Ruben David Gonzalez Gallego. “Trắng trên Đen”
Dịch từ nguyên bản tiếng Nga: Phương Hoài, 8-2004
Sách được Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp với NXB Hội Nhà Văn xuất bản năm 2004 với tựa “Những dải trắng trên nền đen”.
Con chó
Nó tự đến. Bước qua cổng, khó nhọc nhẩy lên ghế dài. Nó nằm, ngoe nguẩy cái đuôi. Trời tối. Gần đêm rồi. Một thanh niên ra sân hút thuốc, phát hiện ra nó. Anh ta đã là người lớn, học lớp cuối. Anh cất thuốc, nhanh chóng lấy nước đựng trong ống bơ rỗng mang tới.
“Có chó”, thông tin cứ im lặng lan truyền một cách vô hình. Trật tự quy định bị phá vỡ, bọn trẻ vội đổ ra sân. Xúm đông quanh ghế dài. Ai cũng muốn được vuốt ve, được ngắm con chó.
Các quy định về vệ sinh phòng bệnh không cho phép nuôi chó trong cô nhi viện. Chó mang vi trùng, chó hay có sán. Đôi khi có một con chó hoang chạy đến chỗ chúng tôi, vào phòng ăn. Bọn trẻ lén cho nó ăn, người lớn dùng gậy đuổi đi. Thế là bình thường, thế là đúng mực. Sáng hôm sau đã không còn con chó nào trong cô nhi viện. Buổi tối một chiếc xe đã tới, người ta bắt chó đi. Họ nói với chúng tôi rằng chó dùng làm xà phòng. Sáng sớm, bọn con gái đến lớp với những đôi mắt đỏ hoe. Bọn con trai không khóc. Chỉ có các học sinh lớp cuối là hút thuốc, hầu như không thèm giấu diếm. Các anh ấy hút trước mặt thầy cô, cố tình kiếm chuyện. Người lớn cố gắng không phản ứng gì, người lớn tin chắc rằng cần phải cho bọn trẻ thời gian, chúng sẽ quên. Những người lớn thông minh.
Hầu như tất cả đều ra sân. Chúng đứng ngồi câm lặng.
Cô y tá luống tuổi bước ra khỏi phòng y tế. Cô tới gần, liếc vội con chó.
– Đuổi con chó đi ngay, các cháu rửa tay bằng xà phòng và đi ngủ. Ngay lập tức. Chuyện gì xảy ra ở đây thế này?
Cậu bé chống nạng, vẫn chưa tới tuổi đi học. Người Digan. Nó lao tới chiếc ghế dài, đứng chắn trước mặt người phụ nữ.
– Không được đuổi nó, nó đáng yêu. Nó tự đến với bọn cháu.
Cô y tá nhìn thằng bé khoan dung. Với cô, chuyện như vậy chẳng phải lần đầu. Cô đã quen rồi. Cô hiểu hơn, cô biết bọn trẻ cần gì.
– Đi ngủ đi bé con. Ai trực nhật nhỉ? Ai chịu tránh nhiệm về chuyện đi ngủ?
Trực nhật không có mặt. Đứa trực nhật đã tiên liệu trước và đi vệ sinh. Đứa trực nhật ngồi trong nhà vệ sinh, hút thuốc và chờ đợi.
Thằng bé vẫn đứng, vững chãi. Đôi tay trên nạng, chân đứng trên mặt đất. Nó không sợ người lớn, sau lưng nó là cô nhi viện, toàn bộ cô nhi viện. Lúc này mọi người đều đứng về phía nó.
– Không được đuổi nó, nó không có chân!
Cô y tá ngồi xuống trước mặt thằng bé.
– Không phải chân mà là cẳng. Cháu hiểu không? Của chó là cẳng, người mới có chân.
Bỗng cô ngừng lời. Rùng mình một cái, đứng dậy, sửa lại áo choàng trắng. Khuôn mặt bình thản, tập trung. Không hề có bóng dáng của sự do dự. Một khuôn mặt tự tin vào lẽ phải của mình của một người phụ nữ không còn trẻ.
Cô nhanh chóng bỏ đi rồi nhanh chóng quay lại. Mở va li dụng cụ ra.
– Giữ lấy nó.
Các thanh niên giữ con chó, cô y tá cạo những cục lông bẩn thỉu bên hông nó. Đổ iôt lên những vết thương há hoác. Con chó giẫy lên, các chàng trai giữ chặt nó còn cô y tá bình tĩnh và khéo léo thực hiện công việc của mình. Cô dùng mũi dao nhọn cắt cái chân đang lủng lẳng trên miếng da. Băng bó lại.
– Đốt đám lông đi. Ngày mai sẽ gọi bác sĩ thú y và tiêm các mũi tiêm phòng cần thiết. Cẳng nó phải thay băng hàng ngày, cô sẽ đưa băng. Nếu cô phát hiện có chuyện gì không ổn thì con chó sẽ không được ở đây. Tất cả hiểu chưa?
Cô thu dọn dụng cụ và đi về phòng y tế. Cô nhìn cô giáo dưỡng trẻ một cách nghiêm khắc.
– Tất cả rửa tay ngay lập tức và đi ngủ! Đi ngủ thôi.
Ngủ thì ngủ. Tất cả giải tán. Chỉ có cậu bé Digan vẫn ngồi bên con chó. Nó vuốt ve đầu con chó và không muốn rời. Con chó uể oải nhấc đuôi, bình thản nhìn những lát giò nằm trước mặt.
Cô giáo dưỡng bước ra sân, ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh.
– Đi ngủ đi cháu. Muộn rồi.
Cậu bé im lặng.
