Cảm xúc và Bánh xe Cảm xúc

Cảm xúc (emotion) là gì?

Cảm xúc được định nghĩa là một giai đoạn gồm những thay đổi đồng bộ của trạng thái của tất cả hoặc hầu hết 5 tiểu hệ cơ thể, như một lời đáp sau khi tâm trí đánh giá một sự kiện kích thích bên ngoài hoặc bên trong mà có liên quan đến mối quan tâm chính của cơ thể. Năm tiểu hệ (thành phần) là:

Thành phầnChức năng chínhVí dụ
Cảm giác chủ quan (Subjective feeling)Theo dõi (Monitoring)Buồn, hạnh phúc, biết ơn, tức giận, cảm thấy tốt
Xu hướng hành động (Action tendency)Động lực (Motivation)Muốn khóc, muốn nhảy lên nhảy xuống, muốn đến gần
Đánh giá (Appraisal)Tạo ý nghĩa (Meaning making)Tôi vừa đánh mất thứ gì đó; Tôi vừa nhận được quà; Tôi đã vượt qua một bài kiểm tra khó khăn, gì đó tốt đẹp đã đến với tôi
Hoạt động vận động (Motor activity)Giao tiếp (Communication)Khóc, cười, nâng cằm, thu mình, đưa tay lên xuống nhanh chóng
Sinh lý (Physiological)Hỗ trợ (Support)Thay đổi mạch, lưu lượng máu, hoạt động của não


Như vậy, cảm xúc ảnh hưởng đến hành động của chúng ta theo 5 thành phần:

  • Thành phần Cảm xúc (Cảm giác chủ quan): Là khi một người chỉ đơn giản trải nghiệm những cảm giác (feelings). Đó là việc theo dõi vũ trụ bên trong và nhận biết những gì đang được trải nghiệm vào thời điểm đó.
  • Thành phần Xu hướng hành động: Một khi cảm xúc được xác định, cơ thể sẽ bắt đầu hành động. Cảm xúc cho bạn một số hành động nhất định. Trong khi một số hành động nằm ngoài kiểm soát của chúng ta (và đó là điều may mắn), chẳng hạn như rụt tay khỏi bàn ủi nóng, thì những hành động khác lại nằm trong tầm kiểm soát của ta, ví dụ đối mặt với nỗi sợ hãi và tiếp tục bài thuyết trình.
  • Thành phần Đánh giá: Bằng cách dùng nhận thức để phân tích cảm xúc, ta có thể nắm bắt được các tình huống, hành động, môi trường hay cá nhân gây ra cảm xúc đó. Điều này hỗ trợ ta theo dõi xem những kích thích này tác động như thế nào đến ta. Nó cũng vô giá trong việc giúp truyền đạt trạng thái của thế giới nội tâm của ta với người khác.
  • Thành phần Vận động: Đây là chức năng giao tiếp: với những gì đang trải nghiệm, ta thể hiện ra như thế nào (nét mặt, cử chỉ tay, chuyển động cơ thể, v.v.). Vì vậy, nó cực kỳ quan trọng ở cấp độ liên cá nhân, cũng như cấp độ cá nhân.
  • Thành phần Sinh lý: Thành phần này hỗ trợ tất cả những thành phần khác và là phản ứng hóa học mà cơ thể chúng ta trải nghiệm. Ví dụ, dòng máu dồn đến tay khi một người trải nghiệm cảm xúc tức giận.

Mặc dù ai cũng có các thành phần cảm xúc, nhưng cường độ và cách biểu hiện của những cảm xúc này ở mỗi người là khác nhau. Ngoài ra còn có các yếu tố xã hội như giới tính, văn hóa và chủng tộc ảnh hưởng đến việc tại sao mọi người lại cảm nhận cảm xúc khác nhau, mặc dù rơi vào trong những tình huống giống nhau.

Ví dụ: khi nghe những từ như: “Tôi sợ”, “Tôi cảm thấy bồn chồn”, “Tôi không muốn ở đây” hoặc “Tôi không có đủ thời gian để chuẩn bị cho trận chung kết”, thì đó đều là một trong các thành phần khác nhau của một cảm xúc.

