Tag Archives: văn hóa

Nguồn gốc và nội hàm của từ “văn hóa”

Từ “văn hóa” được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau do đó dễ dẫn đến tranh cãi bất tận kiểu ông nói gà, bà nói vịt. Ở VN, khái niệm văn hóa có thể là:

  • Chuẩn mực hành xử, khi nói “con người (có) văn hóa”
  • Hoạt động văn học nghệ thuật, khi nói “Nhà văn hóa quận”. Với nghĩa này, văn hóa tách biệt khỏi kinh tế.
  • Phong tục tập quán một dân tộc, khi nói “Ngày hội văn hóa các dân tộc”
  • Và văn hóa hiểu theo nghĩa khi ta nói “văn hóa Đông Sơn” hay “văn hóa Nhật Bản”, tức là tất cả những gì do cộng đồng người tạo ra trong quá trình thích ứng với thiên nhiên và gắn kết cộng đồng, cả vật thể và phi vật thể, cả ý thức và vô thức. Theo cách hiểu này thì kinh tế là một thành phần của văn hóa, chứ không chia ra như cách hiểu VH chỉ liên quan đến đời sống tinh thần. Đại ý như GS Từ Chi nói: cái gì không thuộc thiên nhiên thì là văn hóa.

Nghĩa cuối cùng là nghĩa hay được dùng trong nghiên cứu văn hóa hiện đại, bao gồm văn hóa của các tổ chức, văn hóa doanh nghiệp. Mô hình 3 cấp độ của Edgar Schein mô tả và diễn giải văn hóa theo nghĩa này.

Tại sao lại có việc sử dụng lẫn lộn như vậy? Có lẽ một phần là do gốc từ “văn hóa” được hiểu ở VN. Hóa ra, từ Hán Việt này lại có gốc… Nhật bản! Số là, khi du nhập các khái niệm phương Tây, người Nhật sử dụng các từ Hán ngữ sẵn có để chứa nội hàm mới. Sau đó bản thân người TQ cũng dùng theo, khi đến lượt họ tiếp xúc phương Tây. Theo thống kê (xem ở đây), có khoảng 300 từ Hán Việt ở VN là có gốc từ Nhật, đi qua TQ vào VN. Ngoài “văn hóa”, còn có “cách mạng”, “văn học”, v.v. Tóm lại là bình cũ rượu mới.

Cùng lúc đó, từ “văn hoá” cũ vẫn tồn tại, có gốc gác từ Kinh Dịch và mang nghĩa “văn trị, giáo hóa”. Trong mục từ “văn hóa” trên wikipedia tiếng Trung, người ta cũng phải lưu ý đừng nhầm từ “văn hóa – culture” này với khái niệm truyền thống của TQ. Do đó, nếu ai muốn giải thích khái niệm văn hóa theo kiểu bẻ chữ Hán, thì sẽ lạc hướng.

Hiểu theo nghĩa cuối cùng, thì văn hóa là kết quả, là những gì mà một cộng đồng người (dân tộc, doanh nghiệp, làng, v.v.) học được trong quá trình thích ứng với bên ngoài và gắn kết bên trong. Lúc đầu chúng chỉ là đề xuất, nhưng rồi liên tục thể hiện hiệu quả và dần được coi là hiển nhiên đúng, khỏi bàn cãi. Như vậy, văn hóa bao gồm tất cả những gì người ta học được, cả những thứ được coi là “xấu”. Khi nói đến văn hóa theo nghĩa này, sẽ vô nghĩa nếu phân biệt tốt xấu. Còn khi nói về “nét đẹp văn hóa”, thì tức là người ta muốn nói đến nghĩa đầu tiên (chuẩn mực).

Xã hội phát triển, các nhu cầu của con người vẫn vậy (ăn, giải trí, yêu đương, được công nhận, được tôn trọng, v.v.) nhưng cách thức đáp ứng thì thay đổi, nên sẽ xuất hiện các giá trị văn hóa mới. Nhiều “bản sắc”, “truyền thống” sẽ không còn chỗ đứng trong đời sống hàng ngày và phải bảo tồn có chủ ý.

“Đường hay nhà?”

Nếu bạn muốn tạo ảnh hưởng lâu dài, hãy xây đường.

Ví dụ, Stewart Brand chỉ ra rằng, nếu so sánh bản đồ trung tâm Boston của năm 1860 và 1960, thì hầu như mọi tòa nhà đều đã được thay thế. Đã biến mất.

Còn đường xá thì sao? Chúng chẳng thay đổi mảy may. Các lề đường, ranh giới và kết nối đa phần vẫn vậy. Ngoại trừ những thứ như dự án Big Dig, nhà xây dựng Robert Moses hay động đất, những con đường tồn tại mãi mãi.

Đó là bởi các hệ thống được xây dựng cho giao tiếp, vận chuyển và kết nối cần sự nhất trí gần như tuyệt đối để thay đổi. Còn các tòa nhà thì sẽ biến hình ngay khi chủ sở hữu hoặc người thuê quyết định là cần.

Khi xây một tổ chức, một công nghệ hay bất kỳ loại văn hóa nào, những con đường có giá trị hơn nhiều so với các tòa nhà.

Ở chỗ bạn, mọi người xây gì?

Dịch từ nguồn

Trong một tổ chức, “đường xá” có lẽ là hệ giá trị, văn hóa, các quy trình, hệ thống thông tin giao tiếp. Các thực thể này khó nhìn thấy và khó được đánh giá đúng, nhất là bởi những người bên trong. Và, khác với một thành phố dân chủ, toàn bộ đường xá có thể được xóa sổ nhanh chóng bởi quyết định của một người.