Phim tâm lý giáo dục và tâm lý trẻ em

Theo Google, nếu chủ đề của thế kỷ XX là “conquering nature” thì thế kỷ XXI là “understanding people”. Với sự phát triển của đời sống, công nghệ, mạng xã hội, v.v. con người có thể và muốn dành nhiều thời gian cho tương tác trong các mối quan hệ xã hội. Để có thể sống và làm việc trong môi trường đó hiệu quả, mọi người cần tự trang bị những hiểu biết về tâm lý học.

Bên cạnh việc tìm hiểu về tâm lý học để phát triển bản thân, mỗi người còn có nhu cầu hiểu về tâm lý giáo dục (Educational Psy) và tâm lý trẻ em (Child Psy, một phần của Tâm lý Phát triển – Developmental Psy), để nuôi dạy con trẻ với tư cách bố mẹ, và giúp trẻ học với tư cách là thầy cô giáo hoặc mentor.

Kết hợp Phim + Sách
Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, để nhìn ra một vấn đề mới, một điều gì đó cần quan tâm thì phim ảnh tốt hơn là sách, vì dễ theo dõi, đỡ mất thời gian hơn và cũng ấn tượng hơn. Sau khi biết và muốn tìm hiểu sâu hơn, thì lại nên đọc sách. Như vậy, phim và sách kết hợp cho ta một cách tiếp cận hiệu quả tới mọi thứ ta muốn và cần biết:

  • Xem phim để biết là có nó, và nó quan trọng
  • Sau đó đọc sách để hiểu về nó và thực hành

Những phim được review
Trang này bao gồm các nhận xét, khuyến cáo về các bộ phim truyện liên quan đến tâm lý giáo dục, tâm lý trẻ em và một số khía cạnh của tâm lý xã hội cần cho một người muốn phát triển bản thân hoặc con cái / học trò của mình. Danh sách có một số đặc điểm sau:

  • Chỉ gồm phim có người đóng (live action). Phim hoạt hình (animation) cũng có tính giáo dục rất cao, nhưng thể hiện các khía cạnh tâm lý con người thông qua lập trình cho nhân vật nên không phong phú như diễn xuất của diễn viên.
  • Chỉ được đánh giá trên khía cạnh có ích lợi gì trong giáo dục hay không, chứ không đánh giá về mức độ hấp dẫn. Có những bộ phim rất hay, cảm động, đáng xem, nhưng mang tính giải trí, tạo cảm xúc đẹp hơn là giúp người xem học được gì đó trong lĩnh vực giáo dục.
  • Mỗi bộ phim được đánh giá mức độ hữu ích cho 3 đối tượng: bản thân người xem (chủ yếu là bạn trẻ), bố mẹ (xem để hiểu con cái), và thầy cô giáo (xem để hiểu học trò). Một người có thể cùng lúc thuộc vài nhóm đối tượng.
  • Chỉ gồm những phim mà bản thân tôi đã xem. Tôi chọn phim để xem rồi đánh giá căn cứ theo một số nguồn (ví dụ), và nhận thấy trong số chúng có những phim không hữu ích cho mục tiêu kể trên. Tuy nhiên, danh sách này bao gồm cả những bộ phim đó, để độc giả có thể lựa chọn bỏ qua. Lưu ý rằng, các bộ phim đó có thể đáng xem vì lý do khác.
  • Không có hoặc rất ít tóm tắt cốt truyện, ý nghĩa của phim, v.v. Độc giả có thể xem chúng ở các nguồn review phim ảnh phù hợp.
  • Thứ tự xuất hiện không quan trọng.

Xếp hạng và cấu trúc review
Review cho mỗi bộ phim có cấu trúc như sau:

  • Tên phim, năm ra mắt, quốc gia. Tựa đề tiếng Việt có thể khác nhau ở các bản dịch khác.
  • Bối cảnh phim (ví dụ gia đình, trường học, v.v.)
  • Nhận xét chung
  • Khuyến cáo cho người trẻ (xem cho bản thân) và xếp hạng. Có 4 hạng như sau:
    • 0 – không cần xem. Câu chuyện không có gì đặc sắc về tâm lý giáo dục
    • 1 – nên xem. Có những tình tiết hay về tâm lý giáo dục
    • 2 – rất nên xem. Câu chuyện tâm lý sâu sắc, đáng suy nghĩ
    • 3 – phải xem. Câu chuyện rất ấn tượng
  • Khuyến cáo cho bố mẹ (xem để nuôi dạy con), xếp hạng từ 0-3.
  • Khuyến cáo cho thầy cô giáo (xem để giúp trẻ học và phát triển), xếp hạng từ 0-3.

Giải thích thêm về xếp hạng: mức xếp hạng được đánh giá trên cơ sở những bài học cụ thể nhận được. Những bộ phim có câu chuyện chung chung, không có tình tiết tâm lý sâu, thì sẽ được xếp hạng ở mức thấp hơn. Phim có xếp hạng cao là những phim đem lại những bài học cụ thể và sâu sắc cho người xem, khiến họ muốn tìm hiểu nhiều hơn và áp dụng trong thực tế.

Rất mong nhận được góp ý, phản hồi. Xin comment ở dưới bài, hoặc email đến datpp@funix.edu.vn.

Bảng tóm tắt xếp hạng

Bảng tóm tắt xếp hạng của các phim, cho từng nhóm đối tượng. Chi tiết xem trong Danh sách phim.

