Mấy bức thư của nhà binh-sĩ Việt-Nam (2)

Giới thiệu của PPĐ. Đây là tập hợp 7 lá thư được một người Việt Nam tên là Nguyễn Văn Ba (làng Ngọc Kiệu, Từ Liêm, Hà Đông) viết trong giai đoạn 1917-19 khi ông đi lính tình nguyện cho Pháp đánh Đức trong Thế chiến 1. Bộ sưu tập được Jean Marquet giới thiệu bằng tiếng Pháp, và Ngô-Vi-Liễn dịch ra tiếng Việt.
Các bức thư là nguồn sử liệu sơ cấp, đương đại, cho ta cái nhìn chân thật về giai đoạn lịch sử mà nói chung trước nay người VN chỉ biết qua các bình luận của người đời sau, ít nhiều bị làm sai lệch có chủ ý.
Nếu học sinh được học lịch sử qua các tư liệu này chắc sẽ thấy thú vị và yêu thích môn học hơn.

IV

CŨNG NGƯỜI ẤY VIẾT CHO NGƯỜI ẤY.

« Tôi viết cho bác cái thư này là cái thứ tư. Tôi không thể viết sớm cho bác được vì có mấy việc can hệ đã sẩy ra.

« Một đêm chẳng may, tầu bay giặc đến ở trên trại cơ binh tôi đóng và ném trái phá xuống nổ lung tung cả lên đến trăm quả. Tối hôm ấy sáng trăng chiếu xuống đất nên quân giặc biết chỗ mà ném trái phá. Tôi không biết mặt trăng bên này cũng là một với mặt trăng bên nước An Nam ta không. Nhưng tôi xem ra mặt trăng này chiếu sáng xuống đất cũng thế.

« Một quả trái phá ném ngay vào nhà chỗ đội quân tôi đóng. Phải mất ba mươi người chết và vô số người bị thương. Còn tôi thì bị một miếng sắt xuyên qua cánh tay chái và đùi. Bác Tri bị thương ở ống chân, bác Đậu thì bị thương ở đầu. Không những thế, mình mẩy chúng tôi lại đầy những mảnh trái phá to như hột gạo. Những lính thuốc chạy ngay đến và đặt chúng tôi nằm vào xe “tô-lô-bin” để đưa vào nhà Thương buộc thuốc vào chỗ bị đau, xong rồi họ lại đặt chúng tôi nằm trong giường ở trên tầu hỏa. Tầu chạy trong hai giờ đồng hồ rồi đỗ, họ lại khiêng chúng tôi vào nhà Thương một tỉnh to.

« Tôi ở nhà Thương đó hai tháng nay và cũng được gần khỏi. Bác cũng đừng lo ngại gì cho tôi. Họ cho tôi một chiếc mền đay quân công, có một sao. Bác nói truyện cho trong dân làng biết. Trong nhà thương này đầy những người bị thương vì đạn trái phá, mũi gươm hay khí độc. Trước hết họ để tôi nằm vào trong một cái buồng rộng rãi với lính tây và lính Ả Rập. Nhưng lúc tôi trông thấy người Ả Rập lấy tay bốc đồ ăn mà ăn thì tôi lấy làm khó chịu, tôi bèn xin đổi buồng thì họ cho tôi nằm ở buồng khác chỉ có lính Tây và lính Ta thôi. Những người lính Tây tử tế lắm, hát, đánh bài và cho tôi thuốc lá hút luôn. Chúng tôi đều ăn cơm tây và uống rượu vang như nhau cả.

« Ngoài các quan thầy thuốc rất thông thái trông nom, lại có các bà đầm cũng săn sóc những người bị thương không lấy tiền nong gì cả. Ngày nào cũng có những bà đầm khác ở thành phố lại thăm chúng tôi, cho chúng tôi quả, bánh, quần áo và thuốc lá. Tôi tự hỏi không biết ở bên An Nam hoặc sẩy ra có việc chiến tranh như thế thì có những người có bụng ấy không!