Cô giáo dưỡng trẻ măng, mới tốt nghiệp trung cấp. Chả có kinh nghiệm sư phạm gì. Cô nhích lại gần, giơ tay định vuốt tóc cậu bé, nó lùi lại, cô vuốt ve con chó.
– Đi đi cháu, đi ngủ đi. Con chó của cháu sẽ không biến mất được đâu. Cô đã gọi điện cho hiệu trưởng, ông ấy nói rằng sẽ xem xét thái độ cư xử của các cháu và quyết dịnh sẽ phải làm gì với con chó. Người ta không đem nó đi đâu. ít ra là hôm nay.
Con chó dần có da thịt. Ai cũng muốn cho nó ăn. Các cậu con trai giấu trong túi những mẩu bánh mì của bữa sáng. Bọn con gái mang đến cho nó bánh xèo họ làm trong giờ học nấu ăn. Những thanh niên có vẻ ngoài nghiêm nghị và nhăn nhó học các lớp cuối mang đến cho nó thức nhắm còn thừa sau những cuộc rượu. Bà đầu bếp lúc đầu còn dấu diếm, sau công khai nuôi nó bằng đồ thừa trong bếp.
Qua mùa đông con chó đã có một bộ lông màu hung rất đẹp. Nó cũng được đặt tên như vậy – Lông Hung. Bọn con gái chải lông cho nó khoảng hai mươi lần mỗi ngày, thắt cả bím. Nó chịu đựng hết. Nó yêu các cô bé hơn các cậu bé.
Các cậu bé thì chơi với nó. Họ đọc sách dạy động vật. Con chó nhảy qua vòng, giơ lần lượt chân phải rồi chân trái. Nó biết các hiệu lệnh: “yên lặng”, “ngồi”, “nằm”. Nó thích nhất là hiệu lệnh “nhặt”. Nó có thể đi nhặt bóng ném suốt hàng giờ liền. Những ai ngồi xe lăn được nó đưa bóng vào tận tay. Nó chơi với tất cả, nó đến với tất cả. Những ai không thể ném bóng nó tới tựa đầu vào gối. Một con chó thông minh. Nó hiểu hết, biết hết. Nó chỉ không thể đi bằng chân sau. Nhưng nó cũng đâu cần phải nhẩy múa để kiếm miếng ăn, không phải xun xoe trước con người. Người ta vẫn cho nó ăn.
Hiệu trưởng cô nhi viện, một thầy hiệu trưởng nghiêm khắc với chiếc cặp đen, một lần khi tới chỗ làm, đã cúi xuống vuốt bộ lông hung của nó. Ông hỏi nghiêm túc:
– Cuộc sống thế nào? Có phàn nàn gì không? Giấy tờ đều ổn cả chứ?
Giấy chứng nhận phòng dịch của nó đều ổn cả. Mọi thứ của nó đều ổn. Nó nhẩy bằng ba chân, vui vẻ sủa với những người lạ. Nó nhận ra người mình ngay. Cả những người chưa có trong dach sách của trường, cả những người đã từ lâu không học nữa. Nó phân biệt người mình với người lạ một cách không nhầm lẫn.
Đôi khi cũng có chó lạ đến chỗ chúng tôi. Bây giờ không chỉ có người lớn dùng gậy đuổi chó lạ. Những con chó lạ không được phép xuất hiện trong cô nhi viện. Những con chó lạ có sán và bọ chét. Những con chó lạ bị bắn bằng súng cao su. Mùa xuân có một người lạ tới. Ông ta nói là chủ cũ. Mọi người không tin. Ông ta bước vào, giơ tay vuốt ve Lông Hung. Giờ thì họ tin. Con chó hiền lành nhảy ngay xuống đất, tiềng sủa giận dữ dần chuyển thành những tiếng tru. Nó thu mình sát đất mà hú, rồi chồm lên, cụp đuôi chạy vào buồng đốt lò.
Ngay ngày đầu tiên con chó sống trong cô nhi viện, trong giờ lao động bọn trẻ làm cho nó một ngôi nhà nhỏ. Ngôi nhà cho chó được xây theo thiết kế đặc biệt. Tường đôi, sàn ấm bằng ván. Các cô bé trải sàn bằng chăn cũ. Có ai đó mang đến một cái gối. Một cái gối riêng, không có dấu của cô nhi viện. Các cậu bé mang tới ngôi nhà chó những đồ dùng ấm áp, những thứ đồ chơi yêu thích. Các cô gái lớp lớn thường xuyên phát những thứ đó cho bọn trẻ nhỏ, mắng họ, giải thích rằng không được làm vậy, nhưng vô ích. Thỉnh thoảng vẫn có ai đó mang những món quà thân tình của con người tới ngôi nhà chó. Con chó ngủ trong ngôi nhà đó, nó thích ngôi nhà. Mùa đông, những khi trời quá lạnh, con chó ngủ trong buồng đốt lò. Người đàn ông đốt lò rất tốt bụng, đã từng học ở trường chúng tôi. Ông ấy có tay và chân. Một người đàn ông khoẻ mạnh và đẹp trai. Chỉ có điều không được thông minh cho lắm. Gần như bị câm. Mười năm học trong trường ông vẫn không biết đọc, biết viết. Một người như vậy cần cho ai trong cái thế giới xa lạ, lạnh lẽo bên ngoài cổng trường cô nhi viện? Những khi buồn, ông mua vodka. Vodka và kem. Vodka ông uống một mình, còn kem ông chia cho chó. Ông thường ngồi say xỉn bên lò. Lắp bắp điều gì đó tối quan trọng, con chó ăn hết que kem này đến que kem khác. Họ thật thoải mái khi ở bên nhau. Người ta không mắng ông vì vodka. Ai cũng biết rằng dù cho ông có uống bao nhiêu đi chăng nữa thì lò vẫn sẽ không ngừng làm việc. Thậm chí khi đã say mềm, ông vẫn cố gắng cho than vào lò. Một người thợ đốt lò tốt.