#PhimNgười trẻ (độ tuổi)Bố mẹThầy cô giáo
1Pather Panchali (Song of a Little Road)1 (15+)00
2The 400 blows (Les Quatre Cents Coups – 400 cú đánh)020
3Children of Heaven (Những đứa trẻ ở thiên đường)1 (13+)10
4Freedom Writers (Viết vì tự do)2 (15+)13
5Stand and Deliver (Chịu đựng và Về đích)2 (15+)13
6Dead Poets Society (Hội những nhà thơ quá cố)2 (15+)33
7Good Will Hunting (Will Hunting người tốt)011
8To Sir, with Love (Yêu mến gửi Thầy)001
9Mr. Holland’s Opus (Tuyệt tác của thầy Holland)001
10Broken (Cuộc sống đổ vỡ)020
11School of Rock (Trường học Rock)010
1212 Angry Men (Mười hai người giận dữ)3 (18+)30
13One Flew Over The Cuckoo’s Nest (Bay qua tổ chim cúc cu)3 (18+)23
143 Idiots (Ba thằng dở hơi)3 (18+)03
15Taare zameen par (Stars on the Earth)1 (13+)11
16Dangerous Minds (Nhận thức Nguy hiểm)013
17What Maisie Knew (Điều Maisie đã biết)020
18The Hunt (Jagten – Bị săn đuổi, 2012)033
19Lord of the Flies (Chúa Ruồi, 1963)2 (15+)22
20Ordinary People (Những người thường, 1980)020
21The Refleting Skin (Da phản chiếu, 1990) 010
22Mean Creek (Tội ác trên suối, 2004)1 (13+)22
23Hunt For The Wilderpeople (Cuộc đi săn kỳ lạ, 2016)012
24Detachment (Hờ hững, 2011)002
25Take The Lead (Hãy dẫn dắt, 2006)012
26Christiane F. (Tôi là Christiane, 1981)030
27October Sky (Bầu trời tháng 10, 1999)3 (13+)31
28American History X (Khoảng tối lịch sử Mỹ, 1998)1 (18+)10
29Mona Lisa Smile (nụ cười Mona Lisa, 2003)000
30Renaissance Man (Người đến từ Phục hưng, 1994)000
31Captain Fantastic (Thuyền trưởng tuyệt vời, 2016)010
32Les Choristes (Ban hợp xướng, 2004)1 (15+)02
33Coach Carter (Huấn luyện viên Carter, 2005)2 (15+)22
34Lean on Me (Hãy dựa vào tôi, 1989)000
35Half Nelson (2006)001
36Bù nhìn (Chuchelo, 1983)000

Danh sách phim (liên tục cập nhật)

1/ Pather Panchali (Song of a Little Road), Ấn độ, 1955
Bối cảnh: gia đình
Nhận xét chung: phim về cảnh sinh hoạt ở một làng quê Ấn độ rất nghèo, mô tả đầy đủ và tự nhiên về cuộc sống ở đó, cả trẻ nhỏ và người lớn
Người trẻ: 1 (nên xem), độ tuổi: 15+. Xem để cảm thông với người nghèo, tạo khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo.
Bố mẹ: 0 (không cần xem)
Nhà giáo: 0 (không cần xem)

2/ The 400 blows (Les Quatre Cents Coups – 400 cú đánh), Pháp, 1959
Bối cảnh: gia đình
Nhận xét chung: phim về một cậu học trò có hoàn cảnh gia đình không thuận lợi. Có ước mơ và lòng nhân hậu nhưng bị bị hiểu nhầm.
Người trẻ: 0 (không cần xem).
Bố mẹ: 2 (rất nên xem). Xem để thấy phải quan tâm con trẻ, không thành kiến, hiểu nhầm. Lắng nghe con
Nhà giáo: 0 (không cần xem)

3/ Children of Heaven (Những đứa trẻ ở thiên đường), Iran, 1997
Bối cảnh: gia đình
Nhận xét chung: phim về hai anh em học độ tuổi cấp một trong một gia đình nghèo ở Iran, yêu thương và quan tâm đến nhau theo cách hồn nhiên và đáng yêu.
Người trẻ: 1 (nên xem), độ tuổi 13+. Hiểu đời sống bình thường ở một thế giới khác lạ (hồi giáo), cảm thông với bạn bè và em nhỏ
Bố mẹ: 1 (nên xem). Xem để hiểu tâm lý và lòng tốt của con trẻ.
Nhà giáo: 0 (không cần xem)

4/ Freedom Writers (Viết vì tự do), Mỹ, 2007
Bối cảnh: trường học
Nhận xét chung: một giáo viên trẻ muốn dạy lớp những đứa trẻ băng đảng đường phố, có mối thâm thù lẫn nhau. Cô đã cảm hóa chúng bằng cách cho chúng hiểu về phân biệt chủng tộc, và khuyến khích chúng viết ra một cách tự do những tâm sự của mình, qua đó giúp chúng tìm lại được cảm xúc và gần lại với nhau. Tựa đề freedom writers là đặt theo sự kiện freedom riders – những người bất chấp kỳ thị đã đi trong chuyến xe đòi bình đẳng cho người da đen. Phim dựa theo chuyện có thật.
Người trẻ: 2 (rất nên xem), độ tuổi 15+. Xem để thấy cần phải trân trọng cảm xúc của chính mình, qua đó sẽ cảm thông với người khác, nhìn thấy con người họ.
Bố mẹ: 1 (nên xem). Xem để hiểu bọn trẻ có những tâm sự cần được nghe.
Nhà giáo: 3 (phải xem). Thầy cô nhất định phải xem để không bỏ qua bọn trẻ dù chúng tỏ ra hư hỗn đến đâu, tìm hiểu và giúp chúng nên người.

5/ Stand and Deliver (Chịu đựng và Về đích), Mỹ, 1988
Bối cảnh: trường học
Nhận xét chung: một giáo viên dạy Toán ở một lớp học những đứa trẻ ở tầng dưới xã hội được coi là dốt kém không thể tốt nghiệp phổ thông. Thầy giáo tin vào khả năng của bọn trẻ và có phương pháp dạy phù hợp, khích lệ để bọn trẻ có quyết tâm và tin vào bản thân. Chúng đã thi đỗ nhưng bị nghi ngờ gian lận, việc này khiến bọn trẻ chán nản muốn bỏ cuộc. Khi đó, thầy dạy bọn trẻ cách hành xử khi gặp bất công, không play victim, chấp nhận thách thức và làm lại, nỗ lực ôn luyện và có kết quả thi lại tốt. Phim dựa theo chuyện có thật.
Người trẻ: 2 (rất nên xem), độ tuổi 15+. Xem để thấy tự tin vào bản thân.
Bố mẹ: 1 (nên xem). Xem để hiểu và tin vào bọn trẻ.
Nhà giáo: 3 (phải xem). Thầy cô nhất định phải xem để không bao giờ coi lũ trẻ là ngu dốt, qua đó động viên chúng tin vào chính mình, do dù lúc đầu chúng đã nghĩ và chấp nhận bỏ cuộc.