« Khi chúng tôi đi được thì họ cho phép chúng tôi ra chơi phố. Thật thì thành phố này không to bằng cửa biển Mạc Sây. Nhưng cũng to bằng thành phố Hà Nội, có nhà cao làm bằng đá, một cái chợ và lắm cửa hàng to như nhà Gô Đa.

« Đi dạo thành phố rồi chúng tôi lại muốn đi thăm các nơi thôn giã. Chỗ này là một xứ toàn núi cả. Gần chỗ chúng tôi ở, có một làng xóm ở và bây giờ hàng ngày chúng tôi đến làm với một ông tây có ruộng đất. Lúc ông ấy biết rằng chúng tôi cũng là người nhà quê làm ruộng thì ông ấy bằng lòng cho chúng tôi làm với ông ngay.

« Ông này lễ phép lắm, đưa chúng tôi đi xem ruộng đất của ông ấy, rộng rãi và tốt lắm. Ông ấy có ruộng khô đầy những lúa mì. Lúa mì là một thứ gạo, sinh ra hột có bột để làm bánh tây. Ông ấy lại có một vườn nho mà quả dùng để làm rượu vang. Ông ấy lại có một cái ruộng đầy những cỏ chỉ để cho bò ăn. Ở bên tây, không có trâu. Ông ấy lại có ruộng giồng khoai và một cái vườn đầy những rau tây, rau diếp, báp cải, cà rốt, cà chua, đậu, đỗ và nhiều thứ nữa mà tôi không biết.

« Nhưng, chỉ có một sự làm cho tôi lấy làm lạ là những máy, vì ông này tên là ông Ly-Bô, đã dẫn cho tôi xem máy để cắt lúa, máy để gieo hột, máy để nhổ củ, máy để cắt cỏ, những máy đó quái lắm, mỗi cái làm bằng sức mười người, ấy những cái đó bên An Nam ta nên có.

« Ông Ly-Bô có một người con giai thôi. Người con giai ấy đi đánh trận. Thật là một sự kì cục cho người An Nam mà lại thứ nhất là trong làng không cho bố mẹ người lính ruộng nương gì cả. Ông ấy cũng có hai con gái, đẹp và khỏe, là cô Dan và cô Ma-li-loui. Tuy rằng giầu có mà hai cô ấy cũng làm lụng đất cát, coi sóc bò đực và bò cái. Bên này bò cái sinh nhiều sữa lắm, mỗi ngày vắt được mỗi con đến một hộc ấy, và các cô ấy lấy sữa bò làm “phó-mát” là một thứ mà người An Nam ta không thể ăn được, và lại làm cả “bơ” nữa. Ở bên Tây “bơ” không đựng vào trong những hộp sắt như ở các cửa hàng ở bên Đông Pháp bán đâu, nhưng giống như mỡ vậy. Các cô ấy lấy chầy đánh vào sữa để làm bơ. Thật đấy! Tôi đã trông thấy làm. Chiều đến, các cô ấy đập lúa nhưng không phải bằng một cái đập lúa như bên ta đâu. Các cô ấy đập lúa bằng một cái máy. Tôi nói truyện cho bác biết cả, để cho cái chuyến tôi đi này dùng được việc gì chăng, để cho bác học thêm được một ít và để cho bác khỏi giốt nát như trâu nữa.

« Ngày nào chúng tôi cũng đi qua làng đó nên có thể tha hồ xem xét. Những nhà cũng bằng đá lợp ngói. Có một cái nhà thương, một ông thầy thuốc, một người bào chế, một cô đỡ đẻ. Các cái đó bên An Nam ta nên có.

« Cũng có một nhà trường mà thầy giáo giậy trẻ con giai học không mất tiền và một trường khác một cô giáo giậy trẻ con gái học cũng không phải trả tiền. Đấy những cái đó ở bên An Nam ta đều nên có.

« Có nhà giây thép (tặc tặc), giây để nói và có sở giữ tiền để dành của dân. Đấy những cái đó ở bên An Nam ta nên có.

« Họ nói truyện với tôi rằng các làng ở bên Tây đều như thế cả.

« Làng nọ sang làng kia có đường tàu hỏa chạy luôn luôn, xe ngựa, xe bò, xe điện. Không có xe người kéo. Những cái ấy ở bên An Nam ta đều nên có cả.

