Tag Archives: trắng trên đen

Gonzalez Gallego – Trắng trên Đen (3)

Ruben David Gonzalez Gallego. “Trắng trên Đen”
Dịch từ nguyên bản tiếng Nga: Phương Hoài, 8-2004
Sách được Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp với NXB Hội Nhà Văn xuất bản năm 2004 với tựa “Những dải trắng trên nền đen”.

Nước Mỹ

Cần phải căm thù đất nước này. Cần phải thế. Cần phải căm thù tất cả các nước tư bản, nhưng đặc biệt là nước Mỹ. ở nước Mỹ có kẻ thù, có bọn tư bản uống máu giai cấp công nhân. Chủ nghĩa đế quốc Mỹ có bom hạt nhân dành cho chúng ta. Công nhân ở nước Mỹ thường xuyên bị đói và chết đói, trước cửa đại sứ quán Liên xô tại Mỹ người ta xếp hàng rồng rắn xin đổi quốc tịch. Chúng tôi được dạy như vậy, chúng tôi tin như vậy.

Tôi yêu nước Mỹ, yêu từ năm lên chín tuổi. Chính vào năm lên chín, người ta kể cho tôi nghe rằng ở nước Mỹ không có người tàn tật. Họ bị giết sạch. Không trừ một ai. Nếu trong gia đình có một đứa trẻ tàn tật sinh ra, bác sĩ sẽ tiêm cho nó một mũi thuốc độc.

– Giờ các em hiểu là mình đã may mắn thế nào khi được sinh ra trên đất nước của chúng ta rồi chứ? ở Liên xô trẻ em tàn tật không bị giết. Các em được học hành, được chữa trị và nuôi nấng không mất tiền. Các em phải học thật giỏi, biết một nghề có ích.

Tôi không muốn để người ta nuôi nấng tôi không mất tiền, tôi không bao giờ có được một nghề có ích. Tôi muốn một mũi tiêm, một mũi thuốc độc. Tôi muốn đi Mỹ.

Kẻ thiểu năng trí tuệ

Tôi là kẻ thiểu năng. Đó không phải là một biệt danh xúc phạm, đó chỉ là một sự xác nhận. Trí tuệ tôi không đủ phát triển để có thể tự tồn tại, sự tồn tại tối thiểu. Từ nhỏ tôi đã biết rằng thiểu năng có hai loại, có thể bù đắp và không thể bù đắp. Thiểu năng có thể bù đắp là trường hợp người chậm phát triển trí não có thể sống trong xã hội mà không cần tới sự giúp đỡ của bên ngoài. Thí dụ điển hình của trường hợp thiểu năng bù đắp được thường được nêu ra là những người có vấn đề về tâm thần, những người nhờ những nỗ lực của các nhà sư phạm và các thầy thuốc, đã học được nghề gác cổng hay thợ quét vôi. Các nhà sư phạm dạy tôi giải những phép tính phức tạp, các thấy thuốc cố gắng nhồi thuốc, ân cần bó bột cứng tôi lại – những cố gắng của họ đều vô ích. Tôi đến tận bây giờ vẫn không thể nhấc nổi cái chổi quét vôi.

***

Một trong những hồi ức đầu tiên về tuổi thơ là câu chuyện nghe lỏm được của người lớn.
– Cậu nói rằng nó thông minh. Nhưng nó không biết đi!

Từ đó đến nay chẳng có gì thay đổi. Suốt cuộc đời mình, người ta nói đến sự tàn phế của tôi như nói đến khả năng có thể hay không thể thực hiện các động tác cơ học: đi lại, ăn, uống, đi vệ sinh. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn luôn là điều quan trọng nhất: tôi không thể đi lại được. Những điều khác người lớn hầu như không bao giờ quan tâm. Không thể đi được – tức là bạn là kẻ thiểu năng.

Cô nhi viện tiếp theo, sự chuyển nhà tiếp theo. Tôi được chuyển tới cô nhi viện đó từ bệnh viện, nơi hai năm trời người ta cố gắng giúp tôi đi lại được nhưng không thành. Việc chữa chạy rất đơn giản. Đôi chân khoèo ở gối của tôi bị người ta bó bột, rồi dần dần cắt bó bột ở những chỗ cần thiết, nắn các khớp và cố định chân trong tư thế mới. Sau một năm rưỡi, chân tôi thẳng ra. Người ta thử cho tôi đi nạng, hiểu rằng vô ích, và tôi được ra viện. Trong suốt thời gian chữa chạy, đôi chân tôi lúc nào cũng đau nhức, tôi tiếp thu rất kém. Theo quy định, tất cả học sinh Liên xô đều có quyền được học hành, những ai có thể đều tới lớp học mở trong bệnh viện, những người khác được giáo viên tới tận phòng bệnh dạy. Cô giáo cũng tới chỗ tôi đôi lần, nhưng sau khi nhận rõ sự ngu ngốc không thể chuyển hoá được của tôi, cô đã để tôi yên. Các thầy cô thương hại đứa trẻ tội nghiệp và trong tất cả các môn học đều cho tôi điểm “trung bình”. Tôi cứ như vậy mà lên từng lớp một.

Tôi được đưa tới bệnh viện khi đang học lớp hai, khi ra viện người ta cho tôi học lớp bốn. Mọi chuyện đều đúng đắn, mọi chuyện đều theo luật. Người ta mang tôi đến lớp, đặt xuống sàn.

Đang là giờ học toán. Tôi gặp may. Đúng ngày hôm đó cả lớp phải làm bài kiểm tra. Kiểm tra môn toán là một việc nghiêm túc, hội đồng giáo viên đã dành hẳn hai tiết liền, mỗi tiết bốn lăm phút, cho sự kiện quan trọng này.

Cô giáo hỏi tôi dăm ba câu, nhận thấy cần phải chuyển thằng bé xuống lớp hai và thoả mãn. Cô gọi bảo mẫu tới, ra lệnh đưa tôi về phòng ngủ.

Bảo mẫu tới. Nhìn tôi.
– Tôi vừa mới bế nó, giờ lại bế nữa à? Tôi không phải là con ngựa thồ của các người, tôi cũng có quyền của tôi. Thế mà gọi là có học à?. Nó không thuộc bài và tôi phải gánh chịu sao? Nếu không có chiến tranh, có khi tôi cũng đã thành cô giáo.

Bà bảo mẫu mỗi lúc một to tiếng, cô giáo nghe bà một cách chăm chú và cuối cùng phải nhượng bộ. Cô lịch sự yêu cầu bà bảo mẫu ra ngoài, xin lỗi vì đã làm phiền. Bà bảo mẫu đi khỏi, có thể bắt đầu làm bài kiểm tra.

Cô giáo viết nhanh đề bài lên bảng. Xong xuôi, cô ngồi xuống ghế.

Tôi nhìn lên bảng và không hiểu gì hết. Trong bài toán có cả chữ cái đứng lẫn với những chữ số. Thế nào là cộng và trừ thì tôi biết rõ, – trước khi vào bệnh viện tôi học giỏi nhất lớp – nhưng dấu nhân với tôi chỉ là lỗi viết nhầm thông thường.
– Ở đây có nhầm lẫn trong thí dụ, – tôi lên tiếng không cần xin phép. – Tại sao cô viết chữ cái cùng với các con số? Không thể tính toán các chữ cái được.
– Đó không phải là lỗi. Những chữ cái này thật ra thể hiện các con số. Con số nào đáng ra phải đứng vào chỗ các chữ cái, chúng ta phải tìm ra. Đó gọi là giải phương trình.
– Như vậy nếu một cộng với “xờ” bằng ba, “xờ” bằng hai? Giống như bài đố vui trong tạp chí.
– Không phải “xờ” mà là “iks”. Nói chung thì em nói đúng.
– Vậy tại sao trong thí dụ thứ hai “iks” lại viết giữa hai chữ số?
– Đó không phải là “iks” mà là dấu nhân. Nó được viết hoặc là như dấu chấm hoặc là như chữ “xờ”. Trên bảng cô viết dấu nhân giống hai gạch chéo để những bạn ngồi bàn sau có thể nhìn rõ hơn.

Phép nhân là gì tôi không biết. Các bác sĩ ở bệnh viện không hiểu tại sao lại chỉ quan tâm hai với hai, ba với ba bằng mấy. Nếu tôi trả lời không đúng, họ phá lên cười, nhắc câu trả lời đúng, thỉnh thoảng cho tôi kẹo hay bánh quy. Nếu như bọn họ giải thích ngay rằng phép nhân là phép cộng lần lượt thì tôi cũng chẳng thấy khá hơn. Chân tôi đau ghê gớm, tôi ghét bác sĩ.

Cô giáo giải thích cho tôi về phép nhân.
– Cô giải thích cho em những điều đó làm gì nhỉ? – Cô giáo nói tiếp. – Em thậm chí không thuộc bảng cửu chương.
– Em thuộc, nhưng chỉ đến năm thôi. Em vẫn còn nhớ sáu lần sáu là ba sáu.
– Thế bảy lần tám?
– Đợi em một chút.
Tôi bắt đầu tính toán thành tiếng. Tôi trả lời đúng.
– Giỏi lắm, – cô giáo khen tôi.
– Điều đó không khó, – tôi nói, – khi cô giải thích, mọi chuyện thật đơn giản. Cô nói tiếp đi.
– Em sẽ không hiểu được.
– Em sẽ hiểu. Chính cô vừa bảo em giỏi còn gì.

Cô giáo nhanh nhẹn tới bên bảng và bắt đầu bài giảng. Cô viết mải miết. Thỉnh thoảng cô dừng lại và hỏi: “Em hiểu không?”. Tôi hiểu hết. Cô nói với tôi về toán học, tôi ngắt lời cô bằng những câu hỏi. Cô nói nữa đi, tôi đề nghị, cô nói nữa đi. Chúng tôi mỉm cười với nhau. Mọi chuyện thật giản đơn.
– Xong. Đến đây là xong. Cô đã giảng cho em hết những gì một học sinh lớp bốn cần biết.
– Em có thể viết bài kiểm tra không?
– Cô không tin tưởng lắm, nhưng em hãy thử đi.

Tôi thử.
Hai tiếng trôi qua thật nhanh, cả lớp nộp bài kiểm tra. Cô giáo cúi xuống, cầm tờ giấy của tôi lên, liếc nhanh. Cô nhìn tôi. ánh mắt cô lạnh lùng và xa lạ, không giống lúc mới đây đứng bên bảng. Tôi hiểu mọi chuyện.

Là kẻ thiểu năng không quá khó. Mọi người nhìn lướt qua bạn, không nhận thấy bạn. Bạn không phải là người, không là ai cả. Nhưng đôi khi vì lòng tốt tự nhiên hay vì sự cần thiết nghề nghiệp mà người nói chuyện nhận thấy rằng nội tâm bạn cũng giống như tất cả những người khác. Trong một giây, sự vô cảm thay bằng sự ngưỡng mộ – nỗi tuyệt vọng câm lặng trước thực tế.

Tôi không nhìn cô giáo. Tất cả bọn họ đều giống nhau. Tôi tin chắc rằng lúc này cô cũng nghĩ điều mà tất cả, ở vào vị trí của cô, đều nghĩ – về đôi chân của tôi. Đôi chân mới là quan trọng, còn môn toán, đó chỉ là chuyện vặt, là trò giải trí.

Sasha

Chúng tôi quen nhau từ khi lên năm tuổi. Cậu ấy xúc phạm tôi. Sau đó chúng tôi chơi thân với nhau. Mẹ cậu thường cho tôi ăn kẹo, và một lần bà còn tặng tôi một món đồ chơi lên dây cót. Một người phụ nữ quyền lực, mạnh mẽ và rất tốt bụng, bà đã nuôi dạy được một đứa con trai tốt. Cách đây không lâu, năm năm trước, tôi được biết rằng bà đã từng muốn nhận tôi làm con nuôi. Nhưng không được phép. Khi tôi, đã trưởng thành, hỏi bà lý do, bà hiểu cả và chỉ trả lời:
– Sasha sẽ bớt buồn. Các cháu sẽ chơi cùng nhau. Cháu có thể vào đại học, cháu rất thông minh, không giống như thằng con bị thịt của cô. Cô có thể biến cháu thành giáo sư.

Tôi nhìn vào mắt người phụ nữ Nga thông minh đó và tin rằng, nếu người ta cho bà nhận tôi, bà có thể vượt qua mọi rào cản, mọi thử thách, bế tôi trên tay đến lớp, sẽ biến cậu bé mắt đen người Tây Ban Nha thành giáo sư toán học. Không phải là bác sĩ hay nhà giáo, nhưng bà đã nhìn thấy trong mắt đứa trẻ năm tuổi điều mà nhiều hội đồng y khoa không thể hiểu được. Tôi biết rằng bà sẽ không đọc chẩn đoán về “bộ não hoạt động một phần” hay “thiểu năng trí tuệ” của tôi. Bà đã nhìn thấy mắt tôi.

Nhưng tôi sẽ viết về Sasha, con trai bà. Về một cậu bé có mẹ.

***

Tôi không nhớ mấy về tuổi thơ xa xôi của mình, khi chúng tôi còn là những đứa trẻ sơ sinh. Tôi chỉ thật sự hiểu Sasha khi số phận đã gắn kết chúng tôi ở một trong số các cô nhi viện của tôi.

Nó bò ngoài hành lang và hát:

…Những con người vạm vỡ bước lên đài
Chỉ lắc vai mà giật tung xiềng xích.

Sasha rất khác chúng tôi. Mẹ nó, một cán bộ cao cấp trong ngành thương nghiệp, đã giáo dục nó thật đơn giản. Bà mang nó đến nơi làm việc và cho nó thấy mặt thật của cuộc sống. Nó biết tất cả về những toan tính, về hoá đơn, về chuyện những hàng hoá khan hiếm được phân phối ra sao và tại sao bữa sáng chúng tôi lại được ăn ít cháo.

Nó bò ngoài hành lang và hát. Giọng nó rất to, có thể nghe thấy từ đằng xa. Nó oang oang chào hỏi các bà bảo mẫu và giáo viên đi ngược chiều. Nó gọi họ là “nhân viên”.

Nó tới trường muộn, mẹ nó bỏ ra rất nhiều thời gian và tiền bạc để cố gắng chữa chạy cho nó. Như mọi bà mẹ, bà muốn thấy con trai mình khoẻ mạnh và hạnh phúc. Do vậy mà nó lớn hơn các bạn cùng lớp rất nhiều.

Tôi khó chịu với cái kiểu hát rống lên của nó. Tôi không thích cách nó nói chuyện với các bà bảo mẫu. Nó rất hay xưng “bà” với họ. “Này, Mania, bà đừng có tiếc, hãy múc thêm cháo vào. Và cũng múc thêm cho cả cậu này nữa. Bà nghĩ rằng nếu nó không cha mẹ và không có ai bảo vệ thì không cần phải cho nó ăn sao?” Khi đó tôi vẫn chưa hiểu rằng nó đang che dấu nỗi lo lắng đằng sau sự thô tục cố tình đó. Tôi coi các bà bảo mẫu như các á thánh, còn nó có thể đáp trả lại nguyên xi trước những câu chửi tục hay thói vô học.

