Giới thiệu: mấy tháng gần đây ở Nga có nhiều vụ xã hội đứng lên chống lại sự bất công của bộ máy cảnh sát và nhà cầm quyền. Nhà báo Ivan Golunov bị vu là tàng trữ ma túy và bị bắt, sau đó dưới áp lực đấu tranh xã hội, đã được thả và một số quan chức bị mất ghế. Diễn viên Pavel Ustinov bị cảnh sát đánh và bắt giữ khi đang đứng giữa phố, trong quá trình giằng co một cảnh sát bị sái vai và Ustinov bị kết án 3,5 năm tù. Video ghi lại cảnh này đã bị tòa từ chối xem, dẫn đến phản ứng gay gắt của xã hội. Thấy bài viết này phân tích rất hay về vai trò của mạng xã hội và internet trong việc giúp người dân thường chống lại sự đàn áp của nhà cầm quyền và bộ máy an ninh (ở mức độ nào đó giống với VN), xin dịch và giới thiệu cùng bạn đọc. Các link trong bài là nguyên gốc.
Đã qua rồi cái thời mà mọi người được chia thành đẳng cấp và có một lượng lớn ‘phó thường dân’ – những người mà kẻ cầm quyền có thể hạ nhục và xúc phạm mà không chịu hậu quả gì. Ít nhất, việc đánh đập, sỉ nhục và kết án bất công không còn có thể xảy ra trong sự im lặng và ẩn danh, đó đã là một bước tiến lớn, chấm dứt thói hành xử giữa nhà nước và cá nhân trong quá khứ.
Số phận của ‘phó thường dân’
Bản thân thói khủng bố của cảnh sát xuất phát từ một xã hội phân chia đẳng cấp. Khi đó những kẻ phụ trách an ninh (siloviki – cảnh sát, quân đội) bảo vệ sự yên bình, tiền bạc và quyền lực của các tầng lớp đặc quyền, và không che giấu sự khinh miệt và thờ ơ đối với lợi ích của tầng lớp thấp hơn. Một nhà quý tộc, quan chức, thương gia hay linh mục chắc chắn không thể “bị ăn đòn” trong một cuộc đàn áp biểu tình của công nhân thành phố, hay đàn áp một cuộc nổi dậy của nông dân ở làng, bất kể những kẻ trấn áp ra tay dã man đến đâu. Ngay cả tay cảnh sát ngu ngốc nhất cũng có thể dễ dàng phân biệt một quý ông với một kẻ tiện dân bởi ngoại hình, và điều chỉnh hành vi của hắn tương ứng.
Ở thời Xô viết, tình hình được đơn giản hóa: có thể bắt và tra tấn bất kỳ ai, từ chính ủy đến nông dân mù chữ, hơn nữa, không cần đuổi theo anh ta trên phố, mà đến nhà vào rạng sáng. Tất cả đều trở thành “phó thường dân”, ngoại trừ giới thượng lưu hiện tại, tuy nhiên, bản thân giới này cũng thường xuyên lo sợ rằng một sáng đẹp trời sẽ mất sạch đặc quyền và ngay lập tức thành thường dân, ngay khi trong nhà họ xuất hiện các đặc vụ KGB với lệnh bắt giữ.
Mặc dù đã đỡ hơn vào cuối thời Xô viết, nhưng thái độ ngạo mạn của những kẻ đại diện cho nhà cầm quyền đối với dân thường vẫn tồn tại, và dẫn đến sự cố. Ví dụ, vào thời hoàng hôn của Liên Xô, cả nước chấn động vì vụ công an ở ga tàu điện ngầm Zhdanovskaya đã giết thiếu tá KGB Afanasyev vào 12/1980. Afanasyev bị giết chỉ vì anh ta mặc quần áo dân sự và say xỉn – điều này đủ để đảm bảo rằng công an sẽ đối xử với anh ta giống như với bất kỳ người vô gia cư hoặc thường dân lao động nào. Và chỉ khi các đồng nghiệp của người quá cố (người mà hóa ra không chỉ là thiếu tá, mà là phó trưởng ban thư ký KGB!), quyết tìm hiểu đến cùng, mới hay những tay công an này đã cướp và hành hạ nhiều công dân Liên Xô say xỉn. Nếu công an không giết thiếu tá KGB, hoạt động tội phạm của họ đã tiếp diễn.
Thời đại mới
Nước Nga hiện đại thường được gọi là một xã hội phân hóa đẳng cấp, và theo cách thô thiển nhất thì đúng vậy. Đại diện của tầng lớp thượng lưu – doanh nhân lớn, quan chức và an ninh – chỉ có thể bị điều tra hoặc ở tù nếu thua trong một cuộc đấu đá nội bộ. Trong tình huống bình thường, các nhóm này là bất khả xâm phạm và, nếu muốn, có thể đối xử với dân thường theo bất kỳ kiểu gì mà không chịu hậu quả nào.
