Giới thiệu
Trong quá trình tìm đọc các sách về văn hóa VN, tôi tình cờ tìm được bài này. Vừa đọc vừa tiếc là ngày trẻ không được biết đến tác phẩm mà theo tôi, đến nay vẫn còn rất thời sự này. Các bạn trẻ rất nên đọc và suy ngẫm.
Bối cảnh
Năm 1936, mặt trận Bình dân liên kết các đảng khuynh tả thắng thế trong cuộc tuyển cử ở Pháp. Nội các Léon Blum (một lãnh tụ xã hội) thành lập Phong trào xã hội sôi nổi ở chính quốc và lan tràn tới các xứ thuộc địa. Ở Việt Nam, các cơ quan ngôn luận được dịp thi đua tranh đấu chính trị và đòi cải tạo xã hội.
Nhân dịp này, tuần báo Ngày Nay của nhóm Tự lực Văn đoàn đăng bài viết “Mười điều tâm niệm” (từ số 25 ngày 13-9-1936 đến số 41 đầu năm 1937) và “Bùn lầy nước đọng” (từ số 27/9/1936) của Hoàng Đạo (1907-1948), nhà văn Tự Lực Văn Đoàn, tên thật là Nguyễn Tường Long. Mười điều tâm niệm sau đó được in thành sách năm 1939 (NXB Tự Do, có nguồn ghi là NXB Đời Nay).
Lời nói đầu
Hỡi các bạn trẻ!
Hỡi các người đang tuổi thanh niên hăng hái, bồng bột, nhiệt thành với mọi việc, những người tóc bạc mà trí vẫn sáng suốt, tâm hồn vẫn trẻ trung.
Những người lúc nào cũng nghĩ đến tiến, tiến hơn lên, tiến hơn lên nữa!
Cõi đời cũ, cõi đời cằn cỗi, đọng lại như nước ao tù từ mấy ngàn năm xưa của phái thủ cựu đã đi vào nơi tiêu diệt như đêm tối tan đi trước ánh sáng của vầng thái dương.
Cõi đời của phái “trung dung” đã đến buổi tàn tạ. Công cuộc của phái ấy đã hoàn toàn thất bại, và kết quả của chủ nghĩa điều hòa chỉ là: hư không.
Vậy cần phải có một cuộc đời mới, với một tinh thần, một linh hồn mới. Đó là cuộc đời của các bạn, của phái trẻ chúng ta.
Trong cuộc đời mới đang đợi ta, đầy ánh sáng và chông gai, lúc nào cũng phải tâm niệm đến những ý tưởng chính, đến nguyên tố nền tảng của tinh thần mới. Những tư tưởng, những nguyên tố ấy, ta có thể gồm lại đúng mười điều, mười điều tâm niệm.
Tự Lực Văn Đoàn
Tóm tắt “Mười điều tâm niệm”
- Điều tâm niệm thứ 1: Theo mới. Hoàn toàn theo mới không chút do dự. Tuyệt đối bỏ văn hóa cũ để theo văn hóa Âu Tây. Tinh thần riêng của dân tộc sẽ đào thải những cái gì không thích hợp
- Điều tâm niệm thứ 2: Tin ở sự tiến bộ một ngày có thể một hơn. Công kích phái thủ cựu tin tưởng một cách quá đáng vào các khuôn phép cũ
- Điều tâm niệm thứ 3: Sống theo một lý tưởng. Hoàng Đạo cho rằng các sĩ phu ngày trước không có lý tưởng vì họ bình thản bước theo con đường do các bậc thánh hiền xưa vạch sẵn
- Điều tâm niệm thứ 4: Làm việc xã hội. Xã hội cũ là một xã hội đóng kín, trong đó người ta có óc vị kỷ vì chỉ nghĩ đến thân danh, gia đình, họ hàng, làng xóm, mà không có tinh thần xã hội rộng rãi
- Điều tâm niệm thứ 5: Luyện tính khí. Có học thức không đủ, còn cần phải có một ý chí hùng mạnh vững vàng. Bởi vậy cần phải luyện tính khí để nâng cao nhân phẩm
- Điều tâm niệm thứ 6: Phụ nữ ra ngoài xã hội. Phụ nữ phải bình đẳng với nam giới không những về quyền lợi mà cả về nghĩa vụ nữa
- Điều tâm niệm thứ 7: Luyện lấy bộ óc khoa học. Hoàng Đạo nêu ra những tai hại trầm trọng của óc mê tín, và trình bày sự cần thiết và công dụng của khoa học
- Điều tâm niệm thứ 8: Cần sự nghiệp, không cần công danh. Người xưa thường lẫn công danh với sự nghiệp. Ngày nay thanh niên cần phải tẩy trừ óc chuộng hư danh để mà xây dựng sự nghiệp bằng cách làm ích cho người chung quanh
- Điều tâm niệm thứ 9: Luyện thân thể cường tráng. Công kích tinh thần văn nhược thuở xưa và khuyến khích thanh niên siêng năng thể dục
- Điều tâm niệm thứ 10: Cần có trí xếp đặt. Chỉ trích thói cẩu thả, luộm thuộm, và nêu ra sự quan trọng của óc tổ chức, làm việc có phương pháp kiểu phương Tây
Điều tâm niệm thứ 1. Theo Mới.
Hoàn toàn theo mới không chút do dự.
Với các nước khác ở Viễn Đông, nước Việt Nam ta, cách đây hơn năm mươi năm sực tỉnh một giấc ngủ ngàn năm. Tuy không được như bà công chúa ngủ trong rừng của một truyện thần tiên nào, tỉnh giấc một cách êm đềm, trong một cách lộng lẫy, trước sự âu yếm của một ông hoàng đa tình, nhưng cũng còn hơn là cứ thiêm thiếp mãi một giấc mơ vô cùng.
Giấc mơ ấy là cuộc đời cũ. Cũng như những giấc mơ khác, lúc tỉnh thoảng nhớ lại, cuộc đời ấy có vẻ nên thơ. Một cuộc đời giản dị, chất phác: trai thì ngâm phú, đọc văn để chờ khoa thi, gái thì dệt vải, giã gạo cho đến rằm tháng tám, rủ nhau cất tiếng hát những giọng tình tứ dưới trăng thanh.
Sự thật đâu có được đáng yêu như vậy. Bó buộc trong những lễ nghi, tập tục phiền phức, nhiều khi vô nghĩa lý, họ sống một cuộc đời phiền nhiễu, rắc rối. Trong gia đình, một cuộc đời ngấm ngầm đau khổ cho những người làm dâu, làm con; ngoài xã hội, một cuộc đời cũng nhiều đau khổ cho những người chân lấm tay bùn, ở hàng dưới nhất của sự tôn ti trật tự quá nghiêm khắc.
Nhưng số người không trông thấy sự thực thường không phải là ít. Những người thời buổi ấy còn sót lại vẫn cố giữ ảo tưởng của họ, vì cảm thấy lạc loài vào một thời buổi họ không hiểu. Với những người ấy, sẽ tiêu diệt cuộc đời và văn hóa cũ.
Văn hóa cũ chỉ còn rớt lại trong những tập tục một ngày một ít và ở trong óc của phái “trung dung”. Phái này ở trong nước ta rất thịnh hành và cũng rất có quyền thế. Họ nêu ra cái thuyết dung hòa văn hóa cũ và văn hóa mới, lời lẽ nghe ra có vẻ uyên thâm lắm. Còn gì hơn là giữ những điều gì hay của văn hóa Tàu làm vốn, thâu nhập những cái hay của văn hóa Pháp để thêm thắt vào, như vậy chẳng mấy lúc ta sẽ có hai văn hóa, ta sẽ hóa ra văn minh hơn hết thảy các nước trên hoàn cầu.
Những sự tơ tưởng ấy chỉ là một ảo tưởng. Hai văn hóa như hai dòng nước chảy trên một trái núi xuống: nhưng một dòng chảy về phía đông, dòng chảy về phía tây, không sao hợp lại làm một được: văn hóa Tây phương hiếu động, cốt ở chỗ luôn luôn thay đổi, không lúc nào ngừng; còn văn hóa Viễn đông cũ chủ tĩnh, luôn luôn đứng dừng lại một nơi.
Trong trường hợp thực tế, chủ nghĩa điều hòa của phái “trung dung” đã hoàn toàn thất bại. Vì muốn châm trước chọn lọc, họ đã do dự, rụt rè, không biết lấy tôn chỉ gì mà giữ lại hay tước bỏ. Thí dụ, như họ muốn thu thập chủ nghĩa cá nhân Tây phương vì họ nghĩ một cách xác đáng rằng: cá nhân có phát triển được tài năng, tiến hóa mới chóng thấy. Nhưng họ muốn giữ lại cái chế độ đại gia đình, và trong đại gia đình, điều cốt yếu là chủ nghĩa phục tùng cho nên họ lưỡng lự như con lừa của Bruidan đứng trước bát nước và nắm cỏ không biết uống hay ăn, hay như anh chàng hai vợ nằm giữa vợ cả và vợ lẽ, không biết ngoảnh mặt về phía nào. Sự lưỡng lự ấy không đưa họ đến một kết quả nào cả.