Khi đó tôi vẫn chưa hiểu gì hết.

***

Sasha có bưu phẩm. Mẹ Sasha hiểu rằng cuộc sống trong cô nhi viện không phải là thần tiên và gửi cho nó những gói bưu phẩm to tướng chứa toàn thực phẩm. Là người mẹ yêu con, bà muốn Sasha có bạn, để nó có thể đi học ở trường, bởi vậy nên bà cho nó tới cô nhi viện. Bà đón nó về nhà trong tất cả các kỳ nghỉ và cả trong mùa hè, tô điểm cuộc sống cô nhi viện của nó trong mức có thể: gửi bưu phẩm, cho tiền.

Mẹ cũng có nhiều kiểu. Những bà mẹ xuẩn ngốc mang và gửi kẹo đến cho con. Những bà mẹ thông minh mang đến mỡ, tỏi, đồ hộp tự làm, nói chung là các loại thực phẩm.

Mẹ của Sasha không chỉ thông minh, bà còn là lãnh đạo cao cấp. Bà gửi đến những gói bưu phẩm sang trọng với sô cô la và thịt hầm, dứa hộp và nước quả bơ.

Hôm đó nó nhận được một lúc hai gói bưu phẩm, mỗi gói nặng mười một cân. Sasha đặc biệt tự hào về trọng lượng này.

– Theo quy định của ngành bưu điện Xô viết, các cá nhân chỉ được gửi bưu phẩm dưới mười cân, nhưng… (nó kéo dài giọng) trong những trường hợp đặc biệt, người ta chấp nhận cả những bưu phẩm đến mười một cân.

Khi đó tôi chưa hiểu gì về quy định của ngành bưu điện, nhưng tôi hoàn toàn chia xẻ niềm vui với Sasha. Bưu phẩm càng nặng càng tốt, việc này đã hẳn.

Cô giáo dưỡng vác tới cho nó hai gói bưu phẩm, thở phì phò và nguyền rủa các bậc cha mẹ yêu con.
– Sasha, theo quy định của cô nhi viện, mỗi lần cô chỉ có thể đưa cho cháu không quá hai trăm gam thực phẩm. Khẩu phần của các cháu đã được tính toán và ăn nhiều sẽ có hại. Cô cần phải kiểm tra chất lượng của chúng trước.

Bà ta đã uổng công nói điều đó.

– Vậy cô sẽ kiểm tra bằng thiết bị đặc biệt, hay, xin lỗi cô, bằng lưỡi? Sao cháu không nhìn thấy thiết bị? Vậy chúng ta thoả thuận thế này nhé. Cô sẽ kiểm tra một hộp thịt hộp và một hộp dứa hộp, còn lại để cho cháu, và coi như xong. Được không?
– Sao cháu có thể nghĩ như vậy được? Cô không cần thịt hộp của cháu. Cháu hãy chọn thứ gì cháu thích, và cô sẽ mang bưu phẩm của cháu đi.
– Thế này vậy. Cháu sẽ không chọn gì hết, cô sẽ mang bưu phẩm đi. Ngày mai cô lại mang đến, và cháu sẽ lại không chọn gì hết. Cô có nghĩa vụ phải mang những gói bưu phẩm này đến cho cháu. Ngày nào cô cũng sẽ mang đến cho cháu, vài tháng liền, cho tới khi mẹ cháu tới thăm. Và khi đó cô đi mà giải thích với mẹ cháu về chuyện ăn nhiều và kiểm tra chất lượng thực phẩm. Tin cháu đi, mẹ cháu là cán bộ thương nghiệp và mẹ cháu biết rõ chuyện kiểm tra chất lượng thực phẩm.

Khả năng phải nói chuyện với mẹ Sasha không làm cô giáo dưỡng thích thú.

Sasha là một cậu bé thông minh. Nó hiểu rằng phải để cho đối phương một con đường lùi.
– Cháu có ý này! Giờ cô chỉ kiểm tra trên lọ và hộp ngày sản xuất, những thực phẩm quá hạn cô sẽ tịch thu. Còn chuyện hai trăm gam cô đừng lo. Cháu sẽ không ăn số đồ hộp này một mình và trong một buổi chiều đâu.

Cô giáo dưỡng vui mừng trước sáng kiến này. Chẳng ai muốn cãi nhau với mẹ của Sasha. Hơn nữa bà ta hiểu rằng mẹ cậu sẽ chẳng gửi cho con trai những thứ vớ vẩn. Bà ta kiểm tra tất cả số thực phẩm một cách tận tâm, không có thứ gì quá hạn cả. Bưu phẩm giờ Sasha được giữ cả, và nó, rộng rãi đưa cho cô giáo dưỡng hộp thịt hộp. Cô giáo dưỡng từ chối. Khi đó Sasha lấy từ trong thùng ra một hộp dứa hộp.
– Cô cũng có con. Hãy chuyển cho bọn nó.

Cô giáo dưỡng lưỡng lự. Bà ta muốn mang dứa về cho các con, nhưng vẫn còn giận Sasha, giận cách nó ăn nói với bà ta – đại diện của quyền lực và một người lớn. “Cho bọn trẻ, cho bọn trẻ”, – Sasha nhắc lại và nhìn vào mắt bà ta. Bỗng nhiên cô giáo dưỡng mỉm cười, cầm lấy hộp dứa và đi ra. Bà là bà cô tốt bụng và hiểu rằng Sasha không giận bà.

***

Liên xô – đất nước của nạn khan hiếm hàng hoá. Hàng hiếm – đó là khi một mặt hàng nào đó không có bán trong cửa hàng và không thể mua nó dù với giá nào đi chăng nữa. Nhân viên cô nhi viện thường nhờ Sasha “kiếm” hàng hiếm. Thường thì Sasha từ chối. Nó không muốn tham gia vào những trò chơi này của người lớn. Nó không độc ác và không tham lam, chỉ đơn giản là nó hiểu rằng mẹ nó không thể cung cấp hàng hiếm cho tất cả. Cô giáo dưỡng nhờ nó “kiếm” kiều mạch. Kiều mạch là hàng hiếm. Mẹ bà ấy, một người mắc bệnh đái tháo đường, rất cần kiều mạch. Mẹ bà ấy không ăn gì hết, chính xác hơn là phải ăn kiêng. Trong số các thực phẩm được phép có cháo kiều mạch. Sasha viết thư cho mẹ và bà gửi kiều mạch tới.

Cô giáo dưỡng mang bưu phẩm đến cho Sasha. Trong bưu phẩm có hai cân kiều mạch. Bà ta nhìn Sasha. Chờ đợi.
– Kiều mạch, loại một, – Sasha nói, – giá bốn tám cô pếch một cân, ở đây có hai cân. Của cô chín mươi sáu cô pếch.
– Được rồi, Sasha, cô sẽ ghi lại là cháu có chín mươi sáu cô pếch.

Vấn đề ở chỗ, các cô giáo dưỡng trong cô nhi viện bị cấm mang tiền mặt theo người.

Những ông bố bà mẹ ngốc ngếch đã đưa tiền cho cô giáo dưỡng. Cư dân cô nhi viện có thể nhờ cô giáo dưỡng, cô sẽ mang đến trong lần trực sau những thứ được đặt hàng. Bằng cách đó có thể mua được kẹo hay bút chì chẳng hạn. Nhưng không được nhờ cô giáo dưỡng mua những thứ bị cấm. Ngoài rượu và thuộc lá thì cá hộp, trứng, bánh ngọt và những thực phẩm tự chế cũng bị cấm. Không cần phải giải thích cũng rõ, trong cô nhi viện tiền mặt được chuộng hơn.

– Không. Thế không được. Đó không phải là kinh doanh. Không thế thì cô cũng đã cầm của cháu khoảng năm mươi rúp rồi. Cô đằng nào cũng có đưa cho cháu đâu!
– Cô không đưa. Điều này bị cấm. Mà cháu sẽ làm gì với chỗ kiều mạch đó chứ?
– Cháu sẽ bán cho bà Dusia. Bà ấy là bảo mẫu, bà ấy cóc sợ những cấm đoán của các người.
– Nhưng cô cần kiều mạch cho mẹ cô. Cháu đã hứa rồi.
– Cháu chẳng có gì phản đối mẹ cô cả. Hãy để bà ấy ăn cháo kiều mạch và sống vui vẻ. Nhưng cháu hứa bán bột cho cô chứ không phải là biếu không.
– Thôi được rồi. Hãy cầm lấy một rúp và chúng ta hết nợ.
– Không. Cô nợ cháu đúng chín mươi sáu cô pếch. Cháu không có bốn cô pếch.
Cô giáo dưỡng chấp nhận cuộc chơi. Chạy đi kiếm tiền lẻ.

Cuộc trao đổi đã hoàn thành.

***

Buổi sáng chúng tôi được ăn cháo kiều mạch. Cháo kiều mạch là món hiếm trong cô nhi viện. Mỗi người được hai thìa cháo, chúng tôi phấn khởi. Chỉ mình Sasha không vui. Nó chửi thề, những đường gân trên cổ phồng lên, nó nói gọn lỏn: “chó má”, và cầm lấy khẩu phần của mình trên bàn bò tới phòng nơi các bà bảo mẫu ăn.

Sasha có thân hình của một người trưởng thành. Chân nó xoắn lại một cách kỳ cục, một tay bị liệt. Nó bò đến phòng của các bảo mẫu, dùng đầu mở cửa và ném đĩa cháo vào phòng bằng cánh tay lực lưỡng.

Trong phòng, bà bảo mẫu, con gái và chồng bà ta đang ngồi quanh bàn. Trước mặt mỗi người là một đĩa cháo đầy ú.

Người đàn ông ngẩng mặt khỏi đĩa cháo. Ông ta nhìn thấy Sasha và nghe thấy những lời của nó. Sasha nói rằng bà bảo mẫu không những sống trên đau khổ của người khác mà còn nuôi cả một cô con gái mặt to và một gã nhân tình. Đương nhiên là Sasha nói những điều đó bằng thứ ngôn ngữ dân dã Nga, kèm theo những câu chửa tục. Tôi không dám nhắc lại những lời đó. Người đàn ông đặt thìa xuống đĩa cháo và nói gọn lỏn: “Manhia, chúng ta ra ngoài”. Sasha bò lùi lại khỏi cánh cửa và bọn họ bước ra.

Manhia quay về với một vết thâm dưới mắt và một xô cháo đầy. Hoá ra trong nhà ăn có rất nhiều cháo, nhưng bà ta ngại phải xách xô cháo đầy.

***

Sasha bị buộc tội hút thuốc. Nó luôn có sẵn tiền và có thể mua được cả những loại thuốc đắt tiền. Nhưng nó không hút thuốc. Tuyệt nhiên không.

Hôm đó nó chuẩn bị sẵn thuốc lá, bò đến phòng giáo viên và hút. Nó hút rất chăm chú, rít thật sâu. Các thầy cô đi đến phòng giáo viên, nhìn kẻ mất dạy nhưng không có phản ứng nào hết. Khói thuốc tràn ngập hành lang và thậm chí chui cả vào phòng giáo viên. Cuối cùng thì nó cũng đợi được thầy hiệu trưởng.

Ông ngồi xổm trước mặt Sasha.
– Em tắt thuốc lá đi.
Sasha dụi điếu thuốc.
– May quá. Em cứ nghĩ sẽ phải hút hết điếu thuốc.
– Em hút thuốc gì vậy?
– “Cosmos”. Quả là một thứ kinh khủng, nhưng dù sao cũng có đầu lọc.
– Tại sao em lại hút thuốc cạnh phòng giáo viên?
– Em đợi thầy.
– Để làm gì? Em cũng biết rằng hút thuốc có hại. Dù là thuốc có đầu lọc.
– Em không hút thuốc. Em có phải thằng ngu đâu mà đi đầu độc bản thân, lại còn phải mất tiền vì điều đó. Bởi vì em bị buộc tội hút thuốc. Em thì sao cũng được, nhưng cô giáo dưỡng quả quyết rằng em nói dối cô ấy. Nếu muốn hút thuốc, em sẽ hút một cách công khai. Sức khoẻ của em là việc riêng của em. Nhưng em không cho phép nghi ngờ em nói dối. Nếu cô ấy muốn em hút thuốc, em sẽ hút ngay trước mắt cô ấy.
– Tức là em thấy bị xúc phạm vì bị nghi ngờ và em quyết định chống đối ngay tại đây?
– Đúng.
– Thôi được, thầy sẽ nói chuyện với cô ấy. Em còn thuốc lá không?
– Hai gói rưỡi.
– Em đưa chúng cho thầy chứ?
– Nhưng đó là loại thuốc đắt tiền.

Thầy hiệu trưởng mỉm cười. Thò tay vào túi quần lấy tiền. Thầy cầm lấy mấy bao thuốc, đưa tiền cho Sasha và đi vào phòng giáo viên.

Cô nhi viện đó có thầy hiệu trưởng rất tốt.

***

Chúng tôi có những giáo viên rất giỏi. Những người say mê công việc của mình. Tất nhiên thầy cô không vất vả bằng bảo mẫu. Họ không phải chăm sóc chúng tôi. Đối với tôi, ý kiến của thầy cô so với ý kiến của bảo mẫu chẳng là gì hết. Nhưng dù sao thầy cô vẫn là những người lớn, những người cần thiết cho xã hội, còn tôi – chỉ là một bị thịt vô dụng. Sasha không nghĩ như vậy.

Một lần lớp chúng tôi có một cô giáo tiếng Nga mới. Những người tình cờ đến làm việc với chúng tôi thường ra đi chóng vánh, chẳng có gì níu giữ được họ, kể cả khoản phụ cấp đáng kể vì “độc hại”. Cô giáo này chỉ là người thế chân, tức là tạm thời dậy thay cô giáo bị ốm.
Giờ chính tả. Tất cả các học sinh ngồi bàn. Sasha nằm trên sàn. Tì vào cánh tay khoẻ, nó cố gắng viết những con chữ to và xấu xí. Người nó run bần bật, nhưng nó rất cố gắng.
– Thưa cô, cô có thể đọc chậm hơn được không ạ?
– Tôi đọc với tốc độ quy định đối với chương trình lớp sáu phổ thông cơ sở.

Sasha nhoẻn cười.
– Thưa cô, nếu như em có tay như học sinh lớp sáu phổ thông cơ sở, em đã không làm phiền đến cô.
– Nếu vậy em phải vào học trong trường dự bị.