Cụm từ đầu tiên (tôi sợ) mô tả cảm giác chủ quan về nỗi sợ. Ví dụ thứ hai (tôi cảm thấy bồn chồn) đề cập đến thành phần sinh lý của cảm xúc. Ví dụ thứ ba (tôi không muốn ở đây) chỉ ra xu hướng hành động né tránh, mà có thể sẽ được thực hiện hoặc không. Ví dụ thứ tư mô tả một số đánh giá về tình huống, bao gồm sự thất vọng về mục tiêu (tôi chưa chuẩn bị) và thiếu năng lực (tôi không có đủ thời gian). Các hoạt động vận động có thể quan sát được cũng liên quan đến cảm xúc. Ví dụ: biểu hiện trên khuôn mặt, chẳng hạn như mỉm cười hoặc cau mày, các tư thế cơ thể, chẳng hạn như mở rộng cánh tay hoặc giơ nắm đấm và những thay đổi trong giọng nói, chẳng hạn như cao giọng, có thể được quan sát thấy trong các tình huống cảm xúc.

Phân biệt giữa Cảm xúc, Cảm giác, Tâm trạng và Tình cảm

Nói chung, chúng có nhiều định nghĩa hơi khác nhau, và thường được sử dụng lẫn lộn.

Cảm xúc (Emotion): là một trải nghiệm mãnh liệt, một phản ứng tự động của tâm trí. Nó không đi qua vùng tư duy logic của não nên có thể không logic, và rất nhanh. Cảm xúc là thứ ta cảm nhận trước tiên, và có tính tạm thời. Cảm xúc là chung cho tất cả mọi người. Cảm xúc thường đi kèm với nét mặt và cử chỉ cơ thể.

Cảm giác (Feeling): là thứ ta cảm thấy khi xử lý cảm xúc bằng nhận thức, với ý thức về bản thân và môi trường xung quanh. Cảm giác kéo dài hơn cảm xúc, và xuất hiện khi ta gán ý nghĩa cho cảm xúc của ta. Cảm giác có thể xuất hiện đi xuất hiện lại dưới các dạng khác nhau trên một cảm xúc, vì não xử lý lặp lại cảm xúc đó. Ví dụ khi biết chuyện một người bạn đặt điều nói xấu ta, ta cảm thấy ngạc nhiên, rồi tức giận, rồi thất vọng, rồi buồn, v.v. Chuỗi cảm giác này xuất hiện một cách tự nhiên, và nếu ta định danh được chúng thì có thể tìm cách thấu hiểu và có những điều chỉnh có lợi cho bản thân, tức là không bị cảm giác chi phối và hướng đến cảm giác tích cực. Bằng cách đó, ta có thể xây dựng cho mình một cơ chế quản lý cảm giác hiệu quả hơn so với nhân vật AQ của Lỗ Tấn, là người có thói quen chuyển hóa cảm giác uất ức sang khinh miệt, và thấy hài lòng vì thỏa mãn được ego.

Như vậy, về cơ bản Cảm xúc và Cảm giác được dùng lẫn lộn nhau, nhưng nếu theo định nghĩa trên, thì Cảm giác có tính riêng tư với từng người. Có định nghĩa đưa ra thêm sự phân biệt là: Cảm giác có thể không bao gồm Cảm xúc, ví dụ “Cảm giác là mình biết gì đó”.

Tâm trạng (Mood): có thể nói Tâm trạng bao gồm Cảm xúc và các Cảm giác đi kèm, kéo dài hơn và không mãnh liệt bằng cảm xúc. Một khác biệt nữa là Tâm trạng không gắn với một mục tiêu cụ thể (ví dụ không còn gắn với người đã gây ra Cảm xúc ban đầu).

Khi không được xử lý, Cảm xúc hay chuyển sang Tâm trạng. Ngược lại, Tâm trạng cũng có thể ảnh hưởng đến Cảm xúc và cường độ cảm xúc của một người khi có tình huống tiếp theo.

Tình cảm (Affect): là khái niệm chung nhất, bao gồm các khái niệm trên. Do đó có ngành Khoa học về Tình cảm (Affective Science), nghiên cứu về Cảm xúc, Tình cảm, bao gồm nghiên cứu về bản chất của Cảm giác, Tâm trạng, hành vi thúc đẩy bởi Cảm xúc, v.v.

