Bạn có tìm cách cho con đi học đánh cờ, vẽ, nấu ăn hay tennis trong những tháng hè vô kế hoạch không? Hay có lẽ là học tất?
Có nhiều hoạt động và trại hè để lấp đầy thời gian của trẻ và cung cấp dịch vụ trông trẻ rất cần thiết khi trường đóng cửa. Nhưng các nhà tâm lý học và chuyên gia phát triển trẻ em cho rằng việc lên lịch quá nhiều cho chúng trong mùa hè là không cần thiết, và rốt cục có thể khiến trẻ không khám phá ra điều thực sự khiến chúng quan tâm.
Lyn Fry, một nhà tâm lý học giáo dục trẻ em ở London nói: “Là cha mẹ, vai trò của bạn là chuẩn bị cho con trẻ chỗ đứng trong xã hội. Làm một người trưởng thành đồng nghĩa với việc đi làm và lấp đầy thời gian rảnh của bạn theo cách sẽ khiến bạn hạnh phúc“. “Nếu cha mẹ giành lấy việc lấp đầy thời gian rảnh rỗi của trẻ, thì đứa trẻ sẽ không bao giờ học được cách tự làm điều này”.
Fry không phải là người duy nhất chỉ ra lợi ích của sự nhàm chán (boredom). Tiến sĩ Teresa Belton, giảng viên tại Đại học East Anglia, chuyên nghiên cứu mối liên hệ giữa sự nhàm chán và trí tưởng tượng, nói với BBC rằng sự nhàm chán là rất quan trọng để phát triển động lực nội tại (internal stimulus), và cái này là tiền đề cho sáng tạo thực sự.
Và mặc dù khả năng nhàm chán của chúng ta có thể đã giảm đi do những hấp dẫn của internet, các chuyên gia đã thảo luận về tầm quan trọng của việc không làm gì trong nhiều thập kỷ.
Vào năm 1993, nhà phân tâm học Adam Phillips đã viết rằng “khả năng chán chường có thể là một thành tựu phát triển của đứa trẻ”. Chán chường là một cơ hội để thưởng ngoạn cuộc sống chứ không phải để vội vã lướt qua”, ông nói trong cuốn sách của mình. “Một trong những yêu cầu mang tính đàn áp nhất của người lớn là trẻ phải hứng thú, chứ không phải là bỏ thời gian để tìm thấy những gì mình hứng thú. Chán chường là điều không thể thiếu trong quá trình sử dụng thời gian của một người”, Phillips nói thêm.
Fry gợi ý rằng vào đầu mùa hè, các bậc cha mẹ hãy ngồi xuống cùng với con trẻ, ít nhất là những đứa trên bốn, và cùng lập một danh sách tất cả những gì con cái họ có thể thích làm trong kỳ nghỉ. Đây có thể là các hoạt động cơ bản như chơi bài, đọc sách hoặc đạp xe. Hoặc những ý tưởng phức tạp hơn như nấu một bữa tối, diễn kịch hoặc chụp ảnh.
Sau đó, nếu con bạn phàn nàn với bạn về sự nhàm chán, hãy bảo chúng xem lại danh sách. “Bọn trẻ sẽ cảm thấy có trách nhiệm hơn khi nói ‘đây là những gì con muốn làm’,” – Fry nói.
Mặc dù nhiều khả năng là trẻ sẽ ủ rũ một lúc và buồn chán, nhưng quan trọng là ta nhận ra rằng đó không phải là lãng phí thời gian.
“Không có vấn đề gì với việc chán chường”, Fry nói. “Nó không phải là một tội lỗi, phải không? Tôi nghĩ rằng trẻ em cần phải học cách buồn chán để thúc đẩy bản thân hoàn thành công việc. Buồn chán là một cách khiến trẻ tự lập.”
Lý thuyết tương tự đã được đưa ra năm 1930 bởi nhà triết học Bertrand Russell, người đã dành một chương của cuốn sách “Chinh phục hạnh phúc” để nói về giá trị tiềm năng của sự nhàm chán. Trí tưởng tượng và khả năng đối phó với sự nhàm chán phải được học khi còn nhỏ, ông viết:
Một đứa trẻ phát triển tốt nhất khi, giống như một cây non, được để yên trong đất và không bị làm phiền. Đi du lịch quá nhiều, quá nhiều ấn tượng khác nhau không tốt cho trẻ, và khiến chúng khi lớn lên trở nên không có khả năng duy trì sự đơn điệu có lợi (fruitful monotony).
Dịch từ nguồn.
Bài liên quan: Nên lấy vài thứ ngoài những tấm ảnh

Nguồn ảnh: https://www.greatschools.org/gk/articles/let-kids-be-bored/ – bài này cũng cùng quan điểm, với ví dụ thực tế của một bà mẹ
Reblogged this on Social With Toni.