6/ Dead Poets Society (Hội những nhà thơ quá cố), Mỹ, 1989
Bối cảnh: trường học, gia đình
Nhận xét chung: lớp học cấp 3 ở một trường tư quý tộc, thầy giáo dạy thi ca đã đem đến một phong cách mới, khuyến khích tự do và đam mê của bọn trẻ. Trong số học trò có một em rất mê kịch nhưng bố kiên quyết bắt theo học ngành y và can thiệp thô bạo, cuối cùng cậu bé tự vẫn.
Người trẻ: 2 (rất nên xem), độ tuổi 15+. Xem để thấy tự tin vào bản thân, dám theo đuổi đam mê.
Bố mẹ: 3 (phải xem). Xem để hiểu và tin vào bọn trẻ, cảm nhận con và cho chúng đi theo con đường của mình, không bắt chúng đi theo con đường do bố mẹ chọn.
Nhà giáo: 3 (phải xem). Xem để tìm cách khuyến khích bọn trẻ tự khám phá, phá bỏ khuôn mẫu, khơi dậy tình yêu với học tập thay vì nhồi nhét

7/ Good Will Hunting (Will Hunting người tốt), Mỹ, 1997
Bối cảnh: cuộc sống độc thân tuổi 20
Nhận xét chung: Phim về nhân vật thiên tài có tuổi thơ bị bỏ rơi và bạo hành nên ích kỷ, tự cô lập để tránh tổn thương. Cuối cùng gặp được bác sỹ tâm lý trị liệu giúp đỡ. Phim về thiên tài nên người trẻ không cần xem vì không học được gì. Những ai quan tâm phân tích tâm lý thì nên xem.
Người trẻ: 0 (không cần xem).
Bố mẹ: 1 (nên xem). Xem để thấy hậu quả của tác động tâm lý đến trẻ khi chúng bé và hoàn toàn ko có khả năng tự bảo vệ.
Nhà giáo: 1 (nên xem). Xem để học cách hành xử của nhà tâm lý (Sean) đã giúp chữa lành cho Will, khiến Will mở lòng, không còn bị trói buộc bởi quá khứ tuổi thơ đau đớn.

8/ To Sir, with Love (Yêu mến gửi Thầy), Anh, 1967
Bối cảnh: nhà trường
Nhận xét chung: Phim được nhắc đến nhiều, nhưng xem thì thấy tầm thường, kể chuyện lủng củng, tình tiết không sắc nét. Nên xem những phim khác về trường học và quan hệ thầy trò.
Người trẻ: 0 (không cần xem).
Bố mẹ: 0 (không cần xem).
Nhà giáo: 1 (nên xem). Coi bọn trẻ là người trưởng thành để chúng tự phải xứng đáng, không còn những hành vi trẻ con.

9/ Mr. Holland’s Opus (Tuyệt tác của thầy Holland), Mỹ, 1995
Bối cảnh: nhà trường (xoay quanh môn cảm thụ âm nhạc – music appreciation)
Nhận xét chung: Không có thời điểm tâm lý kịch tính, câu chuyện đời thường chủ yếu xoay quanh ông thầy, tình yêu âm nhạc, nỗ lực cân bằng trong cuộc sống. Không có tình tiết tâm lý nào đặc biệt.
Người trẻ: 0 (không cần xem).
Bố mẹ: 0 (không cần xem).
Nhà giáo: 1 (nên xem). Cách tiếp cận môn học để bọn trẻ thấy hợp với lứa tuổi của chúng và thích thú (kết hợp rock and roll với cổ điển)

10/ Broken (Cuộc sống đổ vỡ), Anh, 2012
Bối cảnh: gia đình (vài gia đình)
Nhận xét chung: phim nặng nề, có nhiều tình tiết có vẻ hơi quá, vẽ ra một xã hội bất an. Có nhiều chi tiết tâm lý của cả trẻ con và người lớn. .
Người trẻ: 0 (không cần xem).
Bố mẹ: 2 (rất nên xem). Sự bận rộn với chính mình của người lớn, thờ ơ không hiểu trẻ cho dù có thể yêu thương chúng, dẫn đến bi kịch.
Nhà giáo: 0 (không cần xem).

11/ School of Rock (Trường học Rock), Mỹ, 2003
Bối cảnh: trường học (môn âm nhạc)
Nhận xét chung: phim hài, mang tính giả tưởng cường điệu nên không hữu ích mấy cho mục đích hiểu về tâm lý giáo dục. Rất nên xem nhưng không phải cho mục đích này.
Người trẻ: 0 (không cần xem).
Bố mẹ: 1 (nên xem). Xem để bao dung và đánh giá các khả năng đa dạng của trẻ, không chỉ học và thi. Tin tưởng bọn trẻ.
Nhà giáo: 0 (không cần xem).

12/ 12 Angry Men (Mười hai người giận dữ), Mỹ, 1957
Bối cảnh: tòa án
Nhận xét chung: Phim không về trẻ em và không nói về gia đình hay trường học, nhưng rất nhiều bài học về tâm lý xã hội, về tác động của tính cách và thiên kiến của mỗi người khi họ ra quyết định không ảnh hưởng đến họ nhưng sống còn với người khác.
Người trẻ: 3 (phải xem), độ tuổi 18. Xem để hiểu về cơ chế ra quyết định của mỗi người, tùy vào tính cách, thiên kiến và nhu cầu tức thời của họ. Qua đó có sự cân nhắc thận trọng cần thiết khi có quyết định ảnh hưởng đến người khác.
Bố mẹ: 3 (phải xem). Như trên.
Nhà giáo: 0 (không cần xem).

