Ruben David Gonzalez Gallego. “Trắng trên Đen”
Dịch từ nguyên bản tiếng Nga: Phương Hoài, 8-2004
Sách được Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp với NXB Hội Nhà Văn xuất bản năm 2004 với tựa “Những dải trắng trên nền đen”.
Không bao giờ
Không bao giờ. Một từ đáng sợ. Đáng sợ nhất trong tất cả các từ ngữ của con người. Không bao giờ. Từ này chỉ có thể sánh với từ “cái chết”. “Cái chết” – một “không bao giờ” to tướng. Một “không bao giờ” vĩnh viễn, cái chết xoá sạch mọi ước mơ và cơ hội. Không còn “có thể” hay “giá như” nào nữa. Không bao giờ.
Tôi không bao giờ có thể lên đỉnh Everest. Không có tập luyện lâu dài, những cuộc kiểm tra sức khoẻ, những chuyến đi, khách sạn. Tôi sẽ không phải nguyền rủa thời tiết, đường trơn và những sườn núi dốc đứng. Không có những cái đích trung gian, những ngọn núi lớn nhỏ, không có gì hết. Có thể nếu gặp may, nếu rất gặp may, khi nào đó tôi sẽ được đến Tây tạng. Nếu gặp may hơn nữa, tôi sẽ được đưa lên trực thăng chở đến nơi tập kết đầu tiên, đến nơi “không thể” đầu tiên và cuối cùng. Tôi sẽ nhìn thấy núi, thấy những người leo núi điên rồ, dám thách thức chính mình và thiên nhiên. Sau khi trở về, nếu họ gặp may và quay xuống núi an toàn, họ sẽ kể cho tôi nghe một cách sung sướng và thoáng chút lúng túng về những điều đã xảy ra ở nơi đó, bên ngoài nơi “không bao giờ” của tôi. Họ sẽ đối xử thân thiện với tôi, tôi biết, Chính tôi cũng điên rồ giống họ. Mọi chuyện sẽ thật tuyệt vời. Chỉ có điều bản thân tôi sẽ không bao giờ lên được đỉnh núi.
Tôi không bao giờ được ngồi tàu lặn lặn xuống điểm sâu nhất của đại dương. Tôi sẽ không nhìn thấy, dưới đáy biển tuyệt vời ra sao. Những gì mà tôi có thể là xem băng video – sự khẳng định cụ thể lòng kiên trì và anh hùng của ai đó.
Và người ta cũng sẽ không cho tôi vào vũ trụ. Thực sự tôi cũng không muốn phải nôn oẹ vì chóng mặt khi bơi trong chiếc hộp kim loại chật chội. Hoàn toàn không muốn, nhưng thật bực mình. Có ai đó đang bay trên đó, trên đầu tôi, còn tôi không thể.
Tôi không bao giờ có thể bơi vượt qua eo biển Manche. Và bơi qua Đại Tây Đương bằng thuyền cũng không thể được. Lạc đà Sahara và chim cánh cụt Nam cực không cần sự quan tâm của tôi.
Tôi không thể đi biển bằng tàu đánh cá, không nhìn thấy cá voi đang bơi, con cá voi bình thản, tự tin về sự đặc biệt của mình. Người ta sẽ đem cá đến tận nhà cho tôi, trong trạng thái tuyệt nhất, đã được chế biến và ăn ngay được. Đồ hộp, lúc nào cũng đồ hộp.
Tôi chạm vào cần điều khiển điện của chiếc xe lăn. Dùng răng cắn ống hút nhựa, bỏ vào cốc. Biết làm sao, đồ hộp thì đồ hộp. Tôi chậm chạp uống thứ rượu nho đỏ – mặt trời đóng hộp của đất nước Argentina xa xôi. Nhấn nút điều khiển bật ti vi. Bật tiếng. Trên kênh nào đó có truyền hình trực tiếp ngày lễ thanh niên. Những hình người trong ti vi hạnh phúc, họ hát và nhảy múa.
Máy quay cận cảnh. Chàng thanh niên người xăm trổ, đeo hoa tai kia, tôi tin rằng anh ta cũng đang cố gắng chạy trốn khỏi cái “không bao giờ” của mình. Nhưng điều đó không làm tôi thấy nhẹ nhõm hơn.
