thế giới động vật.
Cách sử dụng tài liệu: người lớn hướng dẫn và cùng trẻ đi nhặt các vỏ ốc vỏ sò trên bãi biển rồi về đối chiếu, phân loại, xây dựng và trưng bày bộ sưu tập riêng. Mỗi lần đi nghỉ ở biển có thể đi tìm và bổ sung thêm vào bộ sưu tập.
Có một lĩnh vực chuyên nghiên cứu về vỏ sò vỏ ốc, tên là Conchology (tiếng Trung là Bối Loại Học). Đây là một lĩnh vực con của ngành Malacology (Nhuyễn Thể Học) – ngành nghiên cứu về sinh vật nhuyễn thể nói chung. “Bối” là vỏ sò vỏ ốc, và đó là nguồn gốc của từ “bảo bối”, vì ngày xưa người ta dùng vỏ sò vỏ ốc làm tiền tệ.
Chúng ta sẽ nhặt được vỏ của các loài thuộc hai Lớp (Class) Chân Bụng và Chân Rìu. Các loại ốc (đại đa số thuộc Lớp Chân Bụng – Gastropoda, chỉ trừ Ốc Anh Vũ) thường dễ phân biệt nên tôi không mô tả chung. Riêng các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ thuộc Lớp Chân Rìu – Bivalvia, gồm các loại sò, vẹm, hến, v.v. thì rất dễ bị lẫn, nên có một phần mô tả chung trước khi tìm cách định danh thực tế.
Khi mô tả, tôi chỉ chọn các Họ (Family) được cho là phổ biến ở Việt Nam, và tham khảo các nguồn như wikipedia, các trang web tiếng Việt, và một số tài liệu khoa học (xem ở cuối). Các ảnh minh họa là lấy từ các nguồn trên. Trong quá trình tìm hiểu từ các nguồn, có nhiều chỗ chưa thực sự rõ, hoặc mâu thuẫn lẫn nhau, do đó trong tài liệu này có thể sai hoặc thiếu. Nếu độc giả phát hiện sai sót xin vui lòng comment ở dưới, hoặc email cho tôi theo địa chỉ panfangda@gmail.com. Nội dung sẽ được liên tục bổ sung mỗi khi có phát hiện mới.
Phần A. Các Họ thuộc Lớp Nhuyễn thể hai mảnh vỏ (Bivalvia)
Có rất nhiều tên tiếng Việt để chỉ các loài trong các Họ này, ví dụ: ốc (được dùng cả ở đây!), vẹm, chem chép, hàu, trai, sò, nghêu(ngao), ngán, ngó, hến, vọp, vạng, bào ngư, don, dắt, déc, den, quéo, phi, trùng trục, móng tay, tu hài.
1. Họ Hến (Corbiculidae, tên tiếng Anh thông dụng: Basket Clams)
Hến sống ở vùng nước lợ (cửa sông) và nước ngọt. Không sống ở biển (lưu ý: “hến biển” là một loại cây, không phải động vật). Do đó có thể tìm thấy ở các vùng ngập mặn.
Trong Họ Hến có loài Vọp sông (Geloina coaxans), còn gọi là Vọp chong, hay đơn giản là Vọp, Vạng, sinh sống ở môi trường nước ngọt, là đặc sản của đất mũi Cà Mau. Lưu ý: tránh nhầm với Họ Vọp (Ngao Vuông).

2. Họ Vẹm (Mytilidae – Mussels)
Vẹm (Trai) có vỏ mỏng giống vỏ Trai sông (Trai nước ngọt). Phổ biến có Vẹm Xanh, Sò Quéo (Quéo, Sò Vẹo, Sò Dẹo). Về con Chem Chép (còn gọi là Chíp Chíp), có vẻ như đó vừa là tên gọi chung cho một số loài Vẹm, lại vừa dùng để gọi con Sò Lụa thuộc Họ Ngao (nếu xét về hoa văn trên vỏ).
Lưu ý: Con Trai Ngọc tuy gọi là Trai nhưng không thuộc Họ Vẹm hay Hến, mà thuộc Họ Trai Ngọc (Pteriidae, Feather Oysters).



3. Họ Bàn Mai (Pinnidae – Pen Shells)
Còn gọi là Sò Mai, Sò Biên Mai. Loài này có hình đặc trưng, gần giống cái bút viết.

4. Họ (Ốc) Móng Tay (Solenidae – Razor Clam)
Còn gọi là Sò Mã Đao, Ốc Ngón Tay, Sò Móng Tay. Chính xác thì không nên gọi là Ốc, vì đây là nhuyễn thể 2 mảnh vỏ. Tiếng Anh gọi là Razor Clam vì trông giống như dao cạo để cạo mặt ngày xưa của thợ cắt tóc.

