Tag Archives: funix

Digital Transformation từ học truyền thống sang trực tuyến: dịch chuyển từ lớp sang cá nhân

Hôm qua 8/12, FPT Educamp lần thứ 6 đã diễn ra với chủ đề DX in Edu (chuyển đổi số trong giáo dục). Có nhiều tham luận đề cập đến học trực tuyến. Xét thấy có nhiều quan điểm vẫn dừng ở mức sử dụng CNTT để hỗ trợ cho các quá trình hiện tại (giảng dạy, đánh giá, hỗ trợ người học, v.v.), tôi xin chia sẻ quan điểm cá nhân về “chuyển đối số” trong dạy và học. Continue reading

Bước vào thế giới số

Image result for It's not what you do for your children, but what you have taught them to do for themselves, that will make them successful human beings

Một đứa trẻ khi bước vào thế giới con người, sẽ được dẫn dắt và chỉ bảo bởi gia đình và sau đó là thầy cô giáo. Chúng có thể quan sát, được phép thử sai trong phạm vi an toàn, hỏi khi cần, và được nhắc nhở điều chỉnh khi làm gì không đúng. Qua năm tháng, chúng trở thành một thành viên tự tin và hiểu biết trong cộng đồng, có khả năng tự bảo vệ bản thân, phát triển và duy trì các mối quan hệ hữu ích. Nếu đưa trẻ không có người bảo trợ, chúng sẽ phải tự bươn chải với rủi ro rất cao, có thể ảnh hướng đến tính mạng, sức khỏe và cuộc sống sau này. Continue reading

FUNiX Way – a new approach to online learning with MOOC

FUNiX Way – a new approach to online learning with MOOC. Phan Phương Đạt, FUNiX Online University – member of FPT Education. A paper for Int’l Conference on Online Education (ICOE 2019), HCM City Open University, HCM City, 14-15 Mar 2019.

Abstract

There are two problems in online learning with MOOC. First, learners have to wait for teacher’s help when they have questions, it may last days or even weeks, and therefore reduce learners’ motivation. Second, learners may have other difficulties during the course and drop out. FUNiX Way aims to address these issues by introducing instant mentoring and a model for academic and relational support for learners. In FUNiX Online University (a member of FPT Education), we have been using FUNiX Way for 3 years in Software Engineer Undergraduate program with some interesting results. Continue reading

Mỗi bạn trẻ đều cần một mentor

Gần đây, nhân đại hội mentor của Funix, tôi chợt tưởng tượng mình quay về quá khứ 30 năm trước và gặp chính tôi hồi đó. Nếu người trẻ kia đồng ý, có lẽ tôi sẽ giúp được anh ta tránh được những thứ mà sau này anh ta không nên làm, và làm những thứ mà anh ta đã không làm để rồi tiếc nuối. Không phải là anh ta sẽ không mắc sai lầm, nhưng chắc sẽ có những lựa chọn tốt hơn. Có lẽ, tôi sẽ là mentor lý tưởng, đủ hiểu biết và tin cậy để giúp anh ta tự tìm con đường của mình. Continue reading

Giới thiệu FUNiX Way

FUNiX Way (học kiểu FUNiX) là một cách tiếp cận mới đối với việc đào tạo trực tuyến, được áp dụng tại Đại học Trực tuyến FUNiX (FPT Education) và các đối tác. FUNiX Way sẽ giúp các tổ chức đào tạo có thể nhanh chóng triển khai khóa học với chất lượng tốt nhất, và đạt được tỷ lệ hoàn thành cao.

Người học muốn gì?

Ngày nay, người học cần và muốn có sự chủ động khi học đại học. “Cần” là vì nếu học theo cách học cũ, thi vào đại học rồi thụ động để dòng chảy cuốn đi, thì sẽ không có việc làm khi ra trường. Bằng cấp bây giờ không bảo đảm có việc, con số thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp tăng hàng ngày. Người học cần biết mình muốn bơi đến đâu, và tìm dòng chảy phù hợp cho từng giai đoạn.

Muốn” là vì họ đã có lựa chọn. Ngày nay, người ta có thể nói, mua sắm, vui chơi và học hành “theo cách của mình”. Dịch vụ ngày càng nhiều và dần được cá thể hóa, cho thật phù hợp với nhu cầu và thói quen của từng người.

Để học, ta cần sách và thầy. Sách là tri thức, thầy là người tháo gỡ, chỉ đường khi bị mắc kẹt hay lạc lối. Một thời, tri thức vô cùng khan hiếm, người ta chuyền tay nhau từng cuốn sách. Ngày nay, với internet và các nội dung trên đó như wikipedia, youtube, MOOC, tri thức không còn khan hiếm nữa. Nếu muốn và biết cách khai thác, một người có thể tự học (miễn phí) gần như bất cứ thứ gì trên internet.