Họ chỉ lo những tiến cùng lùi, nên họ hóa đứng yên một chỗ như con ngựa đạp đất một nơi, ra vẻ hăng hái lắm, nhưng không đi được nửa bước. Trước sự thất bại của phái trung dung, không còn gì hơn là ta theo mới, theo một cách quả quyết.
Theo Mới Nghĩa Là Âu Hóa.
Âu hóa, không phải là ăn vận cho đúng mốt ở Paris, nhảy đầm cho đúng điệu, nặn mũi cho lõ, pha thuốc vào mắt cho xanh. Âu hóa, là phải tìm đến những cốt yếu của văn hóa Tây phương để áp dụng vào đời ta. Văn hóa Âu Mỹ đem sang trồng ở đất ta tự nhiên sẽ biến; những điều hợp với tinh thần riêng của dân tộc An Nam sẽ còn và nảy nở ra, những điều không thích hợp sẽ tự nhiên bị đào thải. Không nên lo ta sẽ hóa ra người Pháp nửa mùa, nói tiếng Pháp lai căng. Dân tộc ta bị hàng ngàn năm văn hóa Tàu đàn áp mà vẫn giữ được tư cách riêng, không đến nỗi hóa ra người Tàu cả. Vậy, bây giờ ta đem văn hóa Thái tây áp dụng vào cuộc đời, mũi ta không đến nỗi hóa lõ, và ta không đến nỗi mất tinh thần riêng của ta.
Những người thủ cựu thường cho những sự thay đổi cỏn con theo văn hóa Thái Tây là những sự ác ghê gớm. Đàn bà mặc quần áo trắng hay rẽ đường ngôi lệch, họ đổ cho ngay là để phá hoại luân lý, hô hào theo chủ nghĩa cá nhân, họ định cho ngay là muốn phóng túng những dục vọng đáng bỉ. Nhưng bọn trẻ ta phải mặc họ, cứ thẳng đường mà tiến, không do dự, không ngã lòng. Tương lai sẽ đem những phần thưởng quý báu lại cho ta.
Lẽ tự nhiên trong lúc ồ ạt xô đẩy nhau vào cuộc Âu hóa, không khỏi có người đi lầm đường. Không khỏi có nhiều kẻ vì hiểu lầm văn hóa Tái tây mà coi cuộc đời như một nơi để hưởng những sự khoái lạc chốc lát. Nhưng không thể dựa vào những việc ấy mà bảo rằng Âu hóa là một điều không nên theo. Con dao có khi cắt đứt tay, nhưng nào có ai nói con dao là một đồ vật không nên dùng?
Vậy, mạnh bạo, hăng hái, chúng ta nên đua nhau vào con đường mới, rộng rãi và đầy ánh sáng của văn hóa Âu-Mỹ.
Tiến…
Không còn hoài nghi gì nữa, dân tộc ta, nước ta cần phải hoàn toàn theo mới.
Tiếp xúc với văn minh Thái Tây đã già nửa thế kỷ mà đến bây giờ vẫn còn phải hô hào, như vậy là chậm lắm, chậm quá lắm rồi!
Ta cần phải đem hết nghị lực và lòng nhiệt thành ra làm việc để vớt lại thì giờ đã mất, để đền bù vào sự chậm chạp kia.
Không sợ lời dị nghị, cần phải quả quyết Âu hóa một cách mạnh bạo ngay từ hôm nay.
Ta cần phải có hai cuộc cách mạng. Một cuộc cách mạng trong lòng ta. Trước khi làm một việc gì, ta phải suy nghĩ để hành động của ta là hành động của một người có óc tân tiến.
Sau khi hành động, ta lại cần suy xét xem trong công cuộc, tư tưởng của ta có còn rớt cặn bã của óc thủ cựu hay không? để ta liệu khu trừ ngay.
Một cuộc cách mạng ngoài gia đình và xã hội. Một việc ta đã cho là hợp với tư tưởng mới, ta làm đã đành, nhưng ta còn phải giảng giải, dẫn dụ cho người chung quanh ta quy phục nữa. Mỗi người theo mới phải là trạng sư cho sự Âu hóa vậy.
Không nên ngã lòng vì những điều trở ngại, và lúc nào cũng ngờ rằng sau lưng ta, bao giờ cung có một số đông người cùng một ý tưởng muốn theo mới như ta ủng hộ, khuyến khích.
Nào nhưng ai thành thực muốn cho nước ta, dân ta sống một đời mới đáng sống… đứng cả dậy.
Điều tâm niệm thứ 2. Tin Ở Sự Tiến Bộ.
Một ngày có thể một hơn.
Tôi nhớ hồi còn nhỏ được nghe một câu chuyện lý thú, tôi rất lấy làm thích, tuy không hiểu được trọn nghĩa. Một bậc hiền triết – tôi không nhớ rõ là Trang Tử hay Khổng Tử – một hôm thơ thẩn trong một cánh đồng rộng. Thời ấy, thánh nhân còn có nhiều thì giờ nhàn rỗi, nên bậc hiền triết thong thả lần theo đường cỏ hóng mát. Đến một thửa ruộng, thấy một người đạp gầu lấy nước ở ao lên ruộng, bậc hiền triết than phục kêu lên rằng:
– Tiện vậy thay!
Qua thửa ruộng bên cạnh, bậc hiền triết để ý đến một ông già múc ở ao từng gáo nước một đổ lên gốc lúa. Bậc hiền triết lấy làm ngạc nhiên hỏi:
– Sao ông cụ lại lẩn thẩn như vậy. Ông cụ làm gầu mà đạp có tiện hơn không?
Ông cụ già mỉm cười không trả lời.
Hỏi gặng mãi, ông cụ mới nói rằng:
– Ông biết một, mà không biết hai. Dùng gầu gỗ để đem nước lên ruộng tiện thật, nhưng sẽ đưa dân ta vào một con đường nguy hiểm. Vì đã tiến lại muốn tiến hơn nữa, ý muốn của người ta thành ra không bao giờ cùng, bản tính thiên nhiên của người ta sẽ trụy lạc dần đi.
Bậc hiền triết nghe ông cụ nói sực tỉnh ngộ, vội vàng sụp xuống lạy tôn làm thầy.
Tôi hồi còn nhỏ nghe câu chuyện ấy cũng thán phục cụ già y như bậc hiền triết kia vậy. Là vì độ ấy tôi chưa hiểu thế nào là trào phúng – Ý chừng bậc hiền triết kia là một nhà thủ cựu, có người bịa ra câu chuyện để tỏ cho ông ta cái vô lý của thuyết bài bác sự tiến bộ. Ông cụ già cho sự tiến bộ – từ cái gáo đến cái gầu đã có một bước dài trên đường tiến bộ – là có hại nhưng ông ta lại quên mất rằng ông cũng dùng gáo cũng đã làm giảm mất bản tính thiên nhiên của người rồi.
Tiến bộ không thể có hại được, lẽ đó bây giờ ai cũng cho là dĩ nhiên. Không còn có người bảo loài người không còn có thể tiến bộ được, ý họ muốn nói về phương diện đạo đức. Thánh nhân ngày xưa đã tới cực điểm của sự tu thân, ngày nay và ngày mai ta chỉ còn có cớ nói theo dấu cũ mà thôi.
Ấy chỉ vì thế mà dân tộc ta từ ngàn năm nay cứ nằm bẹp dí ở một chỗ, không cất đầu lên nổi, ta mải nhìn về quá khứ, tự bắt mình vào trong khuôn phép bất di bất dịch, vì do tay những người ta gọi là đại hiền, là thánh nhân – nên ta cứ đứng nguyên một chỗ như pho tượng vô tri.
Ta đã biết vậy, thì ta phải thay đổi hẳn thái độ.
Ta phải tin ở sự tiến bộ, tin rằng có tiến bộ, ấy là ta đã tiến bộ rồi đấy. Có tin ở sự tiến bộ, ta mới có thể lo hành động để đi tới sự tiến bộ được. Lòng tin ấy, không phải là ai cũng có cả. Có nhiều người, trước sự ngu muội của dân quê dốt nát, sợ hãi, tắc lưỡi than thầm: “Những hạng người không ra người ấy còn trông mong gì được”. Dân ta hầu hết như vậy cả, hầu hết dốt nát, ngu tối. Vậy theo những người yếm thế ấy, không còn mong dìu dắt họ đến con đường đầy ánh sáng của văn hóa Tây phương được.