Người lạ vung tay, cố gắng chứng minh và đòi hỏi. Người lớn chẳng hề để ý tới những lý do của ông ta, người lớn doạ sẽ gọi cảnh sát. Ông ta bước ra ngoài cổng, đứng chờ đợi.
Cậu bé mắt đen, đầu húi trọc, thằng bé Digan lanh lẹn. Nó thoăn thoắt chống nạng, kéo theo chiếc giầy duy nhất đã mòn vẹt. Nó lò cò tới gần, chăm chú nhìn người lạ, giật tay áo ông ta.
– Bác ơi, bác, bác mua dao đi.
Nó giũ từ tay áo ra lòng bàn tay một con dao nhíp cán khắc bóng nhoáng. Nó giơ tay lên – không có con dao nào hết. Hạ tay xuống – con dao lại nằm gọn trong lòng tay đang chìa ra. Một trò ảo thuật đơn giản.
– Đưa đây. Còn quá sớm để mày chơi những thứ đồ chơi này.
– Được thôi. Trả tiền cho cháu. Đây là con dao của cháu.
Cậu bé ném con dao qua vai, chìa đôi tay không. Nó vớ lấy đôi nạng sẵn sàng bỏ chạy.
– Hượm đã. Hãy gọi một đứa lớp lớn lại đây.
Một thanh niên lớp trên bước ra. Sắp tốt nghiệp. Một chàng trai cao, mái tóc hung bất trị xoà xuống mắt, tóc phủ kín tai. Một tay áo dắt gọn vào thắt lưng.
Bọn họ ngồi xuống ghế bên cạnh cổng cô nhi viện. Chàng trai lôi trong túi ra bao thuốc, búng ra một điếu, ngậm vào mồm. Cất bao thuốc vào túi. Lấy bao diêm. Ngón tay út giữ bao diêm trong lòng tay, ngón trỏ và ngón cái khéo léo lấy một que diêm trong hộp, quẹt và châm thuốc. Tất cả diễn ra rất nhanh, chớp nhoáng.
– Ông bác, ông cần gì?
– Trả tao con chó. Tao hiểu rồi, tao không phải con nít. Nó đã béo phì khi sống chỗ chúng mày, bộ lông đã tốt. Tao sẽ trả một chai vodka.
Chàng trai rít thuốc không trả lời.
– Thôi được, tao không phải người keo kiệt. Hai chai. Hai chai vodka.
– Chó của ông à?
– Của tao.
– Chúng ta hãy kiểm tra. Nó sinh ra đã cụt chân hay là sau này? Ông liệu đấy, tôi rành chuyện này lắm.
– Sau này.
– Tại sao tự dưng ông lại cần đến nó?
– Tao sẽ làm mũ. Chúng mày đã nuôi nó rất tốt. Sẽ được một cái mũ tốt.
– Rõ rồi. Được thôi, ông hãy đem vodka đến rồi mang con chó đi.
– “Mang đi” là thế nào? Mày xích nó lại mang ra cho tao.
– Ông có đem theo xích không?
– Tất nhiên.
Chàng trai hút xong điếu thuốc, dùng mắt ước lượng người đàn ông. Một thằng cha không cao, thấp hơn anh một cái đầu.
– Này, ông bác, mua dao đi.
– Cả lũ chúng mày điên à? Đã có một đứa mời tao. Một thằng oắt con.
– Ông nói đúng đấy, nó là thằng oắt con, và dao của nó cũng là đồ vứt đi. Ông mua của tôi đây này.
Chàng thanh niên giơ tay đưa con dao lên mặt người đàn ông, bấm nút. Lưỡi dao thò ra, mảnh và dài. Bằng một động tác gần như không thể theo dõi bằng mắt thường, bàn tay điêu luyện gập con dao lại. Bấm nút lần nữa. Lại gấp lại, đút vào túi.
– Hay ông cần quả đấm sắt không? Ông hãy tới cổng lúc trời tối. Đừng ngại. Tôi làm những quả đấm sắt rất tuyệt. Tôi không tính đắt đâu.
– Tao cần con chó.
– Tuỳ ông thôi.
Chàng trai đứng lên đi về phía cổng. Dừng lại một phút, ngoác miệng cười, rạng rỡ vì hạnh phúc. Như thể chợt nhớ ra điều gì đó thân thương và tươi sáng.
– Này ông, hay đi ngay bây giờ, ông bắt nó luôn. Chẳng phải mất gì hết.
Người đàn ông tươi tỉnh.
– Xong ngay.
– Mà này, ông phải cẩn thận đấy. Nó giờ đang ở trong buồng đốt lò. Ông đốt lò đang say. Hình như hôm qua ông ta tha về nguyên một thùng vodka. Thợ đốt lò chỗ chúng tôi là một gã lực lưỡng, một tay nắm giảm xóc ô tô nhấc bổng, không cần kích. Mỗi tội đầu óc ông ta có vấn đề. Ông ta nặng tai. Nhưng ông cứ nói chậm chậm thôi, ông ta sẽ hiểu đấy. Mà ông biết không, ông cần phải đi thẳng vào vấn đề, nói ngay tới chuyện cái mũ. Về mũ thì ông ta sẽ hiểu đấy.
Cuối cùng thì người đàn ông cũng hiểu ra là bọn chúng đang chơi ông. Ông ta khẽ chửi tục rồi bỏ đi. Bọn sống trong cô nhi viện là một lũ mọi rợ, độc ác.
Một khi nào đó. Một khi nào đó tôi sẽ mua cho mình một con chó. Một con Labrador thuần chủng, một con chó đắt tiền. Nó sẽ mở cửa cho tôi, sẽ tìm đồ vật bị thất lạc. Sẽ có lúc tôi quên được chú chó cô nhi viện. Một con chó ngoan, lông hung, cụt một chân.