Internet cũng giúp ta tìm thầy dễ hơn. Cộng đồng nghề được kết nối trên mạng, khuyến khích mọi người chia sẻ với nhau những vấn đề chuyên môn. Kiên trì, cầu tiến và biết hỏi, ta có thể tìm được những người thầy phù hợp.

Mọi thứ đều sẵn sàng, vậy tại sao vẫn ít người có thể khai thác sức mạnh internet để học?

Người học cần gì để học được, hay đâu là hạn chế của MOOC?

Để tìm hiểu nhanh về thứ gì đó trên mạng thì rất dễ, nhưng để theo học được một môn nào đó thì không đơn giản.  Với các khóa MOOC, tỷ lệ hoàn thành đều rất thấp kể cả các khóa có thu phí. Khóa học được thiết kế rất tốt, giảng viên giỏi nhưng tỷ lệ bỏ học rất cao. Đó là vì khi việc học gặp khó (mà học những điều bổ ích luôn khó!), người ta cần sức ép của xã hội, của bạn bè và nhu cầu “về đích giống mọi người” để đi đến cùng.

Để hoàn thành khóa học trực tuyến, người học cần hai thứ: năng lực tự định hướng, duy trì động lực, và khả năng tự học online. Họ phải từ bỏ thói quen học thụ động, trôi theo dòng nước và xây dựng thói quen học chủ động, độc lập.

Malcolm Knowles nói “Most of us only know how to be taught, we haven’t learned how to learn”. Nếu có hai năng lực trên, người học sẽ có thể học bất cứ thứ gì họ muốn.

FUNiX Way là gì?

FUNiX Way là một giải pháp tổng thể để giúp người học tự học trên mạng, khai thác hiệu quả kho tri thức khổng lồ và cộng đồng nghề được kết nối. Tận dụng công nghệ và các mô hình quản lý động lực hiện đại, FUNiX Way giúp người học nhanh chóng xây dựng và duy trì khả năng tự học online. Khẩu quyết của FUNiX Way là “dạy không bằng dỗ, học không bằng hỏi”. “Dỗ” chính là cách thức giúp người học rèn thói quen tự học, và “hỏi” là biểu hiện của việc học chủ động. FUNiX Way giúp họ “học theo cách của mình”, bằng cách tạo ra môi trường học tập duy trì động lực học tập và rèn luyện kỹ năng tự học.

Mục đích của các chương trình học theo FUNiX Way là người học tự tin và thành thạo trong môi trường số, có thể kiếm tiền bằng nghề mà mình theo học hoặc sử dụng những gì đã học được để làm tốt hơn việc hiện tại, có động lực và khả năng nâng cao tay nghề, có thể làm thành viên dự án chuyên môn, và tham gia cộng đồng nghề như một thành viên có trách nhiệm.

FUNiX Way ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình xây dựng chương trình, tuyển sinh và triển khai đào tạo cho người học.

Xây dựng chương trình theo FUNiX Way

  • Các chương trình đào tạo dài hạn được chia thành các Chứng chỉ, sao cho người học có thể bắt đầu đi làm ngay khi kết thúc mỗi Chứng chỉ, và càng về sau càng làm được việc có thu nhập cao hơn
  • Mỗi Chứng chỉ gồm 4-5 Môn học, mỗi Môn có thể học trong 4-6 tuần. Không hạn chế tốc độ của người học
  • Học liệu từ các nguồn tốt nhất trên internet, của các tổ chức và tác giả uy tín nhất. Học liệu gốc tiếng Anh kèm phụ đề tiếng Việt giúp người học trau dồi kỹ năng ngoại ngữ.
  • Nội dung học được chia thành các đơn vị học liệu khoảng 5-10 phút, để người học có thể tranh thủ các khoảng thời gian trống để học, mọi lúc mọi nơi.

Tuyển sinh theo FUNiX Way

  • Người học phải thể hiện được sự sẵn sàng để học online, và ý thức được mức độ quan trọng của việc tự duy trì động lực và biết cách tự học online
  • Người học mới được giới thiệu, giao lưu với học viên cũ để tìm hiểu và đánh giá mức độ sẵn sàng của bản thân