Do đó, tiền và quyền lực ở Nga có mục đích bảo vệ chủ sở hữu của chúng khỏi mối đe dọa bị bắt nạt ngẫu nhiên hoặc vào tù đơn giản chỉ vì trót xuất hiện không đúng lúc đúng chỗ.
Nhưng cuộc sống hiện đại được sắp xếp theo cách không ai có thể biết trước được ai đang đứng trước mặt mình, và lực lượng nào anh ta có viện đến để tự vệ – hơn nữa không chỉ bởi nỗ lực cá nhân, mà bằng cả sức mạnh của mạng xã hội, của Internet. Cả các nạn nhân tiềm năng lẫn những kẻ ức hiếp tiềm năng cần hiểu điều này – và khi đó xã hội sẽ trở nên khác, cho dù có những thế lực cố cản.
Quan niệm rằng tất cả những người không phải là “thượng lưu” và không phải là “an ninh” là một “bọn thường dân” bất lực, nghèo nàn và sợ sệt, có thể làm gì tùy thích đã hết thời, và tất cả các sự kiện gần đây chứng minh điều này. Ngoài tiền và quyền lực, một yếu tố quan trọng khác đã xuất hiện phá vỡ logic thông thường – sự công khai và sự huy động xã hội mà nó kích động để bảo vệ “người của mình”.
Hóa ra, vì một anh chàng ăn mặc xoàng xĩnh mà công an đang đối xử như đã và đang làm với hàng chục hàng trăm người khác trên khắp đất nước, xã hội đã đứng lên bảo vệ ở mức độ mà những kẻ công an đã bắt giữ và làm nhục anh ta không thể tưởng tượng được – đó là trường hợp của nhà báo Ivan Golunov. Hóa ra, việc bắt giữ và đánh đập một người qua đường ngẫu nhiên có thể biến thành một vụ bê bối ở quy mô quốc gia trong khi anh ta chỉ là diễn viên tập sự Pavel Ustinov, người đã phải nhận bản án gây xôn xao xã hội trong những ngày gần đây.
Nếu không có cách nào để phân biệt một thường dân với một tay “khó nhằn” bởi trang phục hoặc nơi ở của họ, thì làm sao có thể đàn áp mọi người: nếu cứ trước mỗi lần ra tay lại phải tìm hiểu tất cả các nạn nhân tiềm năng và những mối quan hệ của họ, thì trong rất nhiều trường hợp kẻ đàn áp sẽ phải chùn lại. Một lần nữa, dưới sự kiểm soát thường xuyên của xã hội đối với những người bị bắt và đánh đập trên đường phố hoặc bị tra tấn trong đồn tại mỗi thời điểm, những kẻ đàn áp có nguy cơ liên tục tỏ ra quá đáng, do đó động cơ sẽ giảm mạnh.
Đàn áp và sức mạng của Internet
Điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất cho khủng bố xã hội là sự ẩn danh của cả kẻ hành quyết lẫn nạn nhân.
Trong những năm 1920-30 và cho đến giữa những năm 2000, các phương tiện truyền thông đại chúng trên khắp thế giới không có khả năng về mặt kỹ thuật để vạch mặt nhanh chóng những kẻ đao phủ và nạn nhân. Đặc biệt là khi các phương tiện truyền thông in ấn, truyền hình và đài phát thanh được kiểm soát bởi các nhà chức trách. Hơn nữa, sự hiện diện của các phương tiện truyền thông đối lập cũng không phải là thần dược: họ chỉ có đủ nguồn lực để tường thuật những vụ rùm beng nhất, và các nạn nhân bình thường của khủng bố cảnh sát ở bên rìa của xã hội không đủ nguồn lực để lôi kéo sự chú ý của mọi người đến vấn đề của họ.
Truyền thông Internet phá hủy sự ẩn danh, im lặng và lẻ loi của xã hội. Mặc dù chưa đến cùng, nhưng đã đến một mức độ đủ để có thể nhận thấy quá trình này.
Mỗi người bị giam giữ và đánh đập ngay lập tức có một khuôn mặt và một cái tên, mọi người biết đến nghề nghiệp và các thông tin đời sống khác của anh ta, khiến cho các đồng nghiệp, hàng xóm và những người cảm thông dù không biết gì về cuộc sống thường ngày của anh ta, sẵn sàng bênh vực anh ta như thể đã sống cùng phòng cả đời và là bạn bè thân thiết.
Theo cách tương tự, truyền thông Internet cũng phá hủy sự ẩn danh của cảnh sát, công tố viên và thẩm phán, ngay cả khi họ cố gắng trốn sau lưng đồng nghiệp của họ. Không chỉ bản thân họ, mà cả người thân, bạn bè và toàn bộ nhóm liên quan cũng dễ dàng được phát hiện. Đã qua rồi những chuyện một kẻ đánh phụ nữ ngoài đường hay phán quyết những bản án bất công mà xã hội chỉ biết đến như những “người tốt”.
