Mấy bức thư của nhà binh-sĩ Việt-Nam (1)

Giới thiệu của PPĐ. Đây là tập hợp 7 lá thư được một người Việt Nam tên là Nguyễn Văn Ba (làng Ngọc Kiệu, Từ Liêm, Hà Đông nay thuộc xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, HN) viết trong giai đoạn 1917-19 khi ông đi lính tình nguyện cho Pháp đánh Đức trong Thế chiến 1. Bộ sưu tập được Jean Marquet giới thiệu bằng tiếng Pháp, và Ngô-Vi-Liễn dịch ra tiếng Việt.
Các bức thư là nguồn sử liệu sơ cấp, đương đại, cho ta cái nhìn chân thật về giai đoạn lịch sử mà nói chung trước nay người VN chỉ biết qua các bình luận của người đời sau, ít nhiều bị làm sai lệch có chỷ ý.
Nếu học sinh được học lịch sử qua các tư liệu này chắc sẽ thấy thú vị và yêu thích môn học hơn.

Ta tặng mấy bức thư chẳng ra gì này cho tất cả các người Tây, người An Nam đã tình nguyện vượt qua bốn nghìn dậm bể mà hiến thân cho một xứ mình chưa từng biết.

I

NGUYỄN VĂN BA, BÁT PHẨM ĐỘI TRƯỞNG, LÍNH MỘ SANG PHÁP,
VIẾT THƠ NÀY CHO BÁC NGUYỄN VĂN MINH, Ở LÀNG NGỌC KIỆU,
THÔN CHUNG, TỔNG TÂY TỰU HUYỆN TỪ LIÊM, TỈNH HÀ ĐÔNG, XỨ BẮC KỲ.

«Tôi viết cho bác bức thư này ở trên tầu to mà tôi ở đã gần hai tháng nay. Bác cũng biết rằng tôi đã ứng mộ để sang địa phận nhà nước Bảo hộ đánh giặc Đức là người bạo ngược.

«Tôi cùng đi với mấy người hàng tổng: bác Tri và bác Đậu. Nhưng bác Đậu này ứng mộ đi là bất đắc dĩ còn tôi thật là tình nguyện.

« Chúng tôi xuống tầu ở Hải Phòng, dễ đến nghìn người thật không ngờ đông thế mà lại cùng ở cả trong một cái tàu to bằng sắt. Mỗi người có một cái giường, một cái đệm và một cái chăn. Nhưng khốn nạn các giường đệm ấy đều đầy những dệp những dận.

«Mỗi quan binh được nằm một giường ở riêng một buồng, những buồng đó ở tầng trên, cạnh những buồng quan văn coi tầu. Những ông này vặn cho tầu chạy bằng một cái bánh xe. Tầu to thế mà vẫn trở chạy bằng một cái bánh xe với máy móc, không trông thấy đất, mênh mông ở dữa những làn sóng cao như núi. Thật những quan ở bể phải là những bậc thông minh và trí tuệ lắm mới được.

«Chúng tôi cơm ăn ngày 2 bữa với thịt bò, sáng thêm một bát cà phê.

« Những người tây nấu bếp không biết thổi cơm, đáng nhẽ nhà nước bảo hộ phải lưu tâm đến điều ấy và đem những nhà bếp tây đến một chỗ để người An Nam bảo họ cách nấu cơm mới phải.

« Đi bể được vài ngày thì đến Sài Gòn, về xứ Nam kỳ, là một thành phố to và đẹp. Người trong này không nói giống như ngoài Bắc ta, nhưng cũng là người An Nam. Tôi xem ra những người buôn bán, thợ thuyền ở đấy rặt là khách hay Tây đen cả.

« Tầu ăn gạo, than đá và nước rồi thì tầu lại đi. Chúng tôi đi được vài ngày và qua gần một cái cù lao đá trắng mà người ta bảo là cù lao Côn Lôn là nơi đầy những người tù tội. Nhưng tôi chẳng trông thấy ai cả.

« Rồi thì đi qua gần đất Mã Lai, tôi cũng chẳng trông thấy ai cả. Ở đấy nóng lắm. Rồi cứ đi thế mãi mấy ngày trên biển mới đến nước Thiên Trúc, là nước người Tây Đen. Ở Tầu lại ăn gạo, than đá và nước, và lại cứ mênh mông trên mặt biển mãi, chẳng trông thấy đất, ngày nọ sang ngày kia rồi mới đến Djibouti, thuộc về nước Ả Rập, là chỗ người tây đen ở.

