Tag Archives: leadership by choice

“Bạn đâu giỏi thế”

Câu này chứa ba vấn đề đối với những người sáng tạo, làm cái mới.

Lần đầu tiên là khi ta bắt đầu, ta không giỏi. Đấy là sự thật. Nếu ai muốn đi tiếp, thì hãy thêm từ “chưa” vào câu.

Chả ích gì nếu giả vờ rằng ta đã tìm ra cách trước khi tìm ra thật. Sẽ phản tác dụng nếu bạn có thái độ cáu kỉnh mong manh khi đối mặt với phê bình. Thực tế là, trong giai đoạn này, “bạn không giỏi đến thế” chính là những gì ta cần nghe, bởi vì nó có thể kèm theo thông tin làm thế nào để tốt hơn.

Lần hai là khi ta đã bắt đầu có kỹ năng và làm ra gì đó có giá trị, một số người sẽ tiếp tục tin rằng ta vẫn không giỏi. OK. Như vậy là họ đang nói với ta điều gì đó về bản thân họ, cũng như những gì họ muốn và cần. Đây là manh mối để ta chuyển sang phục vụ người khác, những người đánh giá và muốn có những gì ta làm. Nhóm khách hàng khả thi nhỏ nhất (smallest viable audience) không phải là một thỏa hiệp lùi bước, mà là một con đường để tiến lên. Hãy tìm những người muốn tham gia, cởi mở và háo hức. Hãy phục vụ họ thay cho những người kia.

Điều nguy hiểm là, khi nghe thấy những lời khước từ trong giai đoạn này, bạn có thể tin rằng mình chẳng làm được gì. Trái ngược với việc nhận ra rằng, chỉ đơn giản là bạn đang nghe nhầm người.

Lần thứ ba là một vòng tròn, một chu kỳ đầy đủ. Bởi vì có thể trên thực tế, ta vẫn chưa giỏi đến mức đó, và chưa có đủ nhiều những người muốn thứ ta làm. Đơn giản là ta chưa đủ tốt cho thị trường này. Vì vậy, ta tiếp nhận sự thật và lại bắt đầu từ đầu. Ta vẫn chưa đủ tốt. Ta chưa thực hành đủ, tìm thấy đủ sự đồng cảm, đủ hiểu thể loại và tìm ra cách đóng góp. Chưa. Ít nhất là đối với nhóm khách hàng này.

Và sau đó, ta trở nên tốt hơn.

Không sớm thì muộn, ba vấn đề này sẽ trở thành ba cột mốc quan trọng trên con đường tạo ra sự khác biệt và làm công việc mà ta tự hào.

Dịch từ Seth Godin. “You’re not that good

Giải thích đơn giản: Trách nhiệm vs Trách nhiệm giải trình

Có sự khác nhau gì giữa trách nhiệm (responsibility) và trách nhiệm giải trình (accountability)?

Trách nhiệm giải trình là bổn phận phải báo cáo (giải trình) với người trao quyền cho bạn. Đó là khi bạn được giao nhiệm vụ và [thường] được trả công để làm việc đó, nên phải giải trình khi có yêu cầu. Cán bộ quản lý có trách nhiệm giải trình với cấp trên, chính quyền có trách nhiệm giải trình với người dân (vì dùng tiền thuế của họ). Accountable to whom?

Trách nhiệm là việc (kết quả công việc) mà bạn nhận làm, bất kể do được giao phó hay tự nhận. Responsible for what?

Trách nhiệm giải trình có tính hướng ngoại, bạn phải làm điều đó với người khác. Trách nhiệm có tính hướng nội, bạn sẽ quyết định mình làm đến đâu (có tinh thần trách nhiệm đến đâu). Vì tính hướng nội không dễ thấy từ bên ngoài, cho nên có thể bạn đang nỗ lực làm (tức là có tinh thần trách nhiệm cao) nhưng vẫn bị người ngoài đánh giá “vô trách nhiệm”.

Một người có thể có trách nhiệm giải trình nhưng thực ra vô trách nhiệm, tức là không nỗ lực trong công việc, và tìm cách đổ lỗi.

Ngược lại, một người cũng có thể có trách nhiệm nhưng không có trách nhiệm giai trình. Đó là khi bạn tự nhận trách nhiệm làm việc gì đó, thì bạn không cần giải trình với ai. Và cũng không thể đổ lỗi cho ai.

Bạn có thể tự nhận bao nhiêu trách nhiệm tùy ý. Việc đứng ra nhận mà không chờ ai giao được gọi là leadership. Bạn lãnh đạo vì bạn chọn làm thế – leader by choice.