Một số trang web VN nhắc đến Ốc Móng Chân (hay Ốc Móng Tay Chúa). Xét theo hình dáng thì chúng có thể là loài Pacific Razor Clam (Siliqua patula).

Có loài tên là Móng Tay Lớn (Solen Grandis – Grand Razor Clam) thì không phải là Ốc Móng Chân ở trên, mà cũng có hình dạng như Móng Tay (không lượn tròn 2 đầu) nhưng to và dài hơn:

5. Họ Trùng Trục (Solecurtidae)
Đây là họ các loài Trùng Trục nước mặn, không phải Trùng Trục Có Khía (hay đơn giản là Trùng Trục -Lanceolaria fruhstorferi) thuộc Họ Unionidae, sống trong nước ngọt.
Phổ biến là loài Trùng trục Trung quốc (Sinonovacula constricta)

6. Họ Ngao hay Nghêu (Veneridae – Venus Clam)
Ngao thường có vỏ trơn hoặc có khía mỏng tạo thành các vòng đồng tâm. Vỏ dày và cứng hơn các loại Vẹm, Hến, v.v. Ở Việt Nam phổ biến một số loài sau:
- Ngao Dầu (còn gọi là Ngao Vạng, khác với loài Vạng/Vọp) – Meretrix meretrix
- Ngao Mật (còn gọi là Ngao Dầu Sọc Đỉnh, Meretrix lusoria – Asian hard clam)
- Nghêu Bến Tre (Meretrix lyrata – White Hard Clam)
- Ngó (Donisia): vỏ Ngó tròn hơn vỏ Ngao và có các rãnh tròn đồng tâm.
- (Sò) Còm cọp (Gafrarium tumidum): có vằn cam nâu trông giống da cọp.
- Sò lụa (Paratapes undulatus) có vỏ trơn không sọc, hình oval dài, mặt ngoài láng có những vân hình chữ chi ở khắp mặt vỏ, nên tôi cho rằng chính là Chem Chép.






7. Họ Vọp hay Họ Ngao Vuông (Mactridae – trough shells, duck clams)
Các loài thuộc họ này có hình dạng giống với Họ Ngao, tuy cũng có một số loài có hình dạng 4 cạnh hoặc kéo dài. Các loài phổ biến ở VN bao gồm:
- Ngao (Mactra luzonica)
- Vọp, hay là Ngao Bốn Cạnh (Mactra quadrangularis) – vỏ có hình tứ giác thay vì tam giác
- Tu hài (Lutraria – Otter Shell). Lưu ý: một số trang web cho rằng Tu hài chính là Ốc Vòi voi, nhưng có lẽ không đúng. Ốc Vòi voi (nên gọi là Trai Vòi voi, tên tiếng Anh Geoduck) thuộc Họ Hiatellidae là họ khác.
- Sò đỏ Hokkigai (Spisula sachalinensis, Surf Clam): sò có cồi màu đỏ hay được dùng làm sushi.





8. Họ Ngao Vỏ Tím (Psammobiidae, Sunset Clam)
Ngao vỏ tím giống Ngao nhưng có sắc tím. Phổ biến có:
- Ngao Tím, hay còn gọi là Ngao Giấy, Ngao Bọng
- Phi (Sanguinolaria diphos)


9. Họ Ngán (Lucinidae – Hatchet Shells)
Ngán (Austriella corrugata) giống Ngao nhưng có rãnh đồng tâm, là đặc sản vùng Quảng Ninh

10. Họ Den (Tellinidae – Tellins)
Các loài thuộc họ Den có hình tròn hoặc hình bầu dục, vỏ kéo dài, khá phẳng. So với Ngao thì vỏ kéo dài hơn.

11. Họ Dắt hay Giắt (Corbulidae, tên cũ Aloididae)
Các loài rất nhỏ, có hình thể giống Don, nên nhiều nơi gộp chung thành Don Dắt

12. Họ Don (Glauconomidae)
Trong tài liệu [1], các tác giả gọi cả hai Họ Trapezidae và Glauconomidae là Don. Căn cứ trên nhận xét rằng Don giống Dắt, tôi tạm kết luận Họ Don là Glauconomidae. Ở đây tôi cũng dẫn một số hình ảnh của các loài thuộc Họ Trapezidae.
Don còn được gọi là con Déc có dạng giống quả trám, vỏ mỏng, màu vàng đậm, dài khoảng 2cm trông khá giống con trùng trục nhưng vỏ tròn hơn, và cũng thường bị nhầm lẫn với con hến nhưng thực chất không phải.




