Mở đầu
Tôi có nhu cầu tìm hiểu nội dung chương trình này, và đây là tài liệu kỹ thuật duy nhất (CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MÔN TIN HỌC – Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD và ĐT, 85tr) có thể tìm trên mạng. Đọc để hiểu cấu trúc thiết kế của chương trình tỏ ra mất thời gian, do đó tôi trình bày những gì thu nhận được trong bài này, để ai quan tâm có thêm một nguồn tham khảo. Các khái niệm được đề cập có thứ tự xuất hiện không giống với tài liệu gốc, nhưng có tính dẫn dắt hơn. Các thuật ngữ trong tài liệu gốc được viết nghiêng.
Nội dung bài viết
-
Đầu ra của chương trình
Đầu ra của chương trình được phát biểu thành 3 cấp:
- Cấp thứ nhất (tr3) là phát biểu tổng quát, nguyên văn: “Giáo dục tin học đóng vai trò chủ đạo trong việc chuẩn bị cho học sinh khả năng tìm kiếm, tiếp nhận, mở rộng tri thức và sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư và toàn cầu hoá. Tin học có ảnh hưởng lớn đến cách sống, cách suy nghĩ và hành động của con người, là công cụ hiệu quả hỗ trợ biến việc học thành tự học suốt đời.
Môn Tin học giúp học sinh thích ứng và hoà nhập được với xã hội hiện đại, hình thành và phát triển cho học sinh năng lực tin học để học tập, làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
Bôi đậm là các điểm đáng chú ý theo quan điểm của tôi. Tin học được công nhận là công cụ quan trọng để người ta tự học suốt đời, vì giúp họ khai thác kho tri thức trên mạng. - Cấp thứ hai là 5 năng lực, còn được gọi là 5 thành phần của năng lực tin học (tr8), ký hiệu NLa – NLe. Đây là mô tả ở mức cao, là đầu ra mà học sinh sẽ cần có, nhưng không thể đánh giá định lượng được. Không rõ các tác giả đưa ra 5 NL này trên cơ sở nào (bôi đỏ là thắc mắc của người viết bài này).
- NLa: Sử dụng và quản lí các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông;
- NLb: Ứng xử phù hợp trong môi trường số;
- NLc: Giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông;
- NLd: Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong học và tự học;
- NLe: Hợp tác trong môi trường số.
- Cấp thứ ba là các biểu hiện, giải nghĩa và minh họa cho 5 NL trên (tr9-tr14). Các biểu hiện được mô tả cho từng bậc học (Tiểu học, THCS, THPT), chính là các outcome cần có cho học sinh mỗi bậc. Riêng ở bậc THPT, do học sinh được chọn một trong hai định hướng ICT và CS (sẽ giải thích sau), nên có thêm outcome cho từng định hướng.
Việc mô tả đầu ra của chương trình kết thúc ở đây. Tiếp theo sẽ là mô tả các nội dung giảng dạy. Không có một bảng đối chiếu nào giữa các NL (hay biểu hiện) với các nội dung của môn học (như có thể thấy trong đồ hình duy nhất mà tài liệu cung cấp). Như vậy ngầm hiểu rằng, nếu dạy hết các nội dung đã liệt kê, thì tức là đạt được các năng lực.

Sơ đồ mô tả quan hệ giữa các khái niệm (tr80)
-
Cách tiếp cận cho các bậc học
Bậc TH và THCS, học sinh học giống nhau. Sang bậc THPT, học sinh chọn một trong hai định hướng: ICT hoặc CS, tức là thiên về ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực khác với IT (nếu là ICT), hay thiên về lập trình (nếu là CS). Điều này sẽ dẫn đến sự phân chia chương trình và xuất hiện các chuyên đề ở THPT.
-
Nội dung chương trình
Nội dung chương trình được thiết kế làm 2 bước. Bước thứ nhất là việc chia (phân rã) chương trình theo 2 tầng.
- Tầng một là 3 mạch (tr6): DL, ICT và CS. Các chia này trùng với cách chia trong báo cáo “Shut down or restart” của Royal Society (UK, 2012). Theo đó, các kiến thức môn Tin học có thể xếp vào một trong 3 mạch (tr81):
- DL đề cập đến khả năng sử dụng các công cụ kĩ thuật số thông dụng để hoà nhập với cộng đồng, thích ứng với thời đại một cách an toàn, có trách nhiệm. DL còn bao gồm cả khía cạnh đạo đức, pháp luật, ứng xử có văn hoá và ảnh hưởng của tin học đối với xã hội số.
