DW – Nước Đức xử thủ phạm tai nạn giao thông gây chết người như thế nào?

Một chiếc xe hơi có thể không chỉ là phương tiện giao thông, mà còn là vũ khí giết người. Bài viết của DW về các vụ án mà thủ phạm gây chết người trong các tai nạn giao thông bắt đầu được xử ở Đức theo tội danh “giết người”.

550 mã lực … 300 km/giờ … Từ 0 đến 100 trong 4.2 giây … Một ống xả điếc tai … Mert 20 tuổi đã mơ ước rằng nếu không mua nổi, thì ít nhất cũng lái một chiếc xe thể thao cỡ này để bạn bè ngưỡng mộ. Vừa lúc, người ta đang cho thuê chiếc Jaguar F-Type chỉ với 149 euro mỗi ngày. Ngay cả một sinh viên cũng có thể tiêu một khoản tiền như vậy.

Vào tối ngày 6/3/2019, Mert phóng về trung tâm Stuttgart với tốc độ 165 km/h dọc theo Rosenstein, nơi chỉ cho phép 50km/h. Chiếc xe đối diện sắp rẽ trái. Để tránh va chạm, Mert đánh sang trái, mất kiểm soát và đâm vào một chiếc Citroёn nhỏ đang rời khỏi ga-ra ngầm. Ricardo, 25 tuổi, đang lái xe, và bạn gái 22 tuổi của anh, Jacqueline, ngồi bên. Cả hai không có cơ hội sống sót.

Từ cuối tháng 9, Mert T. (họ chưa được tiết lộ) ngồi ghế bị cáo tại Tòa án khu vực Stuttgart. Anh ta bị xử với tội danh “giết người”.

Máy tính trên chiếc Jaguar F-Type cho thấy những gì?

Lúc đầu, văn phòng công tố đã tiến hành khởi tố người lái xe thể thao – không hề hấn gì trong tai nạn – tội vi phạm luật giao thông, sơ ý dẫn đến chết người.

Trong Luật Hình sự Việt Nam (Điều 260), hình phạt tối đa là 3-10 năm cho một tội như vậy, nếu có hơn hai người chết – từ 5 đến 15 (thông tin về luật VN là của ND). Trước kia cả ở Đức, khung hình phạt tối đa là 5 năm nếu có người chết. Nhưng Mert bị đề nghị chung thân. Và bị còng tay khi vào phòng xử án.

Khôi phục dữ liệu của máy tính trên xe, các chuyên gia cảnh sát nhận thấy rằng ngay trước khi xảy ra va chạm, tài xế đã nhấn tẹt bàn đạp ga xuống sàn. Điều này nghĩa là, các nhà điều tra quyết định, anh ta có ý thức về việc có thể sẽ đâm chết một người tình cờ. Và đây là một điều khác – không phải là gây ra cái chết do sơ suất, mà là giết người.

“Anh ta hiểu rằng không thể phản ứng kịp với những chiếc xe rẽ trước mặt”, công tố viên Christine Bez nói trước tòa. – “Anh ta hiểu rằng một cú va chạm với tốc độ như vậy có thể dẫn đến cái chết của người khác, và tính toán có ý thức về cái chết của họ.”

Nếu Mert may mắn và được xử như một thanh niên trẻ tuổi (theo luật hình sự Đức, những người trên 18 tuổi nhưng chưa 21 được coi là như vậy), thì anh ta sẽ ngồi tối đa 15 năm. Nhưng cũng có những thanh niên 20 tuổi bị xử như người lớn. Khi đó, bản án sẽ là chung thân. Và ở Đức, Mert không phải là người đầu tiên mà xe bị coi là vũ khí giết người, và bị xử không phải vì vi phạm luật giao thông.