Các cảm xúc cơ bản

Người Việt quen thuộc với ít nhất 2 hệ thống, mỗi hệ thống có 7 cảm xúc:

  • Hệ thống Thất tình Lục dục trong Phật giáo: 7 cảm xúc (thất tình) bao gồm Hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố và dục (tức là vui, giận, buồn, sợ, yêu, ghét và ham muốn).
  • Hệ thống bảy cảm xúc trong Y học Trung quốc, bao gồm 喜怒忧思悲恐惊 – hỷ, nộ, ưu, tư, bi, khủng và kinh (tức là vui, giận, lo lắng, nhớ mong, buồn, sợ và sốc)

Phương Tây có gồm các hệ thống sau:

  • William James (năm 1890) đề xuất 4 cảm xúc cơ bản: sợ, đau buồn, yêu và giận (fear, grief, love, and rage)
  • Paul Ekman xác định 6 cảm xúc cơ bản là giận, ghê tởm, sợ, hạnh phúc, buồn và ngạc nhiên. Ông đã đưa 5 trong số đó (trừ Ngạc nhiên) vào phim Inside Out.
  • Danh sách 27 cảm xúc từ nghiên cứu của Đại học California Berkeley, bao gồm:
ngưỡng mộ admirationtôn thờ adorationđánh giá cao về thẩm mỹ aesthetic appreciation
vui chơi (ngu lạc) amusementgiận dữ angerlo lắng anxiety
kinh ngạc (choáng ngợp) awelúng túng awkwardnessbuồn chán boredom
bình tĩnh calmnessBối rối confusionthèm muốn craving
ghê tởm disgustnỗi đau đồng cảm empathic painmê hoặc entrancement
phấn khích excitementsợ hãi fearkinh dị horror
quan tâm interestvui sướng joyhoài cổ nostalgia
Nhẹ nhõm relieflãng mạn romancebuồn sadness
thỏa mãn satisfactionham muốn tình dục sexual desirengạc nhiên surprise

Xem thêm về phân loại cảm xúc.

Bánh xe Cảm xúc (hoặc Cảm giác)

Một cách phân loại phổ biến và có tính ứng dụng cao là thể hiện các cảm xúc dưới dạng hình tròn (do đó gọi là bánh xe), trên đó có thể thể hiện cảm xúc theo cường độ, và có thể kết hợp hay chia nhỏ các cảm xúc cơ bản để thể hiện nhiều cảm xúc chi tiết hơn. Bánh xe này cũng giúp mọi người có thể định danh cảm xúc (cảm giác) của mình, từ đó hiểu hơn về quá trình xuất hiện các cảm xúc trong mình và có thể bắt đầu quản lý chúng.

Bánh xe cảm xúc Plutchik

Theo nhà tâm lý học người Mỹ Robert Plutchik, con người có đến 34,000 cảm xúc khác nhau. Ông đề xuất 8 cảm xúc cơ bản làm nền tảng cho tất cả những cảm xúc khác, tạo thành 4 cặp đối lập: vui vs buồn, chấp nhận (acceptance) vs ghê tởm, sợ hãi vs tức giận, bất ngờ vs chờ đợi.

Lý thuyết cảm xúc của ổng bắt nguồn từ 10 định đề sau:

