(Bài đã đăng trên facebook ngày 27/7/2013: https://www.facebook.com/notes/phan-phuong-dat/%C4%91%E1%BB%99ng-l%E1%BB%B1c-30-m%E1%BB%99t-lu%E1%BA%ADn-%C4%91i%E1%BB%83m-th%C3%BA-v%E1%BB%8B-v%E1%BB%81-motivation/10151812910883092)
Động lực 3.0 là tên cuốn sách của Daniel Pink (Drive), đã được Alphabooks xuất bản năm 2010 (*). Nội dung cuốn sách là luận điểm mới về động lực (motivation) làm việc của con người trong thế ký 21, mà tác giả cho là đang bị các tổ chức, các công ty bỏ qua vì quá ỷ lại vào mô hình tạo động lực cũ. Sau đây là tóm tắt nội dung và một số bình luận của người viết bài này:
Con người tiến hóa từ Động lực 1.0 là động cơ sinh tồn lên ĐL 2.0 là “cây gậy và củ cà rốt” – tức là động lực bên ngoài, và nay là ĐL 3.0 – động lực nội tại bên trong mỗi người. Việc càng đòi hỏi sáng tạo thì ĐL 2.0 càng vô ích và phải dùng ĐL 3.0, ở thế kỷ 21, công việc ngày càng đòi hỏi sáng tạo nên các công ty (nhất là công ty ở các nước phát triển, vì những việc đơn giản đã được chuyển dịch cho các nước kém phát triển hơn) phải sử dụng ĐL 3.0.
Khác với quan niệm thông thường, nghiên cứu (*) cho thấy ĐL 2.0 chỉ có tác dụng đối với các loại công việc máy móc, ít đòi hỏi sáng tạo. Với các công việc đòi hỏi sáng tạo, ĐL 2.0 thậm chí có tác dụng ngược, làm giảm hiệu quả lao động. Tuy nhiên các phát kiến khoa học này đang bị bỏ qua, nhất là ở các doanh nghiệp, nơi niềm tin truyền thống vào ĐL 2.0 vẫn ngự trị.
Hiện tượng “bất thường” trên được lý giải là ĐL 2.0 khiến cho người ta bị thu hẹp tầm nhìn và tâm trí, chỉ tập trung tìm lời giải trong phạm vi định trước, quá chú ý đến kết quả cuối cùng mà bỏ quên cái nhìn rộng. Nếu lời giải có ở đó thì ĐL 2.0 có tác dụng, còn nếu lời giải đòi hỏi người thực hiện phải nhìn ra ngoài, nhìn xung quanh, thì ĐL 2.0 lại thành phản tác dụng. Ví dụ được tác giả đề cập là thí nghiệm “bài toán cây nến” (candle puzzle). Một người được cấp 1 cây nến, vài que diêm, một hộp ghim, tất cả đặt trên 1 cái bàn kê sát tường, và được yêu cầu gắn cây nến lên tường sao cho sáp không rơi xuống bàn. Kết quả thí nghiệm cho thấy ĐL 2.0 (treo thưởng cho ai làm nhanh) không làm cho tốc độ giải bài toán nhanh hơn, vì mọi người bỏ qua việc sử dụng cái hộp đựng ghim như một công cụ (chứ k0 đơn thuần là cái đựng ghim), mà chỉ tập trung vào ghim và diêm. Cũng bài toán ấy, nếu bỏ ghim ra khỏi hộp và đưa cho người tham gia thí nghiệm như hai đồ vật riêng biệt, thì họ lại tìm ra lời giải nhanh hơn hẳn. Hiện tượng bỏ ghim trong hộp khiến cho người ta chỉ coi cái hộp như vật đựng ghim (chức năng tiền định, pre-existing function) mà không nghĩ đến sử dụng nó cho mục đích khác, được gọi là “functional fixedness”.
Nến, hộp ghim và diêm (ghim trong hộp)
Nến, hộp, ghim và diêm (ghim ngoài hộp), và lời giải
Với người lao động sáng tạo, tất nhiên tiền phải đủ, nhưng nếu doanh nghiệp muốn khích lệ họ thì không nên dùng động lực bên ngoài (2.0) mà nên khơi dậy động lực bên trong (3.0). Cụ thể là sự tự quản (autonomy), sự thành thạo (mastery) và lý tưởng (purpose).
- Sự tự quản (hay “tự trị”): khái niệm “quản lý” là do con người tạo ra, phi tự nhiên (không có trong tự nhiên), cho nên nó sẽ không vĩnh cửu. Người càng giỏi càng hướng đến sự tự quản, tìm kiếm sự tự quản. Trao cho họ quyền này sẽ là động lực lớn với họ, làm họ gắn bó với công ty.
- Thành thạo (hay “tinh thông”) là mong muốn của con người, nhu cầu tự hoàn thiện và thể hiện bản thân. Những việc gì giúp mọi người thành thạo hơn trong lĩnh vực họ quan tâm sẽ tạo động lực cho họ.
- Lý tưởng (hay “mục đích”) là mong muốn làm ra một cái gì đó có ý nghĩa, cái gì đó lớn hơn bản thân mình. Các công ty cần theo đuổi một lý tưởng nào đó thay vì chỉ chú ý đến lợi nhuận. Lý tưởng là cái gì đó không ngụy tạo được. Theo tác giả, các công ty thành công đều đồng thời là “profit maximizer” và “purpose maximizer”.
Các ví dụ thành công về việc khích lệ bằng động lực nội tại: Google (với chương trình dành 20% thời gian cho việc riêng), Atlassian (24h tự do). Đây đều là các công ty công nghệ thông tin. Ví dụ về sản phẩm được tạo bởi động lực nội (tự nguyện) thắng sản phẩm tương tự tạo bởi động lực ngoại (trả tiền): wikipedia thắng MS Encarta. Rất nhiều chuyên gia giỏi dành công sức để đóng góp miễn phí cho wikipedia, trong khi đáng ra họ có thể dùng công sức đó để kiếm thêm tiền. Hiện tượng này không thể lý giải từ góc độ kinh tế (họ có thể dùng thời gian đó để kiếm tiền nhưng lại k0 làm)
Bình luận:
- Quan điểm này tương thích với tháp nhu cầu của Maslow, là các yếu tố tạo nên động lực cho con người. Động lực kiếm tiền không còn mạnh khi con người đã cảm thấy đủ. Tại một thời điểm, cả 3 loại động lực 1.0, 2.0 và 3.0 đều tồn tại, cho từng người, từng công ty. Với những công việc ít sáng tạo, hay những người đang có nhu cầu tiền bạc, mà áp dụng ĐL 3.0 thì cũng hỏng. Cần áp dụng đúng người, đúng việc.
- Quan điểm này cũng tương thích với thuyết Motivation-Hygiene của Herzberg, cho rằng tiền là yếu tố hygiene chứ k0 phải motivator: tiền ít thì làm người lao động bất mãn nhưng tiền nhiều không làm họ thỏa mãn.
(*) Tham khảo:
– Sách ĐL 3.0 trên alezaa (2010): http://alezaa.com/me/view.php?id=5dZ4to8d8ht
– Dan Pink’s TED talk (2009): http://www.ted.com/talks/dan_pink_on_motivation.html
– SRA animated (2010): http://youtu.be/u6XAPnuFjJc
– Ảnh trong bài được lấy từ http://buildingteams.com/blog/2011/06/22/innovation-the-candle-puzzle/