Nếu ai cũng nghĩ như vậy, nếu ta yên trí rằng ngu dân không thể cảm hóa được, thì họ sẽ đời đời chịu đựng cái tình cảnh thảm đạm, tối tăm, không bao giờ thoát ly ra được. Vậy ta phải nghĩ rằng họ cũng như ta, cũng như dân sáng suốt của các nước văn minh, họ cũng là người.
Là người, nghĩa là có lương tri như ta, nghĩa là bản tính có thể một ngày một tốt, một hay hơn. Tin ở sự tiến bộ, xem vậy tức là tin ở lương trí của loài người, tức là tin rằng người ta có thể tiến dần đến sự toàn mỹ, toàn thiện được.
Tức là tin về đủ phương diện tinh thần, luân lý hay vật chất, người ta có thể dần dần đưa nhau đến một đời đẹp đẽ, đáng yêu, đáng kính hơn.
Nói đến sự tiến bộ về phương diện luân lý, chắc các nhà nho cười nhạt để chế nhạo. Họ dựa vào những sự xung đột của hai nền luân lý cũ, mới để giễu ý tưởng tiến bộ của ta. Nhưng cứ bình tĩnh mà xét, về luân lý, ta có một quan niệm nhân đạo hơn xưa nhiều lắm. Mà rồi sau đây quan niệm của ta về phương diện ấy chắc chắn sẽ hợp với nhân đạo hơn quan niệm của ta hiện giờ.
Về tinh thần và vật chất, điều cốt là ta tin ở sự tiến bộ của khoa học. Đời ta đương sống hiện thời là một đời khoa học: cố cương cường mới sinh tồn được còn nhu nhược ắt phải lần hồi đào thải. Ta phải nỗ lực đi với cuộc đời khoa học ấy, đặng tỏ ra rằng ta cũng đáng sinh tồn.
Chúng ta đã chán nỗi đứng nguyên mãi một nơi, mắt đăm đăm nhìn vào những cổ tục rêu phong. Những tục lệ càng cổ bao nhiêu, rêu càng phong bấy nhiêu. Chúng ta cần phải quả quyết công bố ý chí của ta: ý chí sống một đời đáng sống dưới ánh sáng mặt trời, sống một đời văn minh.
Muốn vậy, ta phải cần thành thực tin ở ta, tin ở những động lực tiềm tàng trong lòng ta, tin ở sự tiến bộ của ta và của loài người.
Có lòng tin tưởng ấy, tương lai của ta sẽ không thể nào không rực rỡ được.
TIN…
Một sự hiển nhiên, muốn sống trong đời mới trong thế giới hiện thời ta cần tin ở sự tiến bộ.
Ta cần phải tin rằng ngày nay tốt đẹp hơn ngày xưa, và ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày nay.
Ta cần phải tin rằng hết thảy mọi đẳng cấp trong xã hội không khác nhau về lương tri, về tinh thần, chỉ khác nhau về học thức. Từ người phu xe cho chí ông tiến sĩ, ai ai cũng vậy, đều có thể thay đổi một ngày một hơn.
Đã có lòng tin như vậy, bổn phận ta thấy rõ rệt lắm.
Ta cần phải đem hết nghị lực, tài trí ra hành động để cho người cổ hủ hóa ra văn minh, cho người ngu muội hóa ra sáng suốt, cho người sáng suốt hóa ra sáng suốt hơn.
Ta cầm phải khuyến khích, giúp đỡ những người có can đảm đem những điều mới lạ ra thực hành, mặc dầu những điều mới, lạ ấy giờ chưa có kết quả tốt tươi.
Ta cần phải tước bỏ những thuyết trái với lòng tin sự tiến bộ, nhất là thuyết tin ở số mệnh, những thuyết chỉ đưa ta đến chỗ chết.
Không bao giờ ta nên dừng lại. Lúc nào cũng như lúc nào, ta phải yên trí rằng ta còn có thể hơn được nữa.
Với lòng tin ấy, dân tộc ta sẽ đi vào trong quãng đời văn minh như dòng sông Hồng Hà chảy ra biển khơi, mạnh mẽ đường hoàng không lúc nào ngơi.
Điều tâm niệm thứ 3. Sống Theo Một Lý Tưởng.
Đời các cụ đồ nho ngày xưa êm đềm lắm. Họ không băn khoăn, không hoài nghi, mục đích của đời người hiện ra trước mắt họ một cách rõ rệt, hiển nhiên. Cả một ký vãng nặng nề đè lên tâm trí họ, đóng khuôn họ vào một quy củ nhất định, không bao giờ biến cải. Nghiêu, Thuấn rồi đức Khổng, từ bao nhiêu thế kỷ, đã minh bạch vẽ cho họ một con đường phải theo: Tu thân để tề gia, tề gia rồi trị quốc, trị quốc rồi bình thiên hạ. Các cụ nho ta ngày xưa, hết đời này sang đời khác, cứ bình tĩnh lần theo con đường ấy, như con ngựa thắng cương cứ thẳng lối mà đi không lệch sang phía khác. Vả lại, có muốn lệch cũng không được. Tư tưởng thay đổi chưa thành hình trong óc họ, đã lại bị những sức mạnh vô hạn của quá khứ phá tan đi. Họ chỉ còn có một lối: là nhắm mắt theo cổ nhân, theo từ ý tưởng cho chí hành động.
Cõi đời êm đềm ấy bỗng dưng ngừng lại. Tiếng súng thần công của người phương Tây đã phá đổ tòa lâu đài kiên cố của nhà Nho và gieo vào lòng các dân tộc Đông phương những mối hoài nghi đầy hy vọng.
Bắt đầu từ đấy, tư tưởng ta không bị quá khứ áp chế nữa, được tự do phát triển và nảy nở ra. Nhưng chính sự giải phóng tư tưởng ấy đã đem lại cho ta bao nỗi băn khoăn.
Ném vào giữa hai dòng văn hóa trái ngược nhau, thanh niên ta bứt rứt đi tìm nghĩa sự sống. Họ không còn phải là những người nối chí được ông cha họ nữa. Cái học cũ đã để lại cho cái học mới, tứ thư, ngũ kinh, những nền tảng của văn hóa Đông phương đối với họ không còn cái nghĩa thiêng liêng như xưa.
Đã đành rằng vẫn có người của phái cũ đứng ra hô hào giữ gìn lại đạo của thánh hiền, nhưng cơ đồ không còn phương cứu vãn được nữa. Khoa học đã dạy cho ta biết suy xét, không nhắm mắt phục tòng như trước. Con ngựa đã tháo yên, tháo cương, ngước mắt nom ra tứ phía, thấy rộng rãi, man mác, mênh mông, đường lối chi chít.
Mới đầu, trước cái tình thế ấy, thanh niên ngơ ngác, lưỡng lự, không biết hành động ra sao. Họ mất giáo hóa xưa nhưng chưa hấp thụ giáo hóa mới cho đến nơi đến chốn. Họ hóa ra phất phơ như chiếc lá thu theo gió mà bay, không có thể tự chủ được. Là vì họ chưa quen dùng sự tự do. Tư tưởng họ rối loạn: họ không biết lấy chủ nghĩa gì làm phương châm cho đời họ. Giáo dục ở nhà trường đưa họ đi một nơi. Giáo dục trong gia đình kéo họ về một nẻo, bao nhiêu nỗi băn khoăn, đau khổ đều vì sự tương phản ấy mà ra.
May thay! Sự đau khổ về tinh thần kia lại chính là nguồn gốc của một trật tự mới.
Có một số thanh niên – Tôi muốn nói là số ít, không có can đảm chịu đựng được lòng băn khoăn nọ, đưa nhau đến một đời vật chất. Sống, với họ, chỉ để mà chơi. Đời, đối với họ, chỉ là một cuộc hoan lạc. Họ không có chủ nghĩa, mục đích gì hết. Họ không biết rằng sự khoái lạc của giác quan chỉ đưa họ đến sự ghê tởm, sự chán nản, sự tự sát. Loài người không ưa đê tiện sống một đời vật chất của con vật.
Một số thanh niên khác, phần đông, đã có hồi băn khoăn về nghĩa lý đời người, đã có lúc đau đớn tâm hồn về những điều trông thấy. Nhưng họ không thể đủ can đảm để tìm tòi cho đến kỳ cùng. Công cuộc đến nửa chừng, họ bỏ dở. Họ có chí mới, nhưng trước sức phản động còn ẩn náu trong gia đình, ngoài xã hội, họ không đủ sức để chống giữ. Cho nên, dần dà, với thời gian, lòng họ hóa nguội lạnh, theo hoàn cảnh mà sống một đời vô vị.
Thanh niên ta không thể sống mãi như vậy được. Ta muốn đời ta có nghĩa lý, muốn cho dân ta một ngày một mới, một ngày một hơn, ta phải tìm một lý tưởng mà theo.
Đời ta có giá trị, ta phải nhớ rằng vì ta có lý tưởng.