Sasha không giận. Nó đặt bút xuống và lôi trong cặp ra một cuốn sách.
– Em định làm gì vậy?
– Đọc sách. Em không thể viết kịp, mà không được làm ảnh hưởng đến những bạn khác.
– Em có thôi ngay đi không?
– Cô sẽ đọc chậm hơn chứ ạ?

Sự kiên nhẫn của cô đã cạn. Thằng bé này quả là mất dạy. Lẽ ra nó phải xin thêm lần nữa, ở địa vị nó, không được quyền lựa chọn. Nó phải bị trừng phạt. Cô giáo viết gì đó rất lâu trong sổ đầu bài.
– Tôi sẽ mời bố mẹ em đến.
– Từ Leningrad ư? Mẹ em sẽ không đến. Cùng lắm thì mẹ em sẽ gọi điện cho hiệu trưởng cô nhi viện.
– Thôi được. Vậy tôi sẽ không cho em ôn bài và ngày mai em sẽ ăn ngỗng ở tất cả các môn.
Hôm đó cô ta có buổi trực đêm.

Cô giáo đi tìm bảo mẫu. Ba bà bảo mẫu to béo đặt Sasha vào xe lăn và cố đẩy về phía phòng ngủ.
– Sao cô không tự mình đẩy xe? Cô sợ bị sụn xương sao?

Rồi nói với các bà bảo mẫu:
– Thôi được rồi, mấy cô, các cô là những người bị ép buộc, chúng ta đi nào.

Nó bấu chặt cánh tay khoẻ mạnh vào bánh xe. Thân hình nó uốn cong vì co giật, nó rất đau đớn, nhưng không thể nào gỡ cánh tay nó ra khỏi nan hoa xe. Mấy bà bảo mẫu đành phải bê chiếc xe lăn với bánh xe được gắn chết vào xe. Họ nguyền rủa cô giáo thành tiếng nhưng vẫn bê xe lăn, nhẹ nhàng mắng mỏ Sasha.

Còn Sasha thì hát. Nó hát về con tàu Nga không đầu hàng trước quân địch lớn mạnh:

Tàu Variak kiêu hãnh của ta không đầu hàng giặc
Không một ai muốn được khoan hồng.

Người ta mang nó đến phòng ngủ, hất ra sàn nhà. Cô giáo vui mừng. Ngày mai Sasha ăn ngỗng là cái chắc.

Buổi tối, khi bọn trẻ ăn xong và nhân viên cô nhi viện đi ăn, Sasha bò ra ngoài sân, bò tới lớp học.

Mùa đông. Tuyết. Gió.

Trường cách không xa – khoảng ba trăm mét. Bằng cánh tay khoẻ mạnh, nó cào tuyết bên dưới và thận trọng di chuyển cánh tay đau. Tệ nhất là tuyết cào không được bao nhiêu và cánh tay đau của nó cứ luôn bị trơn tuột trên mặt đường đóng băng, không thể bò nhanh được.

Nó cũng ăn mặc như chúng tôi, những đứa không đi được. Bộ quần áo dệt kim, áo sơ mi. Sơ mi phanh ra. Nó phanh ra không phải để trông cho bụi, mà bởi vì áo sơ mi luôn bị tuột xuống một bên vai và cúc áo bị đứt.

Nó bò tới trường, rồi bò vào lớp mình và đọc bài ngày mai.

Mấy bà bảo mẫu phát hiện đứa trẻ biến mất, họ lần theo dấu vết và gọi cô giáo.
– Cô đi mà giải quyết với nó.
Cô giáo đi vào lớp, nhìn Sasha.
– Em làm gì ở đây?
– Thực hiện quyền hiến định của mình, chuẩn bị bài.
– Nhưng tại sao em lại bò giữa tuyết?
– Em không còn cách nào khác. Em cần phải chứng minh với cô rằng không thể chiến thắng em bằng sự thô bạo. Phải rồi, cô hãy bố trí phương tiện, em sẽ không bò về đâu.

Cô giáo vùng chạy. Sau đó chúng tôi được kể lại rằng cô ấy bị sốc, cứ khóc mãi, nhưng chúng tôi không tin. Chúng tôi không tin rằng thầy cô có thể khóc vì những chuyện vặt vãnh như vậy.

***

Mấy năm sau tôi đến chơi chỗ Sasha.
– Mẹ ơi, mang vodka ra đi mẹ, con và Ruben sẽ uống một chút.
– Nhưng con thậm chí Tết cũng không uống mà?
– Nhưng Tết thì năm nào chẳng có, còn Ruben con đã không gặp sáu năm rồi.

Chúng tôi uống vodka, nói chuyện, và tôi đã hỏi cậu câu hỏi quan trọng nhất:
– Sasha, cậu có mừng vì đã từng sống trong cô nhi viện?
– Không. Từ cô nhi viện ra, tớ đã trở thành một người khác. Tốt hơn là không có cô nhi viện.
– Nhưng trong cô nhi viện, cậu có bạn bè, cậu đã quen tớ.

Sasha ngẫm nghĩ.
– Xin lỗi cậu, Ruben. Cậu là một chàng trai tốt, một người bạn, tớ mừng vì đã làm quen với cậu. Nhưng tốt nhất là không nên có cô nhi viện.

New York

Giáo viên chủ nhiệm lại có giờ chính trị với chúng tôi. Chúng tôi được nghe kể về những điều kinh khủng của lối sống Phương Tây. Chúng tôi đã quen và chẳng thấy ngạc nhiên vì điều gì hết. Tôi tin tưởng tuyệt đối rằng, phần lớn người Mỹ sống lang thang ngoài đường phố trong những hộp các tông, tất cả người Mỹ đều phải xây hầm trú ẩn, đất nước họ lại chịu một cơn khủng khoảng mới.

Lần này chúng tôi được nghe kể về New York. Một bài báo của “New York Times” về chuyện phát pho mát miễn phí cho công nhân thất nghiệp được trích dẫn. Người ta đã phát hết mấy tấn pho mát, mỗi người một trăm gam. Cô giáo đặc biệt nhấn mạnh rằng những con người bất hạnh đó sẽ không nhận được gì trong suốt tháng tiếp theo.

Tôi hỏi, vậy liệu bọn họ có chết đói không?
– Tất nhiên, họ sẽ chết, – cô giáo trả lời. – Nhưng thay thế họ sẽ là những làn sóng công nhân bị sa thải mới.

Tôi tin.

***

Chỉ có hai chúng tôi trong lớp – tôi và thầy giáo môn lịch sử. Thầy viết gì đó trong sổ đầu bài, tôi đọc sách. Thầy ngồi ở bàn giáo viên, tôi nằm trên sàn cách thầy không xa.
– Thầy có bận lắm không ạ?
– Em muốn gì à?

Thầy ngừng viết, ngẩng đầu. Thầy có đôi mắt rất hiền từ và thông minh, mái tóc chớm bạc. Huy hiệu cài trên ve áo khoác.
– Em muốn hỏi.
– Em hỏi đi.
– Trong giờ chính trị chúng em được kể rằng người dân ở các nước tư bản sống trong sự cùng cực, sắp chết đói. Em có tính sơ qua, mọi thứ đều khớp. Tỷ phú ở Mỹ có, nhưng họ rất ít. Phải không ạ?
– Đúng.
– Triệu phú cũng có, họ ít, nhưng dù sao cũng nhiều hơn tỷ phú. Những người trung lưu – dân buôn bán, thợ làm tóc – chắc phải nhiều hơn triệu phú nhiều lần, công nhân – nhiều hơn người buôn bán nhiều lần. Phải vậy không ạ?
– Đúng. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. ở đó người ta sống rất khổ.
– Đúng vậy sao? Nếu vậy thì, theo tính toán sơ bộ, hàng ngày trên đường phố, thí dụ như của New York, có hàng trăm nghìn người thất nghiệp chết vì không có gì ăn. Đó là chưa kể những công nhân có việc nhưng vẫn chết đói. New York ngập trong xác chết! Phải có ai đó luôn đi gom xác chết. Em không hiểu những người Mỹ đó. Đi lại trên phố giữa các xác chết và những người sắp chết đói. Tại sao cho đến giờ họ vẫn chưa lật đổ bọn bóc lột và bọn tư bản?

Thầy giáo rời bàn, lại ngồi xổm trước mặt tôi. Thầy nhìn tôi rất lạ và mỉm cười. Thầy gần như cười chế diễu vấn đề nghiêm túc của tôi. Hình như hôm nay tâm trạng của thầy rất vui.
– Em bao nhiêu tuổi?
– Thầy cũng biết rồi còn gì, mười tuổi.
– Thầy biết, thầy biết, – thầy giáo nói giọng phấn chấn. – Không quá sớm với em để suy nghĩ về những chuyện này sao?

Tôi im lặng.
– Em đừng giận. Điều này vẫn còn quá phức tạp đối với em.

Thầy giáo đứng dậy và đi ra cửa. ở cửa, thầy quay người lại, nhìn chăm chú và nghiêm khắc như thể lần đầu tiên trông thấy tôi.
– Không được nói với ai, em nghe rõ chưa, không được nói với bất cứ ai về đề tài này. Em đã là một cậu bé lớn, em cần phải hiểu.

Hôm sau thầy đến bên tôi, cúi xuống đặt lên bàn một cuốn sách dầy rất đẹp.
– Em hãy đọc đi. Đó là một cuốn tiểu thuyết lịch sử nghiêm túc. Thầy biết là em sẽ thích.

Thịt băm viên

Tôi nghe lời người lớn, luôn nghe lời người lớn. Cuối mỗi năm học, tôi được long trọng trao bằng khen “vì thành tích học tập xuất sắc và hành vi mẫu mực”. Quả là tôi học rất giỏi, còn khái niệm “hành vi mẫu mực” có nghĩa là tôi không bao giờ cãi lại thầy cô. Giao tiếp với thầy cô thật đơn giản: họ luôn luôn nói dối. Họ kể cho chúng tôi nghe hàng giờ về những chuyện hoàn toàn không cần thiết và vô bổ. Họ yêu cầu chúng tôi kể lại tất cả những điều đó trên lớp. Tôi có trí nhớ tốt, tôi có thể dễ dàng nhắc lại bài giảng. Các thầy cô nghĩ rằng tôi đã rất cố gắng. Những con người lạ lùng. Tôi thích việc học ở trường, ở đó tất cả đều là trò đùa. Chúng tôi được phát những cuốn sách nhỏ vẽ tranh đẹp đẽ, vở có dòng và vở kẻ ô ly. Trường học là một trò chơi. Tôi chơi trò chơi đó một cách hứng thú.

Nhưng cần phải nghe lời mọi người lớn. Khó nhất là nghe lời các bảo mẫu. Những điều viết trong các cuốn sách thông thái với những bức tranh đẹp không làm họ quan tâm. Có học thuộc lòng bài thơ của Puskin hay công thức toán học cũng chẳng thay đổi được gì. Người ta chỉ đòi hỏi ở tôi một điều: càng ít nhờ giúp đỡ càng tốt. Từ khoảng lên năm tuổi, tôi đã được bảo rằng: “Mày lúc nào cũng chỉ có ăn thôi, còn chúng tao thì phải bê mày. Mày chẳng có tí tự trọng nào hết. Cái bọn mọi đen đó đẻ con, giờ phải bế nó suốt đời. Và chúng ta, những mụ đàn bà Nga ngu ngốc, tốt bụng, thế cho nên cứ phải chịu đựng chúng, chăm sóc chúng. Còn cha mẹ chúng, những kẻ khôn ngoan, đã đi về Châu Phi rồi”. Và ngày lại ngày, tôi nghe mãi cái điệp khúc của họ về lòng tốt và sự thương hại, về cha mẹ da đen của tôi. Hơi nực cười, nhưng những lời đó tôi đã phải nghe ở khắp nơi trên đất nước Liên xô – trong các cô nhi viện, trong các bệnh viện, trong nhà dưỡng lão. Như thể họ nói theo một sự mách bảo bí ẩn vô hình, như một bài học trẻ con, như một lời nguyền rủa.

Tôi đã cố gắng đến mức tối đa. Nhưng tất cả những gì mà tôi có thể, đó là ăn và uống ít hơn. Làm sao sống mà không ăn, tôi không biết. Chẳng có ai để hỏi cả. Hỏi thầy cô cũng vô ích, họ không phải là những người thầy đích thực, họ không phải đổ bô cho chúng tôi. Qua các bảo mẫu tôi được biết, công việc của giáo viên nhẹ nhàng hơn nhiều, mà lương lại cao hơn. Theo quan điểm của các bà bảo mẫu, các giáo viên được trả lương chẳng vì cái gì cả. Tôi hoàn toàn đồng ý với các bà bảo mẫu về chuyện này. Kể chuyện cổ tích từ những cuốn sách đẹp chả khó khăn gì, đổ bô mới khó. Điều này thì tôi hiểu rất rõ.

Nhưng đôi khi thầy cô cùng có những tác dụng nhất định. Những cô giáo tốt bụng mang từ nhà đến cho tôi sách và tạp chí. Trong một cuốn tạp chí phụ nữ, tôi đọc được về ăn kiêng. Để không tăng cân cần phải loại bỏ khỏi khẩu phần ăn các thực phẩm từ thịt và bột. Tôi ngừng ăn bánh mì và mì ống. Thịt chúng tôi chẳng mấy khi được ăn, nhưng thỉnh thoảng cũng được ăn thịt băm viên. Thật khó để từ bỏ thịt băm viên, nhưng tôi đã làm được. Một cuốn sách thông thái về tình báo đã giúp tôi. Trong cuốn sách đó nói rằng người đàn ông chân chính cần phải rèn luyện ý chí hàng ngày. Và tôi đã rèn luyện. Đầu tiên tôi rất thèm ăn, sau đó tôi quen dần. Khi người ta mang bữa ăn đến, tôi chọn lựa một cách vô thức những gì có thể được ăn, và ăn nếu có thể ăn. Thường thì tôi phải giới hạn bằng nước quả và một vài thìa cháo. Tinh thần tôi có khá hơn. Giờ tôi đã làm mọi chuyện một cách đúng đắn, chỉ có điều lúc nào cũng thấy buồn ngủ, còn ở trường đến tiết thứ ba là tôi không còn suy nghĩ được gì nữa, đầu óc quay cuồng. Một vài lần tôi đã ngất ngay trên lớp.

