Ruben David Gonzalez Gallego. “Trắng trên Đen”
Dịch từ nguyên bản tiếng Nga: Phương Hoài, 8-2004
Sách được Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp với NXB Hội Nhà Văn xuất bản năm 2004 với tựa “Những dải trắng trên nền đen”.
Xe đạp
Giờ ngủ. Người lớn tắt điện và đi khỏi. Trẻ con phải ngủ. Thời gian tuyệt nhất trong ngày là mấy tiếng sau giờ ngủ. Vẫn chưa muốn ngủ. Tối om. Nếu không phải ngày lễ, chẳng có lí do gì để bật đèn. Ngày lễ thì lại là chuyện khác. Ngày lễ có thể mở đồ hộp để dành, uống rượu, không có rượu thì uống trà cũng được. Nếu không phải ngày lễ, mà lại chưa muốn ngủ, có thể nói chuyện. Ban đêm có thể nói bất cứ chuyện gì, sẽ không bị ai cười nhạo. Ban đêm có thể nhớ về gia đình, về bố mẹ. Ban dêm có thể được. Sẽ không bị nói là yếu đuối, là bám váy mẹ. Ban đêm sẽ không ai nói vậy.
Đêm đó họ nói về bố mẹ. Tôi im lặng. Bình thường khi không có chuyện gì để nói, mọi người đề nghị tôi kể điều gì đó thú vị trong những cuốn sách tôi đã đọc. Tôi vẫn thường kể cho họ nghe. Đêm đó tôi chẳng biết kể gì. Tôi chỉ lắng nghe.
Gần như thành thông lệ, mùa thu bọn trẻ thường tranh cãi xem bố mẹ ai tuyệt vời nhất. Rõ rồi, bố mẹ ai cũng tốt hết. Những bà mẹ tốt bụng nhất trên đời, những ông bố mạnh mẽ nhất trên đời. Không phải ai cũng có bố. Với những đứa có bố, bố chúng là nhất.
– Bố tớ rất tốt, – một chàng trai lên tiếng. – Tốt nhất.
– Cậu chẳng nói là ông ấy say rượu còn gì?
– Say rượu thì đã làm sao? Vẫn là tốt nhất. Mùa hè vừa rồi ông hàng xóm tặng con trai nhân ngày sinh nhật một chiếc xe đạp. Một chiếc xe đạp người lớn, hai bánh. Nó cho tất cả đi. Tất cả trẻ con trong khu lần lượt được đi chiếc xe đạp đó. Bố tớ không uống suốt ba ngày, suy nghĩ. Ông về nhà trong tâm trạng giận dữ. Mẹ mua bia cho bố, bia bố cũng không uống. Bố lấy của tớ một cuốn vở và cây bút, tính toán gì đó. Bố đi tới phòng kế toán, rồi tới công đoàn. Thứ bảy bố đi lên tỉnh, quay về hoàn toàn tỉnh táo. Bố mang về cho tớ một cái đài. Bố nói, đấy, ông hàng xóm chỉ có thể mua xe đạp cho con trai trong ngày sinh nhật, còn bố, khi nào muốn, bố có thể mua quà cho cả nhà. Hai tuần liền bố không uống. Bố xin làm ca đêm để được trả nhiều hơn. Chiếc đài to, đắt tiền, không ai có chiếc thứ hai như vậy. Trên thang chia có viết tên tất cả các thành phố trên thế giới. Có thể bắt được bất cứ thứ gì. Cả chương trình ca nhạc và chương trình dành cho thiếu nhi. Còn có một chương trình đọc sách cho người mù. Ngày nào tớ cũng nghe chương trình đó. Một cái đài rất tuyệt. Còn xe đạp của hàng xóm kiểu gì cũng sẽ chóng hỏng thôi. Bố tớ thật khôn ngoan, bố biết nên mua thứ gì. Đài thì phải tốt hơn xe đạp, đúng không?
Không ai muốn tranh cãi. Quá rõ ràng. Đài là một thứ nghiêm túc, còn xe đạp… Xe đạp là cái gì? Một khung sắt với hai cái bánh, không hơn.
Người chị Tây Ban Nha
Bệnh viện. Tôi nằm, bó bột đến thắt lưng. Tôi nằm ngửa, tôi nằm đã hơn một năm. Nhìn trần nhà. Hơn một năm tôi nhìn vào một chỗ trên trần nhà. Tôi hoàn toàn không muốn sống nữa. Tôi cố gắng ăn và uống ít hơn. Tôi rất cố gắng. Tôi cố gắng, bởi biết rằng càng ăn ít thì sẽ càng ít cần giúp đỡ hơn. Cầu xin người khác giúp đỡ là điều đáng sợ và khó chịu nhất trên đời.
Giờ khám bệnh. Bác sĩ đi các phòng trong sự hộ tống của những sinh viên trẻ. Bác sĩ lại giường tôi. Liếc nhìn bệnh án của tôi và đọc cái điều mà tôi đã phải nghe suốt một năm trời. Bác sĩ nói về tay chân tôi, về sự thiểu năng trí tuệ của tôi. Tôi đã quen. Việc khám bệnh diễn ra thường xuyên. Tôi đã quen với nhiều thứ trong cái bệnh viện này. Tôi gần như chả thiết gì nữa.
Bác sĩ vén chăn đắp trên người tôi, lôi thước ra, chỉ chỏ rất lâu và buồn tẻ thân thể tôi cho các sinh viên đang uể oải. Bác sĩ giải thích cho họ về các phương pháp chữa trị cho tôi và về những điều linh tinh khác. Đám sinh viên gần như ngủ gật.
– Hai cộng hai bằng mấy? – Bác sĩ bất ngờ hỏi tôi.
– Bốn.
– Thế ba cộng ba?
– Sáu.