Người ta, như tôi đã nói, nếu chỉ sống như một con vật, thật là không đáng sống. Lý tưởng, vì dựa vào những năng lực, những tính chất cao quý của loài người, sẽ đưa ta đến một đời có giá trị.
Lý tưởng, vì hợp với những chí hướng sâu xa trong lòng người, sẽ đưa ta đến một đời hạnh phúc.
Vậy muốn cho đời ta có nghĩa, ta phải sống theo một lý tưởng.
LÝ TƯỞNG…
Cần phải có một lý tưởng để soi sáng cả đời ta, sự thật đã rõ ràng hiển nhiên. Nhờ lý tưởng, ta sẽ được an ủi những khi thất vọng, ta sẽ hăng hái nhiệt thành đối với những việc đáng làm, đời của ta sẽ có nghĩa.
Chọn một lý tưởng mà theo, đó là một việc quan trọng nhất trong đời ta vậy. Lý tưởng không phải chỉ có một. Hai người bạn có thể theo hai lý tưởng khác nhau, hay trái ngược nhau.
Lý tưởng phải hợp với những tính tình cao thượng, những chí hướng bàng bạc trong linh hồn ta.
Đã chọn được lý tưởng, thật không còn gì hơn làm những công việc hợp với lý tưởng ấy. Như vậy, tức là đạt đến hạnh phúc rồi.
Nhưng dẫu cho công việc hàng ngày không hợp với lý tưởng của ta, hành động của ta cũng nhất nhất phải dựa theo lý tưởng.
Như thế, ta phải vui mà sống, ta sẽ có thể tự hào mà sống ở đời.
Điều tâm niệm thứ 4. Làm Việc Xã Hội.
Một hôm, ngẫu nhiên đọc một bài phóng sự của một nhà làm báo Pháp về công cuộc cải cách nước Tàu của một thanh niên Trung hoa, tôi bỗng giật mình, bỏ tờ báo xuống, mơ màng nghĩ đến nước ta.
Ông Yen Yan Chu (CT – “Jimmy” Y. C. James Yen, Yến Dương Sơ), tên người thanh niên, đã từng du học ở Mỹ và ở Pháp, lúc trở về nước bèn đem những điều đã nhận xét ra thí nghiệm ở vùng Ting Hsien, cách Bắc Kinh độ hai trăm cây số. Ông hô hào cổ động dân vùng ấy đồng tâm, đồng lực cải tạo xã hội. Ông hội họp đủ các tay chuyên môn để săn sóc đến các việc thiết yếu của dân chúng: y tế, giáo dục, các vấn đề dân sinh (thương trường, nông dân, liên đoàn…), rồi chia ra từng khu thí nghiệm một.
Hiện công việc của ông ta đang tiến hành một cách mau chóng và chứa chan hy vọng. Nhờ phong trào ông gây nên, mà trong 22 tỉnh, đã lập ra những bình dân học vụ đường để dạy những người không biết chữ. Ngót 20 triệu người nhờ những trường đó mà biết đọc, biết viết. Còn những nhà hộ sinh, những liên đoàn của nông dân hay của thợ thuyền chỗ nào cũng thành lập và sống một cách chắc chắn.
Một điều đáng chú ý nhất, là tiền dùng vào cuộc thí nghiệm này đều là tiền tư cả, không nhờ vào chính chủ.
Ông Yen có ngỏ với nhà phóng viên Pháp hay rằng:
– Dân nước chúng tôi trụy lạc dần. Nếu chúng tôi không tự cứu lấy nhau, thì ai cứu? Bọn tân tiến chúng tôi bây giờ đã đông, bọn ấy phải là sức mạnh. Sức mạnh ấy, đem ra dùng một cách có quy củ, có phương pháp hẳn hoi, thì một ngày kia – mà ngày đó tất thế nào cũng đến – nước Tàu sẽ có thể tự lực mà cứu lấy mình được.
Tôi vẫn biết, người Nam ta, cũng như người Tàu, ít khi nghĩ đến xã hội.
Ngày xưa, dưới trình độ nhà Nho, ai nấy đều nghĩ đến thân danh, đến gia đình, đến làng mạc, trí không vượt ngoài lũy tre xanh. Hai làng lân cận có khi coi nhau như kẻ thù, hoặc như hai nước xa lạ, hai dân tộc không có liên can gì đến nhau. Ngay trong một làng, ai nấy cũng để tâm đến gia đình, đến họ hàng, còn việc hàng xóm thì “bằng chân như vại”. Công việc xã hội tuyệt nhiên không có.
Đến nay, thời thế tuy thay đổi, mà trong óc phần đông dân ta, quan niệm xưa về đời người vẫn còn đọng lại. Thường ta thấy những công cuộc xã hội bị thất bại, tuy nhóm lên trong sự nhiệt thành mạnh mẽ. Có nơi cô lập nhà trường, có nơi lập hội tư cấp, các người hằng tâm, hằng sản đều hăng hái hy sinh công của. Nhưng sự hăng hái ấy chỉ như mớ đóm, bùng lên một lúc rồi tắt. Sự thất bại đó, một phần có lẽ vì cách tổ chức không quy củ, một phần chắc chắn là do cái quan niệm cổ sơ đối với những ý tưởng gia đình, làng mạc, xã hội, danh dự…
Ta không thể, ở thời đại văn minh này, để những quan niệm ấy hoành hành mãi. Ta cần phải đem hết tài trí ra làm việc cho xã hội. Ta không thể chỉ nghĩ đến gia đình như xưa. Trong thấy một người khổ sở, trước khi cưu mang, ta không có thể như đời trước, hãy nghĩ xem người ấy có họ với ta không đã. Ta không thể quá chăm chỉ với người chết được nữa: thật là một điều nhận xét đáng buồn, khi ta thấy trong xã hội còn hèn yếu, chỉ có những hội hiếu, hỉ là vững vàng, sống một cách phong lưu. Ta cần phải thay đổi linh hồn ta và linh hồn những người chung quanh. Thời đại này không phải là thời đại của đại gia đình và của quỷ thần. Đời này là đời của người sống, đời của cá nhân hay nói cao hơn một bậc nữa, là đời của đoàn thể, đoàn thể hiểu theo nghĩa rộng. Cá nhân đương giải phóng, cá nhân đương thoát ly những chế độ bó buộc lùa người ta đi vào con đường nhỏ, hẹp, bùn lầy. Cá nhân cần phải tự mình kết đoàn, gom tài gom sức để cùng đưa nhau đến thế giới rộng rãi của khoa học.
Sự kết đoàn ấy là một việc rất cần cho dân ta. Thành thực kết đoàn để mưu việc cho xã hội, để tự cứu lấy nhau, đó là phương pháp thần hiệu để ta tiến đến cõi văn minh. Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Đức hay Pháp đều nhờ sự kết đoàn mà trở nên cường phú. Ta cũng có thể như họ được, nếu ta muốn. Nhất là nếu ta, lúc làm việc xã hội, không nghĩ đến tư lợi, trái lại, lấy sự làm việc cho người khác làm vui thích, nhất là nếu ta bao giờ cũng nghĩ đến những người yếu hèn, những người khổ sở, những người cần đến ta bênh vực. Làm việc xã hội với tinh thần ấy, ta sẽ thấy trong lòng lúc nào cũng khoan khoái, sung sướng, sung sướng vì đã làm cho người khác được sung sướng.
Bạn trẻ nên tìm hạnh phúc ở trong các công cuộc xã hội.
CẢI CÁCH.
Công cuộc xã hội ở nước ta chưa có gì cả. Bổn phận của ta, của thanh niên, của những người có óc mới, là đem tâm trí tài lực vào những công cuộc ấy.
Với một tấm lòng thành thực tin ở sự tiến hóa của xã hội, với một tấm lòng thương yêu người một nước, nhất là những người yếu hèn cực khổ, ta cần phải kết đoàn lại để làm việc.
Những người cùng nghề, cùng quyền lợi, nên họp nhau lại lập nên một sức mạnh để tự bênh vực cho mình, để tìm phương làm cho nghề mình một ngày một hơn, đó là một việc nước văn minh nào cũng có.
Ngoài những nghệ đoàn ấy, ta còn cần phải gom tài gom sức để khai trí cho ta nữa.
Trong một làng, muốn cho chóng đi đến cõi văn minh, không còn gì hơn chung nhau lập hội học. Mở mang tri thức là một sự cần cho dân ta như cơm bữa. Ngàn vạn sự đều do đấy mà ra cả. Ta không thể một ngày sao lãng được sự cần thiết ấy. Ta cần phải dạy lẫn nhau, và đem điều sở đắc truyền cho những người chung quanh biết. Như vậy, những thanh niên hủ bại, những cặn bã xưa, những sự tối tăm ngu xuẩn sẽ tan đi, để chỗ lại cho ánh sáng.