Một hôm tôi bị đau bụng và không kịp bò tới nhà vệ sinh. Bà bảo mẫu đem tôi tới nhà vệ sinh, đặt xuống sàn và bắt đầu dạy dỗ tôi. Bà ta hét lên, nào là tôi là đứa tồi tệ, nói về “con đĩ nhọ”, về việc tất cả bọn họ đã quan tâm đến tôi thế nào, tôi là kẻ vô ơn ra sao. Tôi câm lặng. Nói gì cũng vô nghĩa. Tình huống tương tự đã từng xảy ra không chỉ một lần. Khóc và van xin thương hại cũng vô ích, mọi từ ngữ đều vô nghĩa bởi một lý do duy nhất – cái quần bẩn của tôi. Bà ta la mắng tôi mỗi lúc một to, cúi xuống bên tôi, rung rinh đôi má xệ, phun nước bọt. Tôi câm lặng. Tôi có thể nói gì đây? Quả tình bà ta có lý. Tôi quá béo và lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ăn. Với cái tuổi mười một, tôi đã nặng gần mười bảy cân. Tôi không thể thanh minh. Tự tôi cũng lên án bản thân vì sự mềm yếu. Hai ngày trước tôi đã chót ăn một miếng thịt băm viên. Tôi không muốn ăn nó, quả tình không muốn ăn. Tôi nghĩ rằng chỉ ngửi một tí thôi, sau đó cắn một miếng nhỏ. Và không để ý là đã ăn hết cả miếng thịt.

Tôi câm lặng. Khi đó bà ta dùng những ngón tay múp míp bóp đầu tôi và ấn vào cái quần bẩn.
– Mày cứ im như hến thế. Dù sao cũng phải nói gì đó chứ. Hãy xin lỗi, hãy hứa rằng mày sẽ không thế nữa. Hãy nói gì đi chứ.

Bà ta dí mũi tôi vào chỗ phân và nhắc lại, hạ giọng: “Nói đi, nói đi, nói đi”. Tôi có thể nói được gì? Tôi hiểu rất rõ người ta muốn ở tôi không phải là những lời nói suông – điều gì tôi cũng đã thử nói rồi. Bà bảo mẫu mong muốn, thực sự chỉ mong muốn duy nhất một điều: muốn tôi có thể tự mình đi vệ sinh. Tôi không thể hứa được điều đó, bởi vậy nên tôi câm lặng.
– Hãy nói đi, nói đi, nói đi. Mày có nói không, có nói không hả? – bà ta đơn điệu nhắc lại. – Nói đi, nói đi, nói đi. – Giống như trong một bộ phim chiến tranh, có cảnh viên sĩ quan người Đức hỏi cung một chiến sĩ tình báo dũng cảm của Nga. Sĩ quan Đức. Người Đức.

Bỗng nhiên tôi bật ra một câu tiếng Đức đơn giản: “Rusish schwein”.
– Du bist rusish schwein (*) , – tôi kêu lên điên cuồng tuyệt vọng. – Du bist rusish schwein. Rusish Schwein. Rusish Schwein. Rusish Schwein. Bọn Đức bắn bố mẹ bà là phải quá rồi. Lẽ ra họ nên bắn cả bà nữa.

Đó chỉ là những lời nói, chỉ là những lời nói mà thôi. Nhưng chúng có hiệu quả. Người phụ nữ bối rối. Khi còn là đứa trẻ, bà ta đã phải sống dưới sự chiếm đóng của quân Đức, đã trải qua nạn đói sau chiến tranh. Tôi biết tôi đã chạm vào nỗi đau của bà ta.

Tôi đã quen với sự tàn phế của mình. Chỉ đôi khi trong tôi thoáng nổi lên khát vọng có thể đứng được trên đôi chân. Khát vọng đó thường xuất hiện một cách ngẫu nhiên, từ đâu đó trong sâu thẳm phần thú con người tôi. Trong giây phút ấy, tôi khát khao được cầm trong tay phải một con dao nhọn và thọc vào cái bụng mỡ của bà ta. Đâm liên tiếp. Đâm nát ổ bụng bà ta để trả hận.

Tôi bật khóc. Khóc và gào lên. Ném vào mặt mụ đàn bà ngu ngốc những lời xấu xa và bất công. Gào những câu chửi tục, cố gắng làm bà ta đau đớn hơn nữa.

Cô giáo đi ngang qua. Cô nghe tiếng kêu, ghé vào, nhìn thấy tôi nằm trần truồng trên sàn xi măng, ngập trong phân và nước mắt. Cô hiểu ra tất cả, làm ầm lên. Những người lớn tốt bụng rửa ráy cho tôi, đem tôi vào giường. Cô y tá tới, mang theo kim tiêm.

– Yên nào, cậu bé, rồi sẽ ổn cả thôi. Cô sẽ tiêm cho cháu một mũi và cháu sẽ ngủ ngay.
– Tránh xa ra, đồ chó, đồ bẩn thỉu. Mày là người Nga. Tao căm thù mày. Tao căm thù tất cả người Nga. Đồ phát xít, đồ khốn nạn. Tiêm à? Tiêm đi, nhưng không phải loại này, mà loại thực sự cơ, để chết đi. Tôi là thằng bé nhọ, còn các người là người Nga. Vậy thì hãy giết tôi đi và đừng có hành hạ tôi thêm nữa. Các người thậm chí tiếc tôi cả thuốc độc. Các người còn tồi hơn cả bọn phát xít. Bọn phát xít luôn giết người tàn tật, còn các người lăng nhục họ.

Người ta tiêm cho tôi một mũi. Tôi vẫn gào thét. Tôi kể lể mọi chuyện: chuyện ăn kiêng, chuyện tôi béo. Tôi hứa với họ rằng sẽ không ăn gì hết nữa. Cô giáo và cô y tá lắng nghe tôi mà không hiểu gì cả. Họ cố gắng làm tôi bình tĩnh lại.

Mũi tiêm đã có tác dụng. Tôi nhanh chóng thiếp đi và tỉnh dậy vào trưa ngày hôm sau. Lòng thấy thanh thản và yên ổn. Bữa trưa có thịt băm viên. Tôi quyết định ăn hết. Tôi ăn thịt băm viên, ăn súp và bánh mì. Cứ để cho tăng cân, mặc kệ. Tôi chả thiết gì nữa.

(*) Tiếng Đức: đồ lợn Nga. ND

Gonzalez Gallego – Trắng trên Đen (2)

Ruben David Gonzalez Gallego. “Trắng trên Đen”
Dịch từ nguyên bản tiếng Nga: Phương Hoài, 8-2004
Sách được Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp với NXB Hội Nhà Văn xuất bản năm 2004 với tựa “Những dải trắng trên nền đen”.

Bà bảo mẫu

Họ rất ít. Những bà bảo mẫu thật sự, đúng nghĩa bảo mẫu, những người ân cần và dịu dàng. Tôi không nhớ tên họ, chính xác hơn là không nhớ hết tên tất cả các bà bảo mẫu tốt bụng. Chúng tôi tự chia họ ra thành các bà bảo mẫu “độc ác” và “tốt bụng”. Trong cái thế giới trẻ thơ đó, ranh giới giữa cái thiện và cái ác rất rõ ràng và đơn giản. Một thời gian dài tôi không thể bỏ được thói quen tệ hại từ thời cô nhi viện là chia tất cả mọi người thành quân ta và quân nó, thông minh và ngu ngốc, tốt bụng và độc ác. Biết làm sao. Tôi đã lớn lên ở đó. Nơi đó, ranh giới giữa cái sống và cái chết rất mỏng manh, nơi sự đê tiện, đểu cáng là chuyện bình thường. Bình thường cũng như sự chân thành và lòng nhân hậu. Tất cả đan xen nhau. Có lẽ do cứ luôn phải lựa chọn giữa cái xấu và cái tốt mà trong tôi đã xuất hiện sự rạch ròi đó.

Những bà bảo mẫu tốt là những người theo đạo. Tất cả. Vậy là tôi đã viết và lại phân loại mọi người. Tôi chẳng thể làm gì được với chuyện này.

Đức tin bị cấm. Người ta nói với chúng tôi rằng không có Chúa. Vô thần là chuẩn mực. Giờ đây ít ai còn tin vào điều đó, nhưng thời đó là như vậy. Tôi không biết trong số giáo viên có ai theo đạo không. Có lẽ là có. Giáo viên bị cấm nói với chúng tôi về đề tài này. Giáo viên có thể bị đuổi việc vì làm dấu thánh hay vì một quả trứng phục sinh, các bà bảo mẫu thì không. Lương bảo mẫu rất ít, công việc lại nhiều. Hiếm ai muốn đi cọ sàn và thay quần cho trẻ con. Người ta làm ngơ cho những bà bảo mẫu theo đạo. Và họ cứ việc tin. Họ tin, bất chấp tất cả. Họ cầu nguyện rất lâu trong các phiên trực đêm, thắp những ngọn nến mang theo. Ban đêm họ rửa tội cho chúng tôi. Trong ngày lễ Phục sinh, họ mang cho chúng tôi những quả trứng tô màu và bánh xèo. Thức ăn bị cấm mang vào cô nhi viện, nhưng ban lãnh đạo nghiêm khắc có thể làm gì với những phụ nữ ít học?

Các bà bảo mẫu tốt ít lắm. Tôi nhớ tất cả bọn họ. Giờ tôi sẽ cố gắng kể về một người trong số họ. Đây là một câu chuyện thực do bà bảo mẫu kể cho tôi. Tôi cố gắng kể lại một cách chính xác nhất có thể những gì trí nhớ non nớt còn giữ được.

***

“Bà đã làm ở đây rất lâu rồi. Khi đến, bà nhìn thấy lũ trẻ lít nhít, đứa không chân, đứa không tay. Tất cả đều nhem nhuốc. Bà rửa ráy cho chúng, còn chúng thì bò ra sàn và lại lấm lem. Có đứa phải đút cho ăn, có đứa mỗi tiếng phải rửa ráy một lần. Bà rất mệt. Trong đêm trực đầu tiên, bà không hề nằm một phút nào. Họ mang đến thêm một đứa mới nữa, nó gọi mẹ cả đêm. Bà đến ngồi bên giường cạnh nó, cầm tay nó và ngồi như vậy cho đến sáng. Và bà cứ khóc suốt. Sáng ra, bà đến chỗ Đức cha xin chúc phúc để thôi việc. Bà nói, con không thể nhìn cảnh đó, con thương tất cả bọn trẻ, tâm hồn như rạn vỡ. Nhưng Đức cha không chúc phúc. Cha nói, đó sẽ là cây thập tự mà con phải vác suốt đời. Bà đã cầu xin cha, đã van nài. Rồi làm việc một thời gian, bà quen dần. Nhưng vẫn thấy nặng nề. Bà viết lên giấy tên tất cả những đứa trẻ bà chăm sóc. Bà có một quyển vở và bà đã ghi tên tất cả các con vào đó. Rồi trong ngày lễ Phục sinh, bà thắp cho mỗi đứa một ngọn nến, và đọc kinh cầu nguyện cho từng đứa. Bởi vì Đức Chúa trời đã dạy phải cầu nguyện cho tất cả những đứa trẻ vô tội. Mà tên con thật lạ lùng. Ruben, chắc con người Armenia. Người Armenia theo đạo Thiên Chúa, điều này bà biết chắc chắn. Con bảo con không phải người Armenia sao? Bà cũng nghĩ ngay là nếu bố mẹ không đến đón nó, chứng tỏ họ là người khác đạo nào đó. Một người đã được rửa tội không bao giờ bỏ rơi con mình. Chúng là bọn chó má, xin Chúa tha tội cho con, một mụ già ngu ngốc, không muốn mà vẫn phạm tội. Còn con sẽ được ghi trong sổ của bà không có họ. Họ của con thật kì lạ, bà không thể viết được. Tất cả đều được ghi có họ, còn con thì không. Khi cầu nguyện chỉ được đọc tên, nhưng dù sao cũng không hay lắm khi không có họ”.

Nói gì đây sau câu chuyện này? Tôi đã trưởng thành, đã đọc rất nhiều sách và nghĩ mình rất thông thái. Cảm ơn những thầy cô đã dạy tôi biết đọc. Cảm ơn đất nước Xô viết đã nuôi tôi lớn khôn. Cảm ơn những người Mỹ thông minh đã tạo ra máy tính, đem lại khả năng đánh máy câu chuyện này chỉ bằng ngón tay trỏ của bàn tay trái.

Cảm ơn tất cả những bà bảo mẫu tốt bụng vì đã dạy tôi lòng nhân ái, vì sự ấm áp trong tâm hồn mà tôi đã mang theo, vượt qua tất cả mọi thử thách. Cảm ơn vì tất cả những gì không thể nói thành lời, không thể tính toán trên máy tính và không thể đo đếm được. Cảm ơn vì tình yêu và vì lòng từ bi Thiên Chúa, cảm ơn vì tôi là một người Cơ đốc giáo, vì những đứa con tôi. Cảm ơn tất cả.

Những cậu bé

Trong phòng chúng tôi có mười người. Chính xác hơn là chín. Không tính Vovochca. Nó chẳng biết làm gì, chỉ ăn và ỉa. Chúng tôi thường tỉnh giấc vì tiếng kêu của nó. Nó, như mọi khi, lại muốn ăn. Nó có thể ăn rất nhiều, cho bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Khẩu phần của nó cũng như tất cả, nhưng nó luôn đói, và nó kêu khóc. Thằng bé sơ sinh mười hai tuổi.

Ngoài ra còn có tôi và Vasilek. Vasilek trông khoảng 20 tuổi. Anh bị liệt hai chân. Khoẻ như một con bò mộng. Hay đúng hơn như tất cả những người thiểu năng trí tuệ. Có lần anh đã túm chân bà bảo mẫu trêu anh, khiến bà ta không sao thoát ra được, và mãi lâu sau trên chân bà ấy vẫn còn vết tím bầm. Các bảo mẫu trêu chọc anh, con bò mộng hiền lành, vỗ vào lưng khi lại gần hay nói gì đó tục tĩu, còn anh sau đó cả đêm ồn ào cụ cựa, làm cớ cho những trò chọc ghẹo mới. Nói chung, họ đối với anh cũng tốt, luôn cho anh suất đúp.

Tôi là một thằng bé chín tuổi. Hãy hình dung một người liệt. Nằm còng queo trên sàn và lắc lư bên này qua bên kia. Nó làm cái gì đó, nhưng bạn vẫn chưa hiểu là gì. Nó bò đi. Tôi bò rất nhanh, tôi có thể bò được ba trăm mét trong nửa tiếng nếu không mệt. Nhưng cứ được mươi, mười lăm mét là tôi phải nghỉ. Nhưng tôi có thể bò! Trong phòng chỉ có tôi và Vasilek có thể bò – điều này khiến chúng tôi khác với những người còn lại.

Bọn họ có bảy người. Tôi không nhớ hết tên. Mà cũng không cần phải biết tên họ. Chỉ có Sasha Poddubnyi là có thể ngồi được, và mỗi sáng các bà bảo mẫu lại đặt anh xuống sàn trước cái bàn thấp. Những người khác nằm suốt ngày trên giường. Người ta gọi họ là những “cậu bé”. Tất cả mọi người trong cô nhi viện đều nể họ, thậm chí cả “Đại bàng” của cô nhi viện cũng phải tìm đến họ xin lời khuyên. Chỉ phòng chúng tôi có vô tuyến, và chúng tôi có thể xem tuỳ thích.