 

“Nghịch lý Người nhện”

(Dịch từ nguồn)

Một mặt, ông bác Ben (bác của Người nhện – ND) rất có lý khi đưa ra quy tắc “quyền uy lớn đòi hỏi trách nhiệm lớn”.

Bản chất của quy tắc đó là, một khi bạn có sức mạnh to lớn, bạn cần phải chịu trách nhiệm đi kèm với nó. Thế nhưng, quy tắc này có phản tác dụng.

Phản tác dụng vì rất nhiều người đã từ bỏ sức mạnh to lớn của họ. Họ từ bỏ vì không muốn chịu trách nhiệm. Continue reading

Hãy bày hàng ra!

(Seth Godin: Show your work)

Thật cám dỗ khi hình dung bản thân ngồi nép trong góc rồi, đột nhiên, làm tất cả mọi người kinh ngạc với câu trả lời hoàn hảo của mình.

Nhưng thực tế chẳng có chuyện đó.

Mọi thứ được hình thành trước mắt tất cả mọi người, bởi cả nhóm. Hãy bày “hàng” của bạn ra. Hãy suy nghĩ thành lời. Thất bại trên đường tới thành công, chấp nhận sự không hoàn hảo để làm tốt hơn so với “tốt vừa đủ”.

Liệu mọi người có chấp nhận dừng lại với phiên bản iPhone đầu tiên, hay xe hơi, hay bộ váy Chanel? Liệu họ muốn đọc bản thảo đầu tiên của cuốn tiểu thuyết, hay đoạn phim nháp? Tất nhiên là không.

Hãy bày hàng ra trước khi bạn cảm thấy sẵn sàng, vì bạn sẽ chẳng bao giờ sẵn sàng. Từ “sẵn sàng” hàm ý là bạn chắc rằng sản phẩm của mình sẽ chạy, nhưng bạn đâu thể biết được? Bạn phải bày hàng ra khi bạn chuẩn bị xong, khi đến thời điểm, và đừng muộn hơn dù chỉ một phút.

Mục đích không phải là làm hài lòng các nhà phê bình. Mục đích là làm sản phẩm của bạn tốt hơn.

Hãy hoàn thiện nó với đồng nghiệp, những người ủng hộ bạn, với thị trường. Vì khi cùng nhau hoàn thiện nó, chúng ta sẽ làm nó tốt hơn.

Khởi sự hay không khởi sự?

1. Seth Godin: Người Khởi sự (The initiator)

Cứ mỗi người đủ chú tâm để làm ra thứ gì đó, đủ dũng khí để đưa nó ra, đủ hào phóng để nói “đây, tôi đã làm cái này”…

Sẽ có mười người nói “tôi mà làm thì hay hơn nhiều.”
Có một trăm người nói “anh là ai mà đòi làm cái này?”
Một nghìn người nói “tôi cũng định làm từ lâu rồi”

Và một vạn người chẳng thèm quan tâm.

Và điều đó chẳng sao, vì người chúng ta cần, người ta yêu mến, người mà ta sẽ nhớ, chính là người đầu tiên – kẻ khởi sự – người đã thực sự để tâm.

Xin cám ơn vì công việc mà bạn đã làm.
(http://sethgodin.typepad.com/seths_blog/2015/11/the-initiator.html)

2. Bhagavad Gita: “The wise man never initiates any action.”
3. Vậy, có nên khởi sự hay không???

David Wong: Có 5 thứ hại đời bạn mà bạn không hay biết

guy-smashing-clockHồi nhỏ chắc bạn đã từng mơ lớn lên thành phi công hay bác học, và rồi khi lớn thì cười vui về nó. Thế nhưng ngay cả khi đã trưởng thành, bạn có thấy là dự định của mình 10 năm trước bây giờ trông cũng buồn cười y hệt? Điều gì đã làm bạn đi chệch hướng, làm bạn không đạt được mục đích rất người lớn và nghiêm túc của mình?

Dưới đây là 5 nguyên nhân phổ biến.

#5. Tập trung vào việc Làm thế nào để làm gì đó chứ k0 phải Tại sao.

Giả sử bạn cần giúp ai đó bỏ thuốc lá. Theo bạn thì cách nào dưới đây sẽ hiệu quả hơn:

  • Cho họ xem một quảng cáo rùng rơn về việc tại sao nên bỏ (hình ảnh u phổi chẳng hạn)
  • Cho họ xem video làm thế nào để bỏ thuốc, với nhiều hướng dẫn hữu ích.

