Bốn cấp nhân viên

Mỗi công ty đều có một vài cách phân loại nhân viên, rồi căn cứ vào đó mà xác định các chính sách đãi ngộ, thăng tiến hay đào tạo. Có một cách chia đơn giản dựa theo khả năng chung của nhân viên, có thể giúp cho công ty sử dụng nhân viên hiệu quả nhất, và cũng giúp cho nhân viên tìm con đường phấn đấu. Trong bài, nhân viên được hiểu là người làm công ăn lương, tức là từ CEO trở xuống.

Cấp 1. “Do”

Đây là cấp nhân viên thấp nhất. Họ chỉ làm được những việc đơn giản, không đòi hỏi phải vượt qua khó khăn. Thông thường, đó là những việc mà cấp trên biết rõ là cần làm như thế nào để có kết quả, cứ theo đó mà làm.

Ví dụ: gửi thư cho ai đó, photocopy tài liệu, chuẩn bị giấy tờ. Công việc không đòi hỏi phải vượt qua khó khăn, nếu gặp tình huống khó thì những người thuộc nhóm “do” sẽ phải hỏi ý kiến cấp trên để xác định được hành động tiếp theo. Các vị trí công việc thuộc nhóm này rất nhiều: thư ký, shipper, lễ tân, v.v.

Nhân viên trẻ mới đi làm thuộc nhóm này. Nhưng cũng có những người đã làm lâu năm vẫn bị kẹt ở đây, khi họ vẫn giữ kiểu tư duy học trò, tức là chỉ làm được những gì đã được luyện (dạng bài toán, văn mẫu, học thuộc lòng). Khi phải nhận việc khó, những người này thường hay phàn nàn là sếp “giao việc không rõ ràng”, và muốn chỉ dẫn kiểu “đồng nào mua mắm đồng nào mua tương”.

Theo quan sát của tôi, có rất nhiều nhân viên lâu năm bị kẹt trong nhóm này. Nếu ai đó đang thấy mình hay phàn nàn “sếp giao việc không rõ ràng”, thì nên xem lại.

Cấp 2. “Deliver”

Vượt qua được cấp “do”, nhân viên sẽ dần đi lên mức “deliver”, tức là nhận một nhiệm vụ, mà khi thực hiện sẽ cần vượt qua khó khăn không xác định trước. Trong tình huống như vậy, sếp chỉ có thể đưa ra một số hướng dẫn, còn lại bản thân nhân viên phải xoay sở để vượt qua (get things done). Họ sẽ cần mắc sai lầm (là điều mà những nhân viên cấp “do” rất sợ, do hậu quả của kiểu tư duy học trò), học từ đó và tiến bộ.

Đem giấy mời đến cho một VIP là “do”, còn thuyết phục được họ tham gia là “deliver”. Bán hàng ở shop cơ bản là “do”, bán hàng qua Facebook là “deliver”. Các vị trí quản lý các cấp thuộc nhóm này. Những nhân viên thuộc nhóm này có khả năng học hỏi từ thất bại, không sợ thất bại. Những năng lực khác sẽ quyết định họ có thể deliver những kết quả to đến cỡ nào.

Cấp 3. “Design”

Bản chất của việc design là thiết kế và cải tiến hệ thống sao cho nhiều người có thể deliver hơn, khiến việc deliver trở nên dễ dàng và năng suất hơn. Ví dụ, thiết kế ra một quá trình thực hiện dự án thông minh sẽ giúp cho nhiều người có thể trở thành quản trị dự án, và có thể làm tốt hơn trước.

Nếu nhân viên cấp “deliver” tạo ra kết quả theo từng vụ việc, thì nhân viên cấp “design” tạo ra ảnh hưởng ở quy mô rộng. Một bác sỹ phẫu thuật từng tâm sự với tôi, “mỗi năm em có thể phẫu thuật và cứu sống vài trăm người, nhưng một chính sách y tế thông minh có thể cứu sống hàng triệu người”.

Một điểm khác biệt giữa design và deliver là kết quả của design thường không dễ thấy bằng kết quả của deliver, vì cái sau có thể đo bằng tiền. Những nhân viên nhóm deliver cũng có khả năng design nhất định, nhất là những người deliver ở mức cao.

Việc design đòi hỏi năng lực sáng tạo. Tuy nhiều người thích làm nó, nhưng thực tế chỉ học được hình thức chứ không có khả năng sáng tạo – ví dụ có thể thấy trong lĩnh vực thiết kế nội thất. Những người design thường không thể đào tạo trong công ty mà thành, do đó công ty cần tìm những người có năng lực. Họ thường là những người có hiểu biết rộng, quan tâm đến nhiều lĩnh vực cả khoa học và nghệ thuật, để có khả năng “connect the dots” theo cách mới.

Cấp 4. “Define”

Đây là cấp chiến lược, xác định đường hướng, triết lý của công ty, nên làm gì và không làm gì, nên dừng việc gì và bắt đầu việc gì. Chiến lược đơn giản là lựa chọn. Những người cấp này có khả năng nhìn xa.

Việc xác định đúng hướng sẽ quyết định thành công vượt bậc của công ty. Nếu công ty chỉ đơn giản là đi theo ai đó, hay chỉ duy trì những gì đang có, thì không có những nhà quản lý cỡ này. Như vậy, cấp “define” có thể coi là các doanh nhân khởi nghiệp, tự thân hoặc trong một công ty sẵn có.

Trên đây là phân chia dành cho những người ăn lương của công ty và có trách nhiệm giải trình với cấp trên, ở mức cao nhất thì giải trình với các ông/bà chủ. Còn bản thân các ông/bà chủ có quyền lực thì có thể xếp vào nhóm “Desire”, tức là chỉ nêu mong muốn. Về nguyên tắc, họ có tiền, thuê người về để thực hiện mong muốn của họ, và chấp nhận rủi ro có thể mất tiền.


Leave a Reply