
Tựa đề sách tiếng Việt có sự khác biệt khá xa so với tiếng Anh (crucial conversations – những cuộc trao đổi có tầm quan trọng đặc biệt), có lẽ vì có chữ “đàm phán” thì dễ bán cho những doanh nhân hơn. Thực tế thì trao đổi (conversation) khác với đàm phán (negotiation) ở chỗ không nhất thiết phải đi đến một thỏa thuận gì rõ ràng và cố định cả. Sau trao đổi, nhiều khi chỉ cần hai bên nói ra được ý kiến của nhau, lắng nghe nhau, là đã đủ để có những hành động tương ứng sau đó.
Thực tế cuốn sách này hướng dẫn cho độc giả cách thức thực hiện những cuộc trao đổi quan trọng như vậy, và chúng thường rất khó khăn đến nỗi mọi người hay tránh hoặc trì hoãn. Đó có thể là những trao đổi trong cả công việc (thuyết phục sếp, bày tỏ thái độ với sự quấy rối của đồng nghiệp nam) và cuộc sống (chấm dứt một mối quan hệ, thuyết phục bố mẹ hay con cái). Thường là các trao đổi khó khăn và phức tạp. Cuốn sách này nên xếp vào chủ đề tâm lý (tâm lý xã hội) hơn là kinh doanh (đàm phán).
Các hướng dẫn của cuốn sách bao gồm: cần biết mình muốn gì, quan sát và đánh giá được cảm xúc của đối phương xem họ có đang cảm thấy không an toàn hay không, hiểu được động cơ của đối phương, tìm được lời giải mà cả hai bên chấp nhận thay vì chỉ có 2 phương án “hoặc theo ý tôi, hoặc dẹp”, cùng thống nhất cơ chế ra quyết định, và một số nội dung khác.
Những cuộc trao đổi như vậy không diễn ra thường xuyên, cho nên khó mà “học thuộc” nội dung cuốn sách rồi biến thành kỹ năng để áp dụng, vì không có cơ hội tích lũy kinh nghiệm. Thay vào đó, nên đọc qua nó, và quay trở lại xem nó khi cần chuẩn bị tinh thần cho một cuộc trao đổi như vậy (để có được kết quả tốt hơn), hoặc xem lại nó sau khi có cuộc trao đổi, để rút kinh nghiệm.
Những ai nên đọc:
- nhà quản lý, nhân viên trong công sở: dùng cho môi trường làm việc, kinh doanh
- bố mẹ/ vợ chồng / con cái: dùng cho các việc trong gia đình.
Các ý tóm tắt có thể xem trong bài viết ngắn này (tiếng Anh).