Tag Archives: SIT

Mâu thuẫn giả: đầu hàng quá sớm!

Phương pháp “Tư duy sáng tạo có hệ thống” (Systematic Inventive Thinking – SIT) nhắc đến ‘mâu thuẫn giả‘ (false contradiction) như một cơ hội để sáng tạo.

‘Mâu thuẫn giả’ là khi ta có hai mục tiêu mâu thuẫn với nhau. Lời giải thông thường là đành chọn một trong hai, hoặc thỏa hiệp mỗi mục tiêu bớt đi một ít. Tuy nhiên SIT chỉ ra rằng các tình huống mâu thuẫn thật rất ít. Đa số là mâu thuẫn giả, được gắn với nhau bằng một liên kết yếu (weak link). Một khi ta phát hiện ra và loại bỏ liên kết yếu này, ta sẽ có lời giải trọn vẹn.

Mâu thuẫn giả rất dễ gặp trong công việc, ở những tình huống rất đơn giản. Ví dụ tình huống mới xảy ra được mô tả dưới đây. Tiếc là người được giao giải quyết bài toán đã sớm quyết định chọn phương án bỏ bớt mục tiêu. Giá mà bạn đó biết SIT thì có thể đã k0 đầu hàng sớm như vậy.

Số là, một trường đại học tổ chức lễ tốt nghiệp ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia (NCC), Mỹ đình, Hà nội. Yêu cầu là hàng chữ trên phông phải vừa đẹp và cân đối so với sân khấu, lại phải lọt vào khung hình khi chụp ảnh trao bằng cận cảnh cho mỗi sinh viên.

Sân khấu NCC (ảnh từ internet)

Sân khấu NCC (ảnh từ internet)

Vì sân khấu ở NCC rất to và cao, nên hàng chữ cũng phải to và treo cao tương ứng, dẫn đến việc khi chụp ảnh trao bằng thì không lọt vào ảnh. Vì mục tiêu đầu quan trọng hơn, nên Ban tổ chức đã bỏ mục tiêu thứ hai.

Ảnh trao bằng - không thấy hàng chữ trên phông vì cao quá (ảnh từ internet)

Ảnh trao bằng – không thấy hàng chữ trên phông vì cao quá (ảnh từ internet)

Ta thử hình dung lại toàn bộ quá trình, từ lúc tiếp nhận yêu cầu thiết kế sân khấu cho đến khi ra quyết định cuối cùng, rồi áp dụng nguyên tắc ‘mâu thuẫn giả’ xem có thể có lời giải khác như thế nào.

  • Khi nhận được yêu cầu, người thiết kế hình dung nó trong đầu như sau: “hàng chữ phải hài hòa với sân khấu và phải lọt được vào khung hình“.
  • SIT dạy phải tìm được liên kết yếu, vậy nó ở đâu? Liên kết yếu không dễ thấy, vì nếu dễ thì người ta đã không đầu hàng sớm như vậy. Thật ra câu trên chưa đầy đủ nên ẩn mất cái liên kết đó. Ta cần viết đầy đủ ra: “hàng chữ phải hài hòa với sân khấu, đồng thời phải lọt được vào khung hình
  • Aha! Liên kết yếu chính là chữ ‘đồng thời’. Thật ra yêu cầu ban đầu không hề nói đến chuyện hàng chữ trên sân khấu và hàng chữ lọt vào ảnh phải là một! Chẳng qua ai cũng nghĩ thế, cả người ra yêu cầu và người tiếp nhận, vì đã quen. Đây chính là hiện tượng cognitive fixedness (cố định về nhận thức) – rào cản cần phá bỏ để có kết quả sáng tạo.
  • Liên kết yếu một khi đã bị phát hiện thì rất dễ xử lý. Trong trường hợp này, có thể đơn giản là một hàng chữ nữa, rất nhỏ, đủ để lọt vào ảnh và không phá vỡ thiết kế chung của sân khấu
Phương án thêm 1 tấm biển nhỏ lặp lại hàng chữ trên phông, vừa đủ lọt vào ảnh và không phá vỡ cảnh chung

Phương án thêm 1 tấm biển nhỏ lặp lại hàng chữ trên phông, vừa đủ lọt vào ảnh và không phá vỡ cảnh chung

Phương án nêu trên có thể được phát triển tiếp nếu chưa thỏa mãn BTC, quan trọng là nó đáp ứng được cả hai mục tiêu ban đầu, vốn được cho là mâu thuẫn với nhau.