Lại còn cần phải lập hội thể dục, vừa để làm tươi tốt tình bằng hữu, vừa để luyện thân thể cho cường tráng. Thân thể có cường tráng, linh hồn mới mạnh mẽ được.
Rồi lại họp nhau lại để giúp đỡ lẫn nhau và giúp đỡ cho những người bị ức hiếp, mở những công cuộc cứu tế và nuôi lấy một tinh thần nghĩa hiệp…
Bao nhiêu công cuộc còn đương đợi thanh niên.
Điều tâm niệm thứ 5. Luyện Tính Khí.
Mở mang trí thức là một điều cần thiết cho người ta, đó là một sự cố nhiên. Nhưng không phải chỉ có bộ óc thông thái là đủ thành một người hoàn toàn.
Học thức đem lại cho người ta những điều biết. Học thức đem lại cho người ta cách bàn luận nghiên cứu theo lý trí. Học thức là cái thìa khóa mở cho người ta cánh cửa những kho tàng bí mật của tạo hóa. Học thức là cái then chốt để cho người ta tìm nghĩa của sự sống… Nhưng học thức không đem lại cho ta chí quả quyết và những đức tính khác cần cho ta trong cuộc đời tranh sống này.
Biết bao nhiêu người có học thức và thông minh đem tài trí của mình dùng vào việc ca tụng những nơi quyền quý đặng mong một chút hư danh, một nơi nương nhờ, một chỗ ấm thân, no dạ, phè phỡn với vợ con.
Biết bao nhiêu người có học thức đem những điều sở hữu của mình ra để tìm các mánh khóe lạ lùng đặng bóc lột, áp chế những người khác yếu hèn hơn mình, những người đáng lẽ mình phải bênh vực.
Biết bao nhiêu người có học thức, trông rõ những việc đáng làm nhưng vì nhu nhược, sợ hãi không dám dúng tay vào những việc mà họ cho là hay, là cần thiết. Những nhà bác học, trong đời thực tế, thường là những người hiền lành, lơ đãng, có khi không đủ nghị lực mà sai khiến nổi vợ trong nhà nữa.
Là vì tính khí họ không có luyện.
Luyện tính khí, theo ý chúng tôi, là một điều cần thiết không kém gì luyện trí não: Tính khí không có luyện, thì dẫu cho thông minh đến tuyệt vời đi nữa, tư tưởng của mình cũng đến hoặc rơi vào nơi không đáng kể, hoặc không ăn nhịp với hành vi của mình.
Tính khí phải luyện nên cương cường quả quyết. Phải tập ý chí cho mạnh mẽ linh hồn thành rắn rỏi. Ta phải tự sai khiến được thân thể ta, định được dục vọng của ta, chỉnh được tâm ta, rồi mới có thể sai khiến được người khác, cải tạo được xã hội. Trong người ta, bao giờ cũng có cuộc xung đột kịch liệt của khuynh hướng xả kỷ ái nhân với lòng ích kỷ, với những dục vọng đáng bỉ. Một bên thắng tất có một bên bại. Ta phải luyện tâm hồn ta thế nào cho cuộc xung đột ấy hóa ra một cuộc chiến thắng không cùng của những tính tình cao thượng. Ta nên tâm tâm niệm niệm rằng những phút ta đáng sống là những phút ta đã quên hẳn ta.
Luyện được tâm hồn trở nên mạnh mẽ, ta sẽ vui vẻ mà hành động: và lòng vui là đóa hoa tự nhiên của trời cao cho những người có linh hồn cứng cáp.
Ta sẽ vui vẻ mà quyết đoán, thái độ ta sẽ rõ ràng, khúc triết đối với mọi sự, không có cảnh tượng nào buồn, chán hơn cảnh tượng một linh hồn do dự, hay linh hồn thờ ơ, lãnh đạm với mọi việc. Ngán nỗi những linh hồn ấy ở nước ta lại gặp được hàng ngày. Trước một vấn đề quan trọng như vấn đề mới, cũ, mà biết bao nhiêu người lưỡng lự trong biết bao nhiêu năm!
Với một tấm linh hồn luyện nên cứng cáp, rắn rỏi, ta sẽ lúc nào cũng giữ vững được nhân phẩm.
Ta sẽ không sợ ai, không sợ, thực là một đức tính quý hóa nhất cho dân tộc ta.
Từ nay trở đi, ta phải xóa bỏ hai chữ nhẫn nhục. Ta phải đặt nhân phẩm lên trên những nỗi đau đớn.
Luyện linh hồn ta trở nên can đảm rồi, ta cần luyện cho ta và cho những người chung quanh có một linh hồn cao thượng nữa.
Ta sẽ không nịnh ai. Ai cũng vậy, ta sẽ coi là người như ta, ngang hàng với ta. Ta không khinh thị, cũng không tang bốc ai. Ta nên nhớ rằng chức phận có khác, nhưng hơn kém nhau không phải ở chỗ sang hèn, giàu nghèo, hơn nhau chỉ vì nhân phẩm mà thôi.
Ta sẽ không ghen ghét ai. Ta cần phải bỏ cái tính đố kỵ, thông thường ở nước ta, cái tính xấu ấy, xui ta trở nên cay nghiệp như một bà mẹ chồng đối với những người hơi có chút tài năng trong xã hội. Dìm nhau đã không có ích gì cho ta. Trái lại nữa, lại có hại cho sự tiến hóa của dân nước. Nếu cả một dân tộc cứ nghi ngờ lẫn nhau thì còn mong kiến thiết gì được nữa.
Không sợ, không nịnh; không ghét, vui vẻ và quyết đoán, luyện được ngần ấy đức tính, dân tộc ta sẽ có can đảm của người Nhật, ý chí của người Anh, nước ta sẽ là một nước có diễm phúc tuyệt vời vậy.
CƯỜNG TRÁNG.
Luyện thân thể cho chí linh hồn trở nên cường tráng, đó là một điều quan trọng của nền giáo dục hoàn toàn.
Thanh niên ta cần phải luôn luôn nhớ rằng người Âu Mỹ hơn ta về trí thức thì ít. Mà họ hơn ta về tính khí thì nhiều.
Họ biết rõ hơn ta trách nhiệm của con người trong cõi đời này, của một người hoàn toàn. Họ quả quyết đi trên đường đời, mạnh mẽ mà sống.
Còn ta, linh hồn của dân ta ủy mị, yếu ớt, kết quả của mấy trăm năm đời văn nhược. Vậy ta cần phải luôn nhớ rằng thế kỷ này không phải là thế kỷ của sự nhu nhược. Ta cần phải đặt ngược câu châm ngôn chữ Nho mà nói rằng: Cương thắng Nhu.
Ta cần phải luôn luôn tự nhắc rằng ta là một người, một người đủ nhân phẩm để người ta phải kính trọng – một người không hơn nhưng cũng không kém gì – người khác.
Vậy ta cần phải luyện tính khí để luôn luôn giữ được giá trị của con người.
Điều tâm niệm thứ 6. Phụ Nữ Ra Ngoài Xã Hội.
Tôi vốn rất có cảm tình với phụ nữ.
Mỗi khi trông thấy vẻ yêu kiều của một cô gái tân thời, tha thướt trong bộ áo kiểu Cát Tường, nhẹ nhàng gót sen trong đôi dép cao gót, lòng tôi bồi hồi man mác tưởng như hết thảy các vẻ đẹp bàng bạc trong trời đất đều thu lại trong thân một người.
Rồi tôi lại mỉm cười một mình. Tôi sực nhớ đến cái nón quai thao, bộ sà tích bạc với bộ quần áo thâm lòa xòa rủ xuống đôi dép cong tớn như môi cô bé chua ngoa.
Trên con đường mỹ thuật, chị em đã đi được một bước dài.
Sự tiến bộ ấy, thật đáng khen, nếu ta nghĩ rằng đối với chị em, những sức phản động mãnh liệt hơn đối với đàn ông.
Đàn ông để răng trắng, cắt búi tóc, và bỏ bộ áo khăn lượt sượt, nho nhã đi, lấy bộ quần áo tây gọn gàng thay vào, các cụ xưa cho là một sự có thể có được, một sự tiến bộ nữa. Nhưng đến lúc chị em nhởn nhơ hàm răng ngọc, dịu dàng chiếc quần trắng, thì họ nổi giận, kéo cả đại binh phản động, bảo thủ ra bài xích. Một ít son bôi lên cặp môi hồng, cũng cho họ đay nghiến là mất dạy: một mớ tóc hơi để lệch một chút, cũng đủ cho họ lồng lộn lên, tưởng chừng như cả đạo thánh hiền vì cặp môi son, mái tóc lệch mà trút ra biển Đông cả.
Nhưng sức mạnh của ký vãng không chống lại được với thời gian. Những thành kiến cổ hủ tan đi lúc người ta nghiệm thấy chị em răng có trắng, đường ngôi có lệch, mà lạ thay lại không phải là “đồ hư thân, mất nết”.