Triển khai dạy và học theo FUNiX Way

  • Hỏi và giải đáp tức thì bởi các Mentor. Trong quá trình học bài giảng online, khi có khúc mắc, câu hỏi cần giải đáp, học viên sẽ được kết nốt ngay lập tức với chuyên gia trong lĩnh vực liên quan – FUNiX Mentor. Mentor là những người đang làm nghề nên có thể chia sẻ những tri thức cập nhật và đa dạng nhất cho người học. Với sự tham gia của cộng đồng mentor, các khóa học về công nghệ mới cũng dễ triển khai hơn, vì không mất thời gian chuẩn bị đội ngũ giảng viên cơ hữu.
  • Đánh giá trong quá trình và bằng việc đặt câu hỏi. Nếu thực sự học, bạn sẽ luôn có câu hỏi. Kỹ năng hỏi cũng rất quan trọng khi đi làm sau này, nhất là trong môi trường toàn cầu. Với các môn kỹ năng, học viên được đánh giá qua các bài tập thực hành (assignment/project) trong suốt quá trình, để kịp thời bổ sung những gì còn hổng.
  • Theo dõi và hỗ trợ trong suốt quá trình. Mỗi học viên có một cán bộ hỗ trợ học viên (Hannah) tiếp đón và đồng hành. Hannah sẽ “dỗ” để học viên duy trì được động lực, biết và vượt qua trở ngại khi học. Sử dụng mô hình FARS (dựa theo Situational Leadership), Hannah nắm được tâm lý và trở ngại của người học tại từng thời điểm và có hành động phù hợp. Hannah có thể giúp tăng tỷ lệ hoàn thành lên gấp nhiều lần.
  • Tham gia cộng đồng nghề. FUNiX là một cộng đồng nghề, học viên là người mới vào nghề và mentor là người đi trước. FUNiX Way chú trọng việc xây dựng và tăng cường giao lưu chéo trong cộng đồng, tạo ra môi trường tốt nhất để học viên học nghề và tìm việc. Ngay khi vào trường, học viên đã có quan hệ chuyên môn với nhà tuyển dụng tương lai của mình. Các buổi giao lưu offline giúp nâng cao chất lượng tương tác online của cộng đồng.
  • Hạ tầng thông tin và quản lý. FUNiX không có các tòa nhà hoành tráng. Giảng đường và hạ tầng quản lý của FUNiX là hệ thống CNTT bao gồm các ứng dụng cho học tập và quản lý học tập. Hệ thống học tập bảo đảm người học có thể học mọi lúc mọi nơi, hệ thống kết nối học viên – mentor, chấm bài và thi, luôn sẵn sàng. Hệ thống quản lý và dashboard cung cấp thông tin kịp thời và chính xác cho học viên, Hannah và các phòng ban.

Chất lượng và học phí theo FUNiX Way?

Bằng việc cá thể hóa quá trình học tập, chọn lọc những bài giảng đỉnh cao và kết nối online cũng như real life với các mentor, FUNiX Way tạo ra con đường tốt nhất cho người học, miễn là họ chủ động đi và hỏi đường. Tri thức họ nhận được là tri thức sinh động và thực tế từ những người đang làm nghề, cộng với bài giảng lý thuyết tốt nhất. FUNiX tin tưởng và luôn hướng đến chất lượng dạy online không thua kém, thậm chí tốt hơn so với giảng dạy truyền thống.

Các chương trình theo FUNiX Way đòi hỏi mức học phí phù hợp để trang trải các hoạt động nêu trên. Học viên không phải trả phí để theo học các môn không liên quan, và có thể học nhanh để tiết kiệm thời gian và giành học bổng cho khóa sau. Ngoài ra, học xong những Chứng chỉ đầu tiên, học viên đã có thể đi làm và kết hợp vừa làm vừa học để có tiền nộp học.

Bonus: trắc nghiệm miễn phí và k0 đòi hỏi khai báo bất kỳ thông tin cá nhân nào – Liệu bạn có sẵn sàng cho việc học online?

logo-funix

 

Óc suy xét (judgement)

Mấy hôm nay mình phải viết Hướng dẫn phân loại rác, loay hoay mãi không biết thế nào cho đầy đủ, vì quá nhiều trường hợp khó rạch ròi rác thuộc loại này hay loại khác. Cảm thấy, nếu một người để ý quan sát và có ý thức, thì sẽ quyết định được bỏ rác gì vào đâu mà không cần chỉ dẫn chi tiết.

Phục vụ khách hàng trong siêu thị cũng là loại việc như thế. Rất khó để mô tả hết các tình huống mà nhân viên siêu thị sẽ gặp phải khi phục vụ khách hàng. Chắc vì thế mà công ty Nordstrom đã xây dựng Sổ tay Nhân viên chỉ bao gồm vỏn vẹn có một quy tắc: hãy dùng óc suy xét trong mọi tình huống (ảnh từ nguồn nêu trên) (*).

screen20shot202014-10-1320at209-31-0920am

screen20shot202014-10-1320at209-32-0420am

Vậy óc suy xét (good judgement) là gì? Là trong một điều kiện không thời gian cụ thể, bạn sử dụng hết năng lực trí tuệ của mình cân nhắc các phương án để ra quyết định. Thoạt đầu bạn thu thập tối đa thông tin có thể, rồi tìm các phương án, cân nhắc điểm ưu và nhược của các phương án, hình dung hậu quả, và ra quyết định hành động (hoặc không hành động). Cả quá trình có thể phải kết thúc trong tích tắc, tùy tình huống.