Đám sinh viên vui vẻ hẳn lên, hết cả buồn ngủ. Bác sĩ giải thích một cách ngắn gọn và quả quyết với họ rằng không phải tất cả các phần trong não tôi đều bị tê liệt. “Thằng bé thậm chí còn nhớ được cả tên của mình và nhận ra các bác sĩ”. Ông ta mỉm cười với tôi. Tôi quá biết những nụ cười như vậy, tôi căm thù chúng. Người ta chỉ cười như vậy với những đứa trẻ sơ sinh hay với con vật. Họ cười không thật lòng.
– Vậy hai nhân hai bằng mấy?
Từ “nhân” ông ta đặc biệt nhấn mạnh. Thật là quá lắm. Quá lắm thậm chí với cả tôi trong cái bệnh viện này, quỷ tha ma bắt nó đi.
– Hai nhân hai bằng bốn, ba nhân ba bằng chín, bốn nhân bốn – mười sáu. Tôi lạnh. Hãy đắp chăn cho tôi, nếu không thì cũng đóng cửa sổ lại. Phải, tôi thiểu năng, tôi biết điều đó, nhưng người thiểu năng cũng biết lạnh đấy. Tôi không phải là con thỏ thí nghiệm của các người.
Cụm từ “con thỏ thí nghiệm” tôi nghe lỏm được ở phòng thay băng. Bác sĩ nhìn tôi lạ lẫm. ông ta đứng im. Không nói gì. Một cô gái trong đoàn của ông ta nhanh chóng cúi xuống bên tôi, phủ chăn cho tôi và lùi lại cũng nhanh chóng như vậy.
Cuộc khám bệnh đã xong.
Buổi chiều, một phụ nữ mặc váy thường, trẻ, xinh đẹp đến chỗ tôi. Cô không mặc áo choàng trắng. Đã hơn một năm nay tôi không nhìn thấy người không mặc áo choàng trắng. Cô quả quyết cúi xuống bên tôi hỏi:
– Cậu là người Tây Ban Nha?
– Vâng.
– Chị cũng là người Tây Ban Nha. Chị học trường sư phạm. Bọn chị phải kể lại tác phẩm “Trường ca về cuộc hành binh Igor”. Rất khó, chị chẳng hiểu gì cả, cậu giúp chị được không?
– Nhưng cháu vẫn còn nhỏ, còn cô đã học đại học.
– Hãy xưng chị thôi.
– Vâng, em sẽ cố gắng giúp chị.
Chị lôi trong túi xắc ra cuốn sách, kéo ghế lại gần giường tôi và bắt đầu đọc. Chị đọc chậm rãi, gần như từng âm một. Phần lớn những từ “khó hiểu” tôi đều biết, còn những từ tôi không biết trong sách đều có chú thích. Một cuốn sách hay.
Trời tối dần. Chị đến lúc phải về. Chị gập sách đứng dậy.
– Chúng ta vẫn chưa đọc xong, ngày mai chị sẽ đến. Chị tên là Lolita.
– Em tên là Ruben.
Chị mỉm cười.
– Chị biết tên em. Mai chị sẽ đến, Ruben ạ.
Tối đó tôi hầu như không ngủ. Chưa hề có ai đến thăm tôi. Hầu như ai cũng có người thân ở ngoài “tự do”: bố mẹ, ông bà, anh chị em. Một thanh niên người Gruzia thậm chí còn có anh họ đến thăm. Bố mẹ anh ta không còn nữa, anh sống với bác. Chàng thanh niên người Gruzia giải thích cho tôi rằng anh họ là người ruột thịt. Mà người ruột thịt là người thân thiết nhất trên đời. Anh ta có nhiều người ruột thịt. Tôi chẳng có ai.
Ngày hôm sau các xếp đến thăm chúng tôi. Trường sư phạm bỗng nhiên muốn bảo trợ khoa nhi bệnh viện chúng tôi. Tức là trên giấy tờ trước đó họ đã là xếp, nhưng vào ngày hôm đó họ tới đúng phòng bệnh của chúng tôi. Trong số các xếp tất nhiên có cả chị Lolita. Chị khoác hờ chiếc áo choàng trắng.
Chị tới bên giường tôi.
– Em thấy chưa, chị đã đến rồi này. Sao em lại khóc.
***
Các xếp tới thường xuyên, hầu như mỗi chủ nhật. Lolita không phải lúc nào cũng đi cùng, nhưng mỗi khi đến, chị thường người rất lâu bên giường tôi. Chúng tôi cùng trò chuyện. Chỉ tán phét thôi. Được nói chuyện với một con người đối với tôi có nghĩa rất nhiều, thật nhiều đối với nhận thức non nớt của tôi. Chị thật tuyệt vời. Chị chẳng khi nào thấy thoả mãn. Chỉ đến thăm một thằng bé đau ốm cô đơn là quá ít. Một lần sinh viên mang máy chiếu tới bệnh viện. Trong phòng sinh hoạt chung người ta chiếu phim hoạt hoạ; như mọi khi, tôi nằm lại một mình trong phòng. Lolita bước vào, nhìn tôi nói gì đó, tôi trả lời. Hình như hôm đó tâm trạng của chị không vui, tôi nghĩ vậy. Chị vụt chạy khỏi phòng. Và vào chủ nhật tiếp theo các sinh viên mang máy chiếu tới phòng tôi. Họ kê giường tôi đối diện với tường. Trong cái khung trắng mờ trên bức tường bệnh viện, con sói ngộ nghĩnh cố gắng đuổi theo chú thỏ tinh quái một cách vô vọng. Tất cả chín tập bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Nga. Tôi được xem phim này lần đầu tiên trong đời.
Với Lolita mọi thứ đều là lần đầu. Lần đầu tiên tôi được chuyển từ giường sang cáng và cho ra ngoài phố. Lần đầu tiên trong suốt cuộc đời bệnh viện của mình, tôi được nhìn thấy bầu trời. Bầu trời thay cho trần nhà trắng triền miên.
***
Ngày lễ. Trong bệnh viện có lễ hội. Lẽ hội không liên quan gì đến tôi, tôi cóc cần lễ hội. Có ai đó đang vui vẻ ở đâu đó.
Lolita rất xinh đẹp chạy ào vào phòng bệnh trong trang phục Tây Ban Nha, trang điểm rực rỡ và không có áo choàng trắng.