Đôi tay
Tôi không có tay. Thứ mà tôi buộc phải sử dụng, cố gắng lắm mới có thể coi là tay. Tôi đã quen. Tôi có thể nhấn bàn phím máy tính bằng ngón trỏ tay trái, có thể đặt thìa vào tay phải và ăn một cách bình thường.
Không có tay cũng có thể sống được. Tôi biết một thanh niên không tay đã xoay xoả tương đối ổn trong hoàn cảnh của mình. Anh ta làm mọi việc bằng chân. ăn bằng chân, chải đầu, mặc và cởi quần áo bằng chân. Cạo râu bằng chân, thậm chí còn học được cả khâu cúc bằng chân. Anh ta còn tự xâu kim. Hàng ngày anh rèn luyện cái thân hình như của một thằng bé con của mình – “luyện tập”. Trong các cuộc ẩu đả của cô nhi viện, anh có thể dễ dàng dùng chân đá vào bẹn hay hàm đối phương. Khi uống vodka, anh dùng răng giữ cốc. Một cư dân cô nhi viên bình thường.
Sống không có tay sẽ không đến nỗi quá khó nếu như bạn có đủ những bộ phận khác. Những bộ phận khác – thân thể của tôi – phát triển còn tồi tệ hơn cả tay. Có thể cho rằng quan trọng nhất với một con người là cái đầu. Mà cũng có thể không cho là như vậy. Rõ ràng đầu mà không có tay thì không thể tồn tại. Không quan trọng đó là tay của mình hay tay người khác.
Sergey có tay. Đôi tay hoàn toàn bình thường và khoẻ mạnh. Phía trên thắt lưng, cậu ấy bình thường. Tay, vai, đầu. Một cái đầu sáng. Sergey Mikhailov. Seregia.
Ở trường cậu là một trong những học sinh xuất sắc nhất. Điều đó với cậu còn quá ít. Cậu thường xuyên đọc những tạp chí khoa học thường thức, tham gia vào các cuộc thi ngoại khoá dành cho học sinh, giải các bài toán in trong tạp chí và gửi đi. Cậu nhận được mấy cái bằng khen liền.
Dưới thắt lưng, hai chân cong queo của cậu luôn trong tư thế hoa sen. Dưới thắt lưng cậu bị mất cảm giác, mất cảm giác hoàn toàn, do vậy luôn phải đeo bình đựng nước tiểu. Khi nước tiểu bị rớt ra, cậu tự thay quần cho mình. Cậu tự làm lấy mọi thứ. Anh không phải gọi các bà bảo mẫu, không phải hạ mình cầu xin giúp đỡ. Cậu còn giúp đỡ người khác, những người kém may mắn hơn anh. Cậu đút cho bạn, giúp bạn gội đầu, thay quần áo.
Cậu mồ côi cha mẹ. Không đi được. Sau khi tốt nghiệp, người ta đưa cậu đến nhà dưỡng lão.
Trong nhà dưỡng lão, cậu được xếp cùng phòng với hai ông già. Hai ông già đáng thương. Một từng là thợ đóng giày, cứ nấu keo dán giày trên bếp điện, một là kẻ sắp chết, hầu như chẳng còn biết gì nữa, nước tiểu nhỏ xuống từ giường ông ấy. Người ta không đưa quần áo cho Seregia thay. Họ giải thích rằng mười ngày cậu mới được thay quần một lần.
Ba tuần liền cậu nằm trong căn phòng đầy mùi phân và keo dán giầy. Ba tuần liền cậu tuyệt nhiên không ăn gì, cố gắng uống ở mức tối thiểu. Bị dính chặt với bình đựng nước tiểu, cậu không dám trần truồng bò ra ngoài phố để ngắm nhìn mặt trời lần cuối. Cậu chết sau đó ba tuần.
Một năm nữa người ta sẽ đưa tôi đến nhà dưỡng lão đó. Seregia có tay, tôi chẳng có tay.
Nhà dưỡng lão
Từ năm lên chín tôi đã sợ phải vào trại tâm thần hay nhà dưỡng lão.
Để không phải vào trại tâm thần không khó. Chỉ cần cư xử cho tốt, nghe lời người lớn và không được than vãn, không bao giờ được than vãn. Những ai than vãn về thức ăn không ngon hay tức giận trước hành vi của người lớn dần dần đều bị đưa vào trại tâm thần. Khi quay về, họ trở thành những người trầm lặng và ngoan ngoãn, còn buổi tối họ kể cho chúng tôi nghe những chuyện khủng khiếp về các y tá độc ác.
Tất cả những ai không đi được đều phải vào nhà dưỡng lão. Chẳng vì lý do nào hết, chỉ đơn giản vậy thôi. Chỉ những ai có thể học được một nghề mới tránh được nhà dưỡng lão. Sau khi tốt nghiệp, những học sinh thông minh vào đại học, những ai kém hơn vào trung cấp hay dậy nghề. Chỉ những học sinh nỗ lực và giỏi giang hơn cả mới vào được đại học. Tôi học giỏi nhất. Nhưng tôi không đi được.
Thỉnh thoảng, những đứa không biết đi được người thân đón về nhà sau khi tốt nghiệp. Tôi không có người thân.
***
Sau khi biết rằng, một ngày nào đó người ta sẽ đưa tôi đến nơi đáng sợ đó, sẽ đặt lên giường và để mặc cho chết vì thiếu thức ăn và không được chăm sóc, mọi thứ trong tôi đều thay đổi. Thầy cô và các cô giáo dưỡng không còn là những người lớn thông thái và uy lực nữa. Tôi rất hay lắng nghe các thầy giáo và thầm nghĩ có thể chính người này sẽ đưa mình đi bắt chết.