Điểm mấu chốt không phải là việc quyết định của bạn có là tốt nhất hay không (trừ những tình huống liên quan tính mạng), mà là bạn đã thực sự suy xét hay chưa. Có một cách đơn giản để kiểm tra điều này: hãy nhớ và kể lại trình tự ra quyết định, tại sao bạn chọn cái này mà không phải cái kia. Xem lại trình tự đó, có thể kết luận rằng bạn đã sử dụng óc suy xét trong tình huống đó, hoặc là làm cho xong chuyện. Tức là, thái độ của bạn khi tiếp cận vấn đề quan trọng hơn kỹ năng xử lý vấn đề đó.

Có lẽ khái niệm óc suy xét rất gần với khái niệm mindfulness (chánh niệm), vì nếu khi làm một việc mà bạn để tâm vào việc đó thì khả năng suy xét sẽ là tốt nhất.

Đại học FUNiX hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, nhưng có điểm chung với Nordstrom là cung cấp dịch vụ cho mọi người với rất nhiều tương tác khác nhau và liên tục. Các Hannah (cán bộ công tác sinh viên) phải theo dõi và “dỗ” học viên trong quá trình học, và phải xử lý rất nhiều tình huống đa dạng giống như nhân viên siêu thị Nordstrom. Do đó, các Hannah cũng chỉ cần một quy tắc duy nhất: hãy dùng óc suy xét trong mọi tình huống dỗ học viên, để hướng tới việc tạo động lực học tập cho họ!

VỚi mỗi người, óc suy xét cũng rất cần khi hành xử trên mạng xã hội, khi ra quyết định có nên tin và share một thông tin nào đó, đồng ý kết bạn với ai đó, hay hỗ trợ chuyển tiền theo đề nghị.

(*) Có bài viết chỉ ra rằng Nordstrom còn có nhiều chỉ dẫn khác cho nhân viên, ví dụ chỉ dẫn khi vào mạng xã hội hay liên quan đến luật pháp. Người viết bài này cho rằng One rule của Nordstrom có tác dụng định hướng, nhắc nhở ở mức thái độ, còn vào tình huống cụ thể (mức kỹ năng) thì nhân viên luôn có thể tham vấn quản lý hoặc đồng nghiệp khác.

Nguyễn Thành Nam: Giáo dục không cần Cách mạng!