Đó là về phương diện mỹ thuật.
Từ đầu cho tới gót chân, chị em ở thành thị – người hướng dẫn cho phụ nữ cả nước – đã hoàn toàn đổi mới.
Nhưng, tôi xin thú thật một tội, mỗi lần tôi tán thưởng vẻ kiều diễm của một cô gái tân thời, tôi lại có cái cảm tưởng quái gở là đứng trước một ngoạn vật quý giá, một thứ hoa lạ mong manh phải cắm vào lọ sứ Giang Tây, của ngoạn vật ấy, thứ hoa lạ ấy, chỉ có thể đem ra nhìn, ngắm, khen, nâng niu, trìu mến mà thôi.
Với cái cảm tưởng ấy, tôi bỗng sinh ra e dè, không dám chắc sự đổi mới bộ cánh hoàn toàn như vậy là một sự tiến bộ hiển nhiên như trước nữa.
Ngày xưa, chị em bị áp chế dưới quyền của đàn ông. Bao nhiêu việc nặng nhọc, cực khổ, chị em phải gánh lấy. Ở nhà quê thì cấy lúa, giã gạo, ở tỉnh thành thì buôn bán để đức ông chồng dài lưng hoặc “vuốt râu nịnh vợ con bu nó” hoặc “tổ tôm, sóc đĩa nó thì chơi hoang”. Ở hoàn cảnh nào, trong thời gian nào, cũng là sống để mà phụng sự người đàn ông cả.
Đến nay, gió mới thổi từ phương Tây lại. Những tiếng lạ phát hiện ra. Nào phụ nữ giải phóng, nào nam nữ bình quyền.
Phong trào mới sôi nổi. Một dạo đã có cô Hoàng thị Nga hăm hở đi bộ ra Đồ Sơn. Không phải là để phá một kỷ lục gì, chỉ cốt tỏ cho mọi người biết rằng: phụ nữ đã đến ngày đổi mới, đổi từ bộ cánh cho tới tinh thần… Rồi im. Rồi lại thấy chị em hô hào lập sân quần để tập, tìm hồ để bơi. Hy vọng, hy vọng được xem hành động của phụ nữ mới. Nhưng đến bây giờ cũng vẫn còn là hy vọng. Những bài văn của cô Nguyễn thị Khiêm, Phan thị Nga, Thụy An… đua nhau ra đời, nhưng chỉ là tiếng hô hào lẻ loi, ảnh hưởng đến một số ít.
Tuy vậy, toàn thể phụ nữ cũng đã biết theo mới là một sự nên làm. Có điều họ thực hành sai cái chủ nghĩa bình quyền. Họ tưởng lầm rằng ngang hàng với nam giới là chỉ có một việc trang điểm cho ra vẻ tân thời, rồi ngồi dỗi bôi móng tay như một bà Công chúa Tàu. Trong lúc ấy, bên Âu Mỹ phụ nữ hiểu chủ nghĩa bình quyền một cách trái ngược hẳn. Một tỷ dụ: Trên xe điện, người ngồi chật như nêm. Bỗng bước lên một thiếu nữ xinh xinh với đôi mắt trong như hổ phách. Cô ta nhìn qua một lượt, sắp sửa chịu khó đứng, thì một chàng thiếu niên lễ phép đứng dậy, trỏ vào chỗ ngồi của mình mời cô ta, cô thiếu nữ đỏ mặt trả lời:
– Thưa ông, tôi có què quặt không?
– Không?
– Vậy thì ông chê tôi già nua?
– Quả thực không?
– Tôi không già nua, cũng không què quặt, tôi cũng sức lực mạnh mẽ như ông, vậy can gì ông nhường chỗ cho tôi? Xin ông làm ơn ngồi xuống cho.
Ấy, phụ nữ nước ngoài họ đòi bình quyền như vậy. Họ đòi bình đẳng không những về quyền lợi, mà cả về nghĩa vụ nữa. Những việc gì nam giới làm được, họ cũng làm được. Hiện giờ, đàn bà có mặt trong hầu hết các nghề nghiệp: có đàn bà làm cảnh sát, có đàn bà làm thượng thư, làm dân biểu, có đàn bà làm lãnh sự nữa.
Phụ nữ nước ta cũng nên mong rằng một ngày kia sẽ như chị em nước ngoài. Mà muốn chống tới ngày sáng sủa ấy, chị em cần phải hành động ngay từ bây giờ. Chị em phải quả quyết bước qua ngưỡng cửa gia đình mà làm các công việc xã hội. Chị em đã hết thẹn thò rồi. Nhưng công việc của chị em tại sao không thấy vượt ra ngoài những cuộc chợ phiên? Chị em cần phải mạnh bạo hơn chút nữa, gom tài, gom sức để lập hội học, hội thể dục, hội cứu tế, đoàn hướng đạo… và những công cuộc khác bọn nam giới đương theo đuổi.
Như vậy, công cuộc của chị em sẽ không đến nỗi sống một cách phù du, mong manh như lớp phấn hồng trên má, mà xã hội sẽ được hưởng những tấm lòng từ thiện, xả kỷ bấy lâu ẩn núp trong gia đình.
Điều tâm niệm thứ 7. Luyện Lấy Bộ Óc Khoa Học.
Đã từ lâu, chúng tôi theo công cuộc châm biếm những điều mê tín dị đoan, những tín ngưỡng họa hại nó đương tràn ngập nước ta như làn sóng Hồng Hà trên cánh đồng lúa những ngày lụt lội.
Chúng tôi không bao giờ ngừng cuộc chiến đấu ấy, và các bạn trẻ cũng đi tiễu trừ những nguyên nhân của sự tối tăm, ngu muội của nó làm cho nước ta hóa ra một nước của bọn thần, quỷ, ma, quái nó dìm dập dân trong sự sợ hãi những điều huyền bí. Những điều huyền bí mà ở các nước khác, lại là cớ gây cho người tìm được những điều phát minh trọng đại.
Cuộc chiến đấu ấy, cuộc tiễu trừ mê tín ấy hiện nay rất cần có. Là vì từ thành thị chí nông thôn, bờ biển Đông Hải trở lên miền sơn dã, không đâu là bọn quỷ thần không làm vua làm chúa. Bọn ấy dòm ngó vào đời ta, hàng ngày bắt ta theo ý muốn của họ, khiến cho thân thể, tinh thần ta không còn của ta nữa, mà là của bọn họ, không một sự gì quan trọng trong đời ta là không có họ nhúng tay vào. Lúc ta sinh, có mười hai bà mụ đến bàn to bàn nhỏ, ta yếu đau, là vì bà cô ông mãnh chọc ghẹo chơi, lúc ta chết, còn sợ các ông… trùng đỏ mỏ. Ta bước vào trong bếp thấy ông Táo Quân, ra ngoài đình có ông Thành Hoàng, còn ở các nơi khác là gặp những ma quái nó ám ảnh ta ở gốc cây đa lớn, ở trên đống đất to hay những chiếc bình vôi vỡ. Chung quanh ta, lúc nào cũng vẩn vơ những quỷ cùng thần, không lúc nào thoát ly ra được.
Đến nay, không còn e dè gì nữa, ta cần phải nổi lên phản kháng bọn quỷ thần kia bấy lâu đầy đọa tâm hồn dân ta vào vòng nô lệ.
Ta cần phải luyện lấy bộ óc khoa học. Bạn thanh niên ta đã hiểu biết, nên tin ở sự mầu nhiệm của khoa học và đem điều sở đắc tuyên truyền cho những người chưa biết cho đến bao giờ mọi người coi là một sự hiển nhiên rằng mọi sự xảy ra trong trời đất đều có nguyên nhân. Nguyên nhân ấy không phải là do ý chí dị thường của những ông thần ác nghiệt, hung hãn, nhỏ nhen mà ra, nhưng chính là sự phát huy của một luật thiên nhiên, tìm tòi những luật thiên nhiên, dùng những luật ấy để giúp đời, đó là nhiệm vụ của khoa học, khiến cho ta ra khỏi làm nô lệ quỷ thần, mà đem quỷ thần – hiểu theo nghĩa thông thường – làm nô lệ cho ta, đó là nhiệm vụ của khoa học. Một làn chớp nhoáng, theo sau một tiếng sét vang động một góc trời, xưa ta tưởng là do sự giận dữ của ông thần thiên lôi, rồi ta sợ hãi đào lấy lưỡi tầm sét mà thờ cúng, sợ hãi, tin rằng phải lễ bái cầu khấn ông, ông mới tha tội. Khoa học dạy ta biết rằng, ông thần ấy, ta có thể bắt giam lại trong những dây đồng, khiến ông ta hiện ra những làn chớp nhoáng con con để ta ngắm chơi, hiện ra lửa để thắp đèn hay đun nước. Ông thần ấy là điện khí.