– Ruben, họ sẽ đưa cáng đến đưa em tới phòng nghỉ. Hôm nay chị sẽ múa.
Chị vui sướng và xinh đẹp. Một ngày lễ thật sự, sôi động.
Cô y tá bước vàp phòng. Một cô y tá bình thường mặc áo trắng.
– Người bệnh không được di chuyển. Nó mới được phẫu thuật cách đây không lâu.
Từ khi Lolita tới, tôi quên bẵng cả cuộc phẫu thuật. Lại một lần nữa các bác sĩ cắt bó bột của tôi, tôi lại phải đau đớn vô ích thêm một lần nữa. Không được. Không bao giờ được làm gì hết. Nói chung tôi đã quen, tôi gần như đã quen với những từ “không được” bất tận. Lolita không quen. Chị lao ra khỏi phòng. Chị đi mất.
Sau vài phút họ ồn ào chạy vào, nói gì đó bằng tiếng Tây Ban Nha. Lolita, Pablo và một thanh niên thấp lùn có râu. Pablo cầm đàn ghi ta. Tôi biết Pablo. Người có râu chuyển sang nói tiếng Nga.
– Em phải có mặt trong buổi biểu diễn, ngay lập tức.
– Em sẽ múa ở đây. ở đây và ngay bây giờ.
– Em sẽ múa ở chỗ em được ra lệnh. Tôi sẽ thu ghi ta. Pablo, ta đi thôi.
– Pablo, anh đi đấy à?
Lolita nhìn trân trân chàng thanh niên cao lớn. Nhìn thẳng, thách thức, tươi cười. Pablo cụp mắt.
Người có râu đi khỏi, lôi theo Pablo đáng thương. Chúng tôi còn lại một mình trong phòng bệnh.
Lolita múa. Chị múa, dùng tay đánh nhịp.
Lolita múa. Chị múa cho riêng mình. Căng thẳng và nghiêm ngặt gõ nhịp một giai điệu xa xôi, lạ lẫm. Không có ghi ta, không có Pablo. Chị múa thật sự, hết mình.
Đôi khi có các vũ đoàn tới cô nhi viện. Những cô gái trẻ ngốc ngếch cố gắng giậm thình thình trên sân khấu câu lạc bộ cô nhi viện. Người giới thiệu chương trình bước ra, giới thiệu tiết mục tiếp theo. Những cô gái ngốc nghếch lại dậm chân theo một cách khác. Thật buồn tẻ.
Chỉ có một lần trật tự đó bị phá vỡ. Nhân ngày chiến thắng, có một vũ đoàn đến chỗ chúng tôi. Bỗng nhiên thầy giáo lịch sử của chúng tôi chạy lên sân khấu, thì thầm điều gì đó với người nhạc công kéo đàn đang bối rối. Thầy nhảy ngồi, khua huân chương loảng xoảng. Các thiếu nữ dãn ra nhường chỗ. Một con người quá chén, hãy để ông ấy nhảy. Thầy giáo quả có uống một chút vào ngày hôm đó. Chính vì thế nó mới là ngày chiến thắng. Thầy nhảy rất tuyệt, cuồng nhiệt và thoải mái. Điệu nhảy của thầy làm tôi cảm thấy quen thuộc một cách mơ hồ. Nó phảng phất tự do và sức mạnh. Tôi chẳng bao giờ được chứng kiến điều gì như thế nữa.
Nhưng lần đầu tiên tôi được thấy một vũ điệu thật sự, sống động tại một bệnh viện phía Bắc của Nga. Một vũ điệu thật sự, vũ điệu Tây Ban Nha.
***
Chúng tôi chia tay. Lolita phải về nước.
– Chị sẽ tìm được em, cậu bé. Nhất định chị sẽ viết thư cho em, hãy chờ nhé.
Chị hứa sẽ viết thư, tôi không tin, không tin như những lần trước đó.
– Chị sẽ không thể tìm ra em. Em thậm chí không biết người ta sẽ chở em tới cô nhi viện nào.
Tôi không tin.
Mấy năm sau tôi nhận được một bức thư. Một bức thư bình thường. Bức thư đầu tiên trong đời. Trong thư là một tấm bưu thiếp rất đẹp. Trên bưu thiếp có hình một cô gái Tây Ban Nha mặc váy sặc sỡ đang múa. Chiếc váy trong bưu thiếp được thêu bằng chỉ màu. Những bưu thiếp như vậy không phải của Nga.
Cô giáo dưỡng đưa thư cho tôi. Cô đặt trước mặt tôi chiếc phong bì đã mở. Ngồi xuống phía đối diện.
– Ruben, cô phải nói chuyện nghiêm túc với em. Cô đã đọc bức thư. Trong đó không có gì nguy hiểm. Tạm thời chưa. Cô hi vọng em hiểu rằng em không thể viết thư trả lời. Tây Ban Nha là nước tư bản. Thư từ với các nước tư bản không được khuyến khích. Mỗi một người nước ngoài đều có thể là gián điệp. Em là cậu bé thông minh và em phải hiểu rằng ban giám thị cô nhi viện không có quyền để em mạo hiểm như vậy.
Cô cầm thấy bì thư đi ra.
Tôi ngắm mãi tấm bưu thiếp, rồi giấu nó trong cuốn sách toán.
Sáng hôm sau tấm bưu thiếp đã không còn trong sách toán.
Volga
Volga. Con sông Nga vĩ đại. Có cả một loại ô tô như thế, cũng có tên “Volga”. Xe thì có nhiều loại. Khi còn bé, tôi nghĩ trên đời này chỉ có mỗi “Volga”, “Matxcơvich” và “Zaporojets”. Trong sách có nói về những loại xe khác, nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy các loại xe khác.