« Như thế đủ biết rằng dân sự giầu có lắm, vì các cái đó tốn đắt lắm.

« Thư sau tôi sẽ nói cho bác biết tất cả cái gì tôi sẽ xem thấy. Tôi đã nhận được thư của bác. Tôi lấy làm mừng thấy bác được mạnh khỏe và biết rằng lúa má được tốt tươi.

« Qui hồ đê đừng vỡ ! Cho khỏi đê vỡ thì tôi ước ao rằng các cụ kỳ mục làm lễ ở đình để thần thánh phù hộ cho.

« Thư bất tận ngôn.

Cai BA ký tên
ở tại nhà thương số X .
Clermont-Ferrand
(Puy-de-Dôme) France

Ngày mùng 3 tháng 5 tây năm 1918. Năm Khải Định thứ ba.

V

CŨNG NGƯỜI ẤY VIẾT CHO NGƯỜI ẤY.

« Tôi viết cho bác mấy chữ để nói cho bác biết rằng nay tôi đã được khỏi hẳn rồi. Nhưng các quan hãy còn giữ tôi lại ở đây vì cuộc giảng hòa nay mai sắp ký. Thật vậy, những quân giặc Đức thua rồi đến năn nỉ xin hòa. Lính Tây với lính Mỹ đánh trận như hổ, mạnh mẽ và táo tợn, còn những quan thống chế đều là những bậc túc trí đa mưu cả. Hẳn bác cũng biết chứ ?

« Thôi đánh nhau thì chúng tôi lại được giở về bên An Nam để lại làm ăn như thường. Bây giờ đã giúp nhà nước Bảo hộ xong việc rồi, thế là bổn phận chúng tôi đã được chọn vẹn.

« Ở trong tỉnh này có một cái thành to lắm. Ở đấy thợ làm đồ binh khí thuốc đạn, nào pháo, nào đạn, nào “cát tút” nào trái phá, vân vân. Những người thợ này đều là người Tây cả, vừa đàn ông vừa đàn bà, có cả người Ả Rập và người An Nam nữa. Nhưng, chúng tôi là lính bị thương, không đến chơi với bọn người An Nam ấy: họ cứ bắt trước lối tây như con khỉ, thấy người làm gì cũng bắt trước, chẳng hiểu gì cả, họ lại làm được nhiều tiền, sắm sửa quần áo lịch sự và họ còn nói khoác hình như là họ đã đánh tan được giặc Đức ấy.

« Tôi thường đến thăm ông Ly-Bô ở nhà ông ấy có lắm đồ quí lắm.

« Nhân thể, tôi nói cho bác biết một sự tôi lấy làm bực mình khó chịu. Tên Đậu, là đứa chẳng ra gì, lấy nhời dối trá mà dỗ dành cô Ma-Li-Loui, là con gái bé ông Ly-Bô và dám hỏi lấy cô ấy làm vợ. Cho chôi việc, tên ấy lại nói bịa rằng là con quan và gia tư có nhiều ruộng nương lắm. Ông Ly-Bô tính cẩn thận còn do dự. Nhưng cô Ma-Li-Loui, trẻ người non dạ, muốn lấy nó và khóc hoài. Ông Ly-Bộ có hỏi tôi. Tôi lấy làm bực mình, nhưng không thể nói cho ông ấy tường những sự tôi biết vì những con gái họ láu cá lắm lại bảo ngay tôi rằng ghen ghét ngay. Tôi có bảo ông Ly-Bô, hỏi các tin tức ấy ở kỳ mục làng Yên Thái tỉnh Hà Đông.

« Nhơ nhuốc thay tên Đậu! Nó chẳng qua là một đứa ở nhà một thầy Phó tổng mà dám tự xưng là con quan! Mỗi tháng được ngót một đồng bạc công, cơm nuôi và quần áo mặc tết, thế mà dám nói rằng giầu có. Ở nhà chủ nó chỉ làm việc cho lợn ăn. Vả lại, làng muốn tống nó đi mà lôi nó ra để đi chào mào đánh giặc.