« Ở xứ khốn nạn này, không có nước nôi, ruộng nương gì cả, thì không biết dân cư, họ lấy gì mà ăn?

« Tôi trông thấy ở đấy có một giống vật rất lạ, bên An Nam không có. Con ấy cao hơn cái nhà lá, to hơn con ngựa, có bốn cẳng dài, không có sừng. Người ta gọi là con lạc đà. Những người Tây đen dùng nó để chở đồ và kéo xe.

« Tầu ở đấy ăn than, nước, nhưng không có gạo, rồi lại đi, đi mãi về hướng tây. Đi biển mãi hết ngày nọ sang ngày kia, rồi chúng tôi đi qua một cái sông đào lớn, ở dữa một xứ sở đồng không mông quạnh, không có làng xóm, nhà cửa chi hết, rồi mới đến một cửa biển lại thấy người Ả Rập đen ở.

« Ở đấy rồi chúng tôi lại đi vào một cái biển mà người ta bảo tôi là bể Tây. Biển này đẹp hơn và sạch hơn biển Tây đen, có nhiều cù lao cầy cấy giồng dọt được. Hôm qua, chúng tôi trông thấy một cái cù lao có một cái núi, cứ cháy hoài, và hôm nay thì các quan đoán rằng mai tầu sẽ đến cửa biển nhớn nước Pha-lang-sa, là cửa Mạc Sây.

« Chúng tôi sắp đến nơi lấy làm bằng lòng lắm, vì sắp được xem một nước đẹp, và vì cơm vẫn không biết thổi, và không có nước uống được, và phải dửa dáy bằng nước mặn, và có hôm chúng tôi say sóng rồi nhiều người nôn mửa cả ra và kêu cha khóc mẹ, và chúng tôi cũng muốn xem cuộc chiến tranh.

« Tôi sẽ viết thơ cho bác nữa. Tôi được mạnh khỏe như thường. Tôi ước ao bác cũng được mạnh khỏe và các quan vẫn giả tiền lương của tôi để lại ở nhà cho mẹ cháu mà nhà nước đã hứa. Bác cho tôi biết có nước nôi để cầy cấy không và ở trong làng có gì lạ không.

« Thư bất tận ngôn

   ông Bát ký tên »

Ngày rầm tháng 9 tây năm 1917. Khải Định nhị niên

II

CŨNG NGƯỜI ẤY VIẾT CHO NGƯỜI ẤY.

« Cái thư này là thư thứ hai mà tôi gửi cho bác.

« Chúng tôi ở tầu lên bộ được mấy hôm nay và lên ở cửa biển nhớn Mạc Sây.

« Lập tức người ta đưa chúng tôi đến ở trong một cái thành cổ, ở đấy có lắm chuột, to và tợn. Ở đây, những người bếp tây cũng không biết thổi cơm. Thổi cơm thì có khó gì! Ở nhà quê ta, đứa trẻ lên sáu tuổi hãy còn ngu dại cũng đã biết thổi cơm rồi!

« Thành Mạc Sây to lắm, rộng bằng cả tỉnh Hà Đông, ta nói thì khó tin, nhưng mà thật đấy. Những nhà cao, cao lắm, có năm, sáu tầng, đầy những người ở. Phố xá cũng đông đúc những người đi lại, nào các thứ xe, ngựa kéo, ngựa to như con trâu ấy, nhưng không có xe người kéo! Những cửa hàng buôn bán to như nhà Gô Đa cả và người đông như kiến!

« Tôi cũng đi xem chợ. Chợ đẹp lắm và bán đầy những đồ ăn: nào rau, nào quả, nào khoai tây, nào thịt lợn, thịt bò, nào chim, gà vân vân. Người ta cũng chỏ cho tôi xem một cửa hàng đàn ông bán thịt ngựa.

« Ở đây không bán gạo.

« Lại ở riêng một chỗ có chợ chỉ đàn bà bán các đồ hải vị: nào cá, nào sò, nào tôm, nào cua, vân vân. Lại có một cái chợ chỉ bán những hoa rất đẹp. Nhưng lúc những đàn bà ấy bán hàng, thì không hiểu cách họ cân kẹo thể nào.

