Thuyết định hướng giá trị của Kluckhohn F. và Strodtbeck F.

Thuyết định hướng giá trị (value orientation theory) là một lý thuyết được sử dụng nhiều trong lĩnh vực nghiên cứu liên văn hóa, lần đầu được các tác giả đề cập trong cuốn sách Variations in value orientations năm 1961.

Xuất phát điểm của nó là khái niệm giá trị mà chồng của bà F. Kluckhohn – ông Clyde Kluckhohn – đã phát triển trước đó. (Clyde Kluckhohn là nhà nhân học nổi tiếng của Mỹ, là đồng tác giả của công trình tổng hợp các định nghĩa về văn hóa cũng rất hay được trích dẫn – do đó chú ý tránh nhầm lẫn vợ chồng này với nhau). C. Kluckhohn cho rằng tất cả con người đều có chung các đặc điểm và đặc tính sinh học, và các đặc tính này là nền móng để văn hóa phát triển, tức là đồng quan điểm với thuyết chức năng. Do đó, thường thì người ta sẽ thấy các niềm tin và hoạt động văn hóa của mình là bình thường và tự nhiên, trong khi thấy những thứ đó của dân tộc khác là kỳ lạ hay thậm chí thấp kém hoặc bất thường. C. Kluckhohn định nghĩa giá trị là “Một quan niệm, hiện hoặc ẩn, là độc đáo của một cá nhân hoặc đặc trưng của một nhóm người, về mong muốn của cá nhân hay nhóm người đó, mà ảnh hưởng đến việc họ lựa chọn gì trong số các cách thức, phương tiện và mục đích hành động có sẵn.” “A conception, explicit or implicit, distinctive of an individual or characteristic of a group, of the desirable which influences the selection from available modes, means and ends of action.” (C. Kluckhohn, 1951).

Florence Kluckhohn và Fred Strodtbeck đã chi tiết hóa đến mức thao tác, đưa các nguyên tắc nêu trên vào thực tế trong lý thuyết của mình. Họ bắt đầu với ba giả định cơ bản:

  • “Có một số hữu hạn các vấn đề chung của con người mà tất cả các dân tộc luôn phải đi tìm giải pháp”.
  • “Mặc dù có sự biến thiên trong các giải pháp của tất cả các vấn đề, nhưng chúng không phải là vô hạn hay ngẫu nhiên, mà chắc chắn là chỉ biến thiên trong một tập các giải pháp có thể”.
  • “Tất cả các phương án của tất cả các giải pháp đều có mặt trong mọi xã hội vào mọi thời điểm, nhưng được ưu tiên sử dụng theo những cách khác nhau”.

Các tác giả đề xuất rằng, việc một xã hội ưa thích những giải pháp nào phản ánh các giá trị của xã hội đó. Do đó, việc đo lường các giải pháp được ưu tiên sẽ chỉ ra các giá trị được tán thành (espouse) bởi xã hội đó. Họ đề xuất 5 loại vấn đề cơ bản mà mọi xã hội cần giải quyết:

  • Chúng ta nên tập trung chủ yếu vào khía cạnh nào của thời gian – quá khứ, hiện tại hay tương lai?
  • Mối quan hệ giữa Con người và môi trường tự nhiên của họ là gì – chinh phục, phục tùng hay hài hòa?
  • Các cá nhân nên duy trì quan hệ với những người khác như thế nào – theo thứ bậc (“Lineal”), bình đẳng (“Collateral”), hay tương ứng với tài cán của cá nhân họ?
  • Động lực chính cho hành vi là gì – để thể hiện bản thân (“Being”), để phát triển (“Being-in-becoming”), hay để đạt thành tựu (“Doing”)?
  • Bản chất của con người là gì – tốt, xấu (“Evil”) hay hỗn hợp?