13/ One Flew Over The Cuckoo’s Nest (Bay qua tổ chim cúc cu), Mỹ, 1975
Bối cảnh: trại tâm thần
Nhận xét chung: Tuy phim không về trẻ con, nhưng là một ẩn dụ (metaphor) kịch tính về giáo dục. Y tá trưởng (hình ảnh người có quyền, người lớn) tin mình đang làm điều tốt và áp đặt kỷ luật, luôn muốn giành phần thắng. Trong môi trường đó, người bệnh (hình ảnh người yếm thế, trẻ con) sợ sệt, đánh mất cá tính và tự tin. Nhân vật chính là hình ảnh người trẻ nổi loạn, quan tâm đem lại cơ hội cho những người khác được là chính mình, được thể hiện mình.
Người trẻ: 3 (phải xem), độ tuổi 18. Xem để không để bị lấn át, đưa vào khuôn phép một cách quá đáng. Dám thể hiện mình, dám bảo vệ quan điểm trước bất kỳ ai.
Bố mẹ: 2 (rất nên xem). Xem để khuyến khích sự tự tin của trẻ, chấp nhận cá tính và phát huy thế mạnh của cá tính.
Nhà giáo: 3 (phải xem). Xem để thấy hậu quả tiêu cực của việc quá tin vào bản thân và bắt ép trẻ tuân theo mình tuyệt đối. Bao dung với những trẻ cá tính.

14/ 3 Idiots (Ba thằng dở hơi), Ấn độ, 2009
Bối cảnh: trường đại học
Nhận xét chung: Phim xoay quanh một nhân vật nhân hậu, chân thành, thẳng thắn, có tài và hai người bạn của anh ta. Nhân vật ý thức được các giá trị cuộc sống bên ngoài những môn học (tình bạn, bảo vệ lẽ phải, v.v.). Học giỏi không phải là tất cả, học không phải vì điểm.
Người trẻ: 3 (phải xem), độ tuổi 18. Xem để không bị quá quan trọng việc học kiến thức để lấy bằng, để có điểm cao bằng mọi giá. Trân trọng các giá trị khác quan trọng hơn kiến thức.
Bố mẹ: 0 (không cần xem).
Nhà giáo: 3 (phải xem). Xem để khuyến khích học trò yêu thích việc học, không cố gắng bằng mọi thủ đoạn, chú ý đến những giá trị ngoài kiến thức sách vở.

Taare Zameen Par - Wikipedia

15/ Taare zameen par (Stars on the Earth), Ấn độ, 2007
Bối cảnh: trường học / gia đình
Nhận xét chung: Phim có thông điệp ý nghĩa nhưng kéo dài lê thê (kiểu Ấn độ, kèm theo vô số bài hát), câu chuyện có vẻ bị áp đặt và cường điệu. Cùng thông điệp, có thể xem các phim khác thú vị hơn. Sẽ phải kiên nhẫn để không bỏ dở.
Người trẻ: 1 (nên xem), độ tuổi 13. Xem để hiểu mỗi bạn nhỏ đều có một khả năng riêng và cần được quan tâm.
Bố mẹ: 1 (nên xem). Như trên. Quan tâm đến tâm lý trẻ, tìm hiểu kỹ chứ không sốt ruột ép trẻ theo con đường mình cho là đúng.
Nhà giáo: 1 (nên xem). Chú ý đến đứa trẻ và tâm tư của chúng. Cố gắng hiểu chúng chứ không chỉ nhăm nhăm dạy kiến thức.

16/ Dangerous Minds (Nhận thức Nguy hiểm), Mỹ, 1995
Bối cảnh: trường học / gia đình (một chút)
Nhận xét chung: Phim về cô giáo và lớp học ngỗ ngược, gồm học sinh ở tầng dưới xã hội. Cô giáo không yêu thích nghề lắm (khác với phim Freedom Writers) nhưng làm việc có trách nhiệm, quan tâm tìm hiểu bọn trẻ, bỏ công đến tận nhà. Phim có một số tình tiết đắt giá, như lúc cô giáo đến nhà học sinh định hỏi thăm thì bị mẹ chúng xúc phạm và đuổi, hay lúc hiệu trưởng quá đề cao cá nhân, tự ái và làm mất cơ hội sống còn của học sinh.
Người trẻ: 0 (không cần xem)
Bố mẹ: 1 (nên xem). Hiểu tâm lý bọn trẻ ở lứa tuổi cấp 3, đang tìm con đường tự khẳng định mình. Hiểu xem bọn trẻ có đang có thầy cô thực sự quan tâm đến chúng hay ko, để có biện pháp phù hợp.
Nhà giáo: 3 (phải xem). Nếu đứa trẻ sinh ra trong gia đình thiếu sự quan tâm, thì thầy giáo là người có thể giúp chúng nên người. Người thầy nên bỏ công tìm hiểu gia cảnh của trẻ (đến nhà). Hiểu trẻ, hiểu nhu cầu muốn khẳng định bản thân (nên có thể ko nghe theo lời thầy). Nghiêm khắc nhưng không nghiệt ngã. Bao dung.