Giáo dục không cần Cách mạng!
Ai cũng bảo giáo dục cần đổi mới, cần cách mạng.
Tôi chả tin. Dạy trò thì cũng như dạy con. Chả cha mẹ nào thích cách mạng trong việc nuôi trẻ con. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, hàng ngàn phương pháp, vạn cuốn sách… ai cũng có thể tham khảo. Nhưng không cần cách mạng. Cái cần là “common sense”, nôm na là “lẽ đời thường”.
Vậy mà có người cứ vu Funix là cuộc “cách mạng” trong giáo dục đại học.
Chúng tôi hoạt động theo 10 nguyên tắc “đời thường” đại để như sau, nhờ anh em bạn bè xem thử, cách mạng ở chỗ nào?
  1. Tiết kiệm. Eistein bảo, không gì bằng tiết kiệm thời gian. Ai học nhanh được phải khuyến khích. Học kỳ dự kiến 6 tháng có bạn học trong 50 ngày, môn 1 tháng có bạn học trong 9 ngày. Thì cho đỗ ngay thôi, để các bạn ấy còn học tiếp.
  2. Giảng hay phải có căn. Giáo sư Robert Muller của Đại học Berkeley bảo thế. “Lecturing” hay là năng khiếu. Muller bảo cả UC Berkeley chỉ có độ chục ông. Các ông ấy đều đưa hết lên MOOC rồi. Funix tự thấy chưa có căn nên hạn chế đăng đàn giảng. Thay vào đó tuyển mentor hiểu biết có kinh nghiệm để giảng giải. Như Long Vũ, Quang Huy bình luận cái hay của Messi, Ronaldo… vậy.
  3. Tiếng Anh ko phải là vấn đề. Dân Việt xem phim Hollywood ầm ầm có sao đâu. Làm cái phụ đề là ai cũng có thể nghe giáo sư Mỹ giảng hết. Mà nghe lâu thì trình độ tiếng Anh sẽ lên. Sinh viên Funix đủ loại từ trẻ em, cụ già, đến sinh viên ngoại thương, việt kiều ở bển đều học được hết.
  4. Học đến đâu làm được đến đó. Thay khái niệm học kỳ bằng chứng chỉ. Mỗi chứng chỉ là một tập hợp kiến thức mà sinh viên có thể áp dụng được ngay, đi xin việc được. Vừa học vừa làm để lấy bằng . Mà không học nữa cũng được. Funix mất khách, mà không thấy tiếc.
  5. Chỉ cần máu là được học. Muốn nhập học chỉ cần viết 1 cái đơn, làm sao chứng minh là bạn thực sự muốn học và có điều kiện (thời gian, học phí) để học. Còn bạn muốn học từ đầu, hay từ giữa, hay từ cuối tùy bạn.
  6. Thắc mắc phải được giải tỏa tức thì. Sinh viên hỏi phải được trả lời ngay lập tức. Để lâu “cứt trâu hóa bùn”, mất hứng, chưa kể đã quên béng cả câu hỏi. Đội ngũ mentor funix là những chuyên gia trong ngành, ngồi săn câu hỏi để thỏa mãn các em sinh viên.
  7. Dạy không bằng Dỗ cho Học. Học không bằng Hỏi. Tiếng Việt thật là tinh tế. Học là để Làm. Làm thì phải Hỏi. Hỏi được tức là sẽ Làm được. Hỏi ngu thì khuyến khích. Làm được thì cho đỗ luôn. Khỏi lăn tăn trắc nghiệm hay tự luận. Trò hỏi, thầy được lợi.
  8. Alumni từ ngày đầu tiên. Sao phải đợi đến khi tốt nghiệp mới tham gia mạng lưới Alumni. Funix khuyến khích sinh viên (xTer) các khóa và mentor (xMen) thành lập các cộng đồng từ ngày đầu tiên đi học. Dựa vào nhau để thành đạt chứ ko phải đợi đến khi thành đạt mới về thăm thầy, thăm trường!
  9. On(line) Phải có Off mới phê. Nói chuyện trên mạng hàng ngày, đến lúc Off gặp nhau sẽ rất phê. Tất cả sinh viên mà mentor được yêu cầu tham gia Of bắt buộc hàng tháng. Chém gió, vặn vẹo nhau. Of xong ra quán bia bọt, karaoke, kết nối. Khuyến khíc Of hàng tuần, nhà trường sẽ hỗ trợ.
  10. Tốt không có nghĩa là phải đắt. Funix không ủng hộ ca sĩ Mỹ Linh phát biểu rau sạch phải đắt:-) Rau là phải sạch! Dạy là phải tốt! Được học bài giảng của các giáo sư Mỹ, được chuyên gia Việt nam giảng giải cặn kẽ hàng ngày mà học phí tại Funix chỉ bằng 15% RMIT Việt nam, 40% các trường Việt nam chất lượng cao như FPT, Hoa Sen.
Mọi việc cứ tự nhiên, sai thì sửa, xấu thì cải tiến. Chả thấy cách mạng gì!
Thấm thoắt đã được gần năm từ ngày khai giảng (20/11/2015). Khó khăn thì nhiều nhưng anh em cả sinh viên lẫn mentor tụ tập ngày càng đông vui!
Hay cách mạng chính là thế:-)
10-nguyen-tac-funix

Đôi điều về Constructivism (kiến tạo)

(bài đã đăng chungta.vn)

Nhà F đang rầm rộ phong trào kiến tạo. Trong không khí lạc quan, những vấn đề nho nhỏ dễ dàng bị bỏ qua hoặc được coi là tạm thời. Nhưng – như đồng chí Liên Xô nói – ‘không có cái gì lâu bền hơn là những khó khăn tạm thời’, phong trào này đáng được soi kỹ hơn một chút.

Hiểu rõ khái niệm

Constructivism là một thuật ngữ đa nghĩa, wikipedia liệt kê gần chục khái niệm khác nhau mà người ta có thể ám chỉ dưới từ này. Trong giáo dục, nó có thể được hiểu là:

  • Cơ chế học: là một triết thuyết, lý giải quá trình nhận thức của con người.
  • Các phương pháp dạy: các phương pháp sư phạm tận dụng cơ chế học nêu trên để có kết quả tốt nhất.

Cơ chế học (philosophy of education)
Theo thuyết kiến tạo, một người nhận thức về thế giới bằng cách dựng nên một mô hình tri thức (framework) trong đầu mình. Mô hình này liên tục được phát triển qua hai quá trình:

  • Assimilate (đồng hóa): tiếp nhận thông tin và xếp vào mô hình sẵn có, không thay đổi mô hình.
  • Accommodate (điều tiết): thay đổi mô hình tri thức do có được những thông tin mới mà mô hình cũ không lý giải được (đồng hóa thất bại).

Cần lưu ý rằng, một khi đã là cơ chế thì nó không phụ thuộc vào phương pháp sư phạm: bất kể thầy giáo dạy theo kiểu gì thì học sinh vẫn cứ học theo cơ chế constructivism. Cũng như cơ chế tiêu hóa thức ăn: trong mọi trường hợp, dạ dày đều tiết dịch vị và co bóp bất kể bạn ăn thực phẩm sạch hay bẩn, tự xúc hay bị bóp mồm nhét vào.

