Thế nào là phản động?

Phản động nghĩa là chống lại sự vận động của xã hội. Do đó, ngày trước, những người từng ở vị trí đấu tranh để thay đổi xã hội gọi những kẻ cầm quyền ngăn cản họ là phản động. Nhưng khi họ lên nắm quyền, từ đó lại được sử dụng để gọi những người muốn xã hội tiếp tục vận động, nhưng theo cách khác với quan điểm của họ. Cũng thấy rằng từ này hay được những người theo quan điểm bạo lực cách mạng sử dụng, các nhà đấu tranh ôn hòa không dùng nó, có lẽ vì họ hiểu rằng nhà cầm quyền cũng muốn xã hội có vận động, chỉ là bằng cách khác. Tức là bao dung hơn.

Mong muốn cải thiện xã hội có thể được thực thi bằng nhiều cách, mà đơn giản nhất có lẽ là lên tiếng, nhất là khi thấy điều gì trái với hình dung của bản thân về sự tiến bộ. Với sự phát triển của công nghệ, ngày nay mỗi người đều có một cái micro và cử tọa của mình trên mạng, để chia sẻ và bàn luận.

Nỗ lực lên tiếng gặp phải nhiều cản trở. Đôi khi là sự mạt sát, đôi khi là những lời khuyên có vẻ tử tế kiểu “không ăn thua gì đâu, mà có khi lại mang vạ” mà thật ra là có ý đồ khiến người ta buông xuôi, chấp nhận. Cũng có khi là chia sẻ của một người cũng thấy bất công nhưng cam chịu: “cái này ai chẳng biết, anh từ trên trời rơi xuống à?”.

Như George Orwell nói, trong một xã hội nhiều dối trá, thì bản thân việc nói ra sự thật là một hành động cách mạng. Ông cũng nói, đôi khi nghĩa vụ trước nhất của trí thức là phát biểu lại về một điều hiển nhiên. Nếu phát biểu để chỉ ra một điều sai trái hiển nhiên mà ai cũng biết nhưng lặng lẽ chấp nhận là “phản động”, thì cậu bé của Andersen xứng đáng là kẻ phản động nổi tiếng nhất thế giới, khi nói to câu “hoàng đế cởi truồng”.

Vì vậy, một cách để góp phần làm xã hội tốt đẹp hơn là bày tỏ một cách ôn hòa quan điểm của mình, cho dù ban đầu việc đó có thể tỏ ra vô ích đến đâu. Bởi vì rốt cuộc, văn hóa chính là những gì được mọi người chấp nhận.

Leave a Reply