Người ta giảng cho tôi nghe về các định lý và các bất đẳng thức. Tôi tiếp thu bài học một cách máy móc.
Người ta kể cho tôi nghe về các đại văn hào, điều này chẳng thú vị gì.
Người ta kể cho tôi nghe về các trại tập trung của phát xít Đức – tôi bỗng bật khóc.
Khi có một bảo mẫu lại mắng nhiếc tôi, tôi biết ơn mà nghĩ rằng bà ta có lý, bà ta có quyền la mắng tôi bởi vì bà ta phải chăm sóc tôi. Nơi mà người ta sẽ đem tôi tới sẽ chẳng có ai mang bô đến cho tôi. Bà ta, người đàn bà nửa thất học ấy, là người tốt, tôi là người xấu xa. Xấu xa bởi vì tôi gọi các bảo mẫu quá nhiều, bởi vì tôi ăn quá nhiều. Tôi xấu xa bởi vì người sinh ra tôi là một con đĩ nhọ và đã bỏ tôi lại cho họ, những người tốt bụng và nhân từnhư vậy. Tôi xấu xa. Để trở thành người tốt, có cần gì nhiều đâu, chỉ chút xíu thôi. Hầu như ai cũng làm được, thậm chí cả những đứa ngu ngốc nhất. Cần phải đứng dậy và bước đi.
Các thầy giáo không hiểu tại sao lúc nào tôi cũng khóc. Tại sao tôi chẳng muốn nói chuyện với ai trong số họ, không muốn viết luận về đề tài “tự do”. Thậm chí những người thông minh nhất và tốt bụng nhất trong số họ, những người tuyệt vời nhất cũng từ chối nói với tôi về tương lai của tôi. Những chuyện khác tôi không quan tâm.
***
Năm đó, khi tôi học hết lớp tám, trong cô nhi viện của chúng tôi lớp chín và lớp mười bị giải tán. Những học sinh lớp trên được đưa đi tới các cô nhi viện khác, một số bị đưa đi trại tâm thần. Những thanh niên đầu óc bình thường bị đưa tới trại tâm thần. Họ không gặp may: điều này thường xảy ra với những người mắc chứng liệt não, họ có khuyết tật về phát âm. Uỷ ban tới kiểm tra đã không lôi thôi nhiều,, chuyển ngay họ tới trường nội trú đặc biệt dành cho những trẻ thiểu năng.
Tôi trở thành đứa trẻ vị thành niên duy nhất. Theo luật, tôi có quyền học hết lớp mười, nhưng mấy ai quan tâm đến luật. Tôi bị đưa đến nhà dưỡng lão.
Xe ô tô của cô nhi viện nhảy chồm chồm trên con đường mấp mô. Đích thân thầy hiệu trưởng cô nhi viện chở tôi tới nhà dưỡng lão. Ông cười ngoác miệng khoe những chiếc răng vàng, hút thuốc “Kosmos” – ông chỉ hút mỗi “Kosmos”. Hút thuốc và nhìn vào ô cửa trước mặt.
Người ta đưa tôi ra khỏi xe cùng với xe lăn. Dù sao tôi cũng là một kẻ tàn tật được ưu tiên. Học sinh đã tốt nghiệp cô nhi viện không được phép có xe lăn. Người ta đưa họ tới nhà dưỡng lão không có xe lăn, đặt lên giường và bỏ mặc ở đó. Theo luật, nhà dưỡng lão trong thời hạn một năm phải cung cấp xe lăn cho họ, đó là theo luật. Trong nhà dưỡng lão nơi tôi được đưa đến chỉ có một cái xe lăn. Một cho tất cả. Những ai còn có thể lết từ giường lên xe lăn “dạo chơi” trên xe lăn theo thứ tự. “Cuộc dạo chơi” chỉ giới hạn đến bậu cửa nhà dưỡng lão.
Mùa thu. Tháng chín. Trời vẫn chưa lạnh. Những ngôi nhà gỗ thấp tè xây từ trước cách mạng. Không có cổng. Trong sân mọc ngập cây ngưu bàng, những con người kì dị mặc những bộ zipun và mũ có vành che tai đang đi lại.
Có tiếng hát đồng ca. Những bà già thường xuyên hát đồng ca. Không thấy bóng các bà lão, bọn họ ở cả trong nhà. Bài hát vọng ra từ sâu bên trong.
Ôi, Kalina nở hoa
Trên đồng bên con suối.
Chàng trai trẻ
Tôi yêu…
Không bao giờ. Cả trước đó và sau này, không bao giờ tôi còn được nghe tiếng hát than vãn tuyệt vọng đến như vậy nữa. Khi đi trong xe tôi hồi hộp. Sau khi nghe tiếng hát đồng ca, sự hồi hộp chuyển thành dửng dưng. Tôi chẳng thiết gì nữa.
Người ta đẩy chiếc xe lăn của tôi vào bên trong. Hành lang tối om bốc mùi ẩm ướt và mang hơi hớm của chuột. Họ đẩy tôi vào một căn phòng, bỏ đó và đi mất.
Một căn phòng không lớn. Tường loang lổ. Hai chiếc giường sắt và một cái bàn gỗ.
Một lúc sau thầy hiệu trưởng cô nhi viện và một lãnh đạo nhà dưỡng lão bước vào phòng cùng với bà bảo mẫu. Bà bảo mẫu tôi đoán ra nhờ màu áo xanh.
Bà bảo mẫu lại gần tôi. Chăm chú xem xét.
– Ôi, trẻ quá! Cái gì thế này? Chuyển tới cả những đứa như thế này ư? Cái gì thế này? Mất hết cả lương tâm!