Vẫn hay khoa học hiện giờ không phải có thể phân giải được hết thiên tướng. Nhiều điều huyền bí vẫn còn trong vòng mờ ám, chưa phát minh ra được. Song, những người có óc khoa học đều tin rằng những điều huyền bí kia sẽ có ngày phân giải được, vì những điều ấy là những phát dương của một luật thiên nhiên chưa minh hiển. Những nhà bác học thường tự nhận là dốt nát, song cái dốt của họ không phải là sự mê muội của ngu đần lúc nào cũng sẵn sàng một mớ giải thích cho mọi sự, một mớ giải thích mơ màng, không giải thích được điều gì hết.
Vậy ta cần phải gây nên một phong trào khoa học, quảng thông những tư tưởng khoa học, khiến cho ai nấy đều tự nhiên tỉnh ngộ không còn tin rằng trong đời ta, lúc nào cũng có tiên, có thần, có ma để mắt tới. Tuy mất đi một ít vẻ huyền bí, một ít vẻ nên thơ, nhưng ta đi được một quãng dài trên con đường tiến bộ. Ai nấy sẽ chỉ tin phục chân lý của khoa học, chỉ tin là thật những điều mà khoa học đã chứng minh là thật.
Nói đến đây, tôi lại sực nhớ đến câu chuyện cổ. Có người lấy một cái ống gỗ, hai đầu lấy giẻ rách bịt lại để một chỗ. Một tháng sau tháo giẻ ra xem thì một đàn chuột con cũng tự nhiên tháo ra. Người ta bèn hiểu ngay ra rằng giẻ rách để lâu ắt là đẻ ra chuột. Ai đọc đến đây chắc cũng phải mỉm cười. Nếu vậy, sao lại không mỉm cười lúc dân ta thấy một người trèo lên một cây đa thiêng ngã gẫy tay cho ngay là vì ma làm? Các ông thần, các ma quỷ, cũng chỉ như mớ giẻ rách kia mà sự tưởng tượng của ngu dân đổ cho là cha mẹ của lũ chuột con!
Đối với những việc ấy, mỉm cười chưa đủ? Vì chưng lúc ta mỉm cười rồi sao lãng đi, ngàn vạn người khác không được hiểu biết bằng ta, đã vội vàng xúm lại cho là chân lý bất di bất dịch.
Vậy bổn phận của thanh niên ta, không những là sự luyện lấy bộ óc khoa học, mà còn phải luyện tri thức người khác cho trở nên có tính cách khoa học nữa.
Ta phải luôn luôn nhớ rằng thiếu bộ óc khoa học, không thể có tiến bộ được.
Điều tâm niệm thứ 8. Cần Sự Nghiệp, Không Cần Công Danh.
Người ta thường mỉm cười bảo rằng: “Người An Nam nào cũng có một ông quan trong bụng”. Câu nói đó tuy không đúng sự thực với toàn thể dân ta nữa, nhưng cái bả công danh vẫn còn là một sức mạnh cám dỗ nhiều linh hồn non.
Làm quan, ngày xưa, là nguyện vọng tối cao của thanh niên, Đỗ ông Nghè, ông Cống rồi xúng xa xúng xính chiếc áo thụng xanh vào hoạn trường, ấy là công thành danh toại, làm vẻ vang cho cha mẹ, họ hàng, nở ruột cho mẹ cái đĩ, thằng cu… đạt được lý tưởng. Chắc hẳn ai cũng còn nhớ bài văn sách của ông bảng Lê Quí Đôn có câu tán dương cái lý tưởng ấy:
“Chồng quan sang, vợ hầu đẹp, ai chẳng khen nhất thế chi thần tiên.”
“Danh phận cả, bổng lộc nhiều, thế mới thỏa tam sinh chi hương hỏa.“
Từ đời Hậu Lê cho đến gần đây, giấc mơ phú quý đã không biết bao nhiêu nhân tài vào một lối đi nhỏ hẹp. Ai ai cũng mong kiếm chút công danh để thỏa chí bình sinh…
Cho nên, vì một lẽ rất dễ hiểu, người xưa nhầm công danh với sự nghiệp. Đỗ đạt, làm quan sang, lấy vợ đẹp, thu lộc nhiều, đủ chừng ấy không những là công danh hiển đạt, mà sự nghiệp cũng là to lắm. Làm quan to thì sự nghiệp to, làm quan bé thì sự nghiệp bé, làm quan nhỡ thì sự nghiệp nhỡ, còn làm đến Lại bộ Thượng thư, văn minh điện đại học sĩ thì sự nghiệp hiển hách không biết thế nào mà kể.
Sự thực dân có thế, sự thực, nhưng ông đại học sĩ kế chân nhau trong vòng ba trăm năm nay, không ai nói đến nữa. Chính vì sự nghiệp họ không có gì, nếu công danh của họ tột vời.
Sự thực, thanh niên thuở xưa hám công danh mà không hám sự nghiệp. Thản hoặc cũng có nhưng rất hiếm. Tôi chỉ thấy ở đời vua Tự Đức, có ông Nguyễn Công Trứ là người có chí cả, không ham công danh, chỉ muốn lưu lại sự nghiệp “với núi sông”. Nếu ông như người khác, làm tổng đốc còn muốn lên chức thượng thư, thì có lẽ lúc ông về hưu lại không đến nỗi chỉ là binh bộ thị lang. Nhưng ông coi vinh hoa là một điều phụ, nên lúc bị biến làm lính, thì lại nón, lại roi, không lấy thế làm xấu hổ. Cho nên ông để lại một sự nghiệp vẻ vang, oanh liệt, sự nghiệp của một nhà cai trị giỏi, có nhiều sáng kiến, có tài kinh doanh.
Ngoài ông Nguyễn Công Trứ, kể ra xưa cũng còn nhiều người để lại một sự nghiệp hiển hách. Về mặt văn chương, ta thấy có cụ Nguyễn Du. Nhưng sự nghiệp văn chương của cụ chỉ một sự ngẫu nhiên mà có, một việc bất thần xảy ra mà thôi. Cũng như sự nghiệp văn chương của ông Cao Bá Quát hay Tú Xương, hai người bất đắc chí về đường công danh. Ông Quát lúc chua chát địa vị một ông Huấn, ông Tú Xương lúc cay đắng vì đi thi hỏng, chắc không hề nghĩ rằng về sau người ta nhắc nhỏm đến hai ông mà không nhắc đến tên những ông tứ trụ thời bấy giờ.
Thời thế thay đổi, nhưng trong lòng người còn vương lại những sợi tơ cũ, hai chữ công danh vẫn còn là điều ao ước lý tưởng của nhiều người. Cách đây không lâu danh giá các ông tham, ông huyện đã có phen làm mờ tối lương tri của nhiều thiếu nữ. “Phi cao đẳng bất thành phu phụ” (Không có học vấn cao thì không thành vợ chồng) câu châm ngôn ấy ra đời có vẻ chua chát, không biết ngần nào.
Chẳng biết rồi đây ta có được nghe những câu châm ngôn khác cũng tương tự như vậy không, nhưng một điều chắc chắn là bổn phận của ta, của thanh niên, là phải đánh đổ những quan niệm sai lầm ấy.
Ta lúc nào cũng phải tự nhủ rằng: công danh không đáng kể, duy có sự nghiệp thôi. Ta không nên ngây dại như mấy cậu học trò chán đời quyên sinh vì không giựt được mảnh bằng con con, không níu được chút công danh nho nhỏ, ta phải nhớ rằng làm ông huyện, làm ông tuần hay làm một ông thượng thư cũng như làm một người cùng đinh, trong đám cùng đinh có hơn nhau chỉ nhờ ở sự nghiệp để lại.
Nói đến thượng thư, tôi sực nhớ đến ông Quỳnh (CT: tức Phạm Quỳnh). Xưa kia hồi ông còn làm báo, ông cũng không phải là không có sự nghiệp gì. Nhưng đương nửa chừng, ông bị những vẻ đẹp huyền bí của thần kinh cám dỗ; theo tiếng gọi của trái tim ông và của cô lái đò sông Hương, ông bỏ sự nghiệp văn chương của ông, đi tìm công danh (vì sự nghiệp của ông khi làm thượng thư tôi chưa thấy có gì).
Trái lại, ông Vĩnh (CT: tức Nguyễn Văn Vĩnh), người mà báo hiệu còn đương tiếc nhớ, lúc sinh thời không hề nghĩ đến ngôi cao, chức cả, chỉ lo đạt được chí vun xới cho sự nghiệp của ông ta.
Hai mẫu người, hai chí hướng, khiến ta nghĩ ngợi. Nhưng nên rằng ông Quỳnh có để tiếng lại về sau, sẽ không bao giờ vì ông đã thành một trong tứ trụ của triều đình, mà sẽ nhờ đời văn chương của ông mà ông đã ruồng bỏ.