Thời của những người công khai và quả cảm
Ta thấy gì trong năm 2019? Bất kỳ vụ án điều tra, trường hợp khởi tố hay hành vi bạo lực nào trên đường phố, nếu nạn nhân có chút ít tiếng tăm xã hội, ngay lập tức sẽ được biết đến rộng rãi.
Những năm gần đây, xuất hiện một loạt các phương tiện truyền thông và tổ chức chuyên theo dõi một cách có hệ thống mảng hoạt động này và biến bất kỳ câu chuyện riêng tư nào thành một phần của bức tranh tổng thể về bạo lực nhà nước và vô luật pháp. Phát sinh một hiện tượng thú vị: càng nhiều người biết về những trò bất công đang xảy ra, họ càng theo dõi sát sao, và đôi khi chính mình bắt đầu tham gia vào cuộc chiến chống lại những bất công đó – ví dụ, quyên góp cho các tổ chức bảo vệ nhân quyền, hoặc đi biểu tình. Kết quả là, những người bị đe dọa bởi mỗi vụ đàn áp ít hơn nhiều so với số người đứng dậy chống lại.
Ngoài ra, thông tin liên lạc hiện đại giúp tìm cho nạn nhân luật sư, nhân chứng và tiền để giải quyết các vấn đề cấp bách nhất một cách nhanh chóng. Như đã đề cập, các điều tra viên, thẩm phán, nhân chứng giả và những kẻ bạo hành mặc quân phục trên phố ngay lập tức được xác định danh tính, và điều này tạo ra một bầu không khí hoàn toàn không phù hợp để thực hiện các cuộc đàn áp quy mô lớn.
Nhưng quan trọng nhất, Internet đã tạo ra vô số kết nối ngang và dọc giữa những người mà trong cuộc sống bình thường, không bao giờ có thể làm quen hoặc giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi người bây giờ là một phần của cái gì đó lớn hơn, anh ta là thành viên của nhiều nhóm lớn nhỏ, nhóm nghề nghiệp, xã hội hay bất kỳ nhóm và cộng đồng nào khác, và chí ít là một vài trong số đó sẽ huy động nguồn lực để hỗ trợ anh ta trong những tình huống khẩn cấp.
Công khai và minh bạch rộng khắp đòi hỏi tất cả phải thể hiện quan điểm trong mọi vấn đề nổi cộm, đặc biệt nếu nó liên quan đến một nhóm cụ thể mà người đó thuộc về. Và đi ngược lại với tâm trạng chung đang ngày càng trở nên nguy hiểm đối với mỗi chính trị gia, diễn viên hoặc nhà báo, cũng như thể hiện sự hèn nhát. Ngoài ra, không có nơi nào để trốn: bây giờ không ai cầm mic chạy theo VIP và đề nghị cho bình luận – mỗi người trong số họ phải chủ động bày tỏ ý kiến của mình và đưa nó lên mạng, nếu không thì các đồng nghiệp của anh ta sẽ buộc anh ta tội im lặng hèn nhát.
Bù lại, việc quả cảm trở nên dễ dàng hơn nhiều: trong những năm tháng của đàn áp hàng loạt, hầu hết mọi người đều nhận ra rằng sự can đảm của họ khi đối mặt với những kẻ đao phủ sẽ không được ai biết đến, và do đó giữ phẩm giá chỉ là một lựa chọn cá nhân. Ngày nay, hành vi can trường khi đối mặt với sự đàn áp mang lại lợi ích rõ ràng, và không còn nguy cơ ai đó biến mất vào vực thẳm của sự đàn áp. Bù lại, mọi người đều có cơ hội sử dụng tai họa xảy ra với mình để bắt đầu một cuộc sống mới – trở thành một nhà nhân quyền, nhà hoạt động, hoặc thậm chí là một chính trị gia, như đã xảy ra với rất nhiều làn sóng đàn áp trước đó.
Ảnh hưởng của các yếu tố này sẽ chỉ tăng lên và nếu nhà cầm quyền và vệ binh của mình không hiểu rằng thời thế đã thay đổi, một hành động bạo lực tiếp theo và hoàn toàn ngẫu nhiên nào đó sẽ trở thành điểm huy động sức mạnh quần chúng chống lại chính phủ và cuối cùng sẽ quét sạch nó.

Cảnh Pavel Ustinov bị cảnh sát đặc nhiệm (OMON) bắt giữ (ảnh: internet)

Hàng trăm người xếp hàng để đến lượt biểu tình cá nhân (luật Nga không cho biểu tình tập thể nếu không xin phép) trước Văn phòng Tổng thống Nga. Ảnh: internet