  • Động vật và con người: Não giữa (hoặc hệ thống limbic) của con người tương tự như các loài động vật có vú khác. Động vật và con người đều trải qua những cảm xúc cơ bản giống nhau.
  • Lịch sử tiến hóa: Cảm xúc ra đời như một phần của quá trình tiến hóa, rất lâu trước khi có loài vượn hay con người.
  • Vấn đề sinh tồn: Vai trò có ảnh hưởng nhất của cảm xúc là giúp chúng ta tồn tại.
  • Mô thức nguyên mẫu (Prototype Patterns): Đây là những mô thức và thành phần có thể nhận dạng chung mà tạo nên mỗi cảm xúc.
  • Cảm xúc cơ bản: Những cảm xúc cơ bản nhất là những cảm xúc nguyên thủy: tin tưởng, sợ hãi, ngạc nhiên, buồn bã, ghê tởm, tức giận, mong đợi và niềm vui.
  • Tổ hợp: Việc cộng những cảm xúc cơ bản này sẽ tạo ra những cảm xúc mới như: tình yêu = (niềm vui+ sự tin tưởng), cảm giác tội lỗi = (niềm vui + nỗi sợ hãi) và Hân hoan (delight) = (niềm vui + sự ngạc nhiên).
  • Các khái niệm giả thuyết (hypothetical constructs): Cảm xúc là những khái niệm hoặc tư tưởng, giúp mô tả một trải nghiệm nhất định.
  • Đối lập: Giống như nhiều thứ trong tự nhiên, có tính hai cực của cảm xúc, do đó mỗi thứ đều có cực đối lập: buồn trái ngược với vui, tin tưởng đối nghịch với ghê tởm, sợ hãi đối nghịch với giận dữ, ngạc nhiên trái ngược với chờ đợi.
  • Sự tương đồng: Mức độ giống nhau quyết định cảm xúc nào có liên quan nhiều hơn và cảm xúc nào hoàn toàn ngược lại.
  • Cường độ: Mức độ thay đổi cường độ, từ rất mạnh đến không nhiều, tạo ra một lượng lớn cảm xúc mà ta có thể cảm nhận được. Chẳng hạn như: Niềm tin: từ chấp nhận đến ngưỡng mộ. Nỗi sợ: từ rụt rè đến sợ hãi khủng khiếp (terror). Ngạc nhiên: từ không chắc chắn đến sửng sốt (amazement). Buồn: từ u uẩn đến đau khổ. Ghê tởm: từ không thích đến tởm lợm. Tức giận: từ khó chịu đến thịnh nộ. Chờ đợi: từ để ý đến cảnh giác. Vui: từ thanh thản đến ngây ngất.

Nhìn vào bánh xe chúng ta có thể nhận thấy ba đặc điểm chính:

Màu sắc: Tám cảm xúc được sắp xếp theo màu sắc tạo nên một tập hợp các cảm xúc tương tự. Các cảm xúc cơ bản nằm ở vòng tròn thứ hai. Cảm xúc với màu sắc nhẹ nhàng hơn là sự kết hợp của hai cảm xúc cơ bản.

Các lớp: Càng gần tâm vòng tròn, cường độ cảm xúc tăng, do đó màu đậm hơn. Ví dụ, ở trung tâm bánh xe, những cảm xúc cơ bản thay đổi từ: giận dữ sang thịnh nộ; chờ đợi sang cảnh giác; vui sang ngây ngất; tin tưởng sang ngưỡng mộ; sợ hãi sang khủng bố; ngạc nhiên sang sửng sốt; buồn đến đau khổ; ghê tởm đến tởm lợm. Di chuyển ra các lớp bên ngoài, màu sắc trở nên nhạt hơn và cường độ giảm.

Quan hệ: Những cảm xúc đối cực đối diện nhau. Khoảng cách giữa các cảm xúc thể hiện sự kết hợp khi những cảm xúc cơ bản trộn lẫn. Vì vậy, chúng ta thấy sự xuất hiện của những cảm xúc như tình yêu, sự phục tùng, sự lạc quan, hung hăng, khinh thường, hối hận, không tán thành, kinh ngạc/choáng ngợp (awe).

Bánh xe cảm xúc Plutchik
Một chiều nhìn khác của Bánh xe Cảm xúc Plutchik: các cảm xúc tổ hợp được hình thành từ các cặp cảm xúc cơ bản. Có lẽ ngay cả các cảm xúc đối lập cũng có thể tạo nên tổ hợp, ví dụ Tức giận + Sợ hãi = Uất ức.

Bánh xe Cảm giác Willcox (Feeling Wheel)

Bánh xe Cảm giác do Gloria Willcox đề xuất, bao gồm 6 cảm giác cơ bản rồi chia thành các cảm giác chi tiết hơn. Tuy dùng từ khác so với mô hình Plutchik (Cảm xúc vs Cảm giác), nhưng thật ra chúng là giống nhau, và tên gọi cũng được sử dụng lẫn lộn. Bánh xe Cảm giác của Willcox là tiền đề để xây dựng ra một số mô hình bánh xe khác như được dẫn ở dưới đây.