Chiến hữu
Tôi và bạn bè từ ngoại ô trở về. Không có xe buýt, trời nóng khủng khiếp. Cố bắt xe chạy ngang qua cũng chẳng ích gì. Ba thanh niên lực lưỡng và một người tật nguyền ngồi xe lăn – thử hỏi ai sẽ chở chúng tôi?
May mắn bất ngờ – một chiếc xe quân đội. Chẳng có lựa chọn nào khác: phải cố mà ngồi lên. Mấy chàng trai nhấc tôi và chiếc xe lăn lên tay, cố gắng tranh cãi với lái xe. Lái xe khẳng định điều gì đó liên quan đến “không được phép” và “Điều lệ”.
Từ sâu trong xe một quân nhân lao tới chỗ lái xe với tiếng kêu “ chiến… hữu”. Anh ta say bí tí và rất bực bội. Họ cãi nhau một hồi và chúng tôi được đi.
Những người lính – tân binh nhường chỗ cho chúng tôi. Tôi ngồi ghé mông trên ghế hẹp chật chội, người đau đớn. “Chiến hữu” tiến lại. Anh ta đứng không vững, áo sơ mi phanh ra, bên trong là chiếc may ô lính thuỷ.
– Cựu binh Afganistan?
– Không.
– Điều đó không quan trọng. Trước khi xảy ra chiến tranh Afganistan, tôi cũng không biết thế nào là người tàn tật. Rồi sau đó bạn bè lần lượt trở về, cụt tay, cụt chân, mù mắt. Rất nhiều người không chịu được đã gục ngã. Còn cậu thì sao?
– Mọi chuyện của tôi bình thường: có vợ, có việc làm.
– Cậu cố lên, hãy gắng sống.
Xe về tới thành phố. Họ khênh tôi xuống. Anh ta hét điều gì đó qua cửa kính.
Tôi vẫn nhớ anh, chiến hữu.
Tôi nhớ hết. Nhớ chiếc áo lót lính thuỷ của anh, cặp mắt điên dại của anh.
Tôi vẫn nhớ anh, chiến hữu.
Tôi gắng sống.
Big Mac
Nữ minh tinh màn bạc răng trắng thia lia thông báo cho tôi từ màn hình về ưu việt của nền dân chủ Mỹ. Tôi không nghe cô ta. Tôi biết hết những điều cô ta nói. Tôi tin cô ta đúng. Cô ta có thể tự hào về tổ quốc mình, về Hiến pháp, quốc ca, quốc kì. Cô ấy có “Tuyên ngôn nhân quyền”, có tượng nữ thần tự do và “McDonals”.
Cô ta hào hứng kể cho tôi về hệ thống quầy ăn nhanh danh tiếng. Một thằng hề buồn bã với nụ cười ngô nghê nhìn tôi từ tấm áp phích sặc sỡ. Bánh kẹp và nước có ga – điều gì có thể giản tiện hơn? Một phụ nữ Mỹ với thân hình cân đối mặc bộ đồ công sở cố gắng thuyết phục tôi một cách vô ích rằng chiếc bánh kẹp này là bánh kẹp xịn nhất, nước có ga này là nước có ga xịn nhất thế giới. Chuyện vặt! Chất lượng thức ăn không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của tôi.
Tôi biết rằng tất cả các cửa hàng “McDonals” đều phù hợp các tiêu chuẩn thế giới về khả năng có thể tiếp cận không hạn chế. Tôi biết rằng chiếc xe lăn của tôi sẽ thoải mái lọt qua tất cả các cửa. Những người phục vụ thân thiện nhất thế giới sẽ giúp tôi sử dụng nhà vệ sinh, sẽ cắt chiếc bánh Big Mac nổi tiếng thành miếng nhỏ, sẽ cho ống hút thuận tiện vào cốc cô la và đưa lên mồm cho tôi.
Thế thôi. Thế là đủ. Hơn cả đủ. Đó là món quà tặng quá lớn đối với một người liệt. Bánh kẹp và nước ga. Bánh mì và nước. Nền tảng của mọi nền tảng. Quyền được bảo đảm của mỗi một công dân – có chỗ dưới ánh mặt trời.
Dân chủ.
I go
Tiếng Anh. Ngôn ngữ của giao tiếp quốc tế, của công việc. Có thể dịch ra tiếng Nga hầu như tất cả. Từ thơ của Shakespear đến hướng dẫn sử dụng tủ lạnh. Hầu như tất cả. Hầu như.