Phương pháp dạy (Constructivist teaching methods)
Khi hiểu về cơ chế tiêu hóa thức ăn, người ta bắt đầu nghĩ ra các cách ăn uống lợi dụng nó. Chúng được gọi là các chế độ ăn uống ‘hợp lý’, ‘khoa học’, v.v. Thế nhưng, rốt cục cũng chẳng có chế độ ăn nào là hoàn toàn thắng thế.

Tương tự, các phương pháp dạy dựa trên thuyết kiến tạo cũng được giới thiệu khá nhiều, nhưng kết quả thì gây tranh cãi. Có nghiên cứu về thực tế áp dụng các phương pháp này trong 50 năm đi đến kết luận là hiệu quả không rõ ràng. Thậm chí có người kêu gọi phải “chuyển dịch các chương trình cải cách giáo dục ra khỏi thế giới của những tư tưởng tù mù và phi hiệu quả núp dưới các loại khẩu hiệu của constructivism”. Có vẻ người ta cũng đã hồ hởi áp dụng các phương pháp này nhưng sau một thời gian thì thấy chúng không phải là thần dược như kỳ vọng. Vậy các phương pháp dạy kiến tạo (PPKT) này nên và không nên dùng khi nào?

Những tình huống không nên áp dụng PPKT

PPKT bám vào nguyên tắc người học tự xây dựng tri thức cho mình, nên chỉ phát huy hiệu quả khi người học tự giác. ‘Ai cũng học được’ là một nửa sự thật, câu đầy đủ phải là ‘ai cũng học được cái mà họ thực sự muốn’. Nếu cái cần học là do bắt ép, là ý muốn của bố mẹ hay thầy cô, thì phải dùng các biện pháp cưỡng ép. Cũng như bố mẹ ép trẻ ăn thứ mà nó không thích, hoặc lúc nó không muốn.

Tiếp theo, mỗi người có một xuất phát điểm khác nhau và tốc độ học khác nhau, nên PPKT không áp dụng được cho những lớp học nhiều học viên và tất cả phải thi đỗ sau một thời gian như nhau. Nếu dạy bằng PPKT, thầy giáo phải chấp nhận rủi ro là đến hết kỳ học sẽ có một tỷ lệ nhất định bị trượt (và bản thân bị đánh giá kém), hoặc sẽ phải bỏ thêm nhiều công sức phụ đạo để cứu chúng. Ví dụ, mô hình blended learning yêu cầu người học tự học trước khi lên lớp, dành thời gian trên lớp cho thảo luận hay thực hành. Nghe rất ổn, nhưng nếu có vài học viên không chuẩn bị trước, thì thầy giáo đành phải giảng lại từ đầu, hoặc chấp nhận rằng những học viên đó sẽ chẳng học được gì trong buổi đó. Tại sao có chuyện bảo mẫu dùng vũ lực, thậm chí hành hung trẻ để bắt ăn? Bời vì cô ta phải bảo đảm cả lớp ăn hết bữa trong một giờ. Tại sao thầy giáo bắt cả lớp học thuộc công thức toán thay vì để học sinh tự tìm ra? Bời vì như thế thì chúng mới kịp làm bài kiểm tra tuần sau.

Cuối cùng, mức đồng đều về trình độ của học viên trong lớp ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của PPKT. Điều này được lý giải bởi khái niệm ‘vùng phát triển gần kề’ (zone of proximal development) trong thuyết kiến tạo, theo đó mỗi người chỉ học tốt nhất các tri thức hơi cao hơn trình độ hiện tại của mình. Cùng môn toán lớp 10, bọn giỏi và bọn dốt có mối quan tâm khác hẳn nhau. Chính thế mà học sinh một khối hay một lớp hay được chia thành các nhóm tương đồng về trình độ cho dễ dạy. Nhìn bề ngoài, lớp học theo PPKT có vẻ tạo được hứng thú, nhưng thực tế là “mặc dù người học tham gia các hoạt động trên lớp, chưa chắc họ đã thực sự học”, vì chênh lệch trình độ.

Những tình huống nên áp dụng PPKT

Vì cơ chế kiến tạo là tự nhiên, nên thực tế chỗ nào áp dụng được PPKT người ta đều làm. Thứ nhất là dạy trẻ con. Bọn trẻ tò mò muốn học mọi thứ và không có sức ép về đầu ra – đứa nào học được đến đâu thì học. Thêm nữa, bọn trẻ con có xuất phát điểm gần nhau (mô hình tri thức giống nhau) nên có cùng mối quan tâm. Rất dễ thấy, nếu trong nhóm trẻ có đứa đã được học trước, thì nó tỏ ra buồn chán ngay, thậm chí chen ngang phá đám thầy giáo và các bạn.