Tuy nhiên, không phải là thanh niên ta không được nghĩ đến công danh, nhưng không bao giờ ta nên quá lo đến. Không bao giờ ta nên để công danh lên trên tất cả mọi sự, trên cả nhân phẩm, trên cả luân lý, như nhiều người tự xưng là thượng lưu trong xã hội ta.
Ta phải để hết tâm trí đến sự nghiệp. Ta phải chăm nom vun xới cho sự nghiệp của ta, ta sẽ được hưởng cái lạc thú vô song của một đời có ích cho người chung quanh.
Điều tâm niệm thứ 9. Luyện Thân Thể Cường Tráng.
Nếu đem một ông đồ nho An Nam sống ở thế kỷ trước bỏ rơi trước một trường vận động Châu Âu, hẳn là ông đã hết đỗi kinh ngạc khi trông thấy những trang thiếu niên ngực nở sắp hàng tập thể thao. Nhưng, hẳn rồi ông lấy móng tay dài vuốt đôi má hóp mà cười một cách khinh bỉ. Ông liệt ngay họ vào hạng man di, đáng để cho văn minh Đông Dương sáng sủa ông đến chinh phục.
Lòng kinh bỉ ấy cũng không có gì lạ. Dân tộc Việt Nam vốn là dân tộc chuộng văn, đã bao nhiêu năm nghiền ngẫm những lời đạo lý của mấy quyển tứ thư, ngũ kinh, mơ màng đọc những thơ phú của Lý Thái Bạch, Tô Đông Pha. Các cụ nho xưa chỉ chú trọng về tinh thần. Một người học trò đời trước, muốn được tiếng là nho nhã, văn nhân, cần phải xanh như tàu lá, gầy như ngọn cỏ, và lúc nào cũng gài trên mái tóc chiếc bút lông… Một nhà túc nho cốt làm sao cho mười ngón tay chỉ dùng về việc bút pháp, dẫu bộ ngực lép chứa chất ngàn, vạn vi trùng lao cũng không sao.
Họ không thưởng thức vẻ đẹp của sức khỏe, trái lại nữa. Họ yên chí rằng sức mạnh của thân thể sẽ làm lấp mất sự sáng suốt của trí khôn, “vai u thịt bắp” là một câu chế riễu khinh bỉ của họ đối với những người tráng kiện. Họ không hiểu câu châm ngôn của người Hy Lạp xưa “Một linh hồn cường tráng trong một thân thể cường tráng”. Họ không biết rằng sức khỏe là một điều nhu yếu cho sự hành động của người đời.
Sự lầm lẫn của các cụ nho kết quả thực là nặng nề. Dân Việt ta không những vì sự trọng đãi quá thiên về tinh thần của các cụ đã dần dần đi vào con đường suy nhược của thế phách, mà lại còn trở nên ủy mị, yếu ớt về linh hồn.
Bây giờ không thể như vậy được nữa. Bây giờ là lúc chèo ngược dòng nước, là lúc chữa lại sự lầm lẫn kia. Bây giờ là lúc sự học của ta đã khiến ta công nhận rằng, luyện tập thể thao không phải chỉ riêng đem đến cho ta sức khỏe, sức mạnh và vẻ đẹp của thân thể. Luyện tập thể thao còn có ảnh hưởng lớn đến tính khí của ta nữa, nhiều đức tính của ta nhờ đó mà tăng tiến, lòng dũng cảm, chí kiên nhẫn, lòng tự tin và sự biết phục theo kỷ luật. Luyện tập thân thể, ta không thể coi khinh là một điều vô dụng như xưa. Ở một nước dân chúng ốm yếu như nước ta, việc ấy ta không thể coi là một điều phụ được. Ta phải luôn luôn nhớ rằng, điều cốt yếu thứ nhứt là luyện lấy sức khỏe, rồi đến luyện tính khí cho cương cường, lên từng trên nữa mới là việc mở mang trí khôn.
Hết thảy các nước văn minh trên hoàn cầu đều công nhận sự quan trọng của sức khỏe. Tại sân vận động Berlin nước Đức vừa rồi, bốn, năm mươi nước đều gửi người tài giỏi về các môn điền kinh đến dự. Nước Nhật trong cuộc tranh đấu đó, đã dự vào một ghế rất vẻ vang. Thành tích rực rỡ ấy nguyên do không khác, chỉ vì cả nước khuyến khích tập luyện thân thể hằng ngày.
Cái gương sáng ấy ta cần phải soi. Bổn phận của ta, của thanh niên, là phải kết đoàn lại lập hội thể thao khắp trong nước. Hiện giờ, phong trào thể thao tuy vẫn có, song chưa lan được rộng, chưa thấm được sâu vào dân chúng. Công việc của thanh niên, là tự luyện lấy thân thể cho cường tráng và hô hào người chung quanh theo gương để đi đến những thành tích vẻ vang của người Đức, của người Mỹ, của người Nhật.
Điều tâm niệm thứ 10. Cần Có Trí Xếp Đặt.
Xưa kia, và cả bây giờ nữa, xã hội ta vẫn còn ở thời kỳ bán khai như những xã hội thời cổ mà nhà văn sĩ Fustel de Coulanges đã tả trong cuốn sách rất có giá trị của ông ta. Dân ta sống một cách hồn nhiên, không biết giá trị của thời gian, mà cũng không chịu vào khuôn vào phép, vào kỷ luật để mưu tồn những công cuộc to lớn lâu dài. Dân ta chưa biết phương pháp tổ chức và xếp đặt những công cuộc của mình.
Ta chỉ cần quan sát một công cuộc chung nào của chúng ta là trông thấy sự thiếu thốn ấy. Những hội của ta thành lập lên trong sự bồng bột nhất thời – dần dần suy vi trụy lạc. Sự thất bại ấy không có cớ nào khác cái cớ thiếu phương pháp xếp đặt một cách chu đáo. Hoặc giả có sự lầm lẫn xẩy ra, mọi người đều tặc lưỡi an ủi: “Chà! Thế nào xong thôi.” Ông Hội trưởng làm việc của ông thủ quỹ, ông thủ quỹ làm việc của ông thư ký, ai nấy đều tự nhủ rằng: “Thế nào xong thôi.” Vì vậy, nên công việc lộn xộn, cẩu thả, không mảy may thứ tự, rồi rút cục lại, không có gì xong cả.
Ở các nước Âu – Mỹ, không bao giờ có những việc như vậy xảy ra được. Là vì họ làm việc có phương pháp nhất định. Trong một công cuộc chung, những phần tử đều có quyền hạn rõ ràng, có trách nhiệm phân minh, những phần tử ấy đều cùng hoạt động nhịp nhàng để mưu đoạt mục đích chung.
Phương pháp tổ chức và xếp đặt ấy là sức mạnh của người Âu trong các công cuộc vĩ đại. Phương pháp đó lại là một điều nhu cầu cho ta, mà hiện ta đương thiếu.
Vì sự thiếu thốn đó, mà những công cuộc cải cách không có kết quả tốt đẹp.
Việc cải lương hương chính năm nào là một trong trăm ngàn thí dụ ta có thể mạnh bạo ở trên giấy tờ. Nhưng hy vọng đều tan theo mây gió đến khi thực hành cái chương trình đồ sộ nhưng không hợp thời ấy. Sự cẩu thả, chủ nghĩa “thế nào xong thôi” của ta khiến công cuộc cải lương chỉ có một điều ích lợi: là tạo thêm mấy danh chức mới trong làng… Ngoài ra, công việc hàng xã vẫn luộm thuộm, hỗn độn như xưa.
Sự thất bại ấy, một phần lớn là do sự thiếu phương pháp tổ chức. Dân quê số đông là những người tiêm nhiễm cái học cũ, tiêm nhiễm những tục lệ cũ, đáng lẽ phải thay đổi tâm hồn họ đi đã, đáng lẽ phải tước bỏ cái chủ nghĩa “Thế nào xong thôi” của họ, rồi mới mưu cuộc cải lương được. Đến lúc dân gian đã rõ sự ích lợi của sự xếp đặt phân minh, đến lúc cái thói quen luộm thuộm về tinh thần đã mất, thì lúc đó còn gì dễ hơn là cuộc cải cách nữa.
Một việc như vậy, trăm, ngàn việc đều vậy. Các hội học, các hội buôn, các hội ái hữu của ta, cũng bị hoặc thất bại hoặc dở dang vì công cuộc xếp đặt không được quang minh.
Vậy, cái tinh thần luộm thuộm cẩu thả của các cụ xưa, của phần đông dân ta hiện thời, ta phải coi như một người thù lớn. Ta cần phải cố tự luyện, tự tu, để đối chọi với cái tinh thần ấy và hết sức đem phương pháp xếp đặt của người Thái Tây áp dụng vào các công cuộc chung của ta mới mong có kết quả rực rỡ được.