Hàng năm, vào tháng năm cô nhi viện lại tổ chức lễ tốt nghiệp. Trong dạ hội tốt nghiệp người ta mời học sinh tốt nghiệp các khoá trước. Nhiều người tới bằng xe ô tô. Ai các thầy cô cũng đón, cũng mừng. Thầy cô đón mừng cả những người đến bằng “xe tàn tật” – xe lăn gắn động cơ. Các thầy cô đặc biệt đón mừng những người đến bằng xe “Volga”. “Volga” là xe đắt tiền. Nếu như học sinh cũ của trường mua xe “Volga”, anh ta đã trở thành một học sinh đặc biệt. Trong cuộc họp trọng thể, người ta sẽ mời anh ta vào chủ tịch đoàn, anh ta sẽ được đọc lời dặn dò các học sinh tốt nghiệp.
Thỉnh thoảng chúng tôi cũng nói về ô tô. Bọn trẻ cãi nhau xem bố đứa nào có xe ác chiến hơn. Không phải bố mẹ nào cũng có ô tô. Số đó không nhiều. Một số đứa ở nhà có xe mô tô. Xe mô tô không được tính đến trong các cuộc tranh cãi. Chỉ tính xe ô tô nhà mình. Xe nhà mình có thể là xe của ông hay của anh trai. Một cậu không có bố, nhưng mẹ cậu có ô tô. Nó rất tự hào về mẹ và về chiếc ô tô của mình. Nếu bố mẹ sống không xa cô nhi viện và tới cô nhi viện bằng xe của mình thì chẳng phải chứng minh gì hết. Đối với những ai sống ở xa thì phức tạp hơn. Tất nhiên có thể đưa ảnh cả gia đình chụp đứng trước xe ô tô. Nhưng ai lại đi tin ngay vào ảnh? Nếu như bố có nhắc đến ô tô trong thư thì lại là chuyện khác. Nếu như bố mẹ viết rằng xe ô tô bị hỏng bánh, có nghĩa là có ô tô. Bố mẹ sẽ không nói dối. Họ nói dối làm gì?
Khi đó tôi không biết bố tôi có ô tô hay không. Và bây giờ tôi vẫn không biết. Khi nào chúng tôi gặp nhau, tôi sẽ hỏi. Khi đó tôi không biết rằng tôi có một người ông tuyệt vời nhất trên đời. Nhất nhất. Rằng ông tôi là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản. Tôi không biết rằng ông đấu tranh vì tự do của nhân dân Tây Ban Nha, rằng ông phải sống bí mật trong một thời gian dài. Tôi không biết rằng ông kết bạn với Picasso. Tôi không biết rằng ở nước Nga ông được chở trên xe “Volga” đen.
Giá như ông đến thăm tôi dù chỉ một lần. Ông sẽ đi bằng xe “Volga” tới thành phố nhỏ của chúng tôi. Tất cả sẽ nhìn thấy ông tôi có xe đẹp thế nào. Có thể Picasso sẽ gửi cho tôi qua ông một bức tranh, một bức tranh nhỏ. Bức to có lẽ ông ta tặng thì tiếc. Nhưng nếu bức tranh nhỏ thì sao? Người ta sẽ treo bức tranh đó trong câu lạc bộ, cạnh chân dung các Uỷ viên Bộ Chính trị. ở đó đã có treo một bức tranh do bố một đứa vẽ. Cậu ấy có bố làm hoạ sĩ trang trí ở nhà máy, cậu rất tự hào về bố mình và những bức tranh trong câu lạc bộ. Không, bức tranh của Picasso sẽ phải treo trong phòng giáo viên hay phòng hiệu trưởng. Picasso xịn hơn hoạ sĩ trang trí.
Ông sẽ đến cùng với Bí thư tỉnh uỷ Liên xô. Người ta sẽ tập trung chúng tôi trong câu lạc bộ. Thầy hiệu trưởng sẽ đọc lời chào mừng và mời ông tôi phát biểu. Mọi người sẽ được biết rằng ông tôi là nhà tình báo Xô viết vĩ đại nhất trên thế giới, giống như Rihard Zorge hay Stirlits. Stirlits không chỉ có trong phim. Chúng tôi được kể rằng Stirlits ngoài đời vẫn còn sống và đang thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt.
Tất cả sẽ thấy tôi có người ông thế nào. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản – quan trọng hơn thầy giáo, quan trọng hơn thầy hiệu trưởng cô nhi viện. Ông sẽ bước lên bục, đọc báo cáo về tình hình thế giới và tất cả sẽ hiểu ngay rằng ông là quan trọng nhất ở nơi đó, ở Tây Ban Nha. Quan trọng đến mức không thể quan trọng hơn được nữa. Không có ai quan trọng hơn. Gần như Leonid Ilich Breznhev.
Ông sẽ nhìn thấy học bạ với những điểm năm của tôi, thấy ảnh tôi trên bảng danh dự của trường. Ông sẽ yêu tôi ngay, đứa cháu của ông. Ông tôi hiền hậu mà. Người ông hiền hậu nhất trên đời, giống như ông Lê nin, như Leonid Ilich Brejnev. Tất cả chúng tôi đều biết rằng Leonid Ilich Brejnev rất yêu thiếu nhi và ngày nào cũng quan tâm để mỗi học sinh Xô viết đều có tuổi thơ hạnh phúc.Mà cũng có thể ông chẳng có lúc nào mà tới. Có thể gián điệp Mỹ theo dõi ông. Có thể ông buộc phải giữ bí mật. Ông có thể viết thư cho tôi hay thậm chí gửi bưu phẩm cho tôi. Tôi sẽ nhận được bưu phẩm, một gói bưu phẩm to đầy xúc xích chorizo . Tôi sẽ không ăn gói quà một mình. Tôi sẽ cho mỗi người một miếng xúc xích Tây Ban Nha. Cả thầy cô, cả bảo mẫu. Cho cả con chó ba chân một miếng nhỏ. Mọi người sẽ ăn xúc xích của tôi, sẽ ngạc nhiên. Họ sẽ nói với nhau: “Xúc xích Tây Ban Nha lạ quá nhỉ?”. Và con chó cũng sẽ ngạc nhiên. Nhưng con chó sẽ không nói gì hết. Chó không biết nói.