Thứ hai, PPKT rất nên dùng để dạy học sinh giỏi. Thực tế các nhóm luyện thi học sinh giỏi đều theo PPKT. Tại sao lại như vậy? Bởi vì ở nhóm học sinh giỏi, tất cả đều tự giác. Trình độ của nhóm cũng tương đương nhau, ai không theo được sẽ bị đào thải. Và mục tiêu đầu ra hoàn toàn do người học tự quyết, không nhất thiết phải giống nhau: ai giỏi sẽ được giải, số còn lại thì không, và điều đó được coi là bình thường.

Thứ ba, PPKT nên dùng để chia sẻ kinh nghiệm trong công ty. Các TGB seminar thuộc nhóm này. Diễn giả chia sẻ những gì mình biết hầu như không chuẩn bị trước, phó mặc việc học cho người nghe. Người nghe cũng hết sức thoải mái, thu hoạch được gì thì tốt, làm việc riêng cũng chẳng sao. Thật ra các buổi này có thể làm sâu hơn nếu những người tham gia có ‘vùng phát triển gần kề’ giống nhau. Hình thức này cũng có thể dùng để khơi gợi cảm hứng của người học, ví dụ giới thiệu để họ muốn theo học một chương trình nào đó.

Mô hình giáo dục phù hợp với PPKT

Vì kiến tạo là cơ chế tự nhiên, nên các mô hình học tập ban đầu đều là PPKT, có thể kể đến Socrates, Khổng Tử hay Chu Văn An: người học tự giác, trình độ của nhóm tương đồng, ai học được đến đâu thì học. Mô hình này rất ổn nhưng có một nhược điểm: không nhân rộng được. Cho nên, khi xã hội đòi hỏi nền giáo dục phải chuẩn bị một lực lượng lao động lớn trong một thời gian ngắn, cho nhu cầu công nghiệp hóa chẳng hạn, người ta buộc phải chuyển sang các hình thức ép buộc, nhồi nhét cho kịp tiến độ. Việc này cũng giống như nông trại phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi trái tự nhiên để bảo đảm sản lượng và thời hạn.

Ngày nay, nhờ công nghệ thông tin, nhược điểm trọng yếu của mô hình học tập xa xưa đã được khắc phục. Người ta có thể dễ dàng ngồi nhà và xem bài giảng của những siêu thầy giáo (kiểu Khổng Tử), tự xác định cho mình một lịch học riêng không phụ thuộc vào ai, và có thầy để giúp đỡ vào bất cứ lúc nào động lực học tập xuất hiện. Các PPKT có đất mới để phát huy tác dụng: các trường học trực tuyến mà Đại học Funix là một ví dụ.

Chú thích: các trích dẫn trong “ ” là lấy từ các bài đã dẫn về Constructivism trên wikipedia.

 

Tuyên ngôn cho nhóm khởi nghiệp

Dịch từ: Tuyên ngôn cho nhóm nhỏ mưu việc lớn (Seth Godin)
Lời bình của người dịch: những tuyên ngôn này không chỉ dành cho nhóm khởi nghiệp kinh doanh, mà bất kỳ nhóm khởi sự một việc có ý nghĩa nào đó. Bản thân tôi cũng đang tham gia 1 nhóm và tổ chức một nhóm khác, và thấy tâm đắc với nhiều điểm. Xin chia sẻ trong bài một số ý kiến cá nhân cho các điểm, và hy vọng nhận được các chia sẻ khác – chúng sẽ được cập nhật vào bài trong quá trình. DatPP.

Chúng ta luôn gấp gáp về tiến độ, vì thời gian là tài sản lớn nhất.

Nếu hứa, hãy kèm theo ngày. Không có ngày thì không hứa.

Nếu đã hẹn ngày, hãy đúng hẹn.

Nếu không thể hẹn ngày, hãy cập nhật sớm và thường xuyên. Chuẩn bị kế hoạch B thì tốt hơn là chỉ cầu may.

Trong nhóm kiểu gì cũng có những người cứ lầm lũi làm mà không chia sẻ thông tin – nhất là dân kỹ thuật, để đến lúc mọi người biết vấn đề thì đã rất muộn. Với họ, cần “moi tin” thường xuyên 🙂

Dọn rác của bạn.

Dọn rác của cả những người khác.

Truyền thông thừa (hơn mức mà bạn cho là đủ).

Có câu, “sai lầm lớn nhất trong truyền thông là cứ tưởng xong rồi”. Đặc biệt lúc mới khởi sự thì các ý tưởng còn manh nha, nhiều thứ chưa rõ, nên lại càng cần nói đi nói lại (kiểu nhai đi nhai lại “www.funix.edu.vn – học cùng chuyên gia!” 🙂 )

Tra vấn các giả thiết và chiến lược.