« Khi tôi nói truyện ấy cho bác Tri biết thì bác ấy cười vỡ bụng ra. Nhưng tôi nay là Cai Ba, hàm bát phẩm đội trưởng, có hai mền đay, là kỳ mục làng Ngọc Kiệu, tôi không thèm cười đâu, và khi về đến tỉnh, tôi sẽ làm đơn bẩm quan phủ Hoài Đức về hạnh kiểm tên Đậu. Nhưng tôi lấy làm lo ngại lắm, không biết làm thế nào mà chừng trị cái kẻ vô gia cư và vô xỉ ấy.

« Từ khi tôi bước chân đi ra, tôi đã nghiệm biết rằng ở nước nào cũng vậy, dù ở bên ta hay ở bên tây, đâu cũng có người chí khí cao thượng biết làm vẻ vang cho nước, cho nhà và cho làng mạc, mà cũng có kẻ, hoặc đàn ông hay đàn bà, làm ô danh, xấu tiếng cả cho nước, cho nhà và cho làng mạc.

« Ở bên Tây, không có những người hóa hủi.

« Từ khi giời nóng, lá cây đã mọc ra cả ở cành.

« Tôi không thấy những người nghiện thuốc phiện vì thuốc phiện bên này cấm. Nhưng tôi trông thấy những người say rượu.

« Có nhiều “bà đầm” đẹp, ăn mặc choáng lắm, họ cũng giống như con “dẻ cùi” chỉ tốt mã mà ăn giơ.

« Dân Pháp thắng trận lấy làm thích lắm, rước sách và cảm tạ các thần thánh. Tôi tưởng bên An Nam ta cũng thế.

« Nước Tây này khỏe như một cái thành, vì nhân dân ai cũng đi lính, và giầu có vô kể vì ai ai cái gì cũng học, nhân dân sốt sắng làm lụng, chỉ thích có nhiều tiền và thật ra họ cũng có nhiều của lắm. Tôi thiết tưởng bây giờ muốn là một nước lớn thì dân phải cường, mà muốn cường thì phải phú.

« Nước An Nam đối với nước Pháp chỉ là một đứa bé con thôi.

« Khi quan tây dán giấy yết thị lên tường để hỏi lấy tiền của dân thì tức khắc họ mang đến hàng triệu bạc nộp ở nhà kho bạc. Thật đấy, tôi đã trông thấy. Thuốc lào bên này hiếm có và đắt.

« Tôi chúc cho bác được mạnh giỏi và ước rằng nay mai sẽ được gặp nhau.

« Thư bất tận ngôn,

Cai BA ký tên”
Cùng chỗ ở ấy

Ngày mùng tám tháng mười tây năm 1918. Năm Khải Định thứ ba.

VI

NGUYỄN VĂN BA GỬI THƠ CHO CÔ XAVIÈRE DE GOMAIN, LÀ NỮ KHÁN HỘ, LÀM PHÚC Ở BUỒNG SỐ 6 NHÀ THƯƠNG SỐ… TỈNH CLERMONT-FERRAND (PUY-DE-DÔME) FRANCE

« Thưa cô,

« Tôi ở tận nơi thật xa mà viết thơ cho cô: tôi ở tận bên xứ Bắc Kỳ. Và chắc rằng cô cũng không ngờ mà nhận được một cái thư ở xứ này và nhất là một cái thư của một người An Nam.

« Tôi đây là một người lính bị thương nằm ở buồng số 6. Trong hai tháng giời, cô săn sóc trông nom tôi như thể là con cô và tôi muốn cám ơn cô, càng biết rằng cô là người coi sóc làm phúc tôi lại càng cám ơn cô lắm. Là một cô thiếu nữ mà phải xa nhà cũng đã là quá. Thế mà một bậc khuê các giàu sang đành chịu xa nhà để coi sóc làm phúc những lính bị thương, tưởng thật là quá ư cao thượng. Bởi thế, tôi thường tự hỏi rằng gập cảnh ngộ như thế, dân nước tôi có thể cũng bắt trước như những cái gương mà tôi đã trông thấy ở bên nước cô không? Nhưng sao đã vội đoán sự chẳng ra gì?

