Ăn kẹo trừ bữa

Cuốn sách bán chạy nhất năm 1961 là “Advise and Consent” của Allen Drury. Hàng triệu người đã đọc tiểu thuyết chính trị dày 690 trang này. Năm 2016, bán chạy nhất là sách tô màu.

Mười lăm năm trước, các kênh truyền hình cáp như TLC (L là learning), Bravo và History Channel hứa hẹn cung cấp thêm các chương trình giàu thông tin và tri thức vào bức tranh TV vốn đã sáng sủa. Ngày nay, các kênh này chiếu show về những cặp đôi lấy nhau trên cơ sở hôn nhau sành điệu mức nào.

Và tất nhiên, các tờ báo được giải Pulitzer vì đã kể cho chúng ta những điều ta không muốn nghe. Chúng ta đáp trả bằng cách không mua báo nữa.

Sự suy giảm của các phương tiện truyền thông sâu sắc (thoughtful media) đã là chủ đề bàn tán cả thế kỷ. Không có gì mới. Điều mới là: nguyên nhân quan trọng nhất tạo ra dịch chuyển đó không phải là động cơ kiếm lời, mà là cả nền văn hóa xã hội.

“Tất cả mọi thứ phải được làm đơn giản nhất có thể, nhưng không đơn giản hơn.”*

[* Trớ trêu là Einstein không nói thế. Nguyên văn “Đáng sợ là nhiều người không đồng ý rằng mục tiêu tối thượng của mọi lý thuyết là làm sao để các thành phần cơ bản không thể chia nhỏ hơn của nó là đơn giản nhất và ít nhất có thể, mà không hy sinh một mảy may tính đầy đủ của những điều ta đã biết về nó”. Than ôi, bản thân tôi đã được cám dỗ để tin rằng giờ đây phương án ngắn gọi hơn có hiệu quả hơn]

Có lẽ, chúng ta đã làm mọi thứ đơn giản hơn mức chúng nên có, và biến sự “không ham hiểu biết” (non-curiosity) thành chuẩn mực mới trong xã hội?

Rõ ràng chúng ta có lỗi vì đã ngày ngày tích cực tham gia vào cái môi trường thông tin đi ngược lại Luật đơn giản của Einstein này. Và nay, khi đã rời đủ xa khỏi nó, chúng ta đang xem xét loại bỏ hẳn điều luật đó khỏi bộ nhớ của mình.

Trong kinh doanh, dường như con đường duy nhất kiếm tiền là làm sao tiếp cận được rất nhiều người, và cách duy nhất để tiếp cận rất nhiều người là “cuộc đua xuống đáy” (race to bottom), vơ vét những cú click vội, làm sao cho dễ nuốt, nhai lại những điều cũ, rút ngắn lại, làm cho nó hài hài, hoặc kích dục, hoặc khẩn cấp, và tựu trung là làm cho nó xuẩn ngốc đi (dumb it down).

Và đó là mối nguy thực sự của chủ nghĩa phản lý trí (anti-intellectualism). Trong khi việc ai đó tự chọn trở thành ngu ngốc là dại dột, thì việc quyết định rằng sự thấu hiểu, các lý thuyết và chân lý không còn ý nghĩa gì thì là tự sát văn hóa. Nếu ta không quan tâm việc học nữa, ta sẽ không dành thời gian và tiền bạc cho tri thức nữa.

Ta có thể sống nếu ăn kẹo cả ngày, nhưng nếu cùng lúc ta vô hiệu hóa các chợ nông sản, thì thứ còn lại chỉ có mỗi kẹo.

Hãy đưa cho con trẻ tablet, game, vài món gà rán ăn nhanh cho bữa tối. Cái đó dễ hơn là nói chuyện với chúng.

Đọc những bài báo ngắn, lại toàn hình vẽ, thì đơn giản hơn là đào sâu.

Clickbait (bẫy click) phát huy tác dụng là có lý do. Bởi vì người ta click vào nó.

Nhưng vấn đề ở chỗ, mục tiêu của nó là bẫy con mồi, chứ không phải cung cấp thông tin. Bẫy mà lị!

Tin tốt: chúng ta không cần nhiều người đòi hỏi cao hơn với media để media thay đổi.

Media luôn bật đi bật lại giữa việc hạ thấp thị hiếu để kiếm tiền và việc nâng cao giá trị tri thức của những gì chúng chào mời. Ngày nay, cán cân này được giao cho thuật toán AI làm, và chúng ta đang ở đỉnh của cuộc đua xuống đáy cho đến khi gãy cổ, không phanh và không nghỉ.

Hãy đưa ra chọn lựa (vote) bằng những click của bạn, bằng những gì bạn đầu tư và bảo trợ, bằng đồng tiền bạn mang đến hiệu sách. Hãy chọn lựa bằng cuộc nói chuyện của bạn, bằng thư bạn gửi cho Ban biên tập, bằng việc chuyển kênh TV,…

Thậm chí chỉ cần dăm người chúng ta dùng những ngôn từ chuẩn xác, sử dụng lý luận sâu sắc và đưa ra những câu hỏi khó, cũng đã đủ để bắt những người quanh họ cố bắt theo. Có thể dễ dàng mường tượng một sườn đồi dốc và trơn tuột, nhưng ở đó còn có các bánh cóc văn hóa (xem hình minh họa – ND) – một tính năng tích cực khiến mọi người thi đua học và hiểu nhiều hơn để bắt kịp với những người xung quanh.

Hãy xoay cái bánh cóc. Chúng ta có thể đem sự tò mò, ham tìm hiểu và khám phá trở lại nếu ta (tạm thời chỉ là số ít) sử dụng thước đo đúng, và khước từ những lựa chọn dễ dàng, để đòi hỏi thứ tốt đẹp hơn.

Dịch từ Seth Godin: The candy diet

ratchet

Bánh cóc (ratchet)

Leave a Reply