Triết lý trong công việc

Anh Nguyễn Mạnh Hùng Viettel (nay là Bộ trưởng 4T) có nhiều quan điểm mà tôi đồng tình. Một trong số đó là quan điểm “làm gì cũng phải có triết lý”. Trong tài liệu “Binh pháp Viettel” từng được đưa công khai lên website tập đoàn (nay không thấy nữa, cá nhân tôi cho là đáng tiếc, vì nó thể hiện văn hóa độc đáo của Viettel – tất nhiên nếu chưa bị thay đổi khi có lãnh đạo mới). Ý đó nằm trong mục “kinh nghiệm trong định hướng chiến lược”, nguyên văn như sau:

Làm gì cũng phải có triết lý: Bất kỳ một chiến lược hay chương trình hành động nào cũng cần phải có triết lý. Vì có triết lý thì mọi người sẽ hiểu giống nhau, cộng lực sẽ tốt hơn. Triết lý càng rõ ràng, tường minh thì mọi khả năng lan truyền sẽ tốt hơn, thấm vào mỗi người và trở thành động lực. Triết lý còn giúp chúng ta không bị lung lay, giúp chúng ta có điểm tựa để vượt qua những trục trặc, trắc trở mà trên con đường thực hiện các chiến lược và chương trình hành động chắc chắn sẽ gặp phải. Có nhiều lúc, chúng ta phải đứng trước nhiều lựa chọn, triết lý đúng sẽ giúp chúng ta định hướng đúng, lựa chọn đúng, dẫn tới thành công. Trong sự thay đổi, triết lý là cái ít thay đổi nhất. Giữ triết lý là giúp chúng ta duy trì, xuyên suốt giúp một tổ chức to đạt được tính thống nhất.

Năm 2019, khi đã ở cương vị Bộ trưởng, anh Hùng có bài phát biểu có đoạn sau:

“…Thế nên may được cái áo giống người khác chưa phải là giỏi, nó phải là may cái áo với một triết học khác thì đấy mới là cửa thành công”

Cái ý “may áo với một triết học khác” bị nhiều người chê cười, nhưng tôi nghĩ là rất đúng. Một hãng may mặc mới muốn thành công trong thị trường rất bão hòa rồi, thì cần phải có triết lý mới, ý tưởng mới, kiểu “đại dương xanh”. Tất nhiên nếu gia công cho người khác thì chỉ cần giá cả cạnh tranh chất lượng đạt yêu cầu, nhưng nếu bán với thương hiệu của mình thì phải tìm được niche. Thực tế có những hãng quần áo tên lạ hoắc với tôi nhưng tụi teen lại rất thích tìm mua. Trong bất kỹ lĩnh vực nào khác cũng vậy.

Nếu việc bạn định làm chỉ là ngắn hạn, không định đầu tư tâm huyết, thì không cần triết lý. Nhưng nếu là việc dài hạn và quan trọng thì cần. Lý do vì sao có thể tham khảo Binh pháp Viettel, ngoài ra tôi có thể bổ sung: triết lý là cái khiến bạn tin rằng có thể thành công, là sự khác biệt dẫn tới lợi thế cạnh tranh của bạn, là cái giúp bạn thuyết phục các cộng sự khi còn chưa có kết quả thực tế, và là thứ giúp bạn kiên trì vượt khó (nếu không thì bạn sẽ bỏ và chuyển sang việc khác).

Cách này có thể áp dụng không chỉ cho việc bạn khởi nghiệp gì đó, mà ngay cả khi bạn đi làm thuê. Bạn có triết lý (định hướng lâu dài) gì cho sự nghiệp của mình, có sẵn sàng bỏ vài năm lương thấp để đổi lấy trau dồi năng lực, v.v. Thường nếu ai có triết lý rõ ràng chứ không thả trôi theo dòng nước và trông vào vận may, sẽ thành công hơn.

Leave a Reply