- ICT đề cập đến việc máy tính và các công cụ kĩ thuật số làm việc ra sao và có thể ứng dụng chúng như thế nào. ICT chú trọng việc lựa chọn, đánh giá để sử dụng và áp dụng hệ thống máy tính; cài đặt phần cứng, phần mềm, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức, giải quyết vấn đề thực tế một cách sáng tạo và có hiệu quả.
- CS đề cập đến các nguyên lí và thực hành làm cơ sở để hiểu biết và mô hình hoá tính toán, ứng dụng chúng trong việc phát triển máy tính và các hệ thống máy tính. CS giúp nhận biết và phân tích các vấn đề theo cách tiếp cận tin học. Mục tiêu cốt lõi của CS là hình thành và phát triển tư duy máy tính. Tư duy máy tính sử dụng phương pháp trừu tượng hoá, cách phân rã một nhiệm vụ, một thiết kế lớn và phức tạp thành những vấn đề nhỏ, đơn giản hơn để có thể đưa ra các thuật toán giải quyết chúng. Tư duy máy tính bóc tách các mối quan hệ để trích chọn các đặc trưng, biểu đạt ngắn gọn vấn đề hoặc mô hình hoá các khía cạnh quan trọng của vấn đề, làm cho vấn đề đó dễ khai báo và có thể xử lí được.
Như vậy, CS đề cập đến các yếu tố khoa học cơ bản, có tính độc lập cao với các công nghệ cụ thể nên bền vững, ít thay đổi nhanh. ICT và DL liên quan đến yếu tố công nghệ, sử dụng và áp dụng công nghệ số, có tốc độ phát triển, thay đổi nhanh. Do vậy, theo định kì ngắn hạn (2,3 năm một lần), Chương trình môn Tin học cần được cập nhật, nhất là mạch ICT và DL nhằm đáp ứng tính thời sự, hiện đại.
- Tầng hai là 7 chủ đề, ký hiện A-E (tr14-15). “Mỗi một chủ đề trong bảy chủ đề đều góp phần phát triển ba mạch kiến thức, tuy mức độ khác nhau.” (tr80). Tuy nhiên, mỗi chủ đề vẫn được xếp vào một trong ba mạch (xem hình vẽ) để “thể hiện mức độ ảnh hưởng cao hơn đối với mạch kiến thức đó” (tr80). Không thấy giải thích 7 chủ đề này được xác định trên cơ sở nào.Riêng với bậc THPT, ngoài 7 chủ đề trên thì mỗi khối (10-12), tùy theo định hướng đã chọn (ICT hay CS) còn có 3 chuyên đề (tr15-16). Chuyên đề có thể hiểu là các dự án, hướng đến việc làm ra một sản phẩm cụ thể và tương đối hoàn chỉnh. Tuy trong tài liệu không nói gì, nhưng có lẽ các trường có thể thay đổi các chuyên đề (dự án) này cho phù hợp với học sinh, ví dụ có thể đưa ra các dự án cao cấp hơn.
Bước hai là chi tiết hóa 7 chủ đề nêu trên cho từng khối lớp, từ 3 đến 12 (tr14-63).
- Mỗi chủ đề được chia thành các nội dung (chủ đề con). Một số chủ đề có 2 chủ đề con mà nhà trường có thể chọn một (ví dụ chủ đề E của khối 3).
- Ở bậc THPT, các chủ đề con có thể được chia thành chủ đề cháu (khái niệm do tác giả bài viết đặt). Ví dụ chủ đề con “tin học và xử lý thông tin” của chủ đề A của khối 10 được chia thành 3 chủ đề cháu.
- Mỗi chủ đề con (hoặc cháu) được chia thành các yêu cầu cần đạt. Đây là mức thấp nhất, không chia nhỏ nữa. Có tất cả 331 yêu cầu cần đạt ở tất cả các khối (không gồm các chuyên đề, nếu tính cả các yêu cầu cần đạt của tất cả chuyên đề thì sẽ là 392).
Dường như 392 yêu cầu cần đạt này cũng là phân rã của 5 NL nêu trên, tuy nhiên không có bảng mapping nào trong tài liệu.

Phân rã Nội dung chương trình thành 4 tầng (nếu tách riêng chủ đề con và cháu thì sẽ là 5 tầng)
Như vậy, sách giáo khoa môn Tin học phổ thông mới sẽ cần đáp ứng được 392 yêu cầu này, ngoài một số điều kiện khác về thời lượng, phương pháp, v.v.
Kèm theo là file excel 392 yêu cầu cần đạt, ai muốn có thể sử dụng để so sánh: Mapping tin hoc pho thong