Nhiều mâu thuẫn trong nhóm xảy ra do, thay vì tra vấn nhau về các giả thiết (là thứ khách quan) ta lại tra vấn nhau về “thái độ” (là thứ chủ quan), sau đó bị ảnh hưởng bởi fundamental attribution error, sẽ kết luận về “bản chất xấu xa” của đồng nghiệp. Ví dụ chuyện có thật: cty tôi cần mua hosting cho 1 online forum, sau khi tìm hiểu, chuyên gia IT đưa ra phương án với chi phí khá cao. Hỏi lại thì bạn ấy trả lời ngắn gọn “em tính rồi, thế mới được”. Đọc câu trả lời qua email tôi hơi nóng mắt, nghĩ thầm “thằng này lười và ẩu”, định email mắng, nhưng may quá dừng lại và sang hỏi bạn ấy: “em dựa trên những giả thiết gì để ra phương án này?”. Bạn ấy đưa giả thiết là forum sẽ dùng cho 1000 user đồng thời và trong 2 năm. Sau khi thống nhất lại giả thiết là 100 user đồng thời và 6 tháng, rồi nâng cấp nếu cần, hai bên vui vẻ thống nhất phương án thuê mới với chi phí bằng 1/3 p/a ban đầu.

Đừng tra vấn về sự thiện chí, công sức và ý định của mọi người.

Dở hơi nhất là một nhóm nhỏ mà lại nghi ngờ nhau về những cái này. Đặc biệt, ta rất hay suy luận từ kết quả công việc của một người ra ý định của người đó. Ví dụ làm gì hỏng thì suy ra là người đó muốn thế (cố tình)

Đừng đòi mọi việc phải rõ ràng dễ hiểu. Mô tả và trao đổi khi chúng còn đang trừu tượng.

Cách tư duy và ngôn ngữ của nhiều người VN rất cản trở việc này. Khả năng tư duy trừu tượng nói chung không cao, và các tranh luận về những thứ trừu tượng hay bị bẻ sang hướng khác vì người đối thoại muốn giành phần thắng chứ k0 muốn cùng làm rõ vấn đề.

Funix hop xCrzy

Một cuộc họp của FUNiX (www.funix.edu.vn)

Dự án to không quan trọng bằng cam kết khủng.

Nếu việc bạn đang làm không quan trọng đối với sứ mệnh của nhóm, hãy giúp những người khác làm việc của họ.

Hãy mắc lỗi, nhận lỗi, sửa lỗi và chia sẻ các bài học.

Những phần mềm rẻ, chạy ổn định, đại chúng có thể nhàm chán nhưng thường tốt hơn cả. Vì chúng rẻ và ổn định.

Nhiều người, nhất là dân kỹ thuật, hay lạc quan thái quá và cho rằng mình có thể làm được phần mềm tốt hơn, phù hợp hơn, ngon hơn, v.v. trong một thời gian ngắn. Cuối cùng đúng là vừa tốn (thời gian + công + tiền) vừa không ổn định.

Thứ bậc của ngày hôm qua không quan trọng bằng cấu trúc của dự án hôm nay.

Chỉ chốt những gì phải chốt, còn thì để ngỏ mọi phương án cho đến khi bạn tìm ra lời giải.

Tâm lý thông thường là khó chịu khi không có hoặc có ít điểm cố định để bấu víu vào, tuy nhiên nếu chốt một điều gì đó chỉ vì nôn nóng thì rồi sẽ lại phải sửa, và tốn công hơn nhiều.

Chúng ta làm những việc chưa ai làm, nên đừng ngạc nhiên khi ngạc nhiên.

Nếu ai có thói quen mọi thứ phải được kiểm soát, không được xảy ra bất ngờ, thì chắc khó làm start-up.

Quan tâm nhiều hơn.

Nếu có người ở ngoài có thể làm nhanh hơn và rẻ hơn ta, đừng lưỡng lự.

Mua/ thuê/ hợp tác khẩn trương

Luôn để ý tìm nguồn lực bên ngoài, ngay cả khi chưa cần.

Nói chuyện với mọi người như thể họ là sếp, là khách hàng, người sáng lập, hay nhân viên. Tất cả như nhau thôi.

Ví dụ ông N – một nhà khởi nghiệp ở FPT – thường xuyên đi nói 1 câu chuyện như nhau với mọi người, bất kể họ là ai. Hehe. Lúc đầu, khi nhóm chưa có sản phẩm mà chỉ có câu chuyện, thì người nghe chưa quan tâm lắm đến lợi ích cá nhân của mình, chỉ nghe câu chuyện. Trong quá trình, thậm chí họ có thể chuyển từ role này sang role khác.

Bất kỳ việc nào chạy cũng do một cá nhân nhận và làm.

Nhóm nhỏ phải tự làm hết, k0 trông chờ vào hệ thống.