Cái sau hiệu quả hơn đúng k0? Cái đầu là dọa rồ vớ vẩn, cái sau rất thực tế và có nhiều tri thức bổ ích. Như bạn đã sai đấy, nghiên cứu cho thấy các quảng cáo “tại sao” khiến nhiều người bỏ thuốc, còn quảng cáo “như thế nào” hoàn toàn vô ích. Lý do là đây: Chẳng có ai muốn thay đổi thói quen của mình mà lại thất bại vì không biết phải làm thế nào!

Chẳng có ai cả. Với đa số việc, phương pháp không quan trọng. Vì lẽ đó mà các trào lưu ăn kiêng đến rồi đi sau vài tháng, và không bao giờ có một cách tốt hơn những cách khác. Phương pháp chẳng bao giờ là vấn đề. Chẳng qua là ta tìm cách che giấu sự thật: ta không thực sự muốn giảm cân. Nếu bạn muốn, bạn đã có thể giảm cân ngay với chế độ ăn uống hiện tại của mình. Các công ty chuyên về ăn kiêng rất hiểu vấn đề tâm lý này nên thường xuyên giới thiệu cho bạn các phương pháp mới, và tất nhiên không miễn phí.

Ví dụ thú vị: ngành công nghiệp tập thể hình (fitness). Ngành công nghiệp máy tập trị giá 4.5 tỷ USD, còn các CLB thể hình là 27 tỷ. Có bao nhiêu người nghĩ rằng fitness rốt cuộc sẽ làm họ trở thành như vận động viên? Thực tế là 2/3 người mua thẻ thành viên không hề đi tập lấy 1 buổi.

Đó không chỉ là việc ta tự lừa dối bản thân, mà là sự lừa dối nực cười. Nếu bạn thực sự muốn tập, bạn có thể tập ngay tại chỗ, ngay lúc này. Bạn làm một việc là do “tại sao” – giống như ai đó đang gí súng vào mang tai và yêu cầu bạn làm vậy.

#4. Không nghĩ về việc sẽ phải hy sinh cái gì

Có nhiều bài viết muốn ta trở nên tốt đẹp hơn bằng cách làm ta thấy tội lỗi, kiểu như “sao cứ nằm ườn xem TV? Hãy đứng dậy làm việc để thành công trong cuộc sống!”. Mẹ kiếp, nó khiến tôi nổi xung vì tôi biết chính xác tại sao mình nằm ườn xem TV. Sau một ngày căng thẳng, tao muốn nghỉ ngơi, hiểu chưa? Ngay cả khi chẳng có căng thẳng nào, thì việc tôi nằm ườn cũng có nguyên nhân nào đó.

Đó chính là điều mọi người hay bỏ qua khi muốn thay đổi bản thân cho tốt đẹp hơn, và nó luôn quay trở lại cắn họ.

Ví dụ bạn muốn khỏe hơn bằng cách chạy. Bạn hình dung là mình sẽ chạy quanh công viên hàng sáng, không mất xu nào, giảm cân, khỏe mạnh hơn. Bạn phải trả giá thế nào? Cùng lắm là toát mồ hôi một chút, đau cơ một chút. Nhưng thứ khiến bạn phải bỏ cuộc không phải những cái đó, mà là thứ bạn đã quên k0 nghĩ đến: Cái mà bạn mất khi chạy.

Bởi vì cái mà bạn mất chính là bất kỳ thứ gì bạn đang làm thay vì chạy. Và dù bạn có ý thức được hay k0, thì bất kỳ việc gì bạn đang làm bây giờ đều quý giá với bạn. “Nhưng hôm qua tôi nằm nhìn trần nhà 2 tiếng đồng hồ!”. Đúng thế, và chắc là có lý do. Bạn đã thực hiện nhu cầu nào đó. Có thể là để bớt xì trét, tôi k0 biết, nhưng tôi biết là bạn làm vậy vì lúc đó bạn k0 muốn làm gì khác.

Nếu bạn chạy, bạn sẽ phải dậy sớm hơn và bỏ ngủ. “Tôi sẽ đi ngủ sớm” – nhưng khi đó bạn mất một ít buổi tối vốn dành cho tán gẫu hoặc lưới web. Là gì đi nữa thì bạn cũng sẽ mất nó.

Điều này thật hiển nhiên, vậy mà đa số mọi người định làm gì đó đều làm như thuần túy thêm cái đó vào cuộc sống của họ. Kiểu như “tôi quyết định sẽ học đàn”, trong khi lẽ ra phải là “tôi quyết định sẽ học đàn thay vì lang thang cùng bạn gái”.