« Và bây giờ chẳng nên nghĩ đến việc làm ăn trong lúc hòa bình ư? Thế cho nên, lúc về đến nhà, tôi trông nom làm lụng đến ruộng nương của tôi ngay và có thể nói cho cô biết rằng mùa màng tốt lắm. Tôi nói thật cho cô biết đấy vì cô ở xa tỉnh tôi. Ở đây chúng tôi không nói rằng mùa màng tốt bao giờ sợ họ tăng thuế.

« Tôi đã nói với cô rằng tôi viết thơ để cảm ơn cô. Cô đã trông nom coi sóc tôi tử tế thế, tôi bao giờ quên được ơn cô?

« Tôi thường nói truyện với nhà tôi cùng với các cháu, biết rằng cô thật là người tử tế nhu mì. Không những cô buộc những vết bị thương cho tất cả những người (đến hơn năm mươi người) nằm ở buồng cô coi, cô lại còn cho chúng tôi nhiều thứ: nào bánh ngọt, nào quả ăn, nào thuốc lá, nào quần áo, vân vân.

« Và cô chỉ là làm phúc thôi.

« Tôi hãy còn nhớ đến những cảnh ban tối ở nhà thương. Khi cô đi vòng quanh một lượt ở xung quanh các giường để phát thuốc xong thì cô lại chúc cho chúng tôi ngủ được ngon giấc.

« Rồi thì chúng tôi cũng đồng thanh mà: “chúc cô đi ngủ được yên lành”. Và tôi lại nhớ rằng nằm bên cạnh tôi có một người Tây đen ở xứ Sénégal, không biết tiếng tây, chào cô theo lối của họ lấy tay phải để lên trán, lên mồm và lên quả tim.

« Tôi nói truyện cả như thế cho con cháu tôi biết và cố sức dậy bảo chúng nó bắt trước những gương đó.

« Tôi nhờ cô nói với cụ ông cụ bà rằng tôi có nhời kính thăm.

« Nay kính thư

NGUYỄN-VĂN-BA»
Ngày mười một thág bẩy năm 1919.

Tái bút – Cái thơ này là do một cậu học trò thiếu niên An Nam viết đó. Tôi thì tôi không viết được, tôi đã già lẫn rồi. Nhưng tôi nghĩ thế nào, đọc cho cậu ta viết thế.

VII

NGUYỄN VĂN BA GỬI THƯ CHO ÔNG RIBAUD, ĐIỀN CHỦ Ở LÀNG X… TỈNH CLERMONT-FERRAND (PUY DE DÔME) (FRANCE)

« Thưa ông,

« Như nhời tôi đã hứa với ông rằng khi tôi về đến nơi thì tôi viết thơ cho ông biết tin tức tôi thế nào. Vậy tôi viết cho ông vài dòng không những là để nói cho ông biết rằng tôi cũng được như thường mà lại để cám ơn ông đã có lòng tử tế với tôi. Trong khi tôi ở gần với ông, ông thật là tử tế với tôi quá, ông đưa tôi đi xem cả ruộng nương của ông và bảo cho tôi biết cả cách cầy cấy bên tây.

« Tôi là một nhà làm ruộng, rất yêu mến ruộng nương và tất cả những người sinh nhai về việc làm ruộng, lấy làm phục những điều ông bảo tôi lắm.

« Tôi học được vô khối thứ trong một năm tôi vừa ở bên Tây hơn là bốn mươi năm tôi ở nhà. Trước hết, tôi có thể biết được sự cường mạnh của nước ông. Một nước mà những người khỏe mạnh đều ra cả chốn biên thùy để chống nhau với giặc, một nước mà người giàu người nghèo, kẻ làm ruộng kẻ đi buôn, con người thợ cùng con ông quan đều bình đẳng, một nước mà mỗi người có một cái nhà bằng gạch và quần áo tốt để mặc, một nước có bao nhiêu là nhà trường, nhà bảo tàng, nhà thư viện công, một nước mà mỗi một làng có nhiều nhà trường, đường xá, thầy thuốc, bà đỡ, vân vân… là một nước cường mạnh ghê gớm. Tôi đã được biết cả các cái đó.

