Làm rõ tên gọi các loài hoa: Trà, Trà my, và Hải đường

Ngắn gọn, Trà và Trà my là hai loài cây khác nhau, và internet đang giúp Trà cướp tên của Trà my. Cùng một tên Hải đường có gần chục loài cây khác hẳn nhau. Trà my và Hải đường trong Truyện Kiều là cây nào?

Ở thời điểm viết bài này, nếu bạn lên google và tìm ‘hoa Trà my’ thì 100% sẽ hiện ra hoa Trà (Sơn trà). Tôi không rõ tình trạng này bắt đầu từ lúc nào, nhưng khoảng đầu những năm 2000 trở về trước thì tôi không thấy có chuyện đó. Vụ ‘cướp tên’ này khiến tôi tò mò đi tìm hiểu, và đã tìm được một số thông tin thú vị mà tôi chia sẻ ở dưới, nhất là về loài hoa Trà my trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Tìm kiếm “hoa trà my” trên google toàn ra hoa Trà (16/2/2024)

Hoa Trà (Sơn Trà)

Hoa Trà là từ dùng để chỉ một số loài trong Chi Chè (xem link #1), tên tiếng Anh là Camellia, tiếng Trung là Sơn Trà (山茶).Chuyện kể phổ biến nhất về hoa Trà (Sơn Trà) có lẽ là Thiên Long Bát bộ của Kim Dung, là đoạn hội thoại giữa Đoàn Dự và Vương phu nhân. Có lẽ giờ đây người VN thấy đoạn văn đó gần gũi hơn, vì nhiều giống Trà đẹp đa dạng đã có mặt tại VN, chủ yếu từ TQ.

Ở VN, có một loài Trà được gọi là Hải đường, chính xác hơn là ‘Hải đường Việt Nam’, đó là loài Camellia amplexicaulis (#2). Tôi chưa tìm ra manh mối về việc tại sao hoa này lại được gọi tên như vậy, nhưng theo trí nhớ của tôi thì ngày xưa ở HN chỉ có duy nhất loại hoa Trà này chứ chưa đa dạng như bây giờ. Hiện nay người ta mở rộng tên gọi này, ví dụ gọi hoa Trà trắng là Bạch hải đường, nhưng thật ra Bạch hải đường là loài hoa khác (xem ở dưới).

Hải đường Việt Nam – Camellia amplexicaulis. Nguồn: wikipedia Hải đường Việt Nam

Hoa Trà my

Hoa Trà my nổi tiếng bởi hai câu thơ trong Truyện Kiều:

Tiếc thay một đóa Trà my
Con ong đã tỏ đường đi lối về

Vậy Trà my là hoa gì? Gần đây sau khi có chuyện cướp tên, xuất hiện nhiều nguồn tiếng Việt gán câu thơ này cho hoa Trà kèm theo nhiều bình luận, tuy nhiên không thấy lời giải thích nào thỏa đáng về việc tại sao Nguyễn Du lại nói “tiếc thay”. Có vẻ người ta tìm cách cướp tên để gán câu chuyện của Trà my cho hoa Trà, cho dễ bán hơn.

Khi tìm cách lý giải về câu thơ, một số nguồn tiếng Việt có nhắc đến hoa Đồ my của Trung quốc và khẳng định Trà my của Nguyễn Du không phải Đồ my. Nhưng theo những gì họ viết thì không có sở cứ, mà chỉ là ảnh hưởng của dân tộc chủ nghĩa.

Sau khi tìm hiểu, tôi cho rằng hoa Trà my trong Truyện Kiều chính là hoa Đồ my, và hiện nay ở VN người ta gọi nó bằng một cái tên khác. Khẳng định trên dựa trên các cơ sở sau:

1. Ngày bé, khoảng những năm 1980, tôi đã được người lớn chỉ cho thấy hoa Trà my trong vườn nhà, và đó chính là hoa mà người TQ gọi là Đồ my. Nếu không có ký ức này thì tôi đã không nghi ngờ chuyện cướp tên.

