Tag Archives: FCT Club

Cách học tập nào là tốt nhất?

Trong Hidden Potential, cuốn sách mới ra mắt cách đây 2 tuần của Adam Grant, tác giả nêu quan điểm mỗi người đều có một tiềm năng mà nếu được tạo điều kiện và khai phá, thì sẽ đem lại cho họ những giá trị khác biệt. Trong quá trình đó, các năng lực thuộc về tính cách (character skills) quan trọng hơn các năng lực về nhận thức (cognitive skills), và quá trình mà một người trải qua để vươn lên quan trọng hơn vị trí mà người đó đứng ở thời điểm hiện tại.

Ổng đưa ra một mô hình xác định phong cách học tập của một người – khả năng phát hiện, đánh giá, tiếp thu và ứng dụng thông tin. Trục hoành là cách học: bạn chỉ tiếp nhận những gì xuất hiện trước mắt bạn, những gì người khác đưa cho bạn, hay bạn chủ động tìm kiếm những thứ mà bạn xác định là mình cần. Cái này giống như một học sinh chỉ học những gì thầy giao, và một học sinh chủ động tự học có mục đích.

Trục tung là cách mà bạn lọc thông tin. Có thể trong quá trình học, bạn chú ý để vuốt ve lòng tự ái của bản thân, hay bạn chú ý đến việc tiếp thu phê bình, không sợ bị chê cười, để phát triển tối đa.

Hai chiều này cắt nhau tạo ra 4 góc bánh chưng. Nếu bạn học thụ động và hay tự ái, thì sẽ bị kẹt trong một cái bẫy tự vệ. Bạn sẽ tiếp thu kiến thức rất hữu hạn và chối bỏ mọi thông tin đe dọa đến cái tôi của bạn. Giống một cục cao su.

Nếu bạn hay tự ái nhưng học chủ động, thì bạn sẽ tiếp cận nhiều thông tin hơn. Nhưng bạn sẽ có xu hướng bỏ qua các phản hồi mang tính phê bình góp ý, kể các có tính xây dựng. Giống như được phủ một lớp teflon chống dính với các phản hồi đó.

Nếu bạn không tự ái, sẵn sàng nghe phê bình, nhưng học thụ động, thì sẽ giống một viên đất sét trong tay người khác. Những người này hay được khen là dễ dạy bảo. Điểm dở là họ chỉ tiếp thu những gì đã bày sẵn, và vì thế không thể tiến bộ vượt bậc.

Cuối cùng, nếu bạn không tự ái và học chủ động, thì sẽ giống một miếng bọt biển có khả năng hút vào rất lớn, luôn phát triển và thích ứng. Nếu được duy trì, khả năng này sẽ giúp bạn tiến rất xa mặc dù điểm xuất phát có thể rất thấp. Thêm vào đó, bọt biển không hề hấp thụ mọi thứ một cách đồng loạt, mà biết cách loại bỏ những gì không có ích, thậm chí còn giúp giải độc.

Ở CLB Tài năng Lập trình FSOFT (FCT Club), chúng tôi đi tìm những bạn nhỏ có phong cách học tập chủ động, biết mình muốn gì, và giúp các bạn có óc cầu tiến (growth mindset), không tự ái, dám thử những gì mình chưa giỏi và không sợ nhận dốt. Cuốn sách của Adam Grant khiến chúng tôi tự tin hơn với con đường đã chọn.

PS. Cuốn sách cũng xui các công ty xem lại cách tuyển dụng, thay vì tìm những người đang có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm, thì tìm những người có khả năng học và phát triển – những người có ý chí và đã vượt qua nhiều khó khăn để vươn lên. Ví dụ thay vì chú ý đến các sinh viên sống ở thành phố, thuộc gia đình khá giả với nhiều thuận lợi do đó có kết quả tốt, thì chú ý đến các sinh viên từ nông thôn khó khăn và có khả năng phấn đấu. Tất nhiên sẽ mất công hơn để tuyển dụng theo hướng đó, nhưng đáng thử vì có thể đem lại kết quả bất ngờ, và ít phải cạnh tranh.

Các giả định hữu ích cho người dạy

Bài viết của Seth Godin, ngắn gọn về những điều quan trọng nhất mà một giáo viên (hoặc bất kỳ ai muốn giảng dạy, chia sẻ) cần chú ý và thực hiện luôn luôn. Tôi bổ sung thêm bình luận liên quan đến quá trình học tập ở FCT Club (CLB Tài năng Lập trình FPT Software), vì cám thấy rất gần gũi.

Bài này cũng rất bổ ích với những người làm đào tạo ở các tổ chức, các doanh nghiệp, vì nó giúp xác định đúng vấn đề và nâng cao hiệu quả.