« Ở cửa biển thì có gần đến nghìn tầu nhớn và cũng có cả thuyền con nữa. Như thể đủ biết nước này giầu có lắm.

« Có nhiều hàng cơm và hàng rượu. Tôi cùng với bác Tri, người làng Ngô Khê, vào một hàng uống một cốc cà phê, giá mỗi cốc sáu xu. Đấy, bác xem, cái gì cũng đắt lắm và lại không có tiền kẽm. Những người tây Pha-lang-sa lạ lắm: họ làm những việc sang hay hèn cũng đều coi như nhau cả. Họ làm quan phụ mẫu dân hay làm cu li cũng thế. Như tôi đã trông thấy nhiều người già, đầu, râu bạc phơ ra, mà đi ra đường nhặt những mẩu thuốc lá con người ta vứt đi. Không biết rằng là những người già quỉ quái hay tham lam, hay là những người nghèo khó không tiền. Có một xóm đầy những đĩ tây. Nhưng tôi không giám viết cho bác biết những sự tôi đã trông thấy, vì tôi không muốn làm cho dơ ngọn bút tôi đi vì những chữ tục bẩn, xong thật thế đấy!

« Cũng có nhiều nhà thờ đạo, nhà trường to và đẹp. Như thế nhân dân, thứ gì cũng học được cả. Mỗi người ở đây ai cũng có một đoạn nhà, quần áo giạ, giầy và mỗi ngày mua một tờ nhật báo để đọc. Nhưng không có sông, không có ao, tôi không hiểu họ tắm táp vào đâu?

« Những người Tây đi ở phố đông như kiến và đi nhanh lắm, hoặc đi làm, hoặc đi về nhà. Xem như phong tục những người Tây ở đây thì không giống như những người Tây ở bên An Nam, ấy tôi nói thật đấy. Nhưng khi viết gì, phải có ý cẩn thận mới được.

« Ở trong làng có sự gì lạ không, bác cho tôi biết với.

« Vì tôi là một người lính cũ và đã có mền đay, nên các quan cho tôi đóng lon cai. Bác nói truyện cho làng biết nhé.

« Hiện bây giờ chúng tôi chẳng phải làm gì cả, nhưng nay mai họ đem chúng tôi đến chỗ chiến trường, và chúng tôi cũng lấy làm mong mỏi lắm.

« Khí giời lạnh, nhưng chưa thấy sương xuống. Tôi vẫn được mạnh khỏe lắm. Chúc cho bác và cả nhà đều được mạnh khỏe.

« Thư bất tận ngôn.

Cai BA ký tên “

Ngày 13 tháng mười năm 1917. Khải Định nhị niên.

III

CŨNG NGƯỜI ẤY VIẾT CHO NGƯỜI ẤY.

« Tôi viết cho bác mấy chữ này ở nơi chiến trường để ở nhà ai ai cũng biết bây giờ tôi thế nào. Tôi vẫn được mạnh khỏe.

« Chúng tôi ở đây được gần một tháng nay.

« Chúng tôi đi tầu hỏa từ Mạc Sây, đi cả đạo binh, và tầu chạy về phía bắc, đi qua nước Pha-lang-sa là một nước đất tốt lắm, nhưng chỉ thấy ruộng khô thôi. Đi như thế ba ngày bốn đêm. Họ cho chúng tôi ăn thịt bò và cá hộp, bánh tây mỗi người mỗi ngày được một nửa cái bánh to. Uống thì uống nước chè đựng trong lọ sắt.

« Khi đến nơi biên thùy thì họ đưa chúng tôi lên xe tô lô bin, nhưng tôi chẳng trông thấy gì cả, vì giời tối và mưa.

« Từ bấy giờ, cơ lính chúng tôi đóng ở trong một trại binh, gần một xóm mà cấm không được nói tên. Chúng tôi ở những nhà bằng gỗ. Chúng tôi đi làm, sửa sang đường, đập đá làm cỏ-vê (đi phu), chở những viên đạn trái phá lớn, nặng hàng tạ đầy những thuốc súng, đạn, khí độc. Chỉ có một toán lính An Nam đi đánh nhau với giặc Đức thôi. Còn những người khác thì làm lụng như chúng tôi. Bác chớ có nghe những lời nói khoác của những kẻ nói láo đấy.