Bà ta bỏ đi.
Thầy hiệu trưởng cô nhi viện căng thẳng rít thuốc, khẩn trương tiếp tục câu chuyện bị gián đoạn.
– Dù sao anh cũng sẽ nhận chứ? Nhờ anh đấy.
– Anh đừng có nài. Anh hãy hiểu cho tôi. Giờ nó mười sáu tuổi. Phải vậy không?
– Mười lăm, – tôi chỉnh lại một cách vô thức.
– Mười lăm, – Người đàn ông gật đầu. – ở chỗ tôi, nó sẽ chết sau một tháng, nhiều nhất là sau hai tháng. Tôi chỉ có quyền chôn những người không dưới mười tám tuổi. Đây là nhà dưỡng lão, anh hiểu chứ? Tôi sẽ nuôi nó ở đâu trong hai năm trời? Tủ lạnh thì hỏng hết cả rồi. Hỏng hết, anh hiểu không? Xin anh hãy nhớ, hãy nhớ lại anh đã trả lời tôi thế nào khi tôi nhờ anh giúp mấy cái tủ lạnh? Anh nhớ chứ? Và đừng có nài. Anh hãy đưa cậu ta tới trường nội trú dành cho trẻ thiểu năng, họ có quyền chôn cả trẻ sơ sinh.
– Anh đừng quyết định vội, chúng ta nói chuyện đã. Tôi phải gọi điện.
Họ bỏ đi.
Tôi ngồi một mình. Trời chập choạng. Có con mèo chạy trong hành lang.
Bỗng căn phòng ngập ngụa một mùi kỳ lạ và rất khó chịu. Mỗi lúc một thối hơn. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Bà bảo mẫu bước vào, mang theo cái khay. Đặt khay xuống sàn, bật đèn. Tôi có vinh dự được nhìn thấy căn nguyên của thứ mùi lạ. Đó là cháo đậu. Những cục màu xanh nhớp nhoét, có vẻ ngoài tương xứng với mùi. Ngoài cháo, trên khay còn có một đĩa súp và một mẩu bánh mì. Không có thìa.
Bà bảo mẫu nhìn xuống khay, nhận thấy không có thìa. Đi ra. Mang thìa đến. Thìa dính đầy cháo đậu đã khô. Bà bảo mẫu bẻ một mẩu bánh mì của tôi và cẩu thả dùng nó lau cái thìa. Ném cái thìa vào đĩa súp.
Bà tiến lại gần tôi. Chăm chú nhìn.
– Không được. Không qua được mùa đông. Chắc chắn vậy.
– Cô ơi, – tôi nói. – Tại sao ở đây lại tối và cửa sổ gió lùa vậy cô?
– Đây là phòng cách li, một căn phòng tốt, và cũng gần lò sưởi hơn. Nhưng người ta sẽ xếp cậu vào phòng chung dành cho người liệt. Chỗ đó mới gọi là gió lùa. Tao đã nói là mày không sống được qua mùa đông mà. Trại này quá cũ rồi.
– Chỗ các cô có nhiều mèo không?
– Chỗ chúng tao chẳng có con mèo nào hết.
– Nhưng cháu nhìn thấy một con mèo chạy trong hành lang.
– Đó không phải là mèo, đó là chuột.
– Chuột ư? Vào ban ngày?
– Thì sao? Cả ngày lẫn đêm. Ngày thì còn đỡ, chứ đêm, khi chúng chạy trong hành lang, bọn tao ngồi trong phòng đóng chặt cửa lại và không dám ra ngoài. Mà bọn chúng dữ lắm, mới đây chúng ăn ngoéo tai của một bà già bị liệt. Mày ăn đi, nguội rồi.
Bà ta đi ra.
Tôi kéo khay lại gần, ăn súp một cách vô thức. Cứt. Súp – như cứt. Cháo – như cứt. Cuộc sống – như cứt.
Tôi ngồi. Suy nghĩ. Bỗng thầy hiệu trưởng chạy vụt vào phòng. Phấn khởi xoa tay.
– Galiego, người ta không để em lại đây và cũng chẳng cần thiết. Chúng ta quay về, về cô nhi viện. Em muốn về cô nhi viện không?
– Có.
– Vậy là phải.
Thầy nhìn những đĩa thức ăn.
– Em vẫn còn kịp bữa chiều. Chúng ta cũng không đưa em tới trường nội trú tâm thần. Hiểu không? – Và thầy chậm rãi nhắc lại: – Ga-lie-go?
– Gonzalez Gallego, – tôi đính chính lại.
– Sao cơ? Em biết nhiều đấy. Thầy nói Galiego, tức là Galiego.
Chúng tôi đi về cô nhi viện. Vẫn kịp bữa tối.
– Nào, cậu hãy kể xem ở đó thế nào? – một chàng trai trên xe lăn hỏi tôi lúc ăn tối.
– Đêm, – tôi trả lời. – Đêm tớ sẽ kể.
Ngôn ngữ
Khu nội trú. Nhà dưỡng lão. Nơi ẩn náu, chốn nương thân cuối cùng của tôi. Kết thúc. Ngõ cụt. Tôi ghi vào vở những động từ tiếng Anh bất quy tắc. Trong hành lang người ta đẩy cáng chở người chết. Các ông già, bà già bàn tán thực đơn ngày mai. Tôi ghi vào vở những động từ tiếng Anh bất quy tắc. Những bạn đồng niên tật nguyền của tôi tổ chức họp đoàn. Giám đốc khu nội trú đọc lời chào mừng trong hội trường nhân kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Tôi ghi vào vở những động từ tiếng Anh bất quy tắc. Ông già, một cựu tù, trong một cuộc rượu đã dùng gậy đánh gẫy cổ người hàng xóm trong phòng. Bà già, một cựu công nhân ưu tú, treo cổ trên thành tủ. Một người phụ nữ ngồi xe lăn đã uống một vốc thuốc ngủ để giã từ mãi mãi cái thế giới đúng đắn này. Tôi ghi vào vở những động từ tiếng Anh bất quy tắc.