Chuyện ngủ trưa và “mâu thuẫn giả”

(Đã đăng trên facebook 12/6/2014)

Đọc hai bài trên vietnamnet (*) về cấm ngủ trưa, thấy hứng thú muốn bàn một số điểm. Đại khái có 4 lý do được nêu ra cho việc cấm ngủ trưa:

  • Khách hàng bị sốc vì cảnh ngủ trưa
  • Ngủ trưa không tái tạo sức lao động
  • Người ngủ trưa tắt đèn làm ảnh hưởng người khác
  • Nếu ngủ trưa ở VN thì sẽ mang văn hóa ngủ trưa ra nước ngoài làm ảnh hưởng xấu

Với lý do #2, các luận điểm được đưa ra là không thuyết phục. Nói “nếu bạn tin rằng ngủ trưa để tái tạo sức lao động thì hãy chứng minh cho tôi thấy những người ngủ trưa có năng suất lao động cao hơn những người không ngủ trưa” thì cũng giống như nói “nếu bạn tin rằng đeo kính nhìn rõ hơn thì hãy chứng minh người đeo kính mắt tinh hơn người không đeo kính”. Nếu so sánh thì phải so sánh năng suất của cùng một người, khi có ngủ và khi không ngủ. Nói chung câu chuyện “ngủ trưa có ích hay không” là việc khoa học chưa chứng minh được, công ty có thể cấm ngủ trưa hay bất kỳ việc gì khác, nhưng không phải vì lý do “vô ích”. Thiếu gì việc vô ích hơn (ví dụ chơi game) mà có bị cấm đâu?

Lý do #3 có thể giải quyết rất đơn giản, giống như trên máy bay: không tắt đèn, ai muốn che sáng thì đeo mặt nạ che mắt. Và bịt cả tai nếu sợ ồn khi những người khác vẫn chuyện trò.

Lý do #4 thì có thể kiểm chứng qua thực tế. Việc “làm xấu hình ảnh” hay “bị trả về” do ngủ trưa chắc cũng có, nhưng chưa đến mức phải ra chính sách. Hơn nữa, người Việt có tính thích nghi cao và ngại Tây, cho nên ra nước ngoài cũng thường quan sát xung quanh rồi làm theo chứ không dám hành xử như ở nhà.

Lý do #1 là có thật. Đây có lẽ là lý do chính, vì cơ sự từ đây mà ra :). Tuy nhiên, nó có thể là mâu thuẫn giả, và công ty có thể giải quyết được mà cả hai bên đều thỏa mãn.

Mâu thuẫn giả

Phương pháp luận sáng tạo có hệ thống SIT (Systematic Inventive Thinking) (**) chỉ ra một không gian rất rộng cho sáng tạo, đó là khi có “mâu thuẫn giả” (false contradiction).

Khi có tình huống mâu thuẫn, chúng ta cảm thấy bế tắc. Lời giải thường là phải hy sinh một bên, hoặc chọn phương án thỏa hiệp, mỗi bên chịu 1 ít. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, mâu thuẫn là giả, và ta có thể tìm được lời giải sáng tạo cho nó, tức là đáp ứng được cả 2 bên. Thành ngữ Nga gọi là “sói thì no mà cừu thì vẫn nguyên”.

Tại sao ta lại nghĩ một mâu thuẫn là thật? Đó là do ta có sẵn các giả định ngầm (implicit assumption). Một ví dụ: trong trò chơi, 2 người chơi sẽ phải chộp 1 quả cam được tung lên trời, ai k0 bắt được sẽ phải đàm phán với người kia để có quả cam. Một người chơi được mật báo là nước cam sẽ giúp chữa lành bệnh cho con mình, người còn lại được mật báo là mứt từ vỏ cam sẽ cứu sống vợ anh ta. Mỗi người k0 biết người kia được thông báo cái gì. Khi quả cam được tung ra và được 1 người bắt, hai bên đàm phán rất gay gắt, vì mỗi người đều có giả định ngầm về mục đích của người kia. Ai cũng tưởng là người kia cần cả quả cam. Thường mất rất nhiều thời gian, hai bên mới đi đến lời giải win-win: mỗi người chỉ lấy phần của quả cam mà mình cần.