Ngoài ra còn có chiều giá trị thứ sáu về Không gian (Here, There và Far Away), nhưng các tác giả không phát triển gì thêm về nó. Chiều kích Không gian được nhà nhân học khác, Edward T. Hall, nghiên cứu nhiều. Bốn trong số năm chiều kích trên đã được Edgar Schein sử dụng trong lý thuyết về văn hóa của tổ chức của ông, riêng đối với yếu tố quan hệ con người, Schein phát triển một lý thuyết riêng của mình (trong cuốn Leadership and Organizational Culture).

Tiếp theo, các tác giả đưa ra các khả năng trả lời cho từng câu hỏi, lập luận rằng câu trả lời ưa thích trong bất kỳ xã hội nào sẽ phản ánh định hướng cơ bản của xã hội đó đối với khía cạnh đó của môi trường. Các định hướng của mỗi câu hỏi được thể hiện trong bảng sau:

Câu hỏiĐịnh hướngMô tả
Thời gian (time)PastChúng tôi tập trung vào quá khứ (thời gian trước kia), vào bảo tồn và duy trì giáo lý và niềm tin truyền thống.
PresentChúng tôi tập trung vào hiện tại (là bây giờ) và vào việc thích nghi những thay đổi trong niềm tin và truyền thống.
FutureChúng tôi tập trung vào tương lai (thời gian sắp tới), lập kế hoạch trước, và tìm kiếm những cách thức mới để thay thế cái cũ.
Con người và môi trường tự nhiênChinh phục (Mastery)Chúng ta có thể và nên thực hiện việc kiểm soát hoàn toàn với các lực lượng của và trong tự nhiên và siêu nhiên
Hài hòa (Harmony)Chúng ta có thể và nên thực hiện kiểm soát một phần chứ không phải toàn bộ bằng cách sống cân bằng với các lực lượng tự nhiên
Phục tùng (Submissive)Chúng ta không thể và không nên kiểm soát các lực lượng tự nhiên mà thay vào đó, chúng ta phải tuân theo sức mạnh cao hơn của các lực này.
Quan hệ với người khácThứ bậc (Lineal)Nhấn mạnh vào các nguyên tắc thứ bậc, và tuân theo cấp có thẩm quyền trong nhóm
Bình đẳng (collateral)Nhấn mạnh vào sự đồng thuận trong một nhóm mở rộng gồm những người bình đẳng
Phụ thuộc cá nhân (individualistic)Nhấn mạnh vào các cá nhân hoặc các gia đình riêng lẻ trong nhóm, là những người đưa ra quyết định một cách độc lập với những người khác
Động lực hành độngBeingĐộng lực của chúng ta là nội tại, nhấn mạnh rằng hoạt động được đánh giá cao bởi chính ta chứ không nhất thiết bởi những người khác trong nhóm
Being-in-becomingĐộng lực là để phát triển và trưởng thành trong những khả năng mà chúng ta đánh giá cao, mặc dù không nhất thiết được những người khác đánh giá
Achievement (Doing)Động lực của chúng ta là bên ngoài chúng ta, nhấn mạnh hoạt động vừa được chúng ta đánh giá cao vừa được những người khác trong nhóm tán thành.
Bản chất của bản chất con người evil/ mutableSinh ra là ác, nhưng có thể trở thành thiện. Tuy nhiên, có rủi ro trở thành tệ hơn
evil / immutableSinh ra là ác và ko có khả năng thay đổi, do đó cần được cứu rỗi từ bên ngoài
mixture/ mutableCó cả đặc tính thiện và ác, có thể thay đổi tốt lên hoặc xấu đi
mixture/ immutableCó cả đặc tính thiện và ác, và không thể thay đổi
neutral/ mutableSinh ra không thiện không ác, có thể thay đổi để thành thiện hay ác
neutral/ immutableSinh ra không thiện không ác, và không thể thay đổi
good/ mutableCơ bản là thiện, nhưng có thể bị biến chất
good/ immutableCơ bản là thiện, và sẽ luôn như vậy

Nguồn tham khảo:
Kluckhohn and Strodtbeck’s Values Orientation Theory

Leave a Reply