Tất cả đều đúng đắn. Tôi không phải là người. Tôi không đáng được hưởng hơn, tôi không trở thành anh thợ lái máy cày hay nhà khoa học. Người ta cho tôi ăn vì thương hại. Tất cả đều đúng đắn. Phải như thế. Đúng đắn, đúng đắn, đúng đắn.
Chỉ có những động từ là không đúng đắn. Chúng ngoan cố nằm trong vở, xuyên qua tiếng đài rè lạo xạo. Tôi lắng nghe những động từ bất quy tắc của tiếng Anh. Đọc chúng là một phát thanh viên không đúng đắn của một nước Mỹ không đúng đắn. Một con người không đúng đắn trong một thế giới đúng đắn đến trong suốt, tôi bền bỉ học tiếng Anh. Tôi học chỉ để không phát điên, để không trở thành người đúng đắn.
Cây gậy
Nhà dưỡng lão. Một nơi khủng khiếp. Con người ta trở nên nhẫn tâm vì bất lực và tuyệt vọng, tâm hồn họ bị bao bọc bởi một lớp áo giáp không thể xuyên thủng. Chẳng điều gì có thể khiến họ ngạc nhiên. Một cuộc sống bình thường trong một nhà dưỡng lão bình thường.
Bốn bà phục vụ đẩy chiếc xe cút kít chở ga giường. Ông già ngồi trong xe gào lạc cả giọng. Ông đã sai. Lỗi là tại ông. Trước đó ông bị gẫy chân và bà phụ trách đã ra lệnh chuyển ông lên tầng ba. Tầng ba đối với một người bị gẫy chân là án tử hình.
Những bạn rượu và người quen đều ở lại tầng hai. ở tầng hai thức ăn được phát thường xuyên và các bà phục vụ còn đi đổ bô. Những người bạn đi lại được có thể nhờ bác sĩ hay bà phục vụ mua bánh hộ trong cửa hàng. ở tầng hai bảo đảm ông có thể sống sót với đôi tay lành lặn, cố gắng trụ cho đến khi chân lành, cho đến khi lại được tính là người đi được, được giữ lại trong danh sách những người sống.
Ông già hét lên hăm doạ về những chiến công ngoài mặt trận của mình, giải thích về thâm niên thợ mỏ bốn mươi năm. Nghiêm khắc đe doạ sẽ kiện lên lãnh đạo cao hơn. Đôi tay run rẩy chìa vốc huân, huy chương về phía các bà phục vụ. Dở hơi! Ai thèm cái đồ vớ vẩn ấy của ông ta!
Chiếc cút kít thẳng tiến về phía thang máy. Các bà phục vụ chẳng đếm xỉa đến những lời của ông, cứ làm công việc của mình. Tiếng kêu của ông già bé dần. Ông thôi không đe doạ nữa. Chỉ còn van nài, tuyệt vọng níu kéo cái cuộc sống chẳng còn cần cho ai. Ông cầu xin đừng đưa ông lên tầng ba vào ngày hôm nay, hãy đợi thêm vài ngày nữa. “Chân sẽ lành mau thôi, tôi sẽ đi được” – Người cựu thợ mỏ đã uổng công cố gắng hòng khiến các bà phục vụ mủi lòng. Rồi ông ta khóc. Một giây, chỉ một giây thôi ông chợt nhớ mình đã từng là một con người. Ông nhoài người khỏi xe cút kít, bám chặt cứng vào cánh cửa thang máy. Nhưng đôi tay già yếu làm gì được với sức mạnh của bốn bà phục vụ lực lưỡng? Và ông già khóc lóc, rên rỉ bị đẩy vào thang máy. Vậy là xong. Đã có một con người, và không còn nữa.
***
Người ta lọt vào sống thường xuyên ở trại chúng tôi theo những cách khác nhau. Có người được người thân mang tới, có người tự đến vì quá mệt mỏi với gánh nặng của cuộc sống tự do. Nhưng cảm thấy tự tin và nhẹ nhàng hơn cả trong nhà dưỡng lão là những cựu tù nhân. Những người đã ngồi tù, những con sói già, ở ngoài tự do đã không kiếm nổi cho mình nhà cửa, gia đình, rơi vào chỗ chúng tôi ngay sau khi mãn hạn tù.
Tiếng ồn ào, la lối từ sáng sớm. Các bà phục vụ la hét chửi mắng tục tĩu một ông già khô quắt hay đi lại. Họ la lối uổng công. Thực ra ông ấy chẳng hề muốn thêm việc cho họ.
Tất cả vẫn như mọi khi. Họ chơi bài với nhau trong phòng, uống vodka. Quân bài không đồng chất hay người cùng phòng định ăn gian – không thể biết được, chỉ có điều ông già dùng gậy đập vào đầu người bạn rượu đến nỗi máu chảy từ cái đầu vỡ dây ra cả trong phòng, cả trong nhà vệ sinh nơi ông già đánh bài – nạn nhân chạy vào, cả hàng lang dẫn từ phòng đến nhà vệ sinh. Ông ấy không muốn làm dây bẩn sàn nhà, không hề muốn, chẳng may thành như thế.