Tôi lọt vào phòng này một cách tình cờ. Tôi được đưa đến đúng lúc có một “cậu bé” mới chết. Đó là chiếc giường số 3 bất hạnh. Trước tôi, đã có ba người ngủ trên đó, và tất cả đều đã chết. Không ai muốn nằm ở đó cả, còn tôi lại là ma mới. Sau đó, người ta muốn chuyển tôi sang phòng khác, nhưng Sasha Poddubnyi yêu cầu, và người ta để tôi lại. Nhưng đó là một câu chuyện khác.

***

Một lần, Sasha muốn đi vệ sinh, mà Vasilek không có trong phòng.

Tôi có hai lựa chọn: bò đi gọi bảo mẫu hay thử tự mình giúp. Tôi dùng răng cắn dây chun quần anh kéo đi, đẩy bô tới và anh đái vào đó. Giờ đây, theo luật bất thành văn của cô nhi viện, tôi cũng có thể yêu cầu anh một điều gì đó. Lấy hết can đảm, tôi đề nghị anh cho tôi đọc một cuốn trong số sách của anh. Anh có rất nhiều sách. Anh luôn đọc sách hay dịch sách từ tiếng Đức.

– Hãy lấy cuốn “Ba chàng ngự lâm”.
– “Ba chàng ngự lâm” em đã đọc rồi, của trẻ con, cho em mượn “Solaris”.
– Cậu sẽ chẳng hiểu gì đâu.
– Em sẽ hiểu.
– Cậu thật bướng, rất tốt. Hãy lấy đi, sau đó kể xem cậu hiểu gì.

Tôi đọc hết cuốn “Solaris” trong một ngày chủ nhật. Khi Sasha hỏi tôi hiểu được gì trong cuốn sách, tôi đã trả lời: nhân vật chính chẳng cần phải bay đi, bởi cần phải giải quyết mọi chuyện với phụ nữ ngay trên trái đất. Sasha nói tôi vẫn còn bé và chưa hiểu gì hết. Nhưng kể từ đó anh bắt đầu cho tôi mượn sách. Nói chung tôi đã gặp may. Các “cậu bé” đối xử với tôi rất tốt.

***

Các xếp đến thăm chúng tôi. Xếp của chúng tôi là những sinh viên trường sư phạm.
Chúng tôi được tập trung trong hội trường lớn, các xếp hát cho chúng tôi nghe rồi chuồn. Chính xác hơn là không phải tất cả đều bỏ đi. Theo kế hoạch giúp đỡ của các xếp, sinh viên phải có một số hoạt động với chúng tôi, giúp chúng tôi làm bài và nhiều việc khác nữa.

Nhưng phần đông bọn họ nhìn chúng tôi như nhìn người hủi. Câu “như nhìn người hủi” tôi đọc được sau này, và tôi rất thích. Mà làm sao có thể diễn tả khác được những cặp mắt thô lố và sự ghê tởm được che dấu một cách vụng về?

Nhưng một số người đã đến. Thật lạ, đó lại là các nữ sinh, những vì sao rơi từ trên trời xuống. Lòng trắc ẩn, sự thương hại thiên bẩm, và có thể cả tính tò mò đã kéo họ đến với chúng tôi. Không chỉ một lần.

Một cô gái như vậy đã vào phòng chúng tôi.
– Các chàng trai có cần giúp đỡ gì không?
– Bạn uống chiphir không?
– Gì cơ?
– Chè đặc.
– Có.
– Vậy hãy lấy “tàu ngầm” dưới đệm của tôi, lấy lọ trong tủ con, đi lấy nước và thực hiện mọi công đoạn dưới gầm giường.

Người nói là Vovka Matxcơva. Biệt danh của anh là “Matxcơva”. Tôi không biết vì sao.
Cô sinh viên ấy đến chỗ chúng tôi mấy lần, các cậu bé đãi cô kẹo sô cô la và kể chuyện tiếu lâm. Thật thoải mái và vui vẻ khi tiếp xúc với cô.

Một lần cô ở chỗ chúng tôi hơi lâu và đã đến lúc phải ra về. Tất nhiên chẳng ai muốn để cô về.
– Các chàng trai, tôi còn phải làm bài tập môn vật lý và toán, mà chẳng ai dễ dàng cho tôi chép bài cả đâu.
– Bạn học năm mấy?
– Năm thứ hai.
– Bạn có mang sách theo chứ?
– Trong túi.
– Hãy lấy ra và đọc đầu bài đi.
Người nói là Genka nằm ở giường trong góc.
Cô lấy sách ra, ngồi xuống và đọc.
– Nhưng tôi không hiểu gì hết.
– Tôi cũng vậy. Tôi mới chỉ học đại học được có một năm. Hãy đọc to lên.
– Thế còn công thức?
– Công thức cũng đọc to.
Cô đọc, chúng tôi vui mừng vì cô vẫn chưa về, và không hề nghi ngờ rằng Genka sẽ giải được tất cả các bài tập của cô.
Cô đọc rất lâu và sau đó Genka bảo cô ngồi xuống bàn để chép.
– Nhưng cậu không nhìn thấy những gì tôi viết!
– Còn bạn?
– Tôi thấy.
– Vậy thì hãy viết đi.
Và anh đọc cho cô gái lời giải tất cả các bài tập, rồi im lặng.
– Tôi có thể kiểm tra đáp số được không? Tôi có đáp án đây.
– Kiểm tra đi.
– Tất cả đều đúng! Làm sao cậu làm được? Không hề nhìn vào vở. Cậu còn nhỏ thế kia!

Genka nặng mười ki lô. Ngoài chuyện không thể đi lại được, anh còn có vấn đề với tuyến giáp, không lớn được. Anh thường được đắp chăn đến cằm, và từ trong chăn thò ra khuôn mặt của một cậu bé tám tuổi. Nhưng có lẽ thế lại tốt hơn. Thỉnh thoảng anh được bế ra đường. Tôi và Vasilek có thể tự bò ra đường, còn những người khác chưa hề nhìn thấy đường phố.
– Tôi mười tám tuổi. Tôi cũng bé như bạn vậy.
– Ôi, các chàng trai (cô gọi họ là “các chàng trai”, ngoài cô ra chẳng ai gọi họ như vậy). Vậy mà tôi cứ nghĩ các bạn vẫn còn đang học phổ thông.
– Chính thức chúng tôi vẫn đang đi học. Lớp hai. Còn một số người học hai năm một lớp. Đơn giản bởi vì Giám đốc cô nhi viện của chúng tôi là một người tốt bụng. Ông không muốn đưa chúng tôi đến nhà dưỡng lão. ở đó sẽ chẳng có ai chăm sóc chúng tôi và chúng tôi sẽ chết.
– Vậy tại sao các bạn không thi vào đại học? Các bạn sẽ là những sinh viên xuất sắc.
– Trường đại học chỉ lấy những người đi được.

Cô vội vàng thu dọn đồ và ra về. Tôi bò ra hành lang. Mưa rơi, và tôi muốn bò ra cổng.
Trời lành lạnh – thu muộn hay xuân sớm. Cổng không đóng và tôi thích bò ra đến tận cổng để nhìn mưa. Những hạt mưa hiếm hoi tạt vào bên trong, rơi trúng người tôi. Thật dễ chịu và buồn.

Nhưng lần này đã có người chiếm chỗ ở cổng của tôi. Chính cô sinh viên đó đang đứng, tựa hẳn người vào dầm cửa và rít thuốc liên tục. Và khóc. Tôi không nhớ cô ăn mặc ra sao. Chỉ nhớ cô đi giày cao gót. Cô rất xinh đẹp. Tôi có cảm tưởng sẽ không bao giờ còn nhìn thấy một cô gái xinh đẹp như vậy nữa. Cô rít thuốc và khóc. Rồi hút hết điếu thuốc và bước đi dưới mưa. Không áo mưa, không ô.

Cô không bao giờ đến chỗ chúng tôi nữa.

***

Có đoàn từ Matxcơva đến. Giám đốc bị khiển trách, tất cả các “cậu bé” bị đưa tới nhà dưỡng lão. Cô giáo dưỡng của họ đến lớp chúng tôi: “Giờ cô sẽ làm việc với các em cho đến khi các em ra trường”. Tôi đã lên lớp năm, nhóm tiểu học đã kết thúc và bây giờ chúng tôi được có giáo viên chủ nhiệm “riêng” và cô giáo dưỡng “riêng”.

Một tháng sau khi người ta chở các cậu bé tới nhà dưỡng lão, cô giáo dưỡng đi thăm những người được “mình” bảo trợ. Cô quay về và kể hết với chúng tôi.

Trong số tám người chỉ có Genka còn sống. Nhà dưỡng lão gồm những ngôi nhà biệt lập kiểu lều gỗ. Người già và người tàn tật được phân ra theo mức độ tàn tật. Các cậu bé của chúng tôi nằm riêng trong một lều với những người kiệt sức. Dọc tường là những hàng dài giường tầng, nước tiểu nhểu giọt. Chẳng có ai tới chỗ họ. Cô giáo dưỡng mang đến cho họ các loại nước quả trong những lọ lớn. Cô kể về Genka: “Nó có vẻ giận dữ, bảo: cô mang nước quả về đi, đằng nào bọn người đi được cũng sẽ uống hết”.

Tôi hỏi cô điều gì sẽ đến với tôi khi tôi lớn. Người ta cũng sẽ chở tôi đến nhà dưỡng lão và tôi sẽ chết?
– Tất nhiên.
– Nhưng khi đó em mới chỉ mười lăm tuổi. Em không muốn chết sớm như vậy. Hoá ra tất cả đều vô ích ư? Vậy học để làm gì?
– Chẳng có gì vô ích cả. Các em phải học bởi vì các em được nuôi không phải trả tiền. Mà này, em đã học thuộc bài chưa?

Kể từ đó tôi thay đổi rất nhiều. Chỉ những cớ nhỏ nhặt cũng làm tôi chảy nước mắt và oà khóc. Cả những lời thuyết phục và hăm doạ đều không giúp ích gì. Tôi khóc thành tiếng.
Người ta gọi bác sỹ. Một thanh niên trẻ măng tới, ngồi bệt xuống sàn bên cạnh tôi, mỉm cười và hỏi điều gì đó. Tôi mỉm cười đáp lễ. Tôi không muốn nói chuyện với anh ta. Nhưng đành phải nói.
– Tại sao cháu hay khóc?
– Cháu không hay khóc.
– Tại sao chiều qua cháu khóc?
– Cháu bò, cộc đầu và khóc.
– Chú không tin. Cô giáo dưỡng của cháu đã kể hết với chú. Cháu khóc suốt. Điều này không bình thường. Tại sao cháu không muốn nói với chú?
– Bởi vì chú là bác sỹ tâm thần. Bọn họ lúc đầu tốt bụng là thế, rồi sau đó họ lôi tới bệnh viện. Còn trong bệnh viện người ta tiêm và cho uống những viên thuốc để khiến thành ra như Vasilek.
– Ai nói với cháu chuyện vớ vẩn đó? Không ai lôi cháu đi đâu cả. Vasilek là ai?
– Vovka Matxcơva đã kể cho cháu nghe về bệnh viện.
– Thế cái cậu Vovka của cháu đang ở đâu?
– Chết rồi. Các anh ấy chết rồi. Bọn họ thật tốt bụng và thông minh. Sasha Poddubnyi còn đưa sách của anh ấy cho cháu đọc. Giờ bọn họ chẳng còn nữa, chỉ Vasilek còn sống. Người ta chở anh tới một cô nhi viện tốt khác, bởi vì anh ấy có thể bò được và tự mình đi vệ sinh.
– Ai nói với cháu là họ chết cả rồi?
– Cô giáo dưỡng. Cô ấy còn nói với cháu rằng người ta cũng sẽ chở cháu đi khi cháu tròn mười lăm tuổi. Giờ cháu mười tuổi.

Cô giáo dưỡng cười cười, băn khoăn nhìn bác sĩ nói: “Thì đã sao nào? Có gì không phải ở đây? Tôi đã kể chuyện này cho cả lớp nghe”. Bác sĩ châm thuốc hút. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy người lớn hút thuốc ngay trong phòng. Không hiểu sao tôi thấy thích chú ấy.
– Cháu có sợ chú không?
– Có.
Chú không hề ác độc. Hút hết điếu thuốc, nhìn tôi và đi mất.

Còn Genka chết sau đó không lâu.

Gonzalez Gallego – Trắng trên Đen (1)

trang tren den

Ruben David Gonzalez Gallego. “Trắng trên Đen”
Dịch từ nguyên bản tiếng Nga: Phương Hoài, 8-2004
Sách được Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp với NXB Hội Nhà Văn xuất bản năm 2004 với tựa “Những dải trắng trên nền đen”.

Chỉ có những con chữ, những con chữ trên trần nhà, những con chữ trắng chậm chạp trôi trên nền đen. Chúng xuất hiện vào ban đêm sau một trận lên cơn thường kỳ. Tôi có thể di chuyển những con chữ trên trần nhà, sắp xếp chúng thành từ thành câu. Sáng ra, tôi chỉ còn việc ghi chúng vào máy tính.

Anh hùng

Tôi là một anh hùng. Làm anh hùng thật dễ. Nếu bạn không tay, không chân – bạn hoặc phải làm anh hùng hoặc là chết. Nếu bạn không có cha mẹ – bạn phải trông cậy vào đôi tay và đôi chân của mình. Và hãy trở thành anh hùng. Nếu bạn không có cả chân lẫn tay, thêm vào đó lại còn mồ côi – bạn không còn lối thoát nào hết. Bạn sẽ phải làm anh hùng cho đến cuối đời. Hay là chết. Tôi là một anh hùng. Tôi không còn lối thoát nào khác.

***

Tôi – một thằng bé con. Đêm tối. Mùa đông. Tôi cần đi vệ sinh. Có gọi bảo mẫu cũng vô ích.
Chỉ có một lối thoát – bò tới nhà vệ sinh.

Đầu tiên cần phải tụt khỏi giường. Có một cách, là tôi tự nghĩ ra. Tôi bò đến mép giường và xoay ngửa người, lật nhào xuống sàn. Bịch. Đau đớn.

Tôi bò tới cửa ra hành lang, dùng đầu đẩy cửa rồi bò từ trong căn phòng tương đối ấm ra chỗ lạnh và tối.

Ban đêm tất cả các cửa sổ đều mở. Lạnh, rất lạnh. Tôi trần như nhộng.

Phải bò rất xa. Khi bò ngang qua căn phòng nơi các bảo mẫu đang ngủ, tôi đập đầu vào cửa phòng họ, cố gọi nhờ giúp đỡ. Chẳng có ai trả lời. Tôi la lên. Cũng không có ai. Có thể tôi la quá nhỏ.