17/ What Maisie Knew (Điều Maisie đã biết), Mỹ, 2012
Bối cảnh: gia đình
Nhận xét chung: Phim về một bé gái 6 tuổi trong gia đình mà bố mẹ đều theo đuổi những mục đích riêng, quan tâm nhiều đến bản thân và bỏ rơi cảm xúc của cô bé. Phim không kể về hậu quả của những chấn thương tâm lý đó. Phim phỏng theo truyện, cốt truyện không hấp dẫn.
Người trẻ: 0 (không cần xem)
Bố mẹ: 2 (rất nên xem). Nhìn thấy ví dụ của việc người lớn lấy trẻ con làm chỗ để xả cảm xúc tiêu cực, bắt chúng chia sẻ với mình và không làm điều ngược lại (đặc biệt là bà mẹ).
Nhà giáo: 0 (không cần xem)

18/ The Hunt (Jagten – Bị săn đuổi), Đan mạch, 2012
Bối cảnh: nhà trẻ, cộng đồng nhỏ trong làng
Nhận xét chung: Phim về một thầy giáo dạy trong nhà trẻ, được bọn trẻ rất mến. Một cô bé có trí tưởng tượng phong phú, sống nội tâm và có xu hướng học theo yêu đương của người lớn, rất mến thầy giáo và đã “tỏ tình”. Khi bị thầy khước từ (và không để ý vì cho là chuyện trẻ con), cô bé đã ghét bỏ, tưởng tượng ra và kể là thầy đã lạm dụng mình cho bà giám đốc nhà trẻ. Vì quá tin rằng trẻ con không bao giờ nói dối, nên mọi người nhanh chóng tin câu chuyện em bé kể. Tệ hơn, sau đó cô bé thú nhận là bịa ra thì mọi người vẫn cứ tin là đã có chuyện và cô bé phủ nhận chỉ vì sợ mà thôi. Từ đó, thầy giáo bị nhiều người xua đuổi.
Xem hết được bộ phim phải rất cố gắng, vì câu chuyện rất u uất, nặng nề. Một nỗi oan thấu trời, mà dường như chẳng ai có lỗi. Thông điệp của bộ phim là về tâm lý trẻ con. Chúng không cố ý nói dối, nhưng hoàn toàn có thể tưởng tượng ra gì đó và kể như thật. Oái oăm là, nếu là chuyện thần tiên, thì tất nhiên người lớn không tin, nhưng nếu là chuyện giống như thật và lại còn hệ trọng, thì lại rất dễ tin ngay. Ngoài ra, việc người lớn hỏi những câu hỏi mang tính gợi ý lại càng khiến bọn trẻ khẳng định câu chuyện tưởng tượng kia. Và khi nhiều đứa trẻ bị hỏi, thì chúng lại đem câu chuyện nghe được mà bảo là chuyện của chính mình. Hiện tượng tâm lý này, nếu người lớn không biết và quá tự tin, sẽ dẫn đến những kết luận sai và hậu quả lớn.

Người trẻ: 0 (không cần xem)
Bố mẹ: 3 (phải xem). Xem để biết có chuyện như vậy trên đời, và luôn cố gắng giữ tỉnh táo, không quá vội tin lời trẻ (đinh ninh là chúng không thể nói dối) mà manh động.
Nhà giáo: 3 (phải xem). Như trên.

19/ Lord of the Flies (Chúa Ruồi), Anh, 1963
Bối cảnh: nhóm trẻ vị thành niên kẹt trên đảo hoang
Nhận xét chung: Phim dựa theo truyện cùng tên rất nổi tiếng của W. Golding. Câu chuyện về việc những người chưa đủ ý thức (ở đây là trẻ vị thành niên) sẽ hành xử thế nào trong môi trường hoang dã. Sự hình thành thủ lĩnh. Sức mạnh chống nhau với luật lệ, ảnh hưởng của thủ lĩnh và bối cảnh đến đám đông. Phim làm từ lâu nên không được hấp dẫn lắm, có thể phiên bản của Mỹ năm 1990 hấp dẫn hơn.
Người trẻ: 2 (rất nên xem, độ tuổi 15). Xem để hiểu xu hướng người được chọn làm thủ lĩnh là người mạnh nhất, xu hướng này có những yếu tố phi nhân đạo, và sự quan trọng của cơ chế dân chủ dù trong cộng đồng nhỏ.
Bố mẹ: 2 (rất nên xem). Xem để hiểu các cộng đồng của con mình, thủ lĩnh, sự bắt nạt và biện pháp khắc chế.
Nhà giáo: 2 (rất nên xem). Xem để hiểu dynamics của nhóm trẻ và có hành động điều chỉnh nếu cần.

20/ Ordinary People (Những người thường), Mỹ, 1980
Bối cảnh: gia đình và cộng đồng nhỏ xung quanh
Nhận xét chung: Phim về quan hệ và xung đột trong một gia đình vốn đã rất hạnh phúc nhưng rồi con cả chết đuối trong bão, con thứ bị rối loạn tâm lý hậu sang chấn và có cảm giác tội lỗi của người sống sót. Bà mẹ vốn yêu cậu cả hơn nên không hiểu cậu thứ, hai mẹ con liên tục xung đột. Phim khá dài dòng, được 4 giải Oscar bao gồm Best Picture và Best Director.
Người trẻ: 0 (không cần xem).
Bố mẹ: 2 (rất nên xem). Xem để hiểu về những xung đột có thể có trong gia đình, và tâm lý trẻ bị chấn thương sau thảm họa.
Nhà giáo: 0 (không cần xem).

21/ The Reflecting Skin (Da phản chiếu), Anh – Canada, 1990
Bối cảnh: gia đình và làng nhỏ nông thôn Mỹ những năm 1950
Nhận xét chung: Phim thuộc thể loại rùng rợn, bí hiểm. Về trí tưởng tượng có thể rất kỳ lạ của trẻ con.
Người trẻ: 0 (không cần xem).
Bố mẹ: 1 (nên xem). Xem để biết trẻ con có thể tưởng tượng và cho là thật những điều vô cùng kỳ lạ, và có thể dẫn đến hậu quả không tốt.
Nhà giáo: 0 (không cần xem).

