Tag Archives: psychosocial development

Các giai đoạn phát triển Tâm lý xã hội của một người (Erikson)

Các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội Erikson (Erikson’s stages of psychosocial development) là một lý thuyết phân tích tâm lý học toàn diện, xác định một chuỗi gồm 8 giai đoạn mà một người phát triển lành mạnh sẽ phải trải qua từ lúc lọt lòng cho đến khi già. Ở mỗi giai đoạn, một người sẽ phải đương đầu, và hy vọng là làm chủ được, những thách thức mới. Mỗi giai đoạn được xây dựng trên cơ sở hoàn thành các giai đoạn trước đó. Những thách thức của giai đoạn trước mà chưa được hoàn thành có thể tái xuất hiện trong tương lai dưới dạng các vấn đề.

Tuy nhiên, không nhất thiết phải làm chủ một giai đoạn để chuyển tiếp sang giai đoạn sau. Kết quả của một giai đoạn là không bất biến và có thể thay đổi bởi những trải nghiệm tiếp sau. Lý thuyết của Erikson khắc họa một cá thể đi qua 8 giai đoạn như quá trình dàn xếp giữa lực sinh học của anh/chị ta và lực văn hóa xã hội ở bên ngoài. Mỗi giai đoạn đặc trưng bởi một khủng hoảng tâm lý xã hội tạo ra bởi hai lực mâu thuẫn đó (xem bảng dưới). Nếu một cá nhân hòa giải thành công hai lực đó, anh/chị ta sẽ ra khỏi giai đoạn đó với đức tính cơ bản (virtue) tương ứng. Ví dụ, nếu đứa trẻ bước sang giai đoạn 2 (tự chủ vs hổ thẹn/nghi ngờ) với sự Tin tưởng nhiều hơn là Hoài nghi, nó sẽ mang theo Hy vọng đến các giai đoạn tiếp theo.

Quadrants

Nguồn: wikipedia (xem cuối bài)

(1) Hy vọng: Tin tưởng vs Ngờ vực

Có phải thế giới này là một nơi an toàn hoặc là nó đầy rẫy những chuyện khó lường và có những tai họa chực chờ xảy ra? Khủng hoảng tâm lý xã hội đầu tiên của Erikson xảy ra trong năm đầu của cuộc sống – khủng hoảng giữa Tin tưởng và Ngờ vực. Trong giai đoạn này, trẻ sơ sinh không chắc về thế giới mà chúng đang sống. Để giải quyết những cảm giác không chắc chắn chúng thường dựa dẫm vào người chăm sóc chính của mình.

Nếu sự chăm sóc mà trẻ sơ sinh nhận được là nhất quán, có thể đoán trước và đáng tin cậy, trẻ sẽ phát triển một cảm giác tin tưởng, thứ sẽ được mang theo đến các mối quan hệ khác, và chúng sẽ có thể cảm thấy an toàn ngay cả khi bị đe dọa.

Thành công trong giai đoạn này sẽ dẫn đến niềm tin (trust). Bằng cách phát triển cảm giác tin tưởng, trẻ có thể hy vọng rằng ngay cả khi có khủng hoảng mới xảy ra thì vẫn có khả năng sẽ có người giúp đỡ chúng. Không có được niềm tin sẽ dẫn đến sự phát triển của sợ hãi. Ví dụ, nếu sự chăm sóc có khắc nghiệt hoặc không phù hợp, không thể đoán trước hoặc không đáng tin cậy, thì trẻ sẽ phát triển một ý thức không tin tưởng và không có niềm tin vào thế giới xung quanh hoặc mất niềm tin về khả năng ảnh hưởng của mình với mọi thứ xung quanh.