Ông già ngay sau khi đến nhà dưỡng lão đã đổ đầy chì vào cây gậy nhôm thông thường, đi đâu cũng chống gậy. Thâm niên ba mươi năm ngồi tù đã dạy ông quan tâm đến sự an toàn cá nhân. Và cây gậy nặng tiện lợi cũng có ích khi ẩu đả. Ông ta yêu quý thứ vũ khí đó, ông ta thích thú khi có trong tay vật bảo đảm tuyệt đối cho sự bất khả xâm phạm của mình. Còn về việc cái sàn bị dây bẩn ông đã thành thực xin lỗi. Người ta tha thứ cho ông, nhưng để tránh tai hoạ họ vẫn chuyển ông ta tới một phòng riêng.
Như mọi khi, các bà phục vụ làm ầm lên từ sáng sớm. Cũng bình thường, chẳng có gì đáng sợ. Ông già cựu tù bị đột quỵ. Đột quỵ là chuyện nghiêm trọng. Ông già tỉnh dậy, phần bên phải người không chịu nghe theo sự điều khiển của bộ não tổn thương. Tay phải thẳng đơ, chân phải nặng chịch không nhúc nhích. Nụ cười nửa bên mặt và bản án đáng sợ – tầng ba. Bà phụ trách tất bật chạy, ra chỉ thị. Các bà phục vụ đã ăn sáng xong, đi thực hiện mệnh lệnh của lãnh đạo một cách vui vẻ, không vội vã. Chẳng đi đâu mà vội – ông già chẳng thể biến đi được.
Có điều người cựu tù không vội về thế giới bên kia. Ông ta vẫn chưa chán nhìn mặt trời, vẫn chưa uống hết tiêu chuẩn vodka. Ông ta rên khó nhọc, nắm lấy chiếc gậy bằng tay trái, nằm và đợi.
Các bà phục vụ đã tới. Họ ngạc nhiên nhìn ông già với cây gậy giơ cao.
Người cựu tù phủ đầu, không để bọn họ kịp phản ứng, nhìn những người mới bước vào và cất lời. Cái nhìn sắc nhọn ảo não của một con thú bị dồn bắt, cây gậy nặng không hề run rẩy trong tay con người cao tuổi.
– Sao hả? Đến lôi đi hả đồ chó? Nào, lại đây! Mày đầu tiên hả? Hay mày? Tao hứa, tao sẽ đánh bể đầu. Nếu không giết cũng làm cho tàn phế.
Ông ta tự tin nhìn thẳng vào họ. Ông hiểu rằng mình đang liều mạng. Ông, một người liệt, có thể làm gì được bốn phụ nữ thôn quê khoẻ mạnh? Nếu họ cùng xông tới, giằng lấy cây gậy. Nhưng chẳng ai muốn là người đầu tiên. Họ sợ bị thương, họ sợ cây gậy của ông ta. Tên cựu tù sẽ ra đòn, sẽ không nương tay.
Những người phụ nữ đồng loạt bước ra không do dự. Bà phụ trách chạy trong hành lang, la mắng, thuyết phục – vô ích. Họ khuyên bà ta nên là người đầu tiên xông vào cựu tù và tước gậy của ông ta.
Phẫn nỗ bất lực, bà phụ trách gọi cảnh sát khu vực.
Cảnh sát khu vực, một người đàn ông nghiêm túc, còn vài năm nữa là nghỉ hưu. Ông tới khi được gọi khẩn cấp – phong cách lính, súng lục trong bao da.
Ông bước vào phòng người cựu tù, nhìn kẻ vi phạm trật tự công cộng. Trên giường là một ông già gầy quắt và không hiểu sao lại cầm cây gậy trong tay.
– Ông vi phạm trật tự chung hả?
– Ông nói gì vậy, thưa ngài thủ trưởng, trật tự nào cơ? Ông không thấy tôi bị liệt sao?
Viên cảnh sát cúi xuống bên người bệnh, gạt tấm chăn đắp.
– Họ gọi bác sĩ chưa?
– Y tá có đến, có tiêm một mũi.
– Họ muốn gì ở tôi?
– Ông hãy lấy cây gậy của ông ta, còn lại chúng tôi tự giải quyết, – bà phụ trách xen vào câu chuyện.
– Bà kia, hãy lui ra cho, không được cản trở việc tiến hành nghiệp vụ điều tra, – viên cảnh sát lớn tiếng đe doạ bà ta. Ông đóng cửa lại, kéo ghế lại gần giường, ngồi xuống.
– Cớm trong trại cũng không độc ác như họ, – người cựu tù bắt đầu thanh minh. – Họ muốn chuyển tôi lên tầng ba, đó là chỗ dành cho người sắp chết.
– Vì sao?
– Ai mà biết được họ. Bọn đàn bà…
– Bọn đàn bà, – cảnh sát khu vực trầm ngâm nhắc lại. – tôi không hiểu họ.
Cả hai cùng im lặng.
Cảnh sát khu vực đứng lên, bước ra khỏi phòng.
– Các vị. Tôi đã tiến hành giáo dục người được bảo trợ của các vị, ông ta hứa sẽ sửa chữa và không vi phạm trật tự chung nữa. Còn nếu như ông ta có vi phạm gì nghiêm trọng, các vị cứ yên tâm, chúng tôi sẽ đến lập biên bản và bắt ông ta phải chịu trách nhiệm theo pháp luật một cách nghiêm khắc nhất.
Người cảnh sát khu vực sửa lại mũ, nhìn mấy bà cô mặc áo trắng một cách thiếu thân thiện và đi ra cửa.
Còn ông già đã dần hổi phục. Có thể là do những mũi tiêm của cô y tá tốt bụng, mà cũng có thể là khát vọng sống của một con thú đã kéo ông ta về từ thế giới bên kia, nhưng ông ta rồi cũng ngồi dậy được, rồi đứng được. Và cứ đi lại trong nhà dưỡng lão, kéo lê cái chân liệt, tay trái cầm chặt cây gậy. Một cây gậy tốt, nặng, một vật rất tuyệt, hiệu quả.