Có thể ông không có tiền mua xúc xích. Có thể ông cũng giống như ông Lê nin, phải trốn trong lều. Và giống như ông Lê nin, ông không ăn gì hết, chỉ uống trà cà rốt, và khi công nhân, nông dân gửi thực phẩm đến cho ông, ông không ăn mà chuyển hết đến cho các cháu thiếu nhi trong các cô nhi viện? Ông có thể gọi điện. Ông có thể gọi điện cho thầy hiệu trưởng cô nhi viện của chúng tôi qua kênh liên lạc bí mật. Thầy hiệu trưởng cô nhi viện của chúng tôi là đảng viên, mà các đảng viên luôn giúp đỡ nhau. Người ta sẽ gọi tôi lên phòng hiệu trưởng và kể cho tôi nghe một cách tuyệt mật về người ông tuyệt nhất trần đời của tôi. Tôi sẽ hiểu. Tôi là cậu bé thông minh. Tất cả những gì tôi cần là biết rằng ông có ở trên đời này, biết rằng ông đang thực hiện một nhiệm vụ bí mật và không thể đến thăm tôi. Tôi sẽ tin rằng ông yêu tôi và tới một lúc nào đó sẽ đến thăm tôi. Tôi sẽ yêu ông mà không cần được ăn xúc xích.
Mà cũng có thể ông không sợ bị lộ bí mật. Có thể ông sẽ hiểu rằng gián điệp Mỹ hiếm khi tới thành phố tỉnh lẻ nhỏ bé của chúng tôi, người ta sẽ cho tôi kể với mọi người về người ông bí mật của mình? Kể một chút thôi. Cuộc sống của tôi có thể sẽ đi theo một hướng khác. Người ta sẽ thôi không gọi tôi là thằng bé nhọ, các bà bảo mẫu sẽ không quát mắng tôi nữa. Khi các thầy giáo khen tôi vì những điểm số tốt, họ sẽ nhận ra rằng tôi không những là học sinh ưu tú nhất trường, tôi là người ưu tú nhất, giống người ông anh hùng của tôi. Tôi sẽ tin rằng sau khi tốt nghiệp người ta sẽ không đem tôi đi bắt phải chết. Ông sẽ đến và đón tôi. Tất cả sẽ thay đổi với tôi. Tôi sẽ không mồ côi nữa. Nếu bạn có người thân, bạn không mồ côi, bạn là một người bình thường, như mọi người.
***
Ignacio không đến
***
Ignacio không viết thư
***
Ignacio không gọi điện
***
Tôi đã không hiểu ông ấy. Tôi giờ vẫn không hiểu ông ấy. Tôi không bao giờ hiểu nổi.
Kẻ thần kinh
Cô nhi viện. Một nơi đúng mực. Nếu rơi vào cô nhi viện là bạn đã gặp may. Sau khi tốt nghiệp, bạn quay về nhà thành một người khác, hoàn toàn khác. Trong túi là chứng chỉ trưởng thành, trước mặt là cả cuộc đời. Cả cuộc đời phía trước. Không có chân hay không có tay chỉ là chuyện vặt. Thì đấy, bác Petia trở về sau chiến tranh bị cụt chân, và chẳng sao, bác vẫn sống. Vợ bác ấy là một phụ nữ xinh đẹp, con gái học ngoại ngữ trong trường đại học, một người có học. Mọi việc của bác Petia đều ổn, chiến tranh đã dạy bác Petia sống, cô nhi viện dạy bạn.
Trở về nhà, uống với cha hai xị, châm thuốc hút. Cha sẽ hiểu hết, chính cha đã từng trong quân ngũ, cha biết cái giá của cuộc sống. Chỉ có mẹ là sẽ khóc. Thật không tốt. Luôn không tốt khi phụ nữ khóc. Đừng khóc nữa mẹ ơi, con sẽ ổn thôi, sẽ như mọi người. Không tệ hơn bác Petia.
Cô nhi viện không đơn thuần là nơi nội trú. Đó còn là trường học. Trường học tốt và thầy cô tốt. Những cuốn sách thông thái, cơm ngày ba bữa. Cô nhi viện – một nơi tốt. Bạn bè tốt. Những người bạn thật sự, suốt đời.
***
Người ta chở một ma mới tới cô nhi viện. Đi được, mắc chứng liệt não bẩm sinh. Tôi cũng mắc chứng liệt não bẩm sinh, nhưng ma mới dù sao cũng khá hơn. Dáng đi xiêu vẹo, hai tay khoèo về hai phía. Khuôn mặt co giật trong cố gắng giữ nước dãi không chảy. Thông minh hay ngu đần, không thể nhìn mặt mà đoán được. Ma mới là một bí ẩn. Các ma mới luôn là điều bí ẩn, luôn là bia tiêu khiển.
Trong cô nhi viện có một luật lệ tức cười. Khi đứa liệt não bẩm sinh bị cuốn hút, suy nghĩ căng thẳng hay tập trung vào điều gì đó, cần phải bí mật tiến lại và thét vào tai nó. Nó sẽ giật nảy mình, và nếu không tỉnh ra kịp thời có thể ngã từ trên ghế xuống. Nếu chỉ giật mình và lấy lại thăng bằng được ngay thì không tức cười lắm. Hay nhất là doạ khi nó đang uống chè nóng hay uống bia. Với bia là buồn cười hơn cả. Chè thì có thể sẽ được rót thêm, chứ bia thì không. Tự mình có lỗi, đã không theo dõi, đã mất cảnh giác.
Tôi biết mình có điểm yếu như vậy: giật mình vì tiếng đập mạnh hay tiếng thét to, bởi vậy ở những nơi lạ tôi thường cố gắng chiếm một vị trí thuận lợi, chui vào trong góc hay chui xuống gầm bàn. Lo xa là bình thường. Sao khác được? Cô nhi viện mà.
Ma mới tự nhiên bước vào phòng, quá tự nhiên. Cởi ba lô, ngã vật ra chiếc giường gần đó. Chân quay về phía cửa, tay theo thói quen lục tìm khăn mùi xoa trong túi. Lôi khăn ra, chùi dòng nước dãi không tồn tại.