(2) Ý chí: Tự chủ vs. Hổ thẹn / Do dự

Đứa trẻ phát triển về thể chất và di chuyển nhiều hơn. Trong độ tuổi từ 18 tháng đến 3 tuổi. Trẻ bắt đầu khẳng định sự độc lập của chúng, bằng cách bước đi ra xa mẹ, nhặt đồ để chơi, và lựa chọn đồ mặc, đồ ăn, v.v

Đứa trẻ khám phá ra rằng nó có nhiều kỹ năng và khả năng, chẳng hạn như xếp quần áo và giày dép, chơi đồ chơi, v.v. Erikson khẳng định điều quan trọng là cha mẹ cho phép con cái của họ khám phá những giới hạn khả năng của chúng trong một môi trường khích lệ, có thể chịu được thất bại. Ví dụ, thay vì mặc quần áo cho một đứa trẻ, cha mẹ nên kiên nhẫn cho phép đứa trẻ cố gắng thử cho đến khi chúng thành công hoặc yêu cầu trợ giúp. Vì thế, các bậc cha mẹ cần khuyến khích trẻ độc lập hơn đồng thời bảo vệ để chúng không liên tục thất bại.

Họ phải cố gắng không làm tất cả mọi thứ cho trẻ, và nếu các trẻ không thành công ở nhiệm vụ nào đó thì họ không nên trách (đặc biệt là khi luyện tập trẻ đi vệ sinh). Thành công trong giai đoạn này sẽ dẫn đến ý chí (will). Nếu trẻ trong giai đoạn này được khuyến khích và hỗ trợ để trở nên độc lập, chúng sẽ trở nên tự tin hơn và giữ vững khả năng của mình để tồn tại trong thế giới. Còn nếu trẻ em bị chỉ trích, quá kiểm soát, hoặc không có cơ hội để khẳng định mình, chúng bắt đầu cảm thấy không đủ khả năng để tồn tại, sau đó có thể trở nên quá phụ thuộc vào người khác, thiếu lòng tự tôn, và có cảm giác xấu hổ hay nghi ngờ vào khả năng của mình.

(3) Ý muốn: Chủ động vs Mặc cảm về khả năng

Khoảng 4-5 tuổi, trẻ em khẳng định mình thường xuyên hơn. Đây là giai đoạn đặc biệt sống động, là những năm phát triển cực nhanh trong cuộc sống của một đứa trẻ. Trong thời gian này, điểm quan trọng liên quan đến việc trẻ thường xuyên tương tác với các trẻ khác ở trường. Trọng tâm của giai đoạn này là chơi, vì nó cung cấp cho trẻ những cơ hội khám phá các kỹ năng giao tiếp của chúng thông qua các việc khởi xướng các hoạt động.

Trẻ bắt đầu lên kế hoạch hoạt động, tạo nên trò chơi, và bắt đầu hoạt động với những người khác. Nếu có được cơ hội này, trẻ em phát triển ý thức chủ động, và cảm thấy an toàn về khả năng để dẫn dắt người khác và đưa ra quyết định của mình. Ngược lại, nếu xu hướng này bị chấm dứt, hoặc thông qua những lời chỉ trích hoặc bị kiểm soát, trẻ em sẽ phát triển cảm giác tội lỗi. Chúng có thể cảm thấy bản thân giống như một mối phiền toái cho người khác và vì thế chúng chỉ có thể là người theo sau, thiếu sự chủ động.

Đứa trẻ có những sáng kiến mà các bậc cha mẹ thường cố gắng ngăn cản để bảo vệ chúng. Những đứa trẻ thường sẽ vượt qua những ranh giới bị cấm cản và điều nguy hiểm ở đây là các bậc phụ huynh sẽ có xu hướng trừng phạt và hạn chế các sáng kiến của chúng quá nhiều. Ở giai đoạn này đứa trẻ sẽ bắt đầu hỏi rất nhiều câu hỏi với mong muốn phát triển kiến thức. Nếu cha mẹ coi những câu hỏi của trẻ là tầm thường, là phiền toái hoặc xấu hổ hoặc những hành vi khác của chúng là nguy hiểm thì đứa trẻ có thể có cảm giác tội lỗi và cho rằng chúng “là một mối phiền toái”.