Khi bò tới được nhà vệ sinh, tôi hoàn toàn đông cứng lại.
Trong nhà vệ sinh các cửa sổ đều mở, trên bệ cửa sổ là tuyết.
Tôi leo lên bệ xí. Tôi nghỉ ngơi. Tôi nhất định phải nghỉ ngơi trước khi bò ngược lại. Trong lúc tôi nghỉ ngơi, nước tiểu trong bệ xí đã phủ một lớp băng.

Tôi bò về chỗ cũ. Dùng răng lôi chăn trên giường, cuộn qua quýt quanh mình và cố gắng chợp mắt.

Rồi sáng ra người ta mặc quần áo cho tôi và đưa tôi đến trường. Trong giờ lịch sử, tôi hào hứng kể về những điều khủng khiếp trong trại tập trung của Phát xít Đức. Tôi được năm điểm. Tôi luôn được năm điểm môn lịch sử. Tôi luôn được năm điểm trong tất cả các môn. Tôi là anh hùng.

Lưỡi lê

Lưỡi lê là một vật rất tuyệt, hiệu quả. Chỉ một nhát – và đối phương gục ngã. Lưỡi lê xuyên thủng người kẻ thù. Lưỡi lê không bao giờ trượt, lưỡi lê hầu như luôn trúng đích. Viên đạn bay mò mẫm, viên đạn thật xuẩn ngốc. Viên đạn có thể bay sượt qua, viên đạn có thể găm vào cơ thể và gặm nhấm cuộc sống con người từ bên trong một cách đê tiện. Lưỡi lê không phải là viên đạn, lưỡi lê là vũ khí thô sơ, thứ cuối cùng còn sót lại của thế kỷ mười chín.

Trên bìa cuốn sách đầu tiên của Nicolai Ostrovski có dập hình lưỡi lê. Nhà văn mù, bất động, không thể tự đọc được cuốn sách của mình. Tất cả những gì ông có thể là cứ rờ rẫm quanh hình lưỡi lê hết lần này đến lần khác. Lưỡi lê bền nhất trên đời là lưỡi lê làm bằng giấy.

Người Viking thời xưa là những chiến binh tài giỏi nhất thế giới. Những chiến binh dũng cảm, những con người rắn rỏi. Chớ nên vội xoá sổ một chiến binh Viking gục ngã. Một chiến binh Viking gục ngã, với chút lực tàn cuối cùng sẽ dùng răng cắn chân kẻ thù. Một cái chết từ từ, nguyền rủa cuộc sống vô nghĩa, giày vò chính mình và người thân bằng những lời than thở bất tận về số phận không may là kết cục dành cho kẻ yếu ớt. Câu hỏi muôn đời của Hamlet không làm người lính bận tâm trong trận chiến. Sống chiến đấu và chết chiến đấu cũng đều như nhau. Cố tình sống nửa vời và chết nửa vời là điều đáng ghê tởm và thật hèn mạt. Điều lớn nhất mà một người bình thường có thể hy vọng là được chết trong chiến đấu. Nếu gặp may, nếu rất gặp may, con người có thể được chết trong khi bay. Chết khi đang nắm chặt dây cương hay cần lái máy bay tiêm kích, đang cầm mã tấu hay tiểu liên, búa thợ rèn hay quân Vua. Nếu bị chặt một tay trong trận chiến – không sao. Có thể cầm kiếm bằng tay kia. Nếu gục ngã, chưa phải là đã hết. Vẫn còn một cơ hội, một cơ hội mỏng manh – được chết như một chiến binh Viking, dùng răng cắn chặt gót kẻ thù. Không phải ai cũng gặp may. Không phải ai cũng làm được như vậy. Homer và Beethoven là những ngoại lệ may mắn, những cá biệt chỉ càng nhấn mạnh một điều rằng cơ hội là rất không đáng kể. Nhưng phải chiến đấu, không còn cách nào khác, khác đi là không trung thực và xuẩn ngốc.

Tôi đã khóc khi đọc cuốn sách đó. Sách cũng như người, có rất nhiều loại. Nếu suy luận, nếu cố suy luận thì truyện tranh cũng là sách. Những cuốn sách đẹp với những bức tranh đẹp. Như thứ đồ chơi ngộ nghĩnh – con bướm giấy có vòng đời một ngày – truyện tranh có lợi thế rất lớn so với những loại sách khác: trẻ em không khóc khi đọc chúng. Những đứa trẻ vui vẻ chẳng cần phải khóc vì những cuốn sách. Câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại” chẳng hề có ý nghĩa gì với chúng. Chúng chỉ là những đứa trẻ, là những đứa trẻ mà thôi, còn quá sớm để bắt chúng phải suy nghĩ. Tôi đọc cuốn sách, đọc và khóc. Khóc vì bất lực và ghen tị. Tôi muốn đi tới đó, muốn lao vào trận chiến, nhưng tôi không thể chiến đấu được. Tôi không thể làm được bất cứ điều gì, đã quen rồi mà tôi vẫn khóc. Có những cuốn sách làm thay đổi nhãn quan về thế giới, những cuốn sách mà sau khi đọc, người ta muốn được chết hay sống khác.

Nếu bạn muốn tìm hiểu chuyện gì, hãy hỏi người hay sách. Sách cũng là người. Như con người, sách có thể chỉ bảo, như con người, sách có thể nói dối.

Tôi không chỉ đọc sách, tôi muốn biết thế giới được sắp xếp ra sao. Tôi muốn biết tôi phải sống ra sao trong thế giới đó. Tôi đã hỏi người – người không trả lời tôi. Tôi đi tìm câu trả lời trong sách – sách lảng tránh câu trả lời. Những cuốn sách kể chi tiết, quá chi tiết, rằng cần phải sống ra sao nếu bạn có tất cả. Những nhân vật trong sách đau khổ khiến tôi ngạc nhiên. Tôi, một con người bằng xương bằng thịt, không hiểu họ, những nhân vật trong sách, không chấp nhận nổi những đau khổ giấy của họ. Họ cố đau khổ, giống như các giáo viên ở trường. Thầy cô khuyên đọc sách, tôi đã đọc. Tôi đã đọc mọi thứ, những trang sách lê thê chán ngắt mô tả cuộc sống vô nghĩa của những con người yếu đuối và lười nhác. Thầy cô gọi họ là anh hùng – tôi không hiểu, sự anh hùng của họ ở chỗ nào?

D’Artagnan mà là anh hùng ư? Anh hùng gì anh ta nếu như anh ta có đầy đủ cả chân, cả tay? Anh ta có tất cả – tuổi trẻ, sức khoẻ, sắc đẹp, kiếm và biết đấu kiếm. Anh hùng ở chỗ nào? Một người hèn nhát và bội bạc, luôn làm những điều ngu ngốc vì danh tiếng và tiền bạc mà là anh hùng ư? Tôi đọc cuốn sách nhưng không hiểu được lấy một nửa. Tất cả mọi người – cả người lớn và trẻ con – đều cho rằng các chàng ngự lâm là những anh hùng. Tôi không tranh cãi, tranh cãi cũng vô ích. Dù sao tôi cũng không thể noi gương những vị anh hùng này được.

Tôi đọc cuốn sách dày cộp đó mấy lần. Tôi đọc cả phần tiếp theo của câu chuyện nổi tiếng về những chàng ngự lâm dũng cảm. Phần tiếp theo không làm tôi thất vọng. Ngài Coquenard, con người xấu xí bất hạnh, đã làm những điều mà một anh hùng thật sự cần phải làm – chết. Chết, để lại vợ và tiền bạc cho Porthos. Ngài Coquenard không khiến tôi thông cảm. Giá như ông già đáng thương này có đủ sức mạnh và sự khôn khéo để bỏ thuốc độc vào rượu của Porthos, có thể tôi sẽ đứng về phía ông ta. Nhưng làm gì có điều kỳ diệu. Con người tàn phế bất hạnh đã lê lết sống nốt cuộc đời đê nhục của mình, với chiếc xe lăn làm nền cho chiến công của những anh hùng thật sự. Một kẻ tội nghiệp.

Những người khác cũng chẳng hơn gì. Những con người hèn mọn, chỉ đáng để khinh bỉ. Những con côn trùng, chỉ phần nào giống người. Những cái túi rác rưởi, không đáng lên thiên đàng, chẳng đáng xuống địa ngục. Những chiến binh không có khả năng sống cũng như chết. Chỉ vài người trong số họ là còn đáng để tôi kính trọng. Thí dụ Porthos. Tôi thích Porthos hơn Coquenard nhiều. ít ra Porthos đã chết như một con người.

Gwynplaine là một thằng ngốc, đau khổ vì những chuyện ngớ ngẩn. Thử nghĩ mà xem, chỉ vì một khuôn mặt xấu xí. Sirano hành động khôn ngoan hơn một chút. Nếu bạn có đôi tay khoẻ mạnh và thanh kiếm sắc, có thể bù đắp cho sắc đẹp. Thanh kiếm – một lý lẽ không tồi. Nhưng Sirano cũng làm tôi thất vọng. Mạnh mẽ giữa những người đàn ông, anh ta trở thành một kẻ bạc nhược và hay than vãn trước tình yêu.

Tôi ghen tị với Quasimodo. Người ta nhìn anh ta ghê tởm và thương hại, như nhìn tôi. Nhưng anh ta có cả tay và chân. Anh ta có cả Nhà Thờ Đức Bà Pari.

Các anh hùng trong sách không phải là anh hùng hoặc chỉ anh hùng một nửa. Những người ưu tú nhất trong số họ chỉ thỉnh thoảng mới sử xự như những con người, dường như cố tình. Chỉ một vài phút trước khi chết họ mới cho phép bản thân sống thật sự. Chỉ có trước cái chết họ mới làm tôi thích. Chỉ có cái chết xứng đáng mới dung hoà họ với cuộc sống vô nghĩa.
Tôi ít khi khóc khi đọc sách. Tôi có thừa lý do để khóc mà chẳng cần tới sự đau khổ tưởng tượng trong sách. Nhưng cuốn sách này rất hay. Nó không nói dối.

Paven Korchagin cưỡi ngựa và sử dụng kiếm chẳng kém gì các chàng ngự lâm. Paven Korchagin là một chàng trai mạnh mẽ và dũng cảm. Anh chiến đấu vì lý tưởng. Tiền bạc và danh vọng chẳng nghĩa lý gì với anh. Budenovka – một loại mũ ngự lâm thảm hại– không thể bảo vệ anh trước viên đạn đê hèn. Kiếm sắc bất lực trước súng lục. Biết điều đó, nhưng anh vẫn lao vào cuộc chiến. Cứ lao vào hết trận này tới trận khác. Luôn có mặt nơi khói lửa nhất của cuộc chiến. Chiến đấu và chiến thắng, luôn luôn chiến thắng. Bằng vũ khí và lời nói. Khi thân thể mệt nhoài, khi tay không thể cầm nổi kiếm, anh đổi vũ khí, dùng ngòi bút. Anh đã thành công. Người hiệp sĩ cuối cùng của vũ khí thô sơ. Chiến binh Viking cuối cùng của thế kỉ hai mươi.

Con người để lại gì khi gần như không còn là gì nữa? Có gì thanh minh cho sự tồn tại nửa vời của một kẻ dở sống dở chết? Sống để làm gì? Tôi đã không biết và bây giờ vẫn chưa biết. Nhưng giống như Paven Korchagin, tôi không muốn chết trước khi cái chết tới. Tôi sẽ sống đến cùng. Tôi sẽ chiến đấu. Chậm chạp nhấn nút bàn phím máy tính, tôi đặt từng chữ một. Tôi kỹ lưỡng rèn lưỡi lê của mình – cuốn sách. Tôi biết mình chỉ có quyền ra một đòn, sẽ không có cơ hội thứ hai. Tôi gắng sức, gồng mình gắng sức. Tôi biết: lưỡi lê là thứ đáng tin cậy. Lưỡi lê – một vật rất tuyệt, hiệu quả.

Những ước mơ

Khi còn bé tí, tôi mơ về mẹ, mơ đến năm lên sáu tuổi. Sau đó tôi hiểu rằng, chính xác hơn là tôi được giải thích rằng, mẹ tôi là một con đĩ nhọ, đã bỏ rơi tôi. Tôi không thích viết điều này, nhưng tôi đã được giải thích bằng chính những từ này.

Những người đã giải thích cho tôi là những người lớn và khoẻ mạnh, họ đúng trong mọi chuyện, do đó họ cũng đúng trong chuyện nhỏ này. Tất nhiên còn có cả những người lớn khác.

Họ là thầy cô. Họ kể cho tôi nghe về những đất nước xa xôi, về các đại văn hào, kể rằng cuộc sống rất tuyệt vời và mỗi người sẽ tìm ra chỗ đứng cho mình trong cuộc đời, chỉ cần học thật giỏi và nghe lời người lớn. Họ luôn dối trá. Dối trá trong mọi chuyện. Họ kể về những ngôi sao và các châu lục, nhưng không cho phép bước ra khỏi cổng cô nhi viện. Họ nói về sự bình đẳng của tất cả mọi người, nhưng chỉ đưa những đứa trẻ biết đi tới rạp xiếc.

Chỉ có các bảo mẫu là không nói dối. “Bảo mẫu” – một từ thật dịu dàng. Ngay lập tức khiến ta nhớ tới bà bảo mẫu của Puskin. Những bà cô nông dân bình thường. Họ không bao giờ nói dối. Thỉnh thoảng họ còn cho chúng tôi ăn kẹo. Có lúc họ độc ác, có lúc họ tốt bụng, nhưng họ luôn thẳng thắn và chân thành. Qua những lời của họ ta thường có thể hiểu được bản chất sự việc, trong khi không thể nhận được câu trả lời rõ ràng của các thầy cô. Khi cho kẹo, họ nói: “Thằng bé tội nghiệp, giá như mày chết sớm đi để khỏi làm khổ bản thân và bọn ta”. Hay khi mang xác một đứa đã chết ra ngoài, họ nói: “Ơn Chúa, cuối cùng nó cũng hết đau khổ”. Mỗi khi tôi bị cảm nằm lại trong phòng ngủ một mình với một bảo mẫu như vậy và không phải đến trường, bà cô nhân hậu mang đến cho tôi kẹo hay quả ngâm và kể về những đứa trẻ hi sinh ngoài mặt trận, về người chồng nghiện rượu, về nhiều chuyện thú vị khác. Tôi lắng nghe và tin tất cả, như trẻ con tin vào sự thật. Mà có lẽ chỉ có trẻ con tin. Những người lớn thường không thể tin vào điều gì nữa. Và về “con đĩ nhọ”, các bà bảo mẫu kể cho tôi nghe giản dị và tự nhiên như kể về mưa và tuyết.