Bỗng đâu tất cả đồng loạt xuất hiện, cười phá lên. Những người bạn, những người bạn tương lai.
– Thằng kia, ma mới hả? Tại sao nằm lên giường tao?
– Đđ…đợi tí. Tôi đứng lên ngay đây. Liệt não bẩm sinh.
Từ “liệt não bẩm sinh” được phát âm rõ ràng, đầy ý nghĩa. Rõ ràng là nó không đùa. Nó mệt, vậy nên đã ngã ra giường.
– Cậu dậy đi, đừng có nằm nữa. Bài học đã kết thúc. Giờ là lúc chén, cậu uống chè chứ?
Họ rót một cốc chè đầy ặp, hào phóng. Và múc đường không tiết kiệm. Có thể thấy ngay đó là những người bạn tốt. Họ chấp nhận, có nghĩa nó là người mình. Nó cố nắm tay, ngồi dậy, từ từ đứng lên, ngồi xuống ghế. Dùng hai tay bưng cái cốc kim loại còn đang nóng bỏng, định uống.
– Ha!!!! – một thằng bé chống nạng hét to, quá to vào tai nó.
Nó ngã nhào. Tay nó bất giác gạt chiếc cốc nóng về hướng kẻ gây chiến. Không trúng. Nếu mà vào mắt nhỉ? Mơ mộng chẳng hại gì. Hiếm khi trúng số độc đắc lắm. Cái cốc đập vào thái dương đồ súc vật. Nhiều lắm là để lại một vết bầm, không hơn. Một phút. Chỉ một phút, khi bọn họ còn cười hô hố.
Một, hai, ba…
Hãy nhớ lại, nó đã từng đọc về Cassius Clay hay còn gọi là Mohammed Ali, điều đó không quan trọng. Bọn chúng vẫn chưa biết. Chúng không thể hình dung được rằng ở đó, ở Chuvashia, nó là vô địch cấp thành phố giữa những người khoẻ mạnh. “Giữa những người khoẻ mạnh” – danh hiệu nó tự phong cho mình. Những danh hiệu còn lại đều bó hẹp. Vô địch thế giới giữa những người khoẻ mạnh – nghe như sự xúc phạm. Nhưng nó không từng xúc phạm ai. Trọng tài chẳng có gì để làm. Nước dãi chảy dưới mũ, nhưng đó là vì tức giận. Tay co giật, chân đổi nhau, đó là chiến thuật của huấn luyện viên. Luôn phong độ. Phong độ. Luôn đóng vai người khoẻ mạnh. Bắt chước người khoẻ mạnh. Thực ra nó đã biết rằng người khoẻ mạnh không phải lúc nào cũng khoẻ mạnh. Họ chỉ đôi khi gồng mình để giải quyết những vấn đề cụ thể. Còn nó luôn gồng mình. Nó thế nào cũng vậy, đánh bằng tay phải hay bằng tay trái, cả hai tay đều không hoạt động. Nhưng khi cần, khi thật cần thì có thể gồng mình lên, vượt qua đau đớn, sự căng thẳng thần kinh và sự ghê tởm vì nước dãi tiết ra quá nhiều. Khi đó thì có thể. Khi đó mọi điều đều có thể. Có thể làm được mọi điều và không ai cấm được. Khi đó sẽ có một đòn đích đáng vào đầu đối phương. Một cú đánh không tệ. Như mọi khi. Như trong suốt cuộc đời. Một việc bình thường. Không có ai tán thưởng khi bạn kéo khoá quần. Người ta kéo khoá quần mỗi ngày, không ai được nhận huân chương vì điều đó cả. Và thị trưởng thành phố cũng không bắt tay trong buổi tiếp chính thức.
Bốn, năm, sáu…
Cần phải đứng dậy. áo sơ mi ướt sũng, vai bỏng rát vì nước sôi – chuyện vặt. Đã có thể tồi tệ hơn. Mọi chuyện đều có thể. Chúng có thể xông tới vào ban đêm, trùm chăn và đánh. Chỉ đơn giản vì nó là ma mới. Để nó biết chỗ của mình. Hoặc là đánh hội đồng, công khai. Vẫn tốt hơn nếu công khai. Mà giờ vẫn chưa phải chiều, tối đến chúng sẽ đánh. Bởi vậy phải đứng dậy, đứng dậy ngay. Phải mạnh mẽ và tàn nhẫn. Nó không muốn đánh nhau, hoàn toàn không muốn đánh nhau, nhưng cần phải thế.
Nó đứng dậy. Thật lạ là chúng vẫn còn đang cười. Chúng vẫn chưa hiểu. Nó vội nhìn quanh. Tiến về phía thằng bé đã hét vào tai nó. Một thằng nhỏ con, nhỏ hơn nó vài tuổi, gày gò, đi nạng. Đã thế lại còn đi gây sự! Thật lạ. Nó ra đòn, thằng bé ngã nhào, nạng văng ra. Nó bắt đầu đánh. Không để nó đánh lâu, chúng lao tới từ sau lưng, lôi ra.
– Cậu sao thế? Nó chỉ đùa thôi mà. Cậu không biết đùa sao?
– Tt…tôi hiểu.
Bố khỉ! Chứng nói lắp xuất hiện thật chẳng đúng lúc. Giờ chắc chúng sẽ nghĩ rằng nó sợ.
Chúng thả nó ra. Nó lại đứng dậy. Từ từ đứng dậy và đi về phía thằng bé nằm trên sàn. Cần phải đánh. Đánh nhiều vào, khi đó chúng sẽ hiểu rằng nó nghiêm túc, khi đó chúng sẽ coi nó như một con người.
– Cậu đi đâu vậy? Không cần, đủ rồi.
Một thanh niên chen vào đứng trước mặt nó, trông vẻ ngoài thì khoẻ mạnh, hình như là cùng tuổi. Không thể xác định được ngay mức độ tàn tật. Hình như khi tiến lại cậu ta có hơi lê chân.