Quá nhiều cảm giác tội lỗi có thể làm cho trẻ chậm tương tác với người khác và có thể ức chế sự sáng tạo của chúng. Một số tội lỗi là tất nhiên cần thiết, nếu không trẻ sẽ không biết làm thế nào để luyện tập quyền tự kiểm soát hoặc có lương tâm. Sự cân bằng lành mạnh giữa chủ động và cảm giác tội lỗi là rất quan trọng. Thành công trong giai đoạn này sẽ dẫn đến ý muốn (purpose).

(4) Năng lực: Tài năng vs. Tự ti

Trẻ em đang ở giai đoạn này (từ 5-12 tuổi) sẽ được học đọc và viết, học làm toán, làm mọi thứ một mình. Giáo viên bắt đầu có một vai trò quan trọng trong cuộc sống của trẻ khi họ dạy chúng các kỹ năng chuyên biệt. Ở giai đoạn này nhóm bạn của trẻ sẽ có ý nghĩa lớn hơn và sẽ trở thành nguồn chính cho lòng tự tôn của trẻ. Trẻ bây giờ cảm thấy cần phải giành được sự chấp nhận bằng cách chứng minh năng lực cụ thể có giá trị trong xã hội, và bắt đầu xây dựng niềm tự hào về những thành tích của chúng.

Nếu trẻ em được khuyến khích và củng cố cho các sáng kiến của mình, chúng bắt đầu cảm thấy cần cù và cảm thấy tự tin vào khả năng của mình để đạt được mục tiêu. Nếu sáng kiến này không được khuyến khích, nếu nó bị hạn chế bởi cha mẹ hoặc giáo viên, thì trẻ bắt đầu cảm thấy thua kém hơn, nghi ngờ khả năng của mình và vì vậy có thể không đạt tới tiềm năng.

Nếu trẻ không thể phát triển các kỹ năng đặc biệt mà chúng cảm thấy xã hội đang cần, về sau chúng có thể phát triển theo chiều hướng tự ti. Một số thất bại có thể là cần thiết để trẻ có thể phát triển theo chiều hướng khiêm tốn. Tuy nhiên, một lần nữa, sự cân bằng giữa năng lực và sự khiêm tốn là cần thiết. Thành công trong giai đoạn này sẽ dẫn đến năng lực (competence).

(5) Trung thực: Bản ngã vs Nhầm lẫn vai trò

Trong giai đoạn vị thành niên (tuổi từ 13 đến 19 tuổi), quan trọng nhất là sự chuyển đổi từ trẻ con sang trưởng thành. Trẻ trở nên độc lập hơn, và bắt đầu nhìn vào tương lai dưới dạng sự nghiệp, các mối quan hệ, gia đình, nhà ở, v.v. Cá thể này muốn là một thành phần của xã hội và hòa nhập vào đó.

Đây là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển, trẻ phải tìm hiểu những vai trò mà chúng sẽ chiếm giữ như một người lớn. Đó là giai đoạn các thanh thiếu niên sẽ xem xét lại bản dạng của mình và cố gắng tìm ra mình là ai. Erikson cho rằng có hai bản dạng liên quan tới giai đoạn này là giới tính và nghề nghiệp.

Erikson tuyên bố rằng người vị thành niên có thể cảm thấy khó chịu về cơ thể của họ trong một thời gian cho đến khi họ có thể thích ứng và “hòa nhập” với những thay đổi. Thành công trong giai đoạn này sẽ dẫn đến trung thực (fidelity).

Lòng trung thực có liên quan đến việc một người có thể hoàn toàn chấp nhận người khác, ngay cả khi có những sự khác biệt về hệ tư tưởng.