Đua xe trên đại lộ Kurfürstendamm

Vào tháng 2/2016, Hamdy H., 26 tuổi, có biệt danh là “Người vận chuyển”, – ăn theo người hùng trong phim Transporter – và Marvin N., 24 tuổi, đã tổ chức đua bất hợp pháp trên chiếc Audi phân khối lớn dọc theo đại lộ thời trang Kurfürstendamm ở Berlin. Tốc độ đạt 170 km/h. Họ không chú ý đến đèn giao thông. Vội vã vượt đèn đỏ tại một ngã tư, Hamdy đâm vào chiếc xe jeep đi theo tín hiệu đèn xanh. Lái xe là một người hưu trí 69 tuổi. Ông đã tử vong.

Các luật sư đề nghị xử Hamdy theo điều 222 của Bộ luật hình sự Đức – gây ra cái chết do sơ suất, và Marvin theo điều 229 – gây tổn hại cơ thể do sơ suất khi vi phạm luật giao thông. Trong xe Marvin có một cô gái và cô bị thương trong vụ tai nạn.

Nhưng vào ngày 27/2/2017, tòa án đã đưa ra một quyết định hoàn toàn khác. Cả hai đều bị kết án tù chung thân vì tội giết người. Và vào tháng 10 năm đó, Bộ luật Hình sự Đức đã được bổ sung Điều 315d, quy định hình phạt nghiêm khắc khi tham gia các cuộc đua xe bất hợp pháp dẫn đến cái chết của người khác.

Tòa án Liên bang Đức (BGH), tuy nhiên, đã lật lại bản án của các thẩm phán Berlin và trả lại vụ án để tái thẩm. Nhưng không phải vì cho rằng bản án là quá khắc nghiệt, mà vì chưa đủ cơ sở kết tội “giết người”.

Ở phiên tái thẩm tại một hội đồng khác của tòa án Berlin vào ngày 26/3 năm nay, cả hai bị cáo một lần nữa bị kết án tù chung thân vì tội giết người. Để chứng minh bản án, tòa chỉ ra rằng cả hai người lái xe, khi thấy đèn đỏ, vẫn có thể nhấn phanh và tránh va chạm, nhưng thay vào đó lại thêm ga. Các thẩm phán cho rằng mô típ giết người là sự phản bội (phản bội các giá trị xã hội – ND) và các động cơ thấp hèn, và hung khí nguy hiểm cho xã hội là chiếc xe hơi.

Khi nào thì một vụ tai nạn giao thông bị xử tội giết người

Một ví dụ khác. Vào tháng 2/2018, Tòa án khu vực Hamburg đã kết án bị cáo 24 tuổi tù chung thân vì tội giết người.

Người đàn ông đã trộm một chiếc taxi và khi bị cảnh sát truy đuổi, đã lái xe vào làn đường ngược chiều với tốc độ 155 km/h. Chạy vào lề đường, anh ta mất lái và lao thẳng vào một chiếc taxi ngược chiều. Một hành khách tử vong, người thứ hai và tài xế bị thương nặng.

Anh ta đã bị xét xử vì tội giết người chứ không phải tội vi phạm luật giao thông và sơ ý làm chết người, vì anh ta đã lái xe vào làn ngược chiều khi chạy trốn. Do đó, các thẩm phán quyết định rằng anh ta có tính một cách ý thức đến vụ va chạm trực diện với chiếc đi ngược lại, tức là tính đến cái chết của những người trên đó và chính anh ta.

Chi tiết này – “tính toán một cách có ý thức” – được các thẩm phán Đức coi là yếu tố chính quyết định rằng liệu thủ phạm gây ra cái chết của một người đã hành động cố ý hay chỉ sơ suất. Ngoài ra, để kết án chung thân theo điều khoản 211 Bộ luật Hình sự Đức, BGH chỉ ra rằng cần có ít nhất một trong những đặc điểm khác biệt của vụ giết người được nêu ra. Chúng bao gồm, ví dụ, động cơ thấp hèn và sự phản bội, như trong câu chuyện về những tay đua ở Berlin, hoặc ý đồ che giấu một tội ác khác. Trong trường hợp Hamburg là trộm xe.

Суд над участниками нелегальных гонок по Курфюрстендамм

Tòa xử vụ đua xe ở Kurfürstendamm. Ảnh trong bài gốc

Dịch từ nguồn, Deutsche Welle tiếng Nga.

Leave a Reply