***
Xe lăn. Xe lăn của Mỹ. Trong tay tôi là cần điều khiển. Chiếc xe ngoan ngoãn đưa thân hình bất động của tôi đi trên đường trong thành phố nhỏ của Mỹ,
Tôi vượt đèn đỏ qua đường. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Tôi băng qua con phố đầu tiên trong cuộc đời mình. Chiếc xe lăn vẫn chưa hoàn toàn tuân theo bàn tay liệt của tôi.
Ô tô dừng cả lại.
Từ trong chiếc xe dừng ở hàng ngoài cùng bên trái thò ra anh lái xe hớn hở, vẫy tay và nói gì đó khích lệ.
Một viên cảnh sát bước tới. Qua vẻ mặt ngơ ngác của tôi, anh ta đoán được tại sao tôi vi phạm luật lệ.
– Ngài ổn cả chứ?
– Vâng.
– Ngài đã hành động đúng khi quyết định ra đường. Chúc ngài may mắn!
***
Người phụ nữ trên chiếc xe lăn lao ngang qua tôi với vận tốc lớn. Bà ta ngậm ống thở. Lưng xe lăn ngả ra ngang đến mức bà ta phải nhìn đường qua chiếc gương gắn trên xe. Trên thành xe là hàng chữ rực rỡ viết to: “Tôi yêu cuộc sống”.
***
Một nhà hàng Trung quốc không lớn. Cánh cửa hẹp, bốn chiếc bàn.
Người phục vụ chạy ra.
– Tôi lấy làm tiếc. Chúng tôi chính thức xin lỗi ngài. Rất tiếc, xe lăn của ngài không lọt qua cửa được. Nếu không phiền, ngài có thể qua phòng bên. Tôi cam đoan với ngài, ngài không mất gì cả, cũng thực đơn như vậy, bài trí cũng thế, vẫn đầu bếp đó. Chúng tôi có chứng chỉ, ngài có thể xem. Không có sự phân biệt đối xử nào cả.
Tôi lúng túng thử làm yên lòng anh ta, khẳng định rằng tôi không phiền khi phải vào phòng bên cạnh. Anh ta tiễn tôi đến tận lối vào phòng bên cạnh.
Gian phòng này rộng hơn một chút. Người phục vụ dẫn tôi đến chiếc bàn trống, kéo ghế cho tôi.
Một vài khách hàng rụt chân khỏi lối đi, một vài người chẳng hề chú ý đến chiếc xe lăn của tôi. Khi xe đè lên chân ai đó, họ kêu lên. Còn phải nói, trọng lượng chiếc xe không nhỏ.
Chúng tôi trao đổi những lời xin lỗi.
Người phục vụ ngạc nhiên nhìn tôi.
– Tại sao ngài cứ luôn miệng xin lỗi thế? Ngài cũng có quyền ăn trong nhà hàng này như họ.
***
Cô gái người Mỹ ngồi xe lăn tự hào chỉ cho tôi chiếc minibus có thiết bị nâng và kể rằng tất cả các hãng taxi của Mỹ đều có những chiếc minibus như vậy.
– Chẳng lẽ không thể cải tiến những chiếc xe hơi bình thường thành xe cho người tàn tật sao? Sẽ rẻ hơn, – Tôi hỏi.
Cô gái lúng túng nhìn tôi vẻ khó chịu.
– Nhưng xe hơi cải tiến chỉ chở được một người ngồi xe lăn! Nếu đó là chàng trai và cô gái thì sao? Theo anh, họ phải đi trong hai chiếc xe ư?
***
Có thể dịch ra tiếng Nga hầu như tất cả. Từ thơ của Shakespear đến hướng dẫn sử dụng tủ lạnh. Hầu như tất cả. Hầu như.
Tôi có thể nói nhiều về nước Mỹ. Có thể kể mãi không thôi về những chiếc xe lăn, về thang máy “biết nói”, về đường bằng, đường dốc, xe minibus có nâng. Về những lập trình viên hỏng mắt, những nhà khoa học bại liệt. Về chuyện tôi đã khóc khi người ta nói với tôi, ngày mai tôi phải trở về Nga và phải để xe lăn lại.
Nhưng cảm giác của tôi khi lần đầu tiên di chuyển điều kì diệu của công nghệ Mỹ, có thể chuyển tải hay nhất bằng một câu tiếng Anh ngắn và súc tích: “I go”. Và câu này không thể dịch ra tiếng Nga được.