Làm sao để tìm được mâu thuẫn giả? Mâu thuẫn giả bao gồm 2 luận điểm (argument) và một liên kết yếu (weak link). Thường thì một luận điểm là yêu cầu về lợi ích, cái kia là giá phải trả để có lợi ích đó (không nhất thiết tính ra tiền). Nếu tìm được và gỡ bỏ weak link, ta sẽ có lời giải sáng tạo.

Ví dụ: một công ty cần làm hệ thống nhận tín hiệu gồm bệ và ăng ten để đặt ở vùng cực hẻo lánh. Yêu cầu đặt ra là hệ thống phải đủ nhẹ để chuyên chở bằng sức người (vùng cực hẻo lánh không dùng xe được), nhưng phải đủ chắc để chịu bão tuyết. Mâu thuẫn: hệ thống ăng ten phải đủ chắc (lợi) để chống được bảo nhưng đồng thời phải đủ nhẹ (giá) để vác được. Hai luận điểm được bôi đậm, còn liên kết yếu chính là chữ “đồng thời”, và lời giải là: bệ nhẹ nhưng có bề mặt xù xì, sau khi lắp đặt, băng sẽ bám vào và bệ trở nên nặng và chắc chắn. Việc bệ phải nhẹ (khi vác) và chắc (khi đã lắp đặt) không xảy ra đồng thời. Lời giải sáng tạo đã phá bỏ liên kết yếu, và không phải thỏa hiệp (nặng hơn 1 tẹo, bớt chắc đi 1 tý).

Quay lại lý do #1 của chuyện cấm ngủ trưa. Liệu ta có thể phát biểu nó như một mâu thuẫn giả? Liên kết yếu là ở đâu? Mời các bạn cho ý kiến 🙂

_______________________________________

Và đây là ý kiến của bạn Ha Son đưa lên facebook:

Em thấy anh Đạt đã cho gợi ý khá rõ, bản thân em thấy cách các bạn nằm ngủ như vậy là không ổn chút nào. Như vậy, bài toán có các yếu tố lợi ích gồm khách hàng tới làm việc và nhân viên ngủ trưa, liên kết lỏng ở đây là sự quan sát của khách hàng dẫn tới đánh giá tiêu cực. Như vậy, cách xử lý phải nhắm vào các yếu tố: (i) quan sát; (ii) đánh giá.

Để triệt tiêu “quan sát”, sẽ có các giải pháp: (i) cách ly không gian ngủ – phòng ngủ riêng biệt; (ii) không cho thấy – bằng cửa kính mờ + cửa phòng đóng kín cách ly hành lang và phòng họp; (iii) điều chỉnh giờ họp cho phù hợp; (iv) không cho ngủ.

Để triệt tiêu “đánh giá”, sẽ có các giải pháp: (i) quy định về vị trí ngủ; (ii) chia khoang bằng cabinet.

(*) http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/180431/-vi-su-nghiep-toan-cau-hoa–toi-cam-nhan-vien-ngu-trua-.html
http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/180384/choang-vang-voi-lenh-cam-ngu-trua-cua-mot-cong-ty-lon.html
(**) http://phanphuongdat.com/2014/03/01/y-tuong-sang-tao-tu-dau-ra/

Ý tưởng sáng tạo từ đâu ra, hay là think inside the box

(Thu hoạch sau “Hội thảo Tư duy Sáng tạo Hệ thống theo trường phái Israel” được tổ chức tại VCCI, Hà nội, ngày 27/2/2014. Bài trình bày của các diễn giả xem tại http://bit.ly/tailieusit)

Phương pháp luận SIT (Systematic Inventive Thinking) bắt nguồn từ TRIZ và được sử dụng trong lĩnh vực sản phẩm và dịch vụ, trong khi TRIZ được sử dụng trong kỹ nghệ (engineering). SIT còn có tên khác là “think inside the box”, đối nghịch với những phương pháp được gọi là “out of the box” ở các điểm sau:

  • Các phương pháp “out of the box” hướng suy nghĩ của mọi người ra bên ngoài tình huống đang có. SIT thì ngược lại, quan điểm rằng sáng tạo phải nằm trong một không gian cho trước, quen thuộc với những người tham gia sáng tạo. Không gian đó (gọi là closed world) chính là cái box, hay là các ràng buộc (constraint). Chính các ràng buộc này khuyến khích (foster) sáng tạo.
  • Out-of-the-box quan điểm rằng các ý tưởng không có quy luật chung, khuyến khích mọi người nghĩ ra thật nhiều ý tưởng một cách ngẫu nhiên, và hy vọng trong số đó sẽ có những ý tưởng hay. SIT thì cho rằng các sáng tạo đều có những pattern chung (tác giả TRIZ – Altshuller – đã phân tích 200,000 bằng sáng chế và phát hiện 40 pattern), và trên cơ sở những pattern này SIT đã xác định ra 5 template (hay là thinking tool, technique). Việc sử dụng chúng theo một quy trình chặt chẽ (diễn giả luôn nhấn mạnh SIT là một discipline) sẽ tạo ra những ý tưởng sáng tạo. Chính vì lẽ đó mà có chữ “systematic” – sáng tạo có hệ thống chứ không ngẫu nhiên.

Năm công cụ/ kỹ thuật của SIT là:

  • Subtraction: bỏ bớt một thành phần quan trọng của sản phẩm và thử xem “sản phẩm ảo” được cấu thành bởi các thành phần còn lại có thể dùng làm gì. Cách này trái ngược với việc cố đưa thêm thành phần mới vào sản phẩm. Xem ví dụ ở cuối bài về sản phẩm của công ty Jonhson & Johnson.
  • Multiplication: nhân một thành phần nào đó của sản phẩm lên và dùng cho việc khác. Ví dụ được các diễn giả đưa ra là business card của SIT: thông tin được nhân lên 5 lần. Một ví dụ khác là tính năng “picture-in-picture” của TV.
Business card after appying Multiplication

Business card after appying Multiplication. Khi xoay, hình tròn màu trắng có thể cung cấp 5 thông tin về chủ card (so với 1 thông thường).

  • Division: chia một sản phẩm thành nhiều phần khác nhau nằm ở những chỗ khác nhau trong tình huống sử dụng. Ví dụ việc tách bảng điều khiển ra khỏi TV.
  • Task Unification: thêm chức năng cho một tài nguyên sẵn có, hay gộp vài chức năng vào trong một thành phần. Diễn giả lấy ngay ví dụ thực tế mình đã quan sát thấy khi bay từ HCMC ra HN bằng VietJetAir: khi đi gom rác từ các hành khách, sau khi nhận túi rác thì tiếp viên đưa luôn túi mới để hành khách đặt vào chỗ cũ, như vậy gộp 2 khâu đoạn làm 1 để tiết kiệm thời gian.
  • Attribute Dependency: các thuộc tính của sản phẩm phụ thuộc vào nhau. Ví dụ điện thoại thông minh cung cấp thông tin nhà hàng trên cơ sở tọa độ của bạn (thông tin phụ thuộc vị trí).

SIT có một số nguyên tắc. Nguyên tắc quan trọng nhất là “Closed World” – cách tốt nhất và nhanh nhất để sáng tạo là trông vào những tài nguyên trong tay (don’t do innovate, innovate in what you do). Nguyên tắc thứ hai là “Function Follows Form”: đa số mọi người nghĩ rằng sáng tạo là bắt đầu bằng một vấn đề rồi đi tìm lời giải. FFF đề xuất ngược lại: bắt đầu bằng một lời giải trừu tượng rồi đi ngược đến vấn đề nó sẽ giải quyết. Nghiên cứu cho thấy chúng ta dễ tìm lợi ích cho một cơ chế có sẵn (đi từ lời giải) hơn là tìm cơ chế đáp ứng một lợi ích cho trước (đi từ vấn đề). Ví dụ nếu bạn được hỏi “Có lợi ích gì khi bình sữa đổi màu theo nhiệt độ sữa?”, bạn sẽ nghĩ ngay đến việc nó sẽ giúp làm em bé không bị bỏng. Nhưng nếu bạn được hỏi “Làm sao có thể chắc chắn về nhiệt độ sữa để em bé không bị bỏng?”, thì bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để nghĩ ra cách đổi màu (hoặc bó tay). Theo nguyên tắc này, bạn có thể dùng các kỹ thuật trên để tạo ra Form, và sau đó nghĩ các Function mà Form đó có thể làm (function follows form). Nguyên tắc FFF được áp dụng nhiều trong quá trình tái sử dụng (nghĩ ra ứng dụng mới cho những thứ đã bỏ đi).