Trong khoảng thời gian này, họ tìm hiểu và bắt đầu hình thành bản sắc riêng của họ dựa trên các kết quả của các cuộc khám phá. Thất bại trong việc thiết lập một ý thức về bản sắc trong xã hội (“Tôi không biết mình muốn gì khi lớn lên”) có thể dẫn đến nhầm lẫn vai trò. Nhầm lẫn vai trò liên quan đến các cá nhân không được chắc chắn về bản thân hoặc vị trí của mình trong xã hội.

Để giải quyết vấn đề nhầm lẫn vai trò hoặc khủng hoảng bản dạng, một người vị thành niên có thể trải nghiệm nhiều lối sống khác nhau (ví dụ: công việc, học tập, hoặc các hoạt động liên quan tới chính trị). Đồng thời, việc tạo áp lực bắt một người chấp nhận một bản dạng có thể gây ra sự phản kháng dưới dạng chấp nhận những bản dạng tiêu cực, cộng thêm cảm giác không hạnh phúc.

(6) Tình yêu: Gắn bó vs Cô lập

Xảy ra ở tuổi thành niên (tuổi từ 18 đến 40 tuổi), chúng ta bắt đầu chia sẻ những điều mật thiết của bản thân hơn với những người khác. Chúng ta khám phá mối quan hệ hướng tới những cam kết lâu dài với một người nào đó hơn là thành viên trong gia đình.

Hoàn thành thành công giai đoạn này có thể dẫn đến các mối quan hệ thoải mái và cảm giác cam kết, an toàn và quan tâm trong một mối quan hệ. Tránh sự thân mật, sợ cam kết và các mối quan hệ có thể dẫn đến sự cô lập, cô đơn, và đôi khi trầm cảm. Thành công trong giai đoạn này sẽ dẫn đến tình yêu (love).

(7) Sự quan tâm: Chuẩn bị thế hệ sau vs. đình trệ

Trong tuổi trung niên (từ 40-65 tuổi), chúng ta xây dựng sự nghiệp của chính mình, ổn định trong một mối quan hệ, xây dựng gia đình của chúng ta và phát triển ý thức là một phần của bức tranh lớn hơn.

Chúng ta trả lại cho xã hội thông qua việc nuôi nấng đứa trẻ của mình, làm việc hiệu quả, và tham gia vào các hoạt động và tổ chức cộng đồng.

Nếu không đạt được những mục tiêu này, chúng ta trở nên trì trệ và cảm thấy không hiệu quả. Thành công trong giai đoạn này sẽ dẫn đến lòng quan tâm (care).

(8) Sự khôn ngoan: Viên mãn vs. Tuyệt vọng

Khi trở nên người cao tuổi (65+ tuổi), ta có xu hướng giảm công việc và khám phá cuộc sống của một người nghỉ hưu. Trong khoảng thời gian này chúng ta chiêm ngưỡng thành quả của mình và có thể phát triển sự hài lòng về bản thân nếu chúng ta thấy mình dẫn đầu một cuộc sống thành công.

Erikson tin rằng nếu chúng ta thấy cuộc sống của chính bản thân không hiệu quả, cảm thấy tội lỗi về quá khứ, hoặc cảm thấy rằng chúng ta đã không thực hiện được mục tiêu cuộc sống của chính mình, chúng ta trở nên không hài lòng với cuộc sống và trở nên thất vọng, thường dẫn đến trầm cảm và tuyệt vọng.

Thành công trong giai đoạn này sẽ dẫn đến sự khôn ngoan (wisdom). Sự khôn ngoan cho phép một người nhìn lại cuộc sống của họ với một cảm giác hoàn thành, và chấp nhận cái chết mà không sợ hãi.

Bài sử dụng một số nội dung từ wikipedia và nguồn, độc giả có thể vào tham khảo để  nắm thêm chi tiết. Vì không tìm thấy nguồn tiếng Việt đủ tốt nên phải viết bài tổng hợp/ tóm tắt này.