Quê hương
Tôi và Kachia vào mua thực phẩm trong một cửa hàng nhỏ. Kachia đi vào sâu trong cửa hàng, tôi dừng lại ở cửa. Tất cả séc du lịch đều đề tên Kachia, bởi tôi ký rất khó khăn. Tôi khó khăn lắm mới giữ được bút và chữ kí của tôi kiểu gì cũng không thể gây tin tưởng được. Kachia chọn đồ ăn, lại chỗ người bán hàng để thanh toán. Đứng sau quầy là một người ả rập. Anh ta nhiệt tình chứng minh với Kachia điều gì đó, tuyệt vọng ra hiệu. Kachia không biết tiếng Anh, người nói chuyện lại phải là tôi.
Tôi nhấn cần điều khiển, tiến lại quầy. Kachia lui lại.
– Có chuyện gì thế?
– Tôi không thể nhận séc của ngài. Tôi chỉ nhận séc có trị giá không quá mười đô la, ngài lại đưa ra séc năm mươi đô la.
Tôi đang ở nước Mỹ. Tôi ở Mỹ đã hai tuần. Tôi bình thản. Một lần nữa chạm vào cần điều khiển xe lăn. Lưng xe dựng lên gần thẳng đứng. Tôi tiến sát quầy.
– Tôi hiểu rồi. Ngài muốn nói rằng séc là đồ giả. Xin hãy nhìn tôi. Ngài cho rằng tôi có khả năng làm đồ giả? Tôi giống hoạ sĩ lắm sao? Tôi giống tên lừa đảo sao? Hãy nhìn chiếc xe lăn. Ngài có biết nó giá bao nhiêu không? Hôm qua tôi đã mua thực phẩm chỗ ngài, hôm kia cũng mua, hôm nay mua và hi vọng sẽ mua cả ngày mai. Đây là nước Mỹ. Ngài bán, tôi mua. Có hai lựa chọn. Nếu như séc thật, ngài sẽ bán hàng cho tôi. Nếu séc giả và nó do tôi tự vẽ, xin hãy gọi cảnh sát.
Ông ta nhìn tôi tỏ vẻ thiện cảm. Rõ ràng là ông thoả mãn với cách giải quyết này.
– Thôi được, tôi nhận séc. Cậu là người Palestin?
– Không, người Tây Ban Nha.
– Từ Tây Ban Nha?
– Từ Nga.
– Bao giờ về nhà?
– Sau ba ngày nữa.
– Chắc là cậu nhớ quê hương, muốn về nhà.
– Không, không nhớ.
– Tại sao?
– Nơi đó tồi tệ. Không có những chiếc xe lăn, hè đường như thế này, không có cửa hàng như của ông. Tôi chẳng hề muốn về. Nếu được, tôi sẽ ở lại đây mãi mãi.
Ông lắc đầu trách móc. Nhìn tôi độ lượng và thoáng buồn.
– Cậu bé, cậu bé tí xíu ơi. Cậu hiểu gì về cuộc đời? Không nên sống ở đây. Con người giống như thú dữ. Chỉ vì một đô la người ta cũng sẵn sàng hại nhau. Tôi làm việc mười bốn tiếng mỗi ngày, ki cóp tiền. Tôi sẽ dành dụm thêm ít nữa và quay về quê hương, về Palestin. ở đó đang bắn nhau. Chỗ cậu không có bắn nhau phải không?
– Không.
Chúng tôi trả tiền, chào tạm biệt và bước đi. Tôi lăn xe khỏi cửa hàng. Quay xe, nhìn người Palestin trung niên qua lớp kính cửa hàng. Một con người hạnh phúc! Ông ta có quê hương.
Tự do
San-Francisco. Thành phố mơ ước của tôi, một thành phố trong địa ngục tư bản. Thành phố của những con người bị ruồng bỏ và kì lạ.