Chúng ta không sáng tạo được là vì đã hình thành cho mình một số giả thiết (assumption) trong quá trình lớn lên. Sáng tạo xảy ra khi chúng ta công phá (challenge) những giả thiết đó. Loại giả thiết (assumption) mà ai cũng có là sự cố định nhận thức (Cognitive Fixedness), bao gồm cố định tính năng (Functional fixedness) và cố định cấu trúc (structural). Cố định tính năng là khi ta chỉ nghĩ đến một vài tính năng của đồ vật mà không nghĩ đến việc nó có thể dùng được vào việc khác (xem Bài toán cây nến), còn cố định cấu trúc là khi ta nghĩ cấu trúc của một vật phải như vậy (ví dụ các nút điều khiển TV luôn nằm dưới màn hình). Phá được những fixedness này sẽ dẫn đến sáng tạo, nhưng vấn đề ở chỗ ta không nhìn thấy chúng (nhận thức bị cố định) để mà phá, ta chỉ thấy chúng khi chúng đã bị phá. Do đó ta cần những công cụ mạnh để giúp. Lưu ý: lúc bé thì chúng ta chưa hình thành cho mình các giả thiết, nên trẻ con có thể sử dụng đồ vật vào những mục đích rất kỳ lạ.

Nội dung khác trong Hội thảo:

  • Kỹ thuật thuyết trình: Hai diễn giả thay nhau trình bày sau mỗi phần, khiến người nghe được refresh vì có giọng nói mới.
  • Các diễn giả giới thiệu sách về SIT (sắp được dịch ra tiếng Việt trong năm 2014): Drew Boyd, Jacob Goldenberg. Inside the Box: A Proven System of Creativity for Breakthrough Results. Book’s blog: http://www.innovationinpractice.com/
  • Diễn giả chia sẻ: khi khảo sát bằng câu “ở công ty bạn, những ai là người sáng tạo nhất?”, kết quả nhận được thường không phải là một nhóm vị trí công việc nào, mà là “những người được phép”.
  • Câu chuyện ở Johnson & Johnson: J&J sáng chế ra 1 thiết bị y tế mới mà họ rất tự hào. Tuy nhiên lãnh đạo công ty còn nghi ngờ liệu sản phẩm sẽ bán chạy k0, nên mời SIT đến giúp. SIT đề nghị nhóm kỹ sư J&J chia thiết bị thành các thành phần, và hỏi thành phần nào quan trọng nhất. Họ đều nói là pin dự phòng, vì luật bắt buộc phải có để đề phòng mất điện. SIT (áp dụng Subtraction) đề nghị loại bỏ pin ra và hỏi liệu việc bỏ pin đi có đem lại ích lợi gì? Nhóm kỹ sư liệt kê một số lợi ích như nhẹ hơn, giá giảm, v.v. nhưng vẫn kiên quyết phản đối vì trái luật. Khi đó, SIT áp dụng nguyên tắc Closed World và đề nghị nhóm liệt kê hết các thứ trong không gian mà thiết bị này sẽ được vận hành (tức là trong phòng phẫu thuật). Kết quả cho thấy có nhiều thiết bị trong phòng, cái nào cũng có pin dự phòng, và đặc biệt có 1 thứ không bao giờ được dùng cùng lúc với thiết bị mới kia. Kết quả chính là hệ thống Sedasys của J&J. Mình có hỏi diễn giả, tại sao k0 phải là loại bỏ thành phần cản trở kết quả thương mại nhất (ví dụ nặng nhất) mà lại là thành phần quan trọng nhất, thì được trả lời là cách kia chắc chắn đã được làm rồi, và k0 thể tạo ra đột phá.