Bạn hãy tìm đến với ai đó thành đạt, hỏi chuyện về một tuần của họ và lắng nghe những thứ họ không có. Họ không có bạn bè, hoặc gia đình, hoặc sở thích, hoặc gì đó mà bạn nghĩ là vô cùng cần thiết với mình. Ngày của họ cũng 24h giống bạn, và không có cái gọi là “thêm” vào đó, mà chỉ là hy sinh thứ này vì thứ khác.

Đó là lý do tại sao khẩu hiệu “Đồ lười nhác, đừng phung phí thời gian nữa, hãy thay đổi đời bạn” không hiệu quả. Bạn tự lừa mình nếu cho rằng có thể kiếm được vài giờ từ quỹ thời gian bạn đang “phung phí” mỗi ngày. Chúng k0 tồn tại. Thay vào đó, bạn phải lạnh lùng tính xem làm việc gì thay vì việc gì.

Nếu k0 thì chẳng khác gì việc bạn lên kế hoạch tiêu số tiền gấp đôi số bạn có. Nếu bạn muốn thành người khác, thì một việc quan trọng là bạn phải quyết xem sẽ hy sinh cái gì.

#3. Ra vẻ là bạn sẽ trở thành người khác một cách nhiệm màu

Đa số mọi người có niềm tin thầm kín rằng, về dài hạn, họ sẽ trở thành người khác so với hôm nay. Mỗi người béo phì hình dung mình thon thả 10 năm sau, mỗi kẻ nhát gan hình dung mình sẽ dũng cảm. Họ chẳng bao giờ có kế hoạch đi từ điểm A đến Z, không ý thức sự thật phũ phàng rằng bạn của 10 năm sau chẳng qua là bạn của hôm nay nhân với 3652. Nếu bạn tiêu xài phần đáng kể của hôm nay để chơi iPhone, thì 10 năm sau bạn sẽ trở thành đại cao thủ về chơi iPhone.

Mấu chốt là, nếu bạn uể oải, lười nhác hôm nay, bạn sẽ không bất chợt trở nên tràn đầy năng lượng vào năm sau hay sau nữa, trừ phi bạn bắt tay làm gì đó.

#2. Tập trung vào toàn bộ vấn đề thay vì bước tiếp theo

Bạn đi khám, và bác sỹ bảo bạn bị nhiễm khuẩn suốt đời. Nó sẽ gây hại nghiêm trọng cho hệ tiêu hóa của bạn, trừ phi bạn chữa trị hóa chất hai lần mỗi ngày và gặp bác sỹ mỗi 6 tháng cho đến hết đời. Tất nhiên đó không phải bản án tử hình, nhưng cũng khiến bạn cảm thấy muốn đầu hàng, vì bạn hình dung ra gánh nặng quàng trên cổ suốt đời.

Nhưng thật ra tôi chỉ mô tả cho bạn việc chăm sóc răng mà thôi. Bạn k0 cảm thấy đánh răng là gánh nặng, vì bạn k0 ngồi hình dung cả trái núi của việc đó. Bạn chỉ nghĩ về đánh răng như một việc phải làm hàng sáng, để răng khỏi rụng. Bạn quản lý mục tiêu dài hạn (duy trì răng) bằng việc suy nghĩ về mục tiêu rất dễ thực hiện hàng ngày (đánh răng).

Thử hình dung xem: nếu bạn áp dụng trò này cho các thứ khác, bạn có thể thống trị thế giới!

Bất kỳ mục tiêu dài hạn vĩ đại nào đối với đa số mọi người cũng trở nên khả thi với những người thực hiện nó vì họ không chỉ nhìn vào mục tiêu cuối cùng. Với họ, chỉ có việc phải làm hôm nay. Đừng hiểu nhầm, không phải là họ lờ đi mục tiêu, chỉ là họ không coi việc làm hôm nay với mục tiêu 10 năm sau là 2 thứ riêng rẽ. Tương lai k0 phải là mơ ước cao xa, mà là kết cục logic của một chuỗi dài những “hôm nay”. Cái họ làm hôm nay và cái họ muốn về dài hạn là một.

Nếu áp dụng cách này, mục tiêu dài hạn sẽ k0 còn đáng sợ. Bạn chỉ cần làm những việc của ngày hôm nay. Rồi ngày mai. Ngày qua ngày, cuối cùng việc sẽ xong. Nếu bạn muốn trở thành cây ghi-ta nhạc rock, hãy thêm mục “tập ghi ta” vào công việc hàng ngày và tập. Việc đó rất chậm và chán, như đánh răng vậy. Ý tưởng này được áp dụng trong các chương trình cai rượu. Ở đó họ bảo bạn rằng bạn k0 cần phải cai rượu cả đời, bạn chỉ cần cố gắng k0 uống hôm nay.