13. Họ Hàu (Ostreidae – True Oysters)
Hàu có vỏ dày, sần sùi, méo mó. Phổ biến có:
- Hàu sữa, hay Hàu Cửa sông (Crassostrea rivularis)
- Hàu đá (Saccostrea, Rock Oysters), loài nổi tiếng nhất trong số này là Hàu đá Sydney (hay Hàu Tròn, Hàu New Zealand Saccostrea glomerata). Ngoài ra có Hàu lá Saccostrea cucullata.




14. Họ Điệp (Placunidae – Windowpane Oysters)
Tên tiếng Anh là Windowpane Oysters (Windowpane Shells) vì người ta dùng vỏ của nó để làm các tấm cửa sổ và chao đèn, vì mỏng và xuyên sáng mờ.
Ở Việt Nam phổ biến loài Điệp tròn (còn gọi là Điệp giấy, Chồng đực – Placuna placenta). Người ta nghiền nát vỏ của chúng rồi trộn với bột giấy để làm giấy điệp. Lưu ý: một số nguồn tiếng Việt gọi loài điệp này là “mop disk shell”, nhưng thật ra MOP shell là để chỉ xuất xứ từ vỏ trai vỏ hàu (MOP = mother of pearl). Các sản phẩm có thể là cúc áo (mop shell buttons), cườm (beads), hay đĩa nhỏ làm đồ trang sức (discs).



15. Họ Điệp cánh (Anomiidae – Jingle Shells)
Họ này còn được gọi là Ốc Leng keng, Móng Chân tiên (mermaid’s toenails) và Hàu Yên ngựa (saddle oysters). Chúng rất mỏng, mỏng hơn Điệp giấy, và có hình dáng của vật thể mà chúng nằm trên – ví dụ mặt tảng đá.


16. Họ Pectinidae (Sò Điệp – Scallops)
Đây là những con sò điệp được dùng làm thực phẩm, có hình như cái quạt nên tiếng Trung gọi là Phiến Bối (Sò Quạt).
Có vỏ sò điệp cam (màu da cam) và sò điệp tím.

17. Họ Sò (Arcidae – Ark Clam)
Họ này được gọi là Ark (thuyền) bởi vì nếu nhìn theo mặt cắt ngang thẳng đứng thì giống như con thuyền của Noah trong Kinh Thánh (nhất là phần đáy – xem minh họa). Các con sò này có bản lề (chỗ nối hai vỏ) dài và thẳng, với một hàng “răng” nhỏ. Các loài phổ biến:
- Sò Lông (Anadara)
- Sò huyết (Anadara granosa / Tegillarca granosa, blood clam).
- Sò Nodi (Anadara nodifera), cũng có người gọi là sò huyết
- Sò hình cầu (Anadara globosa)
- Sò Thuyền Nô-ê (Arca noae – Noah’s Ark shell)





18. Họ Sò Nứa (Cardiidae – Cockles)
Sò thuộc họ này có vỏ tròn đặc trưng của sò song phương đối xứng, và có hình trái tim khi nhìn từ sau (mặt cắt đứng) do mỏ hơi khoằm (xem ảnh). Chúng cũng thường có các đường gân chạy từ đỉnh xuống.
- Loài Broad-ribbed Cardita (Cardites floridana) có vỏ hơi giống cánh buồm với đốm nâu.
- Sò Mồng hay Sò Dương (Vasticardium flavum) có vỏ kéo dài hơi so với các loài khác, hình oval.
- Sò Lunulicardia retusa: vỏ lệch ở một bên, hơi giống hạt dẻ cười




19. Họ Hà Đục Gỗ (Teredinidae – Shipworm)
Hà Đục gỗ có thân mềm và dài như con giun, nhưng có thêm vỏ cứng ở đầu để đục gỗ. Cần phân biệt chúng với con Hà biển (barnacle) hay bám trên đá, vì chúng có tên giống nhau nhưng không liên quan gì đến nhau. Con Hà biển thuộc Ngành Chân khớp chứ không phải Nhuyễn thể, và có họ với cua và tôm hùm chứ không phải ốc và sò.



20. Họ Plicatulidae (Kittenpaw)
Tiếng Trung là hàu Miêu Trảo. Loài Plicatula duy nhất thuộc họ này liên quan cả đến Hàu và Sò điệp.