Tôi đứng trên vỉa hè. Tôi đang sống ngày cuối cùng trên đất Mỹ. Ngày mai người ta sẽ đưa tôi ra sân bay, đưa lên máy bay. Máy bay sẽ đưa tôi tới nước Nga theo lịch trình. ở nơi đó, tại nước Nga xa xôi, người ta sẽ đặt tôi cẩn thận lên đi văng và giam hãm tôi suốt đời trong bốn bức tường. Những người Nga tốt bụng sẽ cho tôi ăn, uống vodka với tôi. Nơi đó tôi sẽ no và có thể sẽ thấy ấm áp. Nơi đó sẽ có tất cả trừ tự do. Người ta sẽ cấm tôi được nhìn mặt trời, dạo chơi trên phố, ngồi trong quán cà phê. Sẽ hạ cố giải thích rằng những thứ thừa thãi đó là dành cho các công dân bình thường, hoàn thiện. Họ sẽ cho thêm một ít thức ăn và vodka và sẽ nhắc lại một lần nữa về sự vô ơn của tôi. Họ sẽ nói rằng tôi muốn quá nhiều, rằng phải chịu đựng một chút, một chút thôi, khoảng năm mươi năm nữa. Tôi sẽ chấp nhận tất cả và gật đầu quả quyết. Tôi sẽ ngoan ngoãn làm theo những gì người ta bảo và sẽ câm lặng chịu đựng bị lăng nhục và hạ nhục. Tôi sẽ coi sự thiếu hoàn thiện của mình như cái ác tất nhiên và sẽ chết từ từ. Và khi đã chán ngấy cái cuộc sống chó má này, tôi sẽ xin một ít thuốc độc, dĩ nhiên, người ta sẽ từ chối. Một cái chết nhanh chóng bị cấm ở cái đất nước xa xôi và nhân đạo đó. Tất cả những gì tôi được cho phép – tự đầu độc một cách chậm chạp bằng vodka và hi vọng vào chứng viêm dạ dày hay đột quỵ.
Tôi đứng trên vỉa hè. Nếu đẩy thật mạnh cần điều khiển điện, động cơ mạnh sẽ đưa tôi tới nơi vô định. Máy bay sẽ bay không có tôi. Sau vài ngày xe lăn sẽ hết điện. Không có tiền và giấy tờ, tôi sẽ không sống nổi ở cái đất nước tàn nhẫn và tuyệt vời này. Nhiều nhất mà tôi có thể hi vọng, đó là thêm một ngày tự do, rồi sau đó là cái chết.
***
Đây là nước Mỹ. ở đây có thể bán mua mọi thứ. Đất nước đáng sợ, tàn nhẫn. Không thể mong đợi vào sự thương hại. Nhưng tôi đã ngấy đến tận cổ sự thương hại từ khi còn ở nước Nga. Tôi thích mua bán sòng phẳng.
Đây là nước Mỹ.
– Bán gì?
– Một ngày tự do. Tự do thật sự. Mặt trời, không khí. Đôi trai gái hôn nhau trên ghế đá. Hippy chơi đàn ghi ta. Quyền được nhìn thấy thêm một lần nữa cô bé chìa tay cho sóc ăn. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong cuộc đời được nhìn thấy thành phố ban đêm, ánh sáng của hàng nghìn chiếc đèn pha ô tô. Lần cuối cùng được nhìn những tấm biển nê ông, mơ về hạnh phúc không thể có là được sinh ra trên đất nước kì diệu này. Một thứ hàng hoá thật sự, chất lượng. Sản xuất tại Mỹ.
– Bao nhiêu?
– Ít hơn cuộc sống một chút.
– Tôi mua, không cần thối lại.
***
Rồi sau đó, ở nước Nga, cả tháng tôi uống vodka từ sáng đến tối, khóc khi đêm về và trong cơn say cố gắng lần mò tìm cần điều khiển của chiếc xe lăn không tồn tại. Và ngày nào cũng ân hận rằng, trong giây phút quyết định đã lựa chọn sai lầm.
Novocherkassk
Tôi sinh ra ở Matxcơva. Matxcơva – thủ đô của nước Nga. ở trường chúng tôi biết tất cả về Matxcơva. Chúng tôi hát những bài hát về Matxcơva, đọc thơ về Matxcơva. Người ta nói với chúng tôi rằng Matxcơva là thành phố tuyệt vời nhất, đẹp nhất thế giới. Tôi không biết, tôi mới chỉ đi ngang qua Matxcơva, cùng như chỉ đi ngang qua Saint-Peterburg. Tôi sẽ không tranh cãi, rất có thể tất cả những điều người ta nói cho chúng tôi đều là sự thật. Có thể đúng là như vậy. Nhiều người tin điều đó, ít ra là những người Matxcơva.
Tôi đã đến ba thành phố trên thế giới: Novocherkassk, Berkeley và Madrid. Nhưng đầu tiên là Novocherkassk.
