Tag Archives: LOT

Kỹ năng lập trình là kỹ năng HOT

HOT ở đây k0 phải là nóng hay mốt, mà là Higher Order Thinking (năng lực tư duy bậc cao). Về cơ bản, khái niệm này gắn với Bloom Taxonomy, phần Nhận thức (cognitive): thang Bloom có 6 cấp độ, thì 3 cấp độ dưới (Remembering, Understanding, Applying) là Lower Order Thinking (LOT), 3 cái trên là HOT.

blooms

Giáo dục phổ thông, nhất là ở Việt Nam, vốn đã nặng về kiến thức nhẹ về kỹ năng, nhưng ngay trong phần kỹ năng cũng chỉ tập trung vào LOT: yêu cầu học sinh học thuộc, hay giải thích được ý nghĩa câu thơ, sử dụng công thức để tính diện tích hình tròn, v.v. còn các kỹ năng HOT thì bỏ ngỏ. Khách quan mà nói, cũng vì các kỹ năng HOT rất khó dạy.

Với sự phát triển của công nghệ, các kỹ năng LOT dần trở nên không cần thiết. Thay vì phải nhớ nhiều thứ, ngày nay ta có thể dùng các công cụ tìm kiếm trên mạng để tìm được thứ mình cần. Ông Sugata Mitra, tác giả của mô hình SOLE (Self Organized Learning Environment), khẳng định: “việc biết đã trở nên lỗi thời” (knowing is obsolete).

Ở các nước phát triển, người ta chú trọng đưa các kỹ năng HOT vào dạy từ rất sớm. Ví dụ ở một trường tiểu học, kỹ năng HOT được đưa thành mục tiêu giáo dục hàng đầu (ảnh). Việc “học tốt” các môn học truyền thống (Academic Achiever) chỉ là một phần rất nhỏ so với nhiều kỹ năng mà bọn trẻ cần:

SIS SLO

Cả LOT và HOT đều được coi là “tư duy”, nhưng “tư duy” thực sự chỉ xảy ra khi cần áp dụng các kỹ năng HOT như Phân tích, Đánh giá hay Sáng tạo. Kỹ năng bậc thấp chỉ được dùng làm nền cho kỹ năng tư duy bậc cao. Áp dụng các kỹ năng bậc thấp thì rất đơn giản, giống như phản xạ tự nhiên, và cho ra kết quả như nhau. Chính vì kết quả được biết trước, nên các kỹ năng bậc thấp có thể được đánh giá, cho điểm một cách dễ dàng (ví dụ cô giáo đánh giá học sinh có thuộc bài thơ hay k0). Ngược lại, các sản phẩm (kết quả) có được khi học sinh áp dụng các kỹ năng tư duy bậc cao rất đa dạng và khó đánh giá hơn nhiều, đòi hỏi thầy cô giáo phải có năng lực cao hơn (chính là năng lực Đánh giá trong thang Bloom). Có lẽ đó cũng là một nguyên nhân cản trở việc dạy HOT ở trường.

Học sinh có kỹ năng HOT nghĩa là có khả năng tư duy độc lập (critical thinking) bao gồm suy luận, ra quyết định, giải quyết vấn đề, thuyết phục người khác, v.v. Lướt qua “cộng đồng mạng” Việt Nam, ta có thể thấy đây chính là những kỹ năng thiếu vắng nhất: rất nhiều người k0 phân biệt được thông tin nào liên quan thông tin nào không, nhìn được nhiều mặt của vấn đề, đánh giá mức độ tin cậy của nguồn tin, phát hiện các giả định (assumption) được dùng trong suy luận, phát hiện định kiến hoặc lỗi logic.

Tại sao lại có hiện tượng đó? Tại sao số người có khả năng tư duy độc lập lại k0 nhiều? Ngẫm từ bản thân, tôi cho rằng một nguyên nhân quan trọng là chúng ta k0 được rèn luyện HOT ở trong trường. Các môn xã hội cho phép rèn luyện HOT như Lịch sử, Văn học thì thay vì phản biện, tìm luận chứng, đặt giả thiết lại bắt trẻ con làm theo mẫu, học thuộc lòng – mọi phát kiến, kết quả trái ngược với “chân lý” cho trước đều bị vùi dập k0 thương tiếc. Các môn tự nhiên thì thay vì tự quan sát hiện tượng để phát hiện định luật, công thức thì được yêu cầu học thuộc lòng công thức rồi máy móc áp dụng.

Vậy trẻ con sẽ thu lượm được gì khi học lập trình? Có phải tất cả chúng sẽ trở thành lập trình viên trong tương lai? Có, nếu chúng lựa chọn. Còn nếu k0, thì chúng họ được khả năng tư duy trình tự (procedural), biết cách phân tích bài toán, phát hiện kiểu hình (pattern), đánh giá các phương án giải quyết, và sáng tạo ra được sản phẩm của mình, k0 giống với bất kỳ ai. Tất cả những kỹ năng HOT đó sẽ giúp bọn trẻ trong mọi hoạt động học tập và làm việc sau này.

Đó là HOT – kỹ năng tối quan trọng của thế kỷ 21, và cũng là mục tiêu của CLB lập trình viên nhí (YPC).