Tổng kết phần mô tả các Họ trong Lớp Bivalvia
Bảng dưới liệt kê một số đặc điểm dễ thấy của các Họ mô tả ở trên:
# | Họ | Đặc điểm |
---|---|---|
1 | Họ Hến | Vỏ mỏng |
2 | Họ Vẹm | |
3 | Họ Bàn Mai | |
4 | Họ Móng Tay | |
5 | Họ Trùng Trục | |
6 | Họ Ngao | Vỏ dày, thường trơn hoặc có rãnh đồng tâm (rãnh ngang) |
7 | Họ Vọp (Ngao Vuông) | |
8 | Họ Ngao vỏ tím | |
9 | Họ Ngán | |
10 | Họ Den | |
11 | Họ Dắt | |
12 | Họ Don | |
13 | Họ Hàu | Vỏ rất dày và sần sùi |
14 | Họ Điệp | Vỏ thường tròn |
15 | Họ Điệp cánh | |
16 | Sò Điệp (Scallops) | |
17 | Họ Sò | Vỏ có rãnh tia mặt trời (rãnh dọc) |
18 | Họ Sò Nứa | |
19 | Họ Hà đục gỗ | Đặc biệt |
20 | Họ Hàu Chân mèo | Nửa hàu nửa sò điệp |
Nguồn thông tin:
- Nguồn lợi động vật thân mềm hai mảnh vỏ (BIVALVIA) tại một số vùng rừng ngập mặn điển hình ven biển Việt Nam. Nguyễn Quang Hùng, Hoàng Đình Chiều. Phòng nghiên cứu Bảo tồn biển – Viện Nghiên cứu Hải sản. 2009.
- Marine Molluscs of Vietnam. Jorgen Hylleberg and Richard N. Kilburn. 2003.
- Danh mục các Họ trong Lớp Bivalvia (file excel tự tạo)
Phần B. Định danh các vỏ ốc vỏ sò phổ biến ở VN
Trong phần này, tôi sẽ đối chiếu và định danh các vỏ sò ốc (chủ yếu là loại bé) mà mình đã tìm thấy ở các bãi biển Việt Nam. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên có thể định danh sai, mong được chỉ dẫn thêm. Phần này sẽ được cập nhật thường xuyên, các ảnh đều là tự chụp các mẫu vật thu thập được (không phải mua ở cửa hàng), có để cái chọc SIM iPhone bên cạnh để hình dung kích thước.
Có một cái poster rất hữu ích để đối chiếu và định danh vỏ sò ốc, nhưng tôi chưa tìm được. Ai biết có thể tìm ở đâu xin mách giùm. Thông tin ở cuối bài.
B1. Vỏ ốc
Trong phần này là các vỏ ốc.
Ốc ruốc (Umbonium snail, button snail)

Còn gọi là Ốc chép. Rất phổ biến ở các vùng biển miền Trung như Đà Nẵng, Phú Yên, Nha Trang.
Ốc móng ngựa (Nerite shells)

Ốc dài Terebridae (Auger shells)

Ốc dài (ốc măng, ốc mũi khoan) có rất nhiều ở Vũng Tàu.
Ốc mặt trời (Architectonica, Sundial Shells)

Sa tiền (Đồng tiền cát, Sand Dollar, Clypeasteridae)

Còn gọi là Dollar cát. Đây là một loại Cầu gai (Nhím biển).
Ốc sứ (Cypraeidae, cowries)

Vỏ ốc này ngày xưa được dùng làm tiền, vỏ giống như bằng sứ. Có nhiều loài: ốc sứ đốm, ốc sứ vàng cam, ốc sứ bản đồ,… Lưu ý phân biệt với họ Ốc sứ trắng (ốc trứng, Ovuladae, false cowry)
Bào ngư (Haliotidae, abalone)

Còn gọi là Ốc cửu khổng (chín lỗ)
Ốc vú nàng (True limpets, Nacellidae)

Trên mạng, nhiều người gọi cả Ốc đụn (Ốc nón, Trochidae, Top shells) là Ốc vú nàng, nhưng như thế ko đúng, vì Ốc đụn giống cái tháp nhọn chứ không giống ngực phụ nữ.
Star limpets

Cũng là một loại limpet nhưng có nhiều cánh ngôi sao.
Ốc ô-liu (Olividae, Olive shells)

B2. Vỏ sò
Trong phần này là các vỏ sò, định danh bằng cách dùng các thông tin ở Phần A.
Sò nứa (sò trái tim)

Sò này dễ nhận biết vì cái mỏ khoằm.
Sò chân mèo (Kitty paws)

Sò Thuyền Nô-ê (Noah Ark)

Sò dương

Sò này có viền hình tròn gần như bầu dục.
Sò lụa / Ngao hoa / Chem chép / Chíp chíp

Móng tay và Móng chân

Sò Cardita

Sò Lunulicardia retusa

Sò này dễ nhận biết vì vỏ bị vát 1 bên.
Hàu

Sò điệp

Sò Ark Clam

(đang tiếp tục cập nhật)
Poster cần tìm