Các giả định hữu ích cho giáo viên (Useful assumptions for teachers)

Không chỉ áp dụng cho lớp học, mà bất cứ nơi nào chúng ta muốn phổ biến gì đó, truyền cảm hứng, hay giáo dục ai đó:

Giả định về sự cam kết (enrolment). Một người hoặc là cam kết cho việc học, hoặc không. Nhiều khi tình huống khiến mọi người phải có mặt, nhưng hầu như không thể dạy tốt nếu người ta không quan tâm học. Nếu mọi người không có sự cam kết, thì công việc đầu tiên là thay đổi điều đó. Nếu bạn đang phải lo lắng rằng họ sẽ lướt phây hay rời đi, thì thật khó để làm tốt công việc.

Bình luận: nếu người học ko có sự cam kết, ko có động lực để học, thì kết quả hầu như không có, đặc biệt là khi khả năng kiểm soát của thầy rất hạn chế như học online. Đôi khi cũng cần một thời gian để thay đổi người học từ chỗ không muốn sang muốn. Nếu thầy có quyền chọn, thì nên loại bỏ những người học không cam kết. Ở FCT Club, đây là tiêu chí đầu tiên để chọn và lọc.

Giả định về ý định tốt (good intent). Đây là người anh em của cam kết. Nếu bạn đang lo lắng rằng ai đó sẽ sử dụng AI để viết luận, thì nhiều khả năng là bạn sẽ dành toàn bộ thời gian để xây tường thay vì bắc những cây cầu.

Bình luận: người học có thể có cam kết nhưng do bị sức ép chứ ko tự nguyện, do đó có thể tìm cách đi tắt, gian lận, v.v. Nếu người thầy và tổ chức phải tìm cách để phát hiện và ngăn chặn các hành vi này, thì sẽ không có đủ nhiều thời gian cho việc dạy. Ở FCT không có điểm số, và không khuyến khích học viên chạy theo thành tích ngắn hạn mà thay vào đó là chủ động “nhận dốt” để học được nhiều.

Giả định về nỗi sợ. Học hỏi tạo ra thay đổi, và thay đổi thì gây sợ hãi. Thêm vào đó, chúng ta đều ngu ngốc ngay trước khi hiểu ra bài học… chúng ta biết rằng có thể làm được gì đó, nhưng chúng ta không (chưa) biết cách làm. Khi thấy nghi ngờ, hãy tìm xem nỗi sợ nằm ở đâu.

Bình luận: nếu tự nguyện, thì học là một quá trình đem lại sự thỏa mãn, đem lại niềm vui vì thấy mình tiến bộ. Tuy nhiên cũng có khi người học tỏ ra khác lạ, né tránh, v.v. thì thầy nên tìm hiểu tại sao, ko nên chỉ trích hoặc nhanh chóng đưa ra những lời khuyên, những yêu cầu chấn chỉnh.

Giả định về việc thiếu ngữ cảnh (lack of context). Lý do bạn ‘biết’ gì đó là vì bạn biết điều đó. Bạn hiểu cái gì có trước, cái gì kế tiếp, nó hoạt động như thế nào, ngôn ngữ trong lĩnh vực của bạn là gì (cả từ ngữ và khái niệm). Nếu bạn đang dạy gì đó mới, thì bạn không thể chắc chắn rằng người nghe cũng biết như thế. Hãy dành nhiều thời gian hơn cho ngữ cảnh và ít thời gian hơn cho các mẹo và các gạch đầu dòng. Làm vậy sẽ tạo điều kiện để hiểu bài.

Bình luận: theo lẽ tự nhiên, người ta học là vì một bài toán, một hiện tượng gì đó trong cuộc sống mà họ quan tâm. Nhưng nhiều khi bối cảnh này bị lược bỏ mà nhảy ngay vào việc phát biểu một bài toán chung và giải pháp. Giúp người học hiểu được chuỗi giải pháp đi từ bài toán cuộc sống thì hơn là thuộc các công thức hay mẹo mực, vốn chỉ để có được điểm cao.

Giả định về kết nối. Một số người cho rằng việc học có thể được thực hiện một mình, trong tòa tháp, với một cái laptop. Nhưng trên thực tế, cho đến khi ta tương tác với những người khác hoặc hệ thống khác, thì tất cả những gì chúng ta đã làm chỉ là tiếp thu, chúng ta vẫn chưa hiểu.

Bình luận: người học cần áp dụng các tri thức học được, thông qua việc tham gia với những người khác để làm gì đó (nếu là kỹ năng) hoặc tranh luận gì đó (nếu là kiến thức). Như vậy sẽ tránh được kiểu học thuộc lòng, vì bắt buộc phải dùng ngôn từ của riêng mình.

(Seth Godin. Useful assumptions for teachers)

Giới thiệu: CLB Tài năng Lập trình FPT Software

Giới thiệu chung

FCT Club (FPT Software Computer Talents Club) là CLB năng khiếu về lập trình dành cho học sinh Việt Nam. FCT Club được tài trợ hoàn toàn bởi FPT Software, bắt đầu hoạt động từ năm học 2020-21. Là CLB năng khiếu nghĩa là các thành viên phải có mong muốn và khả năng học lập trình, có sẵn động lực học và khả năng tiếp thu nhanh. Nếu không có 2 phẩm chất này, các bạn nhỏ nên tìm một môi trường học khác phù hợp hơn.

Continue reading