« Cho nên từ khi tôi về đến làng, tôi cố sức nói cho bà con quen biết những sự kiến văn mới của tôi. Bởi thế cho nên tôi đã nói với hội đồng kỳ mục làm cho rộng con đường đi qua những xóm trong làng Ngọc Kiệu để chúng tôi có thể mang ra tỉnh các thứ hoa lợi của chúng tôi bằng xe chứ không phải vác nữa.

« Tôi cũng cố sức nói cho mọi người được hiểu biết rằng: lúc có bệnh truyền nhiễm, phải để quan thầy thuốc ở tỉnh tiêm, đừng nên uống nước đục, phải rặt quần áo bằng sà phòng, chớ nên chùi mắt bằng khăn bẩn, vân vân…

« Rồi tôi lại làm một tờ bẩm lên quan phủ Hoài Đức. Trong tờ bẩm ấy tôi sẽ nói các điều mà tôi thiết nghĩ nên sửa sang lại ở trong hàng tổng chúng tôi.

« Còn như tôi, tôi đã lấy tiền thưởng bãi binh mà mua được hai con bò cái. Rồi tôi vắt sữa mà cho các cháu ngày nào cũng uống cho chúng nó được khoẻ. Vả lại những con bò đó dùng để cầy cấy nữa vì con trâu của tôi đã già yếu rồi.

« Tôi đã gửi mua các hột giống ở bên Tây theo như quyển ca-ta-lô mà ông đã gửi cho tôi và mong rằng sẽ có các thứ rau ngon để đem bán ở chợ.

« Về đến nhà, tôi phải trông nom vụ mùa màng tháng năm năm nay. Tôi có thể nói cho ông biết rằng mùa màng cũng được tốt. Nhưng ông chớ nói cho ai biết nhé. Làng tôi cử tôi ra để coi đê sông Nhị Hà, và tôi lấy làm lo lắm vì đê vỡ hay còn là cái mạng chúng tôi ở đó.

« Cả nhà tôi được mạnh khỏe cả. Ông Ribaud ơi, tôi chúc ông cùng quí quyến được sung xướng, phát tài và trường thọ.

« Tôi lại có nhời kính thăm quí phu nhân nữa.

« Tôi lại cầu rằng con giai ông đi đánh trận về cưới vợ ngay để sinh con đẻ cái giúp đỡ ông lúc tuổi già.

« Tôi lại có nhời hỏi thăm cô Jeanne và cô Marie-Louise.

« Nay kính thư.
BA. »

Tái bút – Tôi quên nói cho ông biết rằng: mấy hôm nay tôi có gặp anh Mạc-Tinh-Sau, tên là Đậu ấy. Anh ta lại đi ở rồi.

« Không phải tôi viết thơ này đâu. Tôi không viết được. Ấy một cậu học trò thiếu niên An Nam viết cho tôi đấy. Hắn ta thông minh và chăm chỉ nhưng nghèo, nên chúng tôi có lập một cái hội, mười lăm nhà ở thôn Chung và nhờ có tiền của chúng tôi đóng, (mỗi mùa một tạ gạo và mỗi năm một đồng bạc), chúng tôi có thể gửi cậu ta ra trường học chữ tây ở Hà Nội. Cậu ta nay mai sẽ được bổ giáo học. Ấy bây giờ cậu ta viết hộ thơ cho chúng tôi và giảng nghĩa cho chúng tôi biết các giấy má việc quan. Như thế chả mất gì cho thôn chúng tôi, những thôn khác thấy thế cũng ghen tức.

« Nay kính thư
BA. »

Tái bút – Nếu những quân giặc dữ tợn còn đến đánh nước Tây, ông viết thơ ngay lập tức cho tôi, tôi sẽ lại tình nguyện đi ngay.

Ngọc Kiệu xã, ngày 12 tháng 7 năm 1919.
JEAN MARQUET sao lục.

Nguồn (bản chụp)
Số hóa: Hồng Nhung.

Leave a Reply