Tôi biết về Novocherkassk từ lâu. Có rất nhiều huyền thoại về Novocherkassk. Người ta nói rằng trong cô nhi viện ở Novocherkassk ngày nào cũng được ăn khoai tây, cả mùa đông lẫn mùa hè. Người ta nói rằng ở Novocherkassk có trồng cà chua. Không chỉ có cà chua. Mơ, dưa hấu và dưa bở có mọc trong thành phố thần thoại này, quả óc chó và ngô, ớt ngọt và bầu. Tất cả những thứ đó tôi đã được nếm thử đôi lần trong đời; tôi cho rằng những rau quả đó mọc ở phương nam. Tôi đã tìm Novocherkassk trên bản đồ thế giới, tôi biết rằng đó là thành phố nằm ở phía nam nước Nga. Người ta còn nói rằng những người hoàn toàn không thể đi lại được chuyển tới Novocherkassk, tới nhà dành cho người già và người tàn tật. Một ngôi nhà gạch ba tầng. ở đó có thể đi trên xe lăn, ở đó có người phục vụ, có bác sĩ, ở đó người ta sống lâu và không có ai chết nhanh chóng. Tất nhiên, tất cả có vẻ như câu chuyện cổ tích, bịa đặt, một giấc mơ không thực sự. Thì đã làm sao? Tôi tin có thành phố Novocherkassk. Tôi rất cần, vô cùng cần phải tin vào điều gì đó.
Đôi khi những giấc mơ trở thành hiện thực: mẩu giấy xổ số vô nghĩa biến thành một đống tiền, cây dương xỉ nở hoa và có một bà tiên đến với kẻ mồ côi. Vào một ngày đẹp trời, một ngày không tưởng và không thể, có một ông bác nào đó ở Matxcơva đã kí một tờ giấy rất quan trọng và người ta chuyển tôi tới Novocherkassk. Tất cả những gì tôi đã tin tưởng một cách ngây thơ hoá ra đều là sự thật, thậm chí cả về khoai tây và mơ.
Tôi còn trẻ và tương đối khoẻ mạnh. Tôi hi vọng sẽ còn đến nhiều thành phố của thế giới. Tôi sẽ nhìn thấy Paris và Tokyo, Roma và Sidney, Buenos-Aires và Berkeley. Nhất định tôi sẽ tới Berkeley một lần nữa. Tôi tin tất cả những thành phố đó thật sự có tồn tại trên đời này. Tôi tin như đã từng tin vào Novocherkassk.
Tôi sinh ra ở Matxcơva, tôi thậm không may đã sinh ra trong cái thành phố đáng sợ, điên rồ đó. Tôi gặp may chính ở Novocherkassk. Novocherkassk – thành phố tuyệt vời. Tôi sẽ chết nếu như nước Nga không có Novocherkassk.
Màu đen
Trong cuộc sống, dải trắng và dải đen luôn nối tiếp nhau, thất vọng sẽ đến thay chỗ cho thành công. Tất cả đều thay đổi, tất cả phải thay đổi. Điều đó là cần thiết, điều đó là quy luật. Tôi biết điều đó, tôi không phản đối, tôi chỉ còn biết hi vọng. Hi vọng ở điều kì diệu. Tôi thành tâm mong ước, mong muốn cháy bỏng dải đen của tôi sẽ kéo dài lâu hơn, không bị thay bằng màu trắng.
Tôi không thích màu trắng. Trắng là màu của bất lực và tuyệt vọng, màu của trần bệnh viện và ga trải giường. Một sự quan tâm chăm sóc được bảo đảm, sự yên lặng, thanh thản – không có nghĩa gì hết. Một sự vô nghĩa bất tận của cuộc sống bệnh viện.
Màu đen – màu của đấu tranh và hi vọng. Màu của bầu trời đêm, cái nền tự tin và rõ ràng cho những giấc mơ, những quãng nghỉ tạm thời giữa những khoảng thời gian ban ngày màu trắng dài vô tận của sự ốm yếu thể chất. Màu của ước mơ và thần thoại, màu của thế giới nội tâm sau những cặp mi khép chặt. Màu của tự do, màu tôi chọn cho chiếc xe lăn điện của mình.
Rồi khi tôi đi qua dãy những hình nhân thiện chí vô cảm mặc áo choàng trắng và cuối cùng tới được với kết thúc của mình, đến với đêm tối vĩnh cửu của riêng tôi, phía sau tôi chỉ còn lại những con chữ. Những con chữ của tôi, những con chữ đen của tôi trên nền trắng. Tôi hi vọng thế.
Hết