Feeling Wheel

Bánh xe các từ mô tả cảm xúc (Wheel of Emotional Words)

Mô hình này do Mục sư Geoffrey Roberts xây dựng dựa trên Feeling Wheel của Willcox. Ông đưa ra nhiều từ mô tả cảm xúc để những người có vốn từ không đủ có thể chọn để mô tả các cảm xúc của mình trong các buổi tư vấn, nhất là các cảm xúc tiêu cực. Có ý kiến cho rằng, con người có số cảm xúc tiêu cực nhiều hơn so với số tích cực, vì cảm xúc tiêu cực giúp sinh tồn (ví dụ cảm giác ghê tởm ngăn ta không ăn các thứ ôi thiu độc). Vì thế mà bánh xe trên có nhiều từ mô tả cảm xúc tiêu cực.

Mô hình có 7 cảm xúc cơ bản và phát triển tiếp 2 lớp nữa để mô tả các sắc độ cảm xúc chi tiết hơn.

Nguồn: https://imgur.com/gallery/tCWChf6

Bánh xe Junto (Junto’s Wheel)

Khá giống so với bánh xe của Roberts, nhưng là do một công ty tư vấn doanh nghiệp xây nên, để sử dụng trong quá trình tư vấn cho các tổ chức, giúp các nhân viên nâng cao EQ.

Nguồn: https://www.thejuntoinstitute.com/emotion-wheels/

Bánh xe Cảm xúc Geneva

Bánh xe Cảm xúc Geneva (GEW) do nhóm nghiên cứu tại Đại học Geneva Thụy sỹ xây dựng. Cũng gọi là bánh xe, nhưng GEW có cấu trúc khác với các mô hình trên.

Thứ nhất là GEW có 2 trục thể hiện hai tham là hóa trị (valence) và kiểm soát (control). Hóa trị âm hay dương mô tả một cảm xúc là tiêu cực (gây khó chịu) hay tích cực (dễ chịu). Cảm xúc có Kiểm soát cao nghĩa là ta có khả năng cao để kiểm soát nó và ngược lại. Ví dụ ta có thể kiểm soát được Tức giận (tuy khó nhưng có thể học được), nhưng không kiểm soát được Ngạc nhiên hay Buồn.

Thứ hai là GEW không có cảm xúc chính nào cả, thay vào đó là một tập hợp gồm 20 cảm xúc và được thể hiện theo cường độ khác nhau. GEW cũng cho phép chọn “không có cảm xúc” hoặc “những cảm xúc khác”.

Geneva Emotion Wheel (University of Geneva)

Sử dụng Bánh xe Cảm xúc để làm gì?

Các bánh xe trên được thiết kế để đem theo, và lôi ra đối chiếu khi cảm thấy mình cần nhận biết cảm xúc của bản thân. Việc đó đem lại một số ích lợi:

  • Vạch mặt chỉ tên cảm xúc: Các công cụ này cho phép ta định danh cảm xúc của mình, và hiểu sự kết hợp cảm xúc nào đã tạo ra kết quả này.
  • Quản lý phản ứng: Một khi vật thể hóa (objectify) và hiểu được cảm xúc, ta có thể đồng cảm với chính mình và hướng sự tập trung của mình theo hướng của cảm xúc mà ta thực sự muốn cảm nhận. Tức là có thể quản lý chúng tốt hơn để có lợi hơn.
  • Diễn đạt cảm giác của bản thân: Diễn đạt được cảm giác với bản thân và người khác sẽ giúp ta cảm thấy nhẹ nhõm hơn, khiến hai bên hiểu nhau và gắn bó hơn.

Trên internet có rất nhiều hướng dẫn chi tiết về việc sử dụng các Bánh xe trên, đây là một ví dụ:

Một số nguồn tham khảo:

The Emotion Wheel: What It Is and How to Use It
Emotion Wheels Help Us Label Our Feelings
Emotion (wikipedia)

Leave a Reply