« Cũng có nhiều lần có những viên đạn trái phá lớn nổ ở gần chỗ chúng tôi ở, đạn ấy quân giặc bắn sang hay ở trên tầu bay ném xuống,

« Hiện bây giờ chưa có ai bị thương cả, mỗi lần quân giặc bắn trái phá sang thì lính tây cũng lấy súng đại bác bắn giả lại và giết giặc Đức vô số. Các quan nói truyện với chúng tôi rằng: trông thấy ghê cả người lên.

« Quan tư coi chúng tôi là một người đã đứng tuổi, nói tiếng kinh giỏi lắm. Có nhiều quan khác cũng nói được, nhưng cũng có vài ông chưa biết nói mà cứ tưởng nói đúng lắm, phải nghe quen tiếng họ nói mới được.

« Chúng tôi ăn uống cũng khá và được nhà bếp ta biết nấu cơm.

« Và sương mù trắng (tuyết) đã xuống. Sương ấy bây giờ phủ cả mặt đất cao đến hai thước An Nam, khi để một tí sương ấy vào bàn tay thì nó tan ra như muối bỏ vào nước lã. Ở bên này rét lắm và nước ở sông, ở suối và ở giếng đông cứng như đá vậy.

« Ở bên tây, cây không có lá.

« Họ phát cho chúng tôi áo dầy, bí tất, giầy tây và chăn. Chúng tôi lại được cả thuốc lá, củi đốt và than đá.

« Không biết các quan đeo sao (1) làm thế nào mà có các thứ ấy phát cho quân lính? Lạ thật nhưng tôi nói thật đấy.

« Quân đội tây to lắm, đông lắm: có đến mấy mươi chục nghìn người ấy. Nào là lính bộ, lính Ả Rập, lính kỵ mã. Vô số là súng đại bác to như cây đa ở chùa, tầu bay, tầu ba-lông (sốt-sích) buộc bằng một cái giây để thám thính quân giặc, đến nghìn xe và tầu máy, như cái nhà bằng sắt mà có súng đại bác ở trong. Tôi nói thật đấy và những người chưa trông thấy thế bao giờ không thể hiểu ra thế nào được.

« Nghe thấy tiếng súng đại bác bắn cả đêm cả ngày như tiếng sấm xét ấy. Họ nói truyện với chúng tôi nay mai giặc Đức tha hồ mà hàng, vì họ bị bẹp và thiếu thốn mọi thứ: đạn trái phá, bánh, đồng, mỡ, và chết vô số.

« Hôm nọ tôi có trông thấy mấy người tù binh Đức: nó mặc quần áo sanh mùi cỏ, còn lính tây mặc quần áo sanh da giời.

« Lính tây mạnh bạo và được ăn uống no nê. Giặc Đức thì bao giờ cũng thấy đói khát, chốn tránh nhát gan và không đánh giặc như cách Tây đâu. Các quan nói truyện với chúng tôi rằng giặc Đức giết cả đàn bà trẻ con, cướp của cải, giết cả kẻ bị thương, còn những lính tây thì không thế.

« Còn tôi, tôi không biết thế nào mà nói vì lúc chúng ta đánh trận ở bên ta thì chúng ta theo cách ta, và khi viết phải có ý tứ mấy được.

« Họ nói truyện với tôi nay mai sẽ xong cuộc chiến tranh vì lính nước Mỹ sắp sang đến nơi và giặc Đức thấy thế đã sợ run lên rồi.

« Tên Đậu cũng ở cơ này với tôi. Ngày nào nó cũng phải quét dọn chuồng sia.

« Bác cứ theo số tôi gửi cho bác mà viết thư cho tôi. Ở trong làng sóm có gì hay, bác nói truyện cho tôi biết với. Bác bảo thằng cháu tôi ở nhà chớ quên lễ bái. Lúa có được tốt không. Tôi lấy làm áy náy lắm.

Cai BA ký tên »
Ở Đội quân thứ ba
Cơ thứ hai lính thợ Đông Pháp
Đồn 2 số X

Ngày mùng 6 tháng một tây năm 1918. Khải Định tam niên.

(1) Quan sáu coi việc binh lương.

Xem tiếp phần 2.
Nguồn (bản chụp)
Số hóa: Hồng Nhung.

Leave a Reply