Phòng con gái đã đưa vào sử dụng được hơn 1 năm (từ Noel 2012). Trong thời gian đó, đại đa số khách đến chơi đều rất thích thú (với điều kiện được cho vào xem, vì không phải ai cũng được chủ phòng cho vào :). Một năm cũng là thời gian để thấy cái gì phát huy tác dụng, cái gì không, có nảy sinh vấn đề gì không. Bài này kể về quá trình hình thành ý tưởng, thiết kế, làm và sử dụng phòng, ảnh sẽ đưa rải rác, một ảnh có thể minh họa cùng lúc cho các phần khác nhau của bài.

Cửa vào phòng gồm 3 cánh (theo kiểu Dutch door). Cửa bé là để bọn trẻ chui nếu thích chui hơn đi qua cửa. Thực tế cho thấy chúng nó k0 chui nhiều 🙂
1. Ý tưởng
Phòng trẻ con là chỗ hàng ngày chúng nó ngủ, học, chơi, thỉnh thoảng có cả ăn uống, có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của chúng (http://phanphuongdat.com/2013/12/01/cac-tro-choi-cua-tre-con-ikea/). Do đó, việc thiết kế phải được làm cẩn thận, bắt đầu từ concept. Phòng của bé có diện tích 3.5 x 3.6m, đặc biệt có trần cao 3.5m. Chính vì trần cao nên mình nảy ra ý tưởng làm thành 3 tầng, tức là 2 gác xép so le nhau. Trẻ con vốn thích leo trèo, thích có ngóc ngách bí mật. Việc làm gác xép cũng tăng không gian sử dụng của căn phòng lên gần gấp đôi – không còn những không gian vô ích nữa. Khi đã có 3 tầng thì mô hình lâu đài rất là phù hợp. Chốt lại concept: lâu đài 3 tầng 🙂
2. Một số yêu cầu chính
- An toàn. Điều kiện #1 là an toàn, bao gồm kết cấu đủ chắc, không có chỗ dễ trượt ngã, không có góc cạnh dễ gây trầy xước, hệ thống điện bảo đảm.
- Tiện nghi. Đủ ánh sáng ban ngày, đèn ban tối, điều hòa, quạt, ổ cắm ở những chỗ cần thiết.
- Tận dụng không gian. Mình nhớ 1 câu khẩu hiệu trong cửa hàng IKEA, đại ý “trong phòng, nhìn lên trên, xuống dưới hay sang bên, bạn luôn thấy những không gian vô ích, mà nếu suy nghĩ, sáng tạo thì có thể biến nó thành có ích”. Không phải không gian trống nào cũng là vô ích, nhưng cũng không ít. Đặc biệt, những không gian bị đóng kín mà lại trống (ví dụ gầm giường, gầm cầu thang) thì 100% vô ích. Chốt hạ: hạn chế tối đa không gian vô ích, gầm cầu thang, gầm giường phải là hộc, là tủ. Nhiều chỗ chứa đồ (storage)
- Có tính mở, hướng đến việc trẻ con lớn dần, tức là cho cả quãng thời gian học phổ thông (6-18 tuổi). Nhiều thiết kế phòng trẻ con thiên về gây ấn tượng bằng màu sắc rực rỡ, mọi thứ được trang bị đầy đủ, không linh hoạt, ý tưởng phân chia không gian không kỹ, thoạt trông thì thích, nhưng sau một thời gian muốn thay đổi là khó, và khi đứa trẻ lớn thì nó hoàn toàn không thích nữa. Mình thiên về thiết kế mở, có ý tưởng công năng cho từng góc không gian nhưng chưa trang bị ngay (ví dụ làm sẵn 1 loạt khuyên sắt để móc các thứ), trang trí là việc của chủ nhà làm dần, và của đứa trẻ về sau. Chốt hạ: để không gian cho trẻ tự nghĩ và làm lấy, tự tay xây dựng “hang ổ” cho mình, càng lớn càng thích phòng mình.

Nhìn từ cửa vào phòng, có 1 cầu thang lên tầng 2 và 1 cầu thang từ tầng 2 lên tầng 3. Đã chăng dây cho an toàn. Hộc ở dưới cầu thang tận dụng không gian. Khuyên sắt làm sẵn trên xà cho phép dễ dàng móc xích đu vào

Giường ở tầng 1. Bé có thể ngủ ở đây hoặc ở tầng 3 tùy thích. Các hộc tủ trắng ở dưới cầu thang tận dụng không gian. Góc giường này có thể biến thành sân khấu (xem ảnh dưới)
3. Quá trình thiết kế
Sau khi ý tưởng hình thành vào tháng 2, mình bắt đầu đi tìm nhà thầu. May quá ở công ty có một bạn mới nghỉ để chuyển sang làm nội thất, thế là nhờ luôn. Chọn kiến trúc sư cũng khá khó, vì KTS phải thật sự thích “nghịch”, thoát ra khỏi các mẫu phòng trẻ em thông thường. KTS đầu tiên không phù hợp, may bạn thứ hai, tên là Nghĩa, tỏ ra hứng thú với ý tưởng của chủ nhà. KTS Nghĩa đã chi tiết hóa ý tưởng thành bản vẽ, hai anh em trao đổi với nhau vài lượt, trong khoảng 2 tháng thì chốt được thiết kế.
4. Thi công
Quá trình thi công kéo dài từ 8/10 đến 20/12, bao gồm các việc:
- tháo dỡ tủ âm tường, phá một mảnh tường và xây lại
- hàn khung sắt. Sự cố: suýt nữa thì rầm sắt không mang lên được vì dài quá không vào được thang bộ chung cư, may cuối cùng cũng tìm được phương án.
- thi công gỗ: làm ở xưởng rồi mang đến lắp. Chỉnh sửa, sơn tại chỗ
- đi đường điện, bả và sơn tường

Nhìn từ tầng 2 lên tầng 3. Cái cửa ở lan can tầng 2 là làm sẵn để lắp ống trượt xuống tầng 1, nhưng chưa triển khai được.

Nhìn ra cửa phòng. Hệ tủ STUVA của IKEA cho phép thay đổi khi bé lớn dần (ví dụ cho thanh treo áo cao lên)
5. Sử dụng và điều chỉnh thêm
Trong hơn 1 năm qua, phòng được sử dụng để chơi, học, thỉnh thoảng mới dùng để ngủ vì em bé vẫn ngủ cùng mẹ. Một số hạng mục làm thêm:
- Lắp hệ thống lưới an toàn
- Lắp thêm cửa cho tầng 3, vì em bé muốn tầng 3 là không gian riêng, chỉ một số người được chọn mới được vào.
- Kê bàn ghế học tập
- Lắp giá sách hình cây (http://phanphuongdat.com/2013/12/16/lam-gia-sach-hinh-cay/)
Trong quá trình, cũng có một số vấn đề nảy sinh:
- Gỗ ốp trần bị cong vênh do thời thiết. Rút kinh nghiệm: không ốp trần cả miếng gỗ to.
6. Chi phí
- Thời gian từ khi bắt đầu hình thành ý tưởng đến lúc đưa vào sử dụng: tháng 2 đến tháng 12
- Tiền (tất tật từ thiết kế, nguyên vật liệu, công): gần 200tr VND.