Lên sáu tuổi, tôi không mơ về mẹ nữa. Tôi mơ mình “đi được”. Hầu như ai cũng đi được. Thậm chí cả những đứa di chuyển khó khăn bằng nạng. Những đứa trẻ biết đi được đối xử tốt hơn nhiều so với chúng tôi. Họ là người. Sau khi rời cô nhi viện, họ có thể trở thành những người có ích cho xã hội – kế toán, thợ đóng giày, thợ may. Có nhiều người được học hành tử tế, “vươn lên thành người”. Sau khi rời khỏi cô nhi viện, họ quay trở lại trường trên những chiếc xeđắt tiền. Lúc đó người ta tập trung chúng tôi trong hội trường lớn, kể chuyện học sinh cũ của trường đang giữ chức vụ quan trọng nào. Từ các câu chuyện cho thấy, những cô chú to béo ấy luôn nghe lời người lớn, học giỏi và có được mọi thứ nhờ vào trí tuệ và sự nhẫn nại của chính mình. Nhưng họ đi được! Tôi cần gì phải nghe những lời huyên thuyên tâng bốc của họ, nếu chính tôi cũng biết cần phải làm gì nếu biết đi? Làm sao để đi được thì chẳng ai nói cả.

Lên tám tuổi, tôi hiểu ra một điều rất đơn giản: tôi chẳng cần cho ai hết. Người lớn và trẻ con chỉ nghĩ về bản thân. Tất nhiên tôi hiểu rằng, ở đâu đó trên một hành tinh khác có tồn tại những bố, mẹ, ông, bà. Nhưng xa vời và thiếu thuyết phục đến mức tôi xếp những điều nhảm nhí đó vào cùng một loại với những vì sao và các châu lục.

Lên chín tuổi, tôi hiểu rằng mình không bao giờ có thể đi được. Điều này thật buồn. Những đất nước xa xôi, những ngôi sao và những niềm vui khác nữa đều khép lại. Chỉ còn cái chết. Dai dẳng và vô nghĩa.

Lên mười tuổi, tôi được đọc về phi đội Thần phong Nhật bản. Những chàng trai dũng cảm mang cái chết đến cho kẻ thù. Chỉ bằng một chuyến bay không hạ cánh, họ đã trả hết món nợ với đất nước vì tất cả số gạo đã ăn, những tã lót dây bẩn, những cuốn vở học sinh, những nụ cười của các cô gái, mặt trời và những ngôi sao, quyền được nhìn thấy mẹ mỗi ngày. Điều này hợp với tôi. Tôi biết, người ta chẳng bao giờ cho tôi lên máy bay. Tôi mơ về một quả ngư lôi. Quả ngư lôi được điều khiển và nhồi đầy thuốc súng. Tôi mơ mình từ từ tiến lại gần tàu sân bay của địch và nhấn nút đỏ.

Từ đó đến nay đã nhiều năm trôi qua. Giờ tôi đã là người lớn và hiểu biết mọi chuyện. Có thể điều này là tốt, mà cũng có thể là không tốt lắm. Tất cả những người hiểu biết thường chán ngắt và mông muội. Tôi không có quyền muốn chết, bởi số phận gia đình phụ thuộc rất nhiều vào tôi. Vợ và các con yêu tôi, và tôi cũng yêu họ rất nhiều. Nhưng đôi khi, nằm thao thức trong bóng tối, tôi vẫn mơ về một quả ngư lôi có nút đỏ. Ước mơ trẻ con ngây thơ đó vẫn ám ảnh tôi, và có lẽ sẽ còn ám ảnh mãi.

Ngày lễ

Hồi ức đầu tiên. Tôi một mình, bé tẹo, nằm trong giường khung. Tôi gào thét. Chẳng có ai lại gần. Tôi gào thét rất lâu. Giường khung – chiếc giường trẻ em bình thường với những thanh chắn cao xung quanh. Tôi nằm ngửa, người đau đớn và ướt sũng. Thành giường bị khăn trải giường trắng dày che kín. Không có ai. Trước mắt tôi là trần nhà trắng toát. Nếu quay đầu cũng chỉ là khăn trải giường trắng. Tôi cứ khóc gào, khóc gào. Người lớn đến theo thời gian biểu. Khi họ đến, họ la mắng tôi, cho ăn, thay tã. Tôi yêu người lớn – họ không yêu tôi. Cứ để cho họ mắng mỏ, cứ để cho họ đặt tôi lên cái đi văng bất tiện có gối đầu. Thây kệ. Tôi chỉ muốn có người tới gần. Khi đó tôi có thể được nhìn thấy những chiếc giường khung khác, bàn ghế và cửa sổ khác. Vậy thôi. Rồi người ta sẽ đặt tôi vào giường khung. Khi họ đặt tôi xuống, tôi sẽ lại gào thét. Người ta mắng tôi. Họ không muốn bế tôi trên tay, còn tôi không muốn nằm vào giường khung. Tôi vẫn nhớ tôi luôn sợ bị bỏ nằm một mình. Người ta thường xuyên bỏ tôi nằm một mình.

Thứ mùi dễ chiụ mà tôi nhớ tới trước tiên là hỗn hợp của mùi rượu nồng nặc và mùi nước hoa. Thỉnh thoảng những người phụ nữ mặc áo choàng trắng tới bế tôi. Họ thận trọng nâng tôi lên, không như mọi khi. Họ gọi đó là “ngày lễ”. Từ họ toả ra mùi rượu thơm ngon. Người ta mang tôi đi, đem vào một căn phòng lớn kê một cái bàn và nhiều ghế. Tôi ngồi trên đùi ai đó. Tôi được các bà các cô chuyền tay nhau. Tôi được ăn những thức ngon lành. Nhưng thích nhất là tôi có thể nhìn thấy tất cả. Mọi thứ xung quanh. Những khuôn mặt người, những chiếc đĩa đẹp đẽ trên bàn, những cái chai và cốc. Mọi người uống rượu, ăn, trò chuyện. Người phụ nữ mà tôi ngồi trên đùi, một tay giữ chắc tôi, tay kia mau lẹ dốc cạn ly rượu rồi lại ăn. Thức ăn có rất nhiều loại, mỗi thứ bà lại bấu một mẩu nhỏ và đút vào mồm tôi. Không ai to tiếng với ai. Thân tình, ấm áp.

***

Trong cô nhi viện có cuộc rượu. Một cuộc rượu thông thường, mọi thứ đều tốt đẹp. Bọn con trai uống vodka và nhấm nháp. Đó là những người lớp trên. Sau giờ học, bọn họ nhanh chóng vào phòng, chui trong góc, cử một người “canh gác”. Họ mở đồ hộp, uống rượu theo vòng tròn bằng một cái cốc, rồi lại ăn.

Họ bỗng phát hiện ra tôi. Tôi nằm dưới gầm giường ở góc đối diện trong phòng. Người chui trong gầm giường. Đầu và vai thò ra ngoài. Trước mặt tôi là cuốn sách. Đọc sách thò chân dưới gầm giường thật tiện. Không ai làm phiền.

– Ruben, bò lại đây.

Tôi bỏ sách, bò lại. Tôi bò chậm chạp, nhưng mọi người vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Tôi bò tới nơi.

– Uống vodka chứ?

Hỏi cho vui. Tất cả đều biết tôi vẫn chưa được phép uống vodka. Sau mười hai tuổi mới được uống vodka.

Tất cả cùng cười. Không ác ý, bọn họ đang vui vẻ.

– Thôi đi Serega, hãy để thằng bé yên. Tốt hơn là hãy cho nó ăn.

Serega, cậu thanh niên cụt chân, làm cho tôi chiếc bánh kẹp – bánh mỳ với giò. Bóc cho tôi một múi tỏi.

Các thanh niên uống nốt chỗ vodka, giấu cái chai không đi. Họ nhấm nháp. Tôi ăn cùng với mọi người. Thoải mái. Ai cũng thoải mái. Ngày lễ. Nếu như không phải ngày lễ, sẽ chẳng có ai để ý đến tôi, đừng nói gì đến chuyện cho tôi ăn cùng. Tôi là kẻ hèn mọn, nhãi con.
Sau vodka là tới chiphir (*). Chiphir được ủ trong những lọ lớn, họ truyền nhau uống chậm rãi. Tôi không được uống chiphir không chỉ vì tôi còn nhỏ – ai cũng biết tôi bị bệnh tim.

Serega lấy chiếc cốc uống vodka, nhanh nhẹn nhảy lò cò ra khỏi phòng trên đôi nạng. Cậu quay lại với một cốc nước gần đầy. Một tay cầm cốc nước, tay kia thận trọng chống xuống sàn. Cậu đặt cốc nước lên sàn, lấy từ trong tủ ra lọ mứt và cái thìa. Đổ một ít chiphir trong lọ vào cốc của tôi, thêm mứt. Cậu múc mứt hào phóng.

– Cầm lấy, – cậu nói, – Ruben. Đây là nước chè ngọt cho cậu.

Các thanh niên uống chiphir, tôi uống chè pha mứt. Thật dễ chịu. Ngày lễ.

(*) chiphir – chè pha thật đặc. ND

Cái ăn

Tôi không thích ăn. Nếu được, tôi muốn những viên thuốc trong chuyện viễn tưởng, uống một viên như thế và no suốt cả ngày. Tôi ăn ít, người ta nài nỉ tôi, đút cho tôi – không ăn thua.

Tôi gặp may là khi còn bé tí, tôi được sống trong một cô nhi viện nhỏ ở vùng nông thôn. Người ta cho ăn rất đầy đủ và ngon, các bảo mẫu tốt bụng luôn theo dõi để mọi trẻ đều ăn, họ quan tâm đến chúng tôi.

Sau đó là những cô nhi viện khác, những bảo mẫu khác, thức ăn khác. Cháo đại mạch, bánh rán có dòi, trứng ung. Cái gì cũng từng có. Nhưng tôi sẽ không viết về điều đó.

Tôi chợt nhận ra rằng những hồi ức đẹp đẽ nhất của tôi đều gắn với cái ăn. Tất cả những giây phút tuyệt vời nhất của thời thơ ấu đều liên quan tới cái ăn, chính xác hơn là với những người đã chia sẻ nó cho tôi, ban tặng nó như biểu hiện của mối thiện cảm. Thật lạ lùng.

***

Tôi không nhớ đó là nơi nào. Tôi chỉ nhớ những người mặc áo choàng trắng. Lũ trẻ chúng tôi rất đông, và tất cả chúng tôi đều bé tẹo.

Người ta mang tới một quả dứa. Thời đó, đối với tôi nó thật to và đẹp. Người ta không cắt nó ra ngay mà để cho chúng tôi ngắm nghía. Hình như người lớn cũng không dám làm hỏng một thứ đẹp như vậy. ở nước Nga, dứa là của hiếm.

Quả dứa làm tất cả mọi người thất vọng. Chính xác hơn là hầu như tất cả. Lũ trẻ nếm thử vị gắt đặc biệt của nó và từ chối ăn những lát dứa rát bỏng đó. Chỉ có tôi ăn. Tôi vẫn nhớ câu chuyện của những người lớn.

– Cho nó ăn thêm đi.
– Chị nói gì thế, chẳng may nó bị làm sao thì sao?
– Em đã đọc hồ sơ của nó chưa? Có khi bố nó cũng ăn dứa mà lớn đấy. Có thể ở nước họ, dứa cũng như khoai tây ở ta.

Người ta cho tôi ăn, ăn nữa. Có lẽ những người lớn thấy thú vị, làm sao thằng bé lạ lùng này có thể ăn cái thứ quả nhiệt đới đó. Mà họ cũng chẳng thể vứt đi ngần ấy của quý. Tôi đã ăn rất nhiều lát dứa. Và không sao hết.

***

Người ta đưa tôi đến cô nhi viện đầu tiên trong đời. Không có những người mặc áo choàng trắng, không giường xếp thành dãy. Nhưng có nhiều trẻ em và có ti vi.

– Nó sao thế, hoàn toàn không thể ngồi được à? Hãy đặt nó lên đi văng và kê gối cho nó.

Người ta đặt tôi lên đi văng, kê gối cho tôi và đút cháo kiều mạch cho tôi ăn. Vì bất ngờ tôi đã ăn hết cả một đĩa cháo và ngủ thiếp đi. Cháo rất ngon. Tôi thích cô nhi viện đó.

***

Bệnh viện. Đêm. Tất cả đã ngủ. Một y tá chạy vào phòng bệnh, bật chiếc đèn ngủ phía trên giường của tôi. Cô mặc váy dạ hội, giày cao gót, tóc cuốn lọn xoà trên vai. Cô cúi sát bên tôi. Đôi mắt cô thật to và rạng ngời hạnh phúc. Người cô toả mùa nước hoa và một mùi gì đó rất ấm cúng, không phải mùi bệnh viện.

– Há mồm ra, nhắm mắt lại.

Tôi làm theo. Cô bỏ vào miệng tôi một viên kẹo sô cô la to tướng. Tôi biết cần phải ăn kẹo sô cô la ra sao. Phải cầm cái kẹo trong tay và cắn từng miếng nhỏ. Hơn nữa, tôi cũng muốn được ngắm nghía nó.

– Cắn ra và ăn. Hiểu chưa?

Tôi gật đầu.

Cô tắt đèn ngủ và chạy mất. Tôi cắn viên kẹo. Miệng tôi đầy ngập một thứ ngọt ngào và nóng bỏng. Tôi nhai sô cô la, không hiểu sao bỗng thấy chóng mặt. Tôi thấy thoải mái. Tôi hạnh phúc.

***

Người ta lại đưa tôi đến một cô nhi viện tiếp theo. Tôi bò trong hành lang, một bảo mẫu đi về phía tôi. Hành lang tối om và bà bảo mẫu không nhận ra tôi ngay. Khi đã đến thật gần, bỗng bà kêu thét lên và nhảy lùi lại. Rồi bà tiến đến gần, cúi xuống để nhìn tôi cho rõ. Da tôi ngăm đen, đầu tôi trọc lốc. Trong bóng tối nhập nhoạng, thoạt đầu chỉ có thể nhìn thấy cặp mắt to lơ lửng trong không khí cách sàn chừng mười lăm cen ti mét.

– Gầy quá. Chỉ có da bọc xương. Như là vừa từ trại tập trung ra ấy.

Quả thật tôi chẳng mập cho lắm. Nơi tôi ở trước đó, thức ăn không được tốt, hơn nữa tôi lại kém ăn.

Bà bước đi rồi quay trở lại sau vài phút và đặt trước mặt tôi một mẩu bánh mì với lát mỡ. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy mỡ, bởi vậy trước tiên tôi ăn mỡ, sau đó mới ăn bánh mì. Tôi bỗng thấy ấm áp và khoan khoái, tôi ngủ thiếp đi.

***

Lễ Phục sinh. Tất cả các bảo mẫu đều ăn mặc đẹp. Không khí lễ hội hiện diện trong mọi thứ, trong việc các bảo mẫu không hiểu tại sao lại đặc biệt tốt với chúng tôi, trong sự cảnh giác của các cô giáo dưỡng. Tôi chẳng hiểu gì hết. Bởi trong các ngày lễ, trên ti vi phải chiếu cảnh duyệt binh và diễu hành. Chỉ có Tết là không có diễu binh. Nhưng Tết có cây thông và quà tặng.