#1. Lừa bản thân về việc mình thực sự muốn gì

Bạn hãy thử kể về một việc gì đó mà bạn luôn muốn làm, rồi kể về nguyên nhân tại sao bạn đã k0 làm. Ví dụ “tôi luôn muốn mở một quán cafe, nhưng tôi k0 biết bắt đầu thế nào”.

A ha, 90% là nói dối. Bởi vì nếu bạn thực sự muốn, thì sẽ k0 có trở ngại. Và sau đây là nguyên nhân của tất cả những tham vọng bất thành của đời bạn: Chúng ta dùng một từ “muốn” để ám chỉ 2 thứ hoàn toàn khác nhau, và việc nhầm lẫn thường xuyên giữa chúng là lý do tại sao nhiều người thất vọng trong cuộc sống. Tùy bối cảnh, “muốn” có thể là:

  • Phát biểu về một hành động định làm (tôi muốn cắt cỏ trước khi mưa)
  • Phát biểu về một ưa thích chung (tôi muốn mọi người hạnh phúc)

Có vẻ đơn giản, nhưng sự nhầm lẫn giữa hai cách dùng thay đổi tất cả. Nhiều khi chúng ta dùng một câu để chỉ cả hai. Sáng nay tôi nhìn thấy một tay vận động viên đang chạy có thân hình rất đẹp và tự bảo “tôi muốn có body như vậy”. Nếu tôi hỏi vì sau hắn chạy, chắc hắn cũng trả lời “tôi muốn có body như vậy”.

Cùng một câu, hai ý nghĩa khác nhau hoàn toàn. Tôi dùng “muốn” cũng như “muốn thế giới hòa bình” – mong ước viển vông thứ gì đó k0 thể kiểm soát. Tay kia dùng chữ “muốn” để mô tả hành động cụ thể định làm.

Bây giờ hãy nhìn quanh bạn, nhìn những kẻ có thu nhập tối thiểu và “muốn” trở nên giàu có và nổi tiếng một ngày nào đó, kiểu như may mắn lọt vào chương trình truyền hình thực tế hay bỗng “phát hiện” ra tài năng bất ngờ của bản thân. Rồi hãy nhìn vào những kẻ làm việc cả trăm giờ mỗi tuần, cũng “muốn” làm giàu. Khác biệt như đêm với ngày, vậy mà nhiều kẻ ở nhóm đầu không nhận ra! Họ sẽ tiếp tục nghèo trong khi nhóm sau bắt đầu tính chuyện mua biệt thự.

Có lẽ thế giới chia làm hai, một nửa ý thức được “muốn” gì đó nghĩa là gì, gồm cả việc sẽ phải trả giá và hy sinh, và nửa kia mơ màng về “giá như” lơ lửng trong không khí. Nhóm đầu lao vào việc, nhóm sau nhìn họ, lắc đầu vào bảo “họ làm thế nào nhỉ?”, cứ như bọn kia có thủ thuật bí ẩn nào đó.

Trong khi nhiều người trong các bạn ngồi vỉa hè chém gió về những thứ mình “muốn”, có những người khác im lặng kiếm tiền. Bởi vì khi họ muốn gì đó, họ không rên rỉ về nó. Và khi họ có con, họ sẽ dạy chúng rằng chỉ “muốn” thôi thì chưa đủ.

Những người đó có làm bạn sợ? Bạn hình dung họ là cá mập, sói phố Wall, những con buôn máu lạnh đang chia nhau thế giới này? Nếu vậy, thì lần sau nếu có ai hỏi bạn có muốn giàu có không, hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi trả lời. Hãy nghĩ về việc sẽ phải trả giá thế nào. Hãy nghĩ về việc bạn sẽ phải trở thành người như thế nào.

Bản chất là: theo thời gian, ta sẽ nhận được chính xác cái ta muốn. Không phải những cái “muốn” mà ta chém gió để tỏ ra hơn người hay tự huyễn hoặc, mà là cái ta muốn thật sự. Và để hiểu một người thực sự muốn gì, không cần phải hỏi. Chỉ cần nhìn xem hôm nay họ làm gì.

Lược dịch từ nguồn: http://www.cracked.com/blog/5-ways-youre-sabotaging-your-own-life-without-knowing-it/.
Tham khảo bản dịch tiếng Nga: http://www.adme.ru/svoboda-psihologiya/5-oshibok-kotorymi-vy-vredite-sobstvennoj-zhizni-dazhe-ne-znaya-ob-etom-802610/