22/ Mean Creek (Tội ác trên suối), Mỹ, 2004
Bối cảnh: nhóm học sinh cùng trường
Nhận xét chung: Một nhóm học sinh bày mưu trả thù một học sinh khác, dẫn đến em học sinh kia bị chết đuối. Tất cả phải đối mặt với hậu quả và chấn thương tâm lý sau đó.
Người trẻ: 1 (nên xem). Ở trẻ em tuổi teen, cảm xúc phát triển trước và mạnh hơn khả năng tư duy, nên dễ có hành động bột phát có thể có hậu quả nguy hiểm (đua xe là một ví dụ)
Bố mẹ: 2 (rất nên xem). Xem để biết trẻ con có thể không kiểm soát được bản thân dẫn đến có những hành động gây hậu quả khó lường. Sự trả thù của bọn trẻ có thể tàn khốc vượt quá kiểm soát và hình dung của chúng, còn sau đó thì quá muộn. Việc trả thù nhau đang xảy ra nhiều trong các trường học VN.
Nhà giáo: 2 (rất nên xem). Như trên

23/ Hunt For The Wilderpeople (Cuộc đi săn kỳ lạ), New Zealand, 2016
Bối cảnh: bé trai là con nuôi cùng dượng nuôi trong rừng
Nhận xét chung: Cậu bé bị bố mẹ bỏ rơi từ sơ sinh và kinh qua nhiều trại trẻ và gia đình nhận nuôi, tạo nên tính cách nổi loạn bề ngoài. Cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ cùng người dượng nuôi đã bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp của cậu bé.
Người trẻ: 0 (không cần em).
Bố mẹ: 1 (nên xem). Xem để biết rằng các hành vi tiêu cực, thái độ vô lễ của trẻ có thể xuất phát từ những hoàn cảnh cụ thể, còn bản chất chúng đều muốn được yêu thương, tôn trọng và cũng sẵn sàng đáp lại như vậy.
Nhà giáo: 2 (rất nên xem). Như trên, đặc biệt là nên dành thời gian để tìm hiểu và gẫn gũi đứa trẻ.

Detachment (film) - Wikipedia

24/ Detachment (Hờ hững), Mỹ, 2011
Bối cảnh: cuộc sống độc thân của một thầy giáo chuyên dạy thay, ko có nơi làm việc cố định.
Nhận xét chung: Thầy giáo dạy thay là người tốt, có quá khứ chấn thương tâm lý vì không có bố, mẹ tự tử do lỗi của ông ngoại (phim ko nói rõ nhưng có vẻ là bị lạm dụng). Có lẽ vì chấn thương tâm lý như vậy nên thầy giáo không muốn tạo nên sự gắn bó (attachment) với bất kỳ ai, và vì thế mà gây thất vọng cho những đứa trẻ tội nghiệp đã trông ngóng vào thầy.
Người trẻ: 0 (không cần xem).
Bố mẹ: 0 (không cần xem).
Nhà giáo: 2 (rất nên xem). Xem để hiểu rằng có những bi kịch tâm lý đằng sau mỗi học sinh và cả chính thầy cô giáo. Phim về sự bế tắc của nhà trường.

25/ Take The Lead (Hãy dẫn dắt), Mỹ, 2006
Bối cảnh: nhóm học sinh cá biệt ở một trường học cho học sinh tầng lớp dưới.
Nhận xét chung: Một thầy dạy khiêu vũ cho giới thượng lưu muốn đưa khiêu vũ vào dạy cho nhóm học sinh nghèo và khó bảo, chủ yếu da màu, để qua đó giúp chúng học cách tự tin (take lead), tôn trọng và hòa giải. Lúc đầu bị chúng nghi ngờ và xa lánh, nhưng sau đó thầy đã thuyết phục được cả học sinh, hiệu trưởng và bố mẹ. Các tình tiết tâm lý không được rõ nét bằng các phim khác như Freedom Writers.
Người trẻ: 0 (không cần xem).
Bố mẹ: 1 (nên xem). Để hiểu trẻ con cần được động viên, hướng dẫn đúng, và chúng có thể học được nhiều thái độ và kỹ năng quan trọng không qua các môn “chính khóa”.
Nhà giáo: 2 (rất nên xem). Xem để hiểu tâm lý bọn trẻ con và cách giúp đỡ chúng.

26/ Christiane F. (Tôi là Christiane), Tây Đức, 1981
Bối cảnh: nhóm thanh niên mới lớn nghiện ma túy.
Nhận xét chung: Phim dựa theo câu chuyện có thật, về một cô bé 13-14 tuổi chán đời và sa vào nghiện ma túy. Phim mô tả cuộc sống và tâm lý của những đứa trẻ mới lớn, không phải tội phạm, đã vướng vào ma túy như thế nào. Phim dài, chậm và xem khá nặng nề. Nhà tâm lý học Alice Miller có tìm hiểu ca này và phân tích về những tổn thương thời thơ ấu mà Christiane F. đã phải trải qua, dẫn đến các hành động tự hủy hoại khi lớn, trong cuốn For Your Own Good.
Người trẻ: 0 (không cần xem).
Bố mẹ: 3 (phải xem). Để hiểu rằng cần phải giữ được giao tiếp với trẻ vị thành niên và hiểu những hiểm họa chết người có thể đe dọa chúng trong giai đoạn thay đổi tâm lý này, đặc biệt là khi rất nhiều cám dỗ ngoài xã hội.
Nhà giáo: 0 (không cần xem).

27/ October Sky (Bầu trời tháng 10), Mỹ, 1999
Bối cảnh: nhóm học sinh ở tỉnh lẻ nước Mỹ.
Nhận xét chung: Phim dựa theo câu chuyện có thật, về một học sinh sống ở thị trấn mỏ nhưng mơ ước làm tên lửa đưa vệ tinh lên trời. Được một cô giáo khích lệ, và cùng với 3 người bạn, nhóm của cậu đã chế tạo thành công tên lửa, đi thi và được giải thưởng khoa học toàn liên bang, và được vào đại học. Sau này, cậu bé trở thành kỹ sư NASA.
Người trẻ: 3 (phải xem). Xem để ước mơ và dám dấn thân theo đam mê của mình. Để hiểu giá trị của ước mơ.
Bố mẹ: 3 (phải xem). Để hiểu rằng cần phải tôn trọng và tạo điều kiện cho trẻ theo đuổi ước mơ. Chúng muốn giống bố mẹ là giống về tính cách, không phải về nghề nghiệp. Cậu học sinh coi bố là người hùng, nhưng không muốn theo nghiệp bố.
Nhà giáo: 1 (nên xem). Hình ảnh cô giáo chỉ xuất hiện rất ít, nhưng cô là người động viên và giúp đỡ cậu học sinh theo đuổi đam mê “viển vông” của mình.