Sau bữa sáng, bà bảo mẫu chia cho chúng tôi mỗi đứa một quả trứng tô màu. Bên trong, quả trứng cũng trắng như trứng thường. Tôi ăn quả trứng Phục sinh. Nó rất ngon, ngon hơn nhiều những quả trứng mà chúng tôi được ăn trong cô nhi viện. Trứng của cô nhi viện luộc quá chín, cứng, còn quả trứng này mềm và ngon tuyệt.

Thật lạ, nhưng cho dù tôi có ở đâu, trong cô nhi viện, trong bệnh viện hay trong nhà dưỡng lão, trong lễ Phục sinh tôi luôn được ai đó tốt bụng cho một quả trứng tô màu. Và điều này thật tuyệt.

***

Ở nước Nga có tục bố thí khi có giỗ. Trong ngày thứ bốn mươi, họ hàng người chết phải bố thí đồ ăn, hơn nữa không phải là cho bất cứ ai gặp được, mà là cho những kẻ bất hạnh nhất. Kẻ được chia sẻ thức ăn càng bất hạnh bao nhiêu thì người chết càng hài lòng bấy nhiêu, và bạn sẽ càng có thành tích lớn trước Chúa bấy nhiêu. Nhưng tìm đâu ra người bất hạnh như thế trên đất nước sung sướng nhất thế giới này? Bởi vậy nên những con người thiếu may mắn đó đi tới cổng cô nhi viện của chúng tôi với lỉnh kỉnh nào túi, nào làn, nào bọc. Họ mang tới kẹo, bánh ngọt, bánh nướng. Họ mang tới bánh kem và bánh xèo, tất cả những gì họ có thể mang tới. Các cô giáo dưỡng kiên nhẫn đuổi họ đi, nhưng thường là vô hiệu.

Lợi dụng vị trí của mình, các bảo mẫu của chúng tôi đã tìm cách mang được đồ “giỗ” lọt qua cổng cô nhi viện, mặc lệnh nghiêm cấm.

Các bảo mẫu chăm sóc chúng tôi, những đứa trẻ không đi được, là gặp may hơn cả. Chúng tôi được cho ăn ở một nơi riêng biệt, các cô giáo dưỡng lại ở xa. Một bảo mẫu còn mang được qua cổng cả một nồi nước quả. Hơn nữa, chúng tôi là những kẻ bất hạnh nhất. Cho được chúng tôi ăn quý bằng vạn cho người khác.

Về phần mình, chúng tôi biết rằng, không được nói “cám ơn” khi được đãi đồ “giỗ”. Không được cười.

Tôi nằm trong vườn. Nơi chúng tôi gọi là vườn chỉ là mấy cây táo mọc cạnh toà nhà cô nhi viện. Để đến được vườn, tôi phải bò rất lâu, tôi mệt và nằm ngửa nghỉ ngơi. Tất cả những đứa trẻ đi được đang ở xa, có thể họ đang xem phim trong câu lạc bộ, có thể họ được dẫn đi đâu đó, tôi không nhớ. Tôi nằm và chờ đợi một quả táo rơi xuống bên cạnh. Nhưng tôi đã gặp may hơn nhiều.

Một bà già gầy gò trèo qua hàng rào. Hàng rào cao hai mét, nhưng điều đó không ngăn cản được bà. Bà nhanh nhẹn nhảy xuống, ngó nghiêng bốn phía và tiến lại phía tôi. Sau khi xem xét tay chân tôi một cách thành thạo, bà nghi ngại hỏi: “Mồ côi phải không?” Tôi gật đầu. Bà già không ngờ lại gặp may đến vậy: chân tay co quắp, lại còn mồ côi! Bà đặt chiếc giỏ xuống đất, vén lớp khăn đậy bên trên, lôi bánh xèo ra, đưa cho tôi và ra lệnh: “ăn đi!”. Tôi lập tức ngốn bánh, bà già hối thúc tôi và liên tục nhắc: “Hãy cầu nguyện cho cô Varvara, cô Varvara”. Nhưng mọi chuyện tốt đẹp đều có kết cục chóng vánh. Cô giáo dưỡng đã xuất hiện phía góc vườn.

– Tại sao lại có người lạ bên trong? Ai cho vào? Bà kia làm gì ở đây?

Và nói với tôi:
– Cháu đang làm gì thế?

Tôi đang làm gì ư? Tôi đang nhai chiếc bánh thứ ba. Nhai vội vã, bởi trong tay tôi còn một nửa chiếc bánh và tôi muốn kịp ăn bằng hết.

Bà già nhanh nhẹn đã chộp lấy chiếc làn và biến mất sau hàng rào. Tôi nhanh chóng ngốn nốt chiếc bánh. Cô giáo dưỡng dừng bước, không hiểu sao lại mỉm cười và quay đi.
Đó là những chiếc bánh xèo đầu tiên trong đời tôi.

***

Người ta lại chuyển tôi từ cô nhi viện này tới một cô nhi viện khác. Lễ hội đã bắt đầu ngay trên sân ga, người ta cho tôi ăn kem và xi-rô. Chiếc kem rất to, bọc sô cô la. Tàu vừa chuyển bánh, bảo mẫu và y tá cũng chuồn luôn, theo cách họ nói là “đi dạo”. “Sao, chúng ta đi dạo chứ?”. Rồi họ quay lại với hai người đàn ông Gruzia. Một người già, tóc bạc, người kia trẻ hơn một chút. Họ uống vodka, bọn họ đang vui. Họ cắt cho tôi một khoanh giò, cho tôi trứng và xi-rô. Người tóc bạc liên tục cắt giò, làm bánh kẹp và luôn miệng nói với tôi: “Cháu ăn đi, ăn đi, trẻ con cần phải được ăn uống đầy đủ”. Thức ăn rất nhiều, có thể nhìn thoả thích ra ngoài cửa sổ và chén giò. Tôi muốn được đi mãi, đi mãi, được nhìn qua cửa sổ. Tôi nghĩ, nếu cho tất cả người lớn trên trái đất này thật nhiều vodka và giò, họ sẽ tốt bụng và tất cả trẻ em sẽ hạnh phúc.

***

Tôi đang ở trong cô nhi viện cuối cùng và tốt nhất trần đời. Trước mặt tôi là bữa sáng: một ít khoai tây nghiền, một nửa trái cà chua, một chiếc bánh ngọt phết bơ và một cốc nước chè. Tôi biết chắc chắn hôm nay không phải là ngày lễ, nhưng sao người ta lại cho tôi ăn khoai tây? Tôi nếm thử nước chè – nó rất ngọt. Cà chua tươi là món hảo hạng. Tôi chén sạch và hiểu rằng tôi gặp may quá sức tưởng tượng, tôi đã tới thiên đàng.

Tôi và Katia sống trong căn phòng tầng hầm, bởi bố mẹ cô ấy không muốn chấp nhận cuộc hôn nhân của chúng tôi. Đó là căn hộ của cô giáo tôi – một trong những người phụ nữ tốt bụng nhất thế gian. Bà đã cho chúng tôi ở căn hộ của mình, còn bà tới sống ở nhà nghỉ ngoại ô.

Trên đường từ trường Tổng hợp về, Katia mua sủi cảo. Em luộc cả gói một lúc. Tôi đã biết thế nào là sủi cảo. ở cô nhi viện, mỗi chúng tôi được bốn miếng.
– Chúng ta sẽ ăn bao nhiêu đây? – Tôi hỏi Katia.

Em nhìn tôi lạ lùng.
– Bọn anh đếm sủi cảo sao?

Em dọn sủi cảo ra. Katia ăn hết đĩa sủi cảo, tôi không thể cố được hơn sáu cái. Tôi hiểu rằng trong cái thế giới lạ lùng, không sống bằng ngân sách này, người ta không đếm sủi cảo.

– Em đừng đổ nước luộc sủi cảo, – Tôi khuyên Katia một cách thông thạo. – Có thể dùng để nấu súp.

Mấy ngày sau, Katia về nhà bố mẹ ăn sủi cảo. Mẹ em bưng nồi nước luộc sủi cảo khỏi bàn và định đi vào bếp.

– Mẹ ơi, đừng đổ đi, có thể dùng để nấu súp, – Katia nói một cách vô thức.

Ngày hôm sau, khi Katia tới trường Tổng hợp, mẹ cô lặng lẽ đến ngôi nhà của chúng tôi và đặt cạnh cửa một con gà làm sẵn. Quan hệ đã được cải thiện.

***

Khi Katia đi làm, tôi còn lại một mình với một người phụ nữ tuyệt vời nhất đời – chúng tôi sống cùng một nhà với bà cô ấy.

Bà bước vào phòng tôi, ngồi xuống phía đối diện:
– Sao, cháu vẫn chưa chết à?
– Bà sao thế, – tôi trả lời. – Khi nào cần cháu sẽ chết. Bà cũng còn trẻ nữa đâu. Hay bà định trường sinh đấy?
– Cháu cần cho ai hả thằng không tay, không chân? Đến cái đinh đóng cũng không nổi.
– Bà có bút mực không?
– Có.
– Bà hãy đi quanh nhà và chỗ nào cần đóng đinh, bà hãy đánh dấu vào. Tin cháu đi, đinh sẽ được đóng lên.

Và chúng tôi giết thời gian bằng những câu chuyện tâm tình. Bà kể cho tôi nghe về tuổi trẻ của mình, về họ hàng. Từ những câu chuyện của bà có thể thấy rằng, họ hàng của bà toàn là những người đểu giả, mất dạy.

Một lúc sau bà đi ra bếp, tiếng nồi xoong xủng xoảng. Bà quay lại.
– Ruben. Bà đã nấu súp đây này. Có ăn không, hay sợ ta đầu độc?
– Cho cháu ăn súp, còn đầu độc thì cháu không sợ, thứ gì cháu cũng đã từng ăn.

Bà mang súp tới cho tôi. Súp rất ngon. Dưới đáy đĩa – một miếng thịt vịt to tướng.

***

Khi Alla có mang, chúng tôi sống rất cực. Alla ăn bánh mì với mỡ nước. Tôi không thể ăn được mỡ, tôi ăn bánh mì với dầu hướng dương. (Trong cô nhi viện, bánh mì rưới dầu hướng dương, rắc muối được coi là thức ngon). Năm đó, lần đầu tiên tôi bị đau dạ dày. Chúng tôi còn nấu súp đậu. Alla không ăn súp, tôi ăn nó một mình. Tôi sướng hơn cô ấy gấp trăm lần, tôi có thể ăn súp và không phải mang bầu. Khi Maia chào đời, Alla quyết định nuôi con bằng sữa mẹ. Nuôi bằng sữa mẹ rất tốt. Nhưng Maia ăn rất kém. Sữa của Alla có màu xanh nhợt. Và phân của Maia cũng có màu xanh. Trong suốt thời gian đó, Alla chỉ ăn khoai tây. Alla là một người khỏe mạnh, cô ấy cần thức ăn nhiều hơn tôi rất nhiều. Cô ấy ăn một bữa bằng tôi ăn cả ngày. Chúng tôi thấy rằng, với Maia, nuôi bộ sẽ rẻ hơn là phải bảo đảm chế độ dinh dưỡng bình thường cho Alla.

***

Một người quen tới thăm.
– Cậu sống ra sao?
– Bình thường.
– Cậu ăn gì?
– Súp đậu.
– Nấu với khoai tây chứ?
– Tất nhiên.
– Còn chúng tôi đã hai tuần nay ăn súp đậu không có khoai tây.
Tôi ăn súp đậu vẻn vẹn có ba ngày. Tôi có một bao tải khoai tây.

***

Maia một tuổi rưỡi. Con không chịu ăn cháo. Tôi đỡ lấy và bình tĩnh ăn hết. Đầu tiên Maia đòi ăn giò, sau đó đòi bánh xèo. Chẳng có cả giò lẫn bánh xèo, nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Nếu đói, người ta sẽ ăn bất cứ thứ gì, nếu không đói, cứ việc đi lại (luật lệ của cô nhi viện). Maia đi lại trong nhà, suy nghĩ. Sau đó bình tĩnh tới chỗ Alla và nói: “Mẹ ơi, luộc khoai tây đi”. Chúng tôi ăn khoai tây chấm muối với dầu hướng dương, và tôi nhớ lại, trong cô nhi viện chúng tôi đã luộc khoai tây sau giờ hết giờ bằng một cái máy đun nước tự tạo. Những gì tôi có chỉ khi đã 15 tuổi (chỉ những học trò lớp trên mới được luộc khoai), Maia đã có từ lúc mới lọt lòng.

***

Alla dẫn Maia từ vườn trẻ về. Cười. Em đã gặp bà đầu bếp. Bà tự hào kể rằng hôm nay trong vườn trẻ bữa trưa có thịt gà. “Con gà béo thế này này, to thế này này, ai cũng được một miếng”. Trong vườn trẻ có hơn một trăm cháu. Con gà chỉ có một, chính xác hơn là một con rưỡi. Tôi cũng cười.

Tôi rất mừng vì Maia đi vườn trẻ. ở đó con có nhiều bạn, chúng cùng nặn đất sét, tô màu. Hơn nữa, khi từ nhà trẻ về, Maia ăn tất cả những gì được đút và không làm bộ làm tịch.

***

Trên đường từ nhà trẻ về Maia muốn Alla mua bánh mì khô cho nó. Những miếng bánh mì khô thông thường, tẩm va ni.
– Cần gì hả con, bố mẹ đang có tiền, con có muốn mẹ mua bánh kem hay gì đó khác cho con không?
– Không, bánh mì khô cơ.
Alla mua bánh mì khô. Maia ngồi vào bàn và cả buổi chiều con gặm túi bánh mì khô của mình. Hoá ra, giữa buổi chúng được mỗi đứa một miếng bánh mì khô, mà Maia muốn ăn nữa. Trong cô nhi viện chúng tôi được mỗi người hai miếng bánh mì khô.

***

Khi sống trong nhà dưỡng lão, có một điều làm tôi kinh ngạc. Trong nhà ăn, sau bữa trưa, người ta phát xương. Những mẩu xương bò bình thường còn lại trong nồi xúp. Chỉ những cựu chiến binh mới được phát xương. Xương đã được lóc sạch thịt rất kỹ, nhưng nếu khéo léo vẫn còn có thể gặm được tí chút. Các cựu chiến binh chen chúc trước ô cửa phát xương, mắng chửi nhau, so bì công lao và danh hiệu. Cách đây không lâu, tôi có hỏi một người quen làm trong đó: “ở đó người ta vẫn còn phát xương chứ?”

– Làm gì có! Đã từ lâu không ai nấu gì với xương nữa rồi. Không có xương!