2. Hãy so sánh hai chữ tiếng Trung “đồ” và “trà”. Chúng chỉ khác nhau mỗi một nét ngang. Như vậy, liệu có phải đơn giản là Nguyễn Du nhìn nhầm? Câu trả lời là không, và có một câu chuyện thú vị về hai chữ này (#3 và #4). Theo đó, ban đầu chữ Đồ được dùng để chỉ tất cả các loại lá lẩu có vị đắng được dùng làm đồ uống, bao gồm lá Trà (Chè). Sau đó đến thời Đường, “Thánh trà” Lục Vũ đã viết Trà kinh và đề xuất một chữ riêng cho Trà bằng cách bớt đi một nét ngang trong chữ Đồ. Từ đó Trà có hẳn một chữ tượng hình riêng, và được thuyết minh là bao gồm 3 phần: cỏ (thảo) ở trên, cây (mộc) ở dưới, và con người (nhân) ở giữa. Ngày nay, các đồ uống thảo mộc cũng vẫn được gọi chung là trà, mặc dù không có lá Sơn trà trong đó, ví dụ trà hoa cúc. Nếu dùng Google dịch, thì cả hai chữ tượng hình đều được dịch là tea. Như vậy, Nguyễn Du dùng chữ Trà thay cho chữ Đồ là hoàn toàn hợp lý, chưa kể chữ Đồ còn có nghĩa tiêu cực là có hại, trong khi chữ Trà thì không.

So sánh chữ Đồ và chữ Trà

3. Nhưng tại sao lại “tiếc thay”? Chắc chắn một người như Nguyễn Du không thể nói bừa, hẳn phải có ý tứ sâu xa. Và đúng như thế, hoa Trà My (Đồ my) là loài hoa nở vào cuối xuân, là thứ hoa cuối cùng của mùa xuân, vì thế nó là hình ảnh đại diện cho nỗi buồn của tuổi con gái đã đi qua (#5). Khi Thúy Kiều động phòng với Mã Giám Sinh thì tức là tuổi con gái của nàng đã hết. Tiếc thay một đóa Trà my, lúc hoa nở là lúc ong tìm đến. Thêm nữa, có vẻ lúc Mã Giám Sinh mua Kiều cũng là lúc hết mùa xuân, vì trước đó Kiều gặp Kim Trọng là tiết Thanh minh (Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi). Phải nói thêm là hoa Trà my trong Truyện Kiều (cũng như Hải đường) là của Nguyễn Du đưa vào, và không có trong truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Trong Kim Vân Kiều Truyện của TTTN chỉ nói về ong và hoa chung chung: “hoa thơm phong nhụy, bỗng gặp cơn bão táp mưa rào, ong bướm lơi lả, đâu còn tiếc ngọc thương hương!

Ý nghĩa của hoa Đồ my cũng được nhắc đến trong Hồng Lâu Mộng chương 63, khi mọi người chơi trò rút thẻ có tên các loài hoa:

“Tương Vân lấy xúc xắc gieo được chín điểm, đếm số đến lượt Xạ Nguyệt. Xạ Nguyệt rút một cái thẻ, mọi người xem thấy một cành hoa đồ mi, có đề bốn chữ “Cảnh xuân đẹp tuyệt”. Lại có một câu thơ cổ: “Hoa đồ mi nở là ngày xuân đi”…

4. Nếu tìm hoa Đồ my trong các nguồn Internet tiếng Trung thì sẽ ra hai loại hoa hơi khác nhau cùng thuộc họ Hoa hồng. Một là Rubus Rosifilius, và cái kia là biến thể của nó Rubus rosifolius var. coronarius, hay ngắn gọn là Rubus coronarius (không phải coronavirus hehe). Nguồn Ấn độ gọi tên loại đầu là Roseleaf Bramble với hoa có 5 cánh đơn, và loại sau là Roseleaf Raspberry với hoa cánh kép (#6). Nguồn wikipedia tiếng Việt gọi loại đầu là Mâm xôi lá hồng, và loại sau là Mâm xôi lá hồng hoa kép hay còn gọi là Trà my. Nguồn này cũng ghi nhận cái tên Trà my đang được gán sai cho hoa Trà. (#4)

Hoa Đồ my (nguồn #5)
Rubus Coronarius – Roseleaf Raspberry – Trà my (nguồn #6)
Rubus Rosifolius – Roseleaf Bramble – Mâm xôi cánh hồng (nguồn #6)

5. Theo một số nguồn internet tiếng Việt khác, thì hoa Trà my hiện được gọi là Tầm xuân bắc, hay Hồng tầm xuân bắc, và cũng có ghi chú rằng hoa này còn có tên khác là Trà my (#7). Các nguồn này đề xuất danh pháp khoa học của nó là Rosa tonquinensis (trong đó Tonkin là Bắc bộ), tuy nhiên tôi không tìm thấy thêm thông tin nào về loài thực vật có danh pháp này.