28/ American History X (Khoảng tối lịch sử Mỹ), Mỹ, 1998
Bối cảnh: nhóm thanh niên da trắng theo chủ nghĩa phát xít mới.
Nhận xét chung: Câu chuyện xoay quanh hai anh em, người anh bị ảnh hưởng của bố và đi theo chủ nghĩa phát xít mới, dẫn đến sát hại hai tay du côn da đen. Người em cũng bị đi theo vết xe đổ của anh. Có một thầy giáo da màu đã cảm hóa được người anh và người em cũng bắt đầu thay đổi, thì bị nhóm da đen bắn chết.
Phim tuy rất nổi tiếng, nhưng là về nạn phân biệt chủng tộc nên không có tính thời sự với xã hội VN.
Người trẻ: 1 (nên xem). Có cái nhìn bao dung, không kỳ thị.
Bố mẹ: 1 (nên xem). Không áp đặt quan điểm cực đoan cho con (giống người bố trong phim) và tránh cho chúng những ảnh hưởng kiểu như vậy.
Nhà giáo: 0 (không cần xem).

29/ Mona Lisa Smile (nụ cười Mona Lisa), Mỹ, 2003
Bối cảnh: trường nữ sinh tư thượng lưu ở Mỹ những năm 195x.
Nhận xét chung: Câu chuyện về một cô giáo trẻ dạy lịch sử Mỹ thuật, có chính kiến và tư tưởng tự do về thân phận phụ nữ, muốn truyền đạt tư tưởng đó cho các học sinh: dám độc lập, ko phụ thuộc vào chồng, theo đuổi đam mê. Câu chuyện hơi vụn, không đặc sắc, gây thất vọng.
Có chi tiết đáng chú ý: một học sinh nữ xuất sắc (toàn điểm A) bị điểm C cho bài kiểm tra nên đến gặp cô giáo để hỏi. Cô giáo bảo cho C vì học sinh đã chép ý kiến của nhà phê bình X. Học sinh cự lại là mình chỉ trích dẫn, cô giáo bảo, “nếu tôi muốn biết ông X nghĩ gì thì tôi đi mua sách của ổng”, ý là học sinh phải nói lên quan điểm riêng của mình. Sau đó cô giáo cho em học sinh làm lại bài.
Người trẻ: 0 (không cần xem).
Bố mẹ: 0 (không cần xem). Tuy có vài ý hữu ích về việc cảm nhận và tôn trọng ý kiến con mình, nhưng hoàn toàn có thể xem các phim khác, ví dụ Dead Poets Society.
Nhà giáo: 0 (không cần xem). Giống với bố mẹ.

30/ Renaissance Man (Người đến từ Phục hưng), Mỹ, 1994
Bối cảnh: trại huấn luyện tân binh của quân đội Mỹ.
Nhận xét chung: Câu chuyện về một người đàn ông khá tuyệt vọng, nhận được công việc tạm thời là dạy tiếng Anh cho một lớp các tân binh. Ông ta đã tìm được cách dạy họ thông qua vở Hamlet của Shakespears, làm họ thấy tự tin vào bản thân hơn. Phim mờ nhạt.
Người trẻ: 0 (không cần xem).
Bố mẹ: 0 (không cần xem).
Nhà giáo: 0 (không cần xem). Có chút câu chuyện về tấm lòng của người thấy bất đắc dĩ, nhưng không đặc sắc.

31/ Captain Fantastic (Thuyền trưởng tuyệt vời), Mỹ, 2016
Bối cảnh: gia đình 1 người bố cùng 6 đứa con, sống biệt lập trong rừng và theo đuổi cách tự giáo dục.
Nhận xét chung: Hai vợ chồng tài năng và có tư tưởng cực đoan, theo đuổi việc tự nuôi dạy con trong một môi trường tự do hết mức. Người vợ bị chứng rối loạn lưỡng cực, tự tử. Bố và các con trải qua một cuộc khủng hoảng khi cọ xát với cuộc sống bình thường, và có những điều chỉnh để bớt cực đoan. Nhưng nhiều giá trị mà họ theo đuổi vẫn được duy trì.
Người trẻ: 0 (không cần xem).
Bố mẹ: 1 (nên xem). Xem để tham khảo cách người bố dạy bọn trẻ có tư duy độc lập, hình thành và nói lên suy nghĩ của mình chứ không lệ thuộc vào ý kiến có sẵn. Mọi vấn đề đều được khuyến khích tranh luận bình đẳng dựa trên lý lẽ. Các ý kiến đưa ra cũng cần cụ thể, các tính từ chung chung bị “cấm”, ví dụ không được đưa ra nhận xét chung chung là “câu chuyện này thú vị”, “thú vị” là từ bị cấm :).
Nhà giáo: 0 (không cần xem).

32/ Les Choristes (Ban hợp xướng, The Chorus), Pháp, 2004
Bối cảnh: trường nội trú cho trẻ cơ nhỡ ở Pháp, năm 1949.
Nhận xét chung: Nhân vật chính là một thầy giám thị yêu âm nhạc, có lòng yêu thương và tin tưởng bọn trẻ, và đã cảm hóa chúng bằng âm nhạc trong một môi trường đầy cay đắng và thù ghét. Nếu có một chứng nhân giúp đỡ, bọn trẻ sẽ không trở thành người xấu như nhân vật Mondain trong phim.
Người trẻ: 1 (nên xem). Xem để có cái nhìn trưởng thành về hoàn cảnh và tấm lòng của người lớn (15 tuổi trở lên)
Bố mẹ: 0 (không cần xem).
Nhà giáo: 2 (rất nên xem). Tấm lòng, sự bao dung, sự tin tưởng vào trẻ sẽ giúp cảm hóa và cho chúng một tương lai đáng sống.