– Đủ rồi, tạnh đi. Tớ tên là Hamid.
Nó nhìn Hamid tính toán. Đầu tiên sẽ đánh vào hàm, nó sẽ ngã. Sau đó sẽ lao cả người vào và đánh thật lâu. Chúng sẽ không để cho nó đánh lâu, tất nhiên chúng sẽ can. Rồi sau đó nó sẽ phải chọi nhau với cả lũ cùng một lúc. Thôi được, ta bắt đầu thôi.
Hamid hiểu ngay mọi chuyện. Cậu ta lùi lại một bước, mỉm cười.
– Cậu sao thế, thần kinh à? Giờ cậu sẽ đánh tớ phải không? Tớ đã làm gì cậu nào? Kolka chỉ đùa thôi, chỉ đùa thôi mà, cậu lại đấm nó. Thế là hoà. Đủ rồi.
– Thôi được, giờ thì đủ rồi. Tối tôi sẽ giết nó. Hoặc là nó giết tôi.
Hamid lại mỉm cười.
– Cậu ngốn quá nhiều sách về nhà tù rồi hả? Đây không phải nhà tù. Đây là cô nhi viện. Chỉ là cô nhi viện thôi mà. Không có ai giết ai cả. Và ít khi ẩu đả. Cậu hiểu không? Kolka chỉ đùa thôi. Tốt hơn cậu hãy ngồi xuống uống chè đi.
– Tôi đã uống rồi.
Hamid thật giỏi. Có thể thấy ngay đó là một chàng trai hiểu biết và không phải mới tới cô nhi viện.
– Vậy cậu uống rượu nhé?
– Tôi có ba rúp.
– Cậu có cả tiền nữa cơ đấy!
– Đưa ngay cho cậu chứ?
– Đừng giận, tớ đùa thôi.
Đôi môi nó run run, đầu hơi ngiêng về một phía.
Hamid hiểu, hiểu hết.
– Đừng, đừng tức giận. Tiền của cậu là tiền của cậu. Sẽ chẳng ai trấn của cậu. ở đây cũng ít khi mất cắp lắm. Cậu tên gì?
– Aleksey.
– Lekha chứ gì?
– Aleksey.
Aleksey tiến một bước về phía trước. Dù sao cũng phải choảng nhau thôi.
– Được rồi, cậu là Aleksey. Nhưng vẫn có thể gọi là Lekha cơ mà? Có gì khác nhau đâu? Không có gì là xúc phạm cả. Bắt tay nào.
Họ bắt tay nhau.
– Cậu có thứ gì khợp không?
Aleksey mỉm cười, lấy từ trên giường cái ba lô nặng trịch quẳng lên bàn. Giật nút buộc, ba lô mở tung. Nó lôi ra các thứ trong ba lô ra, móc từ đáy ba lô ra tạ đôi năm cân. Lùi lại ngồi xuống giường.
– Làm tới đi!
Hamid từ tốn xếp ra bàn các thức dự trữ. Mỡ, hành, tỏi, mấy hộp thịt hầm. Không có cái kẹo nào, không có thứ gì ngọt. Cậu đẩy lọ nước quả sang một bên.
– Lọ nước quả là bà tớ đưa, tớ không muốn mang, – Lekha ngượng nghịu thanh minh, hầu như không nói lắp.
– Tốt, đồ ăn của cậu khá lắm. Và nước quả cũng sẽ cần đến. Chúng ta sẽ pha với vodka. Cậu có mang thuốc lá không?
– Tớ không hút thuốc.
– Vậy là đúng. Tớ cũng không hút.
***
Buổi tối họ uống rượu.
Họ lấy dao cắt bánh mì, cắt mỡ.
Hamid làm những chiếc bánh kẹp gọn gàng gồm bánh mì và mỡ, một cái đặt trước mặt mình, một cái đặt trước mặt Aleksey. Aleksey định ngăn lại, “tớ cũng có thể xoay xoả được với con dao”, nhưng Hamid thậm chí không thèm nghe nó nói.
– Thoải mái đi. Giúp đỡ có gì là xấu hổ. Tớ cắt nhanh hơn cậu, đúng không?
Hamid lôi chai rượu ra, mở nút. Rót cho mình một cốc đầy, chậm rãi uống cạn. Rót cốc thứ hai cho Lekha.
– Cậu uống hết một cốc đầy không?
– Rót vào ca cho tớ.
Nó lôi từ trong ba lô ra một cái ca nhôm với quai cầm to tướng.
– Tên ma mới này được đấy, rất biết tính toán. Cốc chỉ có hai trăm gam, còn ca những bốn trăm gam.
– Cậu không hiểu rồi. Tớ không thể nâng cốc được. Hãy rót nửa ca nếu thấy tiếc.
– Tuỳ cậu thôi. Tớ sẽ rót đầy, uống đi. Cậu mà bỏ lượt là nghỉ đấy.
Aleksey với chiếc ghế, đặt ở phía bên kia bàn để lưng ghế tựa vào cửa sổ. Đặt quả tạ lên bàn ngay trước mặt. Hamid rót một ca đầy rượu, đặt trước mặt Aleksey.
Không khó. Uống bằng ca hoàn toàn không khó. Tay phải cầm chặt quai ca, bàn tay trái ôm chắc lấy cái ca và từ từ uống. Uống gì cũng vậy thôi, chè hay bia.
Mọi người im lặng trong khi nó uống. Ma mới rất được. Ngày đầu tiên đã uống cạn một hơi hết cả ca rượu. Nó uống cạn, đặt ca lên bàn. Lôi từ trong túi ra chiếc mùi xoa, lau mặt, nhìn quanh.
Hamid đưa bánh kẹp cho nó.
– Cậu ăn đi!
– Để sau.
– Này Lekha, cậu đừng giận. Hãy bỏ quả tạ đi cho tớ nhờ. Cậu có vẻ điên điên sao ấy, sẽ làm bị thương ai đó mất.
Rượu đã có tác dụng. Lekha bật cười. Cười ha hả, phấn khởi. Nó bỏ quả tạ xuống dưới gầm bàn. Kéo bánh kẹp lại phía mình và bắt đầu ăn.