Tầm xuân bắc (nguồn #7)

Các loại hoa có tên Hải đường

Tôi tìm hiểu về hoa Hải đường là vì người VN cũng dùng nó để gọi hoa Trà, như đã nói ở trên. Và có sự trùng hợp thú vị là Hải đường cũng xuất hiện rất đẹp trong Kiều, là hình ảnh của Thúy Kiều trong lòng Kim Trọng, lúc mới chớm nở:

Hải đường lả ngọn đông lân
Giọt sương chíu nặng cành xuân la đà

Và trong lòng Thúc Sinh, lúc đã qua mưa gió nhưng vẫn mơn mởn:

Hải đường mơn mởn cành tơ,
Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng.

Hóa ra, ở TQ, Hải đường (海棠) là tên chung của gần chục loài hoa khác hẳn nhau (#8 và #9), nhưng không bao gồm hoa Hải đường Việt Nam:

  • Táo tây dại (tiếng Anh là Crab apple), hoa chùm màu từ trắng đến hồng và đỏ, quả nhỏ và chua, thuộc chi Mallus, họ Hoa hồng (Rosaceae). Bao gồm Tây phủ hải đường và Thùy ty hải đường (xem ảnh). Hải đường trong thơ Nguyễn Du chính là cây này. Chỉ cần thấy cây Táo tây nở hoa mùa xuân là có thể cảm nhận được câu thơ, có điều cây này chỉ nở hoa ở xứ lạnh nên người Việt không biết, sinh ra hiểu sai. Bạch hải đường trong Hầu lâu mộng (chương 37) cũng là cây này chứ không phải cây hoa Trà màu trắng. (ảnh)
  • Mộc qua hải đường (chi Mộc qua – Chaenomeles), thuộc họ Hoa hồng. Ở VN hay được gọi là cây Mai đỏ, hoa Mai đỏ, gần đây được bán nhiều vào dịp Tết.
  • Thu hải đường (Begonia), cây nhỏ có thân mềm chứa nước kiểu xương rồng. Hoa của cây này đa dạng, nhiều màu, có vị chua chua, ngày nhỏ tôi hay ngắt ăn, và được người lớn dạy là cây Hải đường.
Hoa crabapple (Hải đường). Nguồn Gardenia.net
Tây phủ Hải đường 西府海棠 – Kaido crab apple – Malus x Kaido. Hoa mọc ngẩng lên. Nguồn PictureThisAi.com
Thùy ty Hải đường 垂丝海棠 – Malus Halliana – Hall crab apple. Hoa mọc chúc xuống. Nguồn merit-times.com
Bạch hải đường (白海棠). Nguồn: wenda.huabaike.com
Cây Mai đỏ – Mộc qua. Nguồn giongcaytrong.org
Thu hải đường – Begonia. Nguồn: cayxanhhoacanh.com

Kết luận

Trên đây là những gì tôi tìm hiểu được, nếu có sai sót xin được chỉ giáo qua comment. Vẫn còn một số câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng:

  • Cái tên hoa Hải đường VN có từ khi nào và từ đâu ra?
  • Khi nào Trà đã cướp tên Trà my?
  • Rosa tonquinensis là hoa nào, có phải cũng chính là Rubus coronarius?

Có thể thấy, Internet vừa tiếp tay nhân rộng cái sai, nhưng cũng giúp điều tra tìm kiếm sự thật nếu ta bỏ công. Và cũng có thể thấy những người đi sứ sang TQ như Nguyễn Du ngày xưa cực kỳ uyên thâm về văn hóa TQ, để hai bên có thể thấu hiểu nhau. Ngoại giao ngày nay có vẻ không biết người biết ta bằng.

Nguồn tham khảo

  1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi_Ch%C3%A8 (tiếng Việt)
  2. https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A3i_%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng_Vi%E1%BB%87t_Nam (tiếng Việt)
  3. https://www.163.com/dy/article/GAGTA83305527B5J.html (tiếng Trung)
  4. https://vi.wikipedia.org/wiki/M%C3%A2m_x%C3%B4i_l%C3%A1_h%E1%BB%93ng (tiếng Việt)
  5. https://m.huabaike.com/ghzw/200.html (tiếng Trung)
  6. https://www.flowersofindia.net/risearch/search.php?query=rubus+rosifolius&stpos=0&stype=AND (tiếng Anh)
  7. https://www.bloghoahong.com/2018/03/tam-xuan-bac.html (tiếng Việt)
  8. https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A3i_%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng_(%C4%91%E1%BB%8Bnh_h%C6%B0%E1%BB%9Bng) (tiếng Việt)
  9. https://zh.wikipedia.org/zh-hans/%E6%B5%B7%E6%A3%A0 (tiếng Trung)

Mồng 7 Tết Giáp thìn 2024.

2 thoughts on “Làm rõ tên gọi các loài hoa: Trà, Trà my, và Hải đường

Leave a Reply