33/ Coach Carter (Huấn luyện viên Carter), Mỹ, 2005
Bối cảnh: trường cấp 3 với học sinh ở tầng lớp dưới, học kém ở Mỹ, năm 1999.
Nhận xét chung: Phim do Samuel L Jackson thủ vai chính dựa trên một câu chuyện có thật. Carter nhận lời làm HLV cho đội bóng của trường cấp 3 Richmond, và biến đội bóng từ một nhóm rời rạc, thường xuyên thua, thành một đội đoàn kết, liên tục thắng và giành cúp.
Chuyện ko có gì đặc biệt nếu chỉ dừng ở đó. Richmond là một trường có thành tích học tập rất kém, với chỉ 6% học sinh vào được đại học. Đa số mọi người, kể cả hiệu trưởng và phụ huynh, đã chấp nhận tình trạng đó, nên rất ngạc nhiên thậm chí tức giận khi biết Carter yêu cầu các cầu thủ phải có kết quả học tập đủ cao, phải đi học đủ tiết, và ngồi bàn đầu.
Carter làm thế vì ông muốn các học sinh sẽ được vào đại học, thay vì vào tù hay thậm chí chết sớm trong các hoạt động tội phạm đường phố, như chuyện vẫn xảy ra trước nay. Ông cực đoan đến mức, khi biết các học trò học hành chểnh mảng, đã không cho chúng luyện tập và thi đấu giải, chấp nhận bị xử thua. Rốt cuộc bọn nhỏ đã chịu học, vẫn thi đấu xuất sắc, và đều được vào đại học.
Điều gây ấn tượng với tôi là đoạn hội thoại ngắn giữa Carter và cô hiệu trưởng. Khi biết ổng cấm bọn trẻ thi đấu, có khả năng mất chức vô địch giải bóng, cô hiệu trưởng gặp ổng nói: “ông có biết, ông đang tước mất thành quả quan trọng nhất của chúng?”, Carter trả lời: “theo tôi, đó mới chính là vấn đề, cô có nghĩ vậy ko?”.
Mọi mối quan tâm, mọi sự chú ý của người lớn dồn vào thành quả nhất thời của bọn nhỏ (và tất nhiên đem lại niềm vui và sự hãnh diện cho họ), và đó là điều có thể tước đi tương lai của chúng.

Người trẻ: 2 (rất nên xem). Xem để hiểu rằng phải nghĩ đến tương lai của bản thân và chuẩn bị cho nó (15 tuổi trở lên)
Bố mẹ: 2 (rất nên xem). Không mất cân bằng trong việc dồn lực để con có thành tích nhất thời và thỏa mãn ego bản thân, mà chuẩn bị cho tương lai của chúng.
Nhà giáo: 2 (rất nên xem). Thái độ và sự quyết tâm giúp trẻ, vượt qua những phản đối của xã hội.

34/ Lean on Me (Hãy dựa vào tôi), Mỹ, 1989
Bối cảnh: trường trung học ở khu nghèo, chủ yếu da màu, nơi học sinh chủ yếu hư và lười học. Chuyện thật ở New Jersey, Mỹ, năm 1987.
Nhận xét chung: Phim về một thầy giáo rất cá tính, yêu trẻ nhưng rất độc đoán. Thầy được mời về làm hiệu trưởng để vực dậy một trường trung học yếu kém của bang. Phim không có những chi tiết tâm lý đủ sâu để lý giải việc tại sao cả các học sinh lẫn đội ngũ giáo viên đã cùng thầy hiệu trưởng thay đổi được tình hình.
Người trẻ: 0 (không cần xem).
Bố mẹ: 0 (không cần xem).
Nhà giáo: 0 (không cần xem).

35/ Half Nelson, Mỹ, 2006
Bối cảnh: trường học ở khu nghèo của Mỹ, nơi nhiều tệ nạn ma túy. Đời sống riêng của thầy giáo cũng ở khu đó.
Nhận xét chung: Phim về một thầy giáo và một học sinh, cả hai đều có những vấn đề cá nhân, là những hoàn cảnh rất bình thường, thậm chí tầm thường. Họ ý thức được chuyện đó và cố gắng hướng thiện. Thầy sử dụng ma túy, trò tình cờ thấy và sau này tham gia đường dây bán ma túy và lại giao hàng đúng cho thầy. Phim không có tình tiết gì li kỳ, chỉ là một cuộc sống có thể coi là nhàm chán. Không có bài học gì đáng kể.
Half Nelson là một đòn trong đấu vật mà đô vật không vận dụng được hết sức của cả hai tay để khóa đối phương. Vừa cố khống chế đối phương vừa phải tự vệ.
Người trẻ: 0 (không cần xem).
Bố mẹ: 0 (không cần xem).
Nhà giáo: 1 (nên xem). Hoàn cảnh một nhà giáo bất hạnh, nhiều khiếm khuyết nhưng vẫn cố gắng.

36/ Bù nhìn, Liên xô, 1983
Bối cảnh: trường học ở một làng quê của Liên xô cũ.
Nhận xét chung: Phim về lòng quả cảm và hèn nhát, tình cảm tuổi học trò lớp 6. Bộ phim gây tiếng vang vì trước đó phim LX chỉ thiên về tô hồng. Phim không có chi tiết gì đặc sắc, cách dẫn chuyện không hấp dẫn, rời rạc, nặng nề không cần thiết. Nhiều nhân vật và hành động không logic. Nếu so với các phim khác thì bài học và câu chuyện rất bình thường và nhạt.
Người trẻ: 0 (không cần xem).
Bố mẹ: 0 (không cần xem).
Nhà giáo: 0 (không cần xem).

5 thoughts on “Phim tâm lý giáo dục và tâm lý trẻ em

  1. Ba Chấm Phẩy

    Cảm ơn tác giả. Em đã xem khá nhiều phim trong danh sách. Không biết anh đã xem qua phim tài liệu “Waiting for Superman” chưa? Đây cũng là một gợi ý.

    Reply

Leave a Reply