Một cô nhi viện tốt, đúng mực. Và bạn bè cũng tốt.
Ông già tuyết
Mùa xuân. Tôi ngồi với một người bạn. Hai học sinh lớp cuối ngồi xe lăn. Cậu bạn hút thuốc. Hút mà không dấu điếu thuốc trong lòng tay, không canh chừng giáo viên đi ngang. Các thầy cô cũng chẳng hề để ý tới cậu. Họ để mặc cho cậu hút thuốc, mặc cậu muốn làm gì thì làm. Đằng nào thì cậu cũng mắc một căn bệnh về tim. Căn bệnh phát triển rất nhanh. Chẳng ai biết cậu còn sống được bao lâu. Bạn tôi gặp may. Mùa xuân này cậu sẽ được đón về nhà. Vĩnh viễn.
– Ruben, cậu biết không, năm vừa rồi ông già tuyết rởm.
– Cậu không sao đấy chứ? ông già tuyết nào cơ? Cậu bao nhiêu tuổi rồi?
Người bạn hút nốt điếu thuốc, dùng nó để mồi điếu khác. Những ngón tay mảnh sạch sẽ cẩn thận bỏ đầu mẩu vào bao diêm. Cử động chính xác, từ tốn. Tôi chẳng thể làm vậy được.
– Ruben, cậu không hiểu rồi. Lần đầu tiên tớ bị ốm nặng vào dịp Tết, hồi đó tớ vẫn còn chưa đi học. Khi đó tớ vẫn chưa biết mình bị bệnh gì. Bố mẹ tớ mời ông già tuyết đến. Ông ấy tới rất muộn. Tớ thao thức, mọi người hứa sẽ cho tớ gặp ông già tuyết. Mẹ tớ bước vào phòng, thấy tớ chưa ngủ, liền bật đèn trên cây thông. Bố tớ mời ông già tuyết ra bếp, nhưng ông không ra bếp mà tới chỗ tớ ngay. Ông nhìn thấy thuốc men trên tủ đầu giường, nhìn thấy nạng. Ông nói với bố tớ: “Chúng ta biết làm gì ngoài bếp? Hãy uống bên cây thông. Đằng nào phiên trực của tôi cũng hết rồi”. Họ bê bàn, mang vodka, đồ nhắm từ bếp vào. Thật tuyệt. Họ cũng không bắt nhau đọc thơ. Tớ được uống nước chanh. Họ uống xong một lượt, ông già tuyết tháo râu. Một ông già tuyết đôn hậu, tên là bác Petia. Mà làm gì có ông già tuyết không say.
Tôi hiểu ra. Tôi nhớ tới những ông già tuyết trong đời mình. Già và trẻ, đàn ông và đàn bà. Ông già tuyết là cô giáo dạy văn của chúng tôi, những ông già tuyết trẻ là sinh viên trường trung cấp sư phạm. Những ông già tuyết là bác sĩ, nhiều nhất là ông già tuyết bác sĩ.
Chỉ có một lần trong đời tôi nhìn thấy ông già tuyết thật sự. Ông bước vào vui nhộn và say xỉn. Ông già tuyết với cái mũi đỏ mọng. Ông nói, giọng trầm và sang sảng: “Xin chào các cháu”. Chúng tôi đáp lại: “Chúng cháu chào ông già tuyết”. Ông già tuyết hát và nhảy múa. Đọc thơ. Ông nhìn chúng tôi mạnh dạn và chăm chú. Không lảng mắt trước những đứa trẻ mặc quần áo hoá trang. Khi nhạc nhẹ nhàng được bật lên, ông nhảy với cô gái không tay học lớp trên.
Chúng tôi vẫn nhớ. Chúng tôi vẫn nhớ Tết năm ngoái một ông già tuyết trẻ măng đọc tờ giấy có danh sách bọn trẻ con, bị nhầm lẫn, đỏ mặt và lắp bắp, rồi đến lúc phát quà, ông bỗng bị mệt, rất mệt. Người ta đưa ông vào phòng giáo viên, cho ông uống thuốc an thần.
Ông già tuyết đó đúng là tuyệt vời. Ông để cây gậy thần ở cửa trước khi bước vào. Cái bao giả đựng quà ông đặt trước mặt bọn trẻ. Chúng chẳng lấy gì trong bao hết, chúng e ngại. Khi đó ông dốc hết kẹo ra sàn, ngay bên cạnh cây thông.
Vào cuối buổi lễ Năm mới, ông già tuyết đi ra sau sân khấu. Ông quay lại không có râu và áo lông, mặc bộ quân phục đại lễ. Ông đeo kính, lôi từ trong túi ra một tờ giấy gấp tư. Ông bắt đầu đọc, hơi vấp một chút, về Đảng và Chính phủ, về chiến thắng cuối cùng của Chủ nghĩa Cộng sản và về tuổi thơ hạnh phúc của chúng tôi. Sau đó ông cất tờ giấy đúng đắn đó vào túi, oang oang tuyên bố: “Còn bây giờ các Công chúa tuyết của ta sẽ chia quà cho tất cả các cháu!” Ông đợi cho tiếng vỗ tay lắng xuống, rời sân khấu, đi tới chiếc bàn nhỏ nơi hiệu trưởng cô nhi viện của chúng tôi đang ngồi. Những thanh niên trẻ măng với phù hiệu học viên trên ve áo, chẳng giống công chúa tuyết chút nào, mang vào phòng những hộp các tông to tướng đựng quà tặng. Họ phát quà mau lẹ và chính xác. Cho tất cả, người lớn và trẻ con. Một cái Tết sung sướng, sung sướng nhất trong đời tôi.
Cậu bạn hút thuốc. Tôi kể cho cậu nghe về ông già tuyết chính cống tôi đã gặp. Chúng tôi hiểu nhau.
– Cậu nói đúng, – tôi nói. – Không thể có ông già tuyết tỉnh táo được. Những ông già tuyết không say không phải ông già tuyết thật.