Giải thích đơn giản: Lý thuyết hành động (Argyris & Schön’s theories of action)

Các lý thuyết hành động (theories of action) là mô hình do Argyris và Schön đưa ra. Theo đó, các tác giả cho rằng mỗi người đều có trong đầu một “tấm bản đồ” khi lên kế hoạch, thực thi, và xem xét lại hành động của bản thân. Thực tế là, đa số mọi người không ý thức được rằng cái bản đồ mà họ sử dụng khi ra hành động thực ra lại không phải là lý thuyết (các nguyên tắc) mà họ [đinh ninh là] theo. Tức là họ tưởng là mình đang hành động theo những nguyên tắc mà họ tin, nhưng thực tế lại làm khác! (một dạng điểm mù). Hơn nữa, số người biết được cái lý thuyết mà thực ra mình đang hành động theo, còn hiếm hơn.

Hiện tượng này không đơn giản là có sự sai khác giữa lời nói và hành động của mọi người. Hai tác giả cho rằng, có một lý thuyết nhất quán với những gì người ta nói, và có một lý thuyết khác nhất quán trong hành động của họ (do đó bản thân người đó đinh ninh là mình đang nói và làm rất nhất quán, còn người ngoài lại bảo là không phải, và nghi là có sự gian dối!). Như vậy, mấu chốt không phải là khác biệt giữa lý thuyết và hành động, mà là khác biệt giữa hai “lý thuyết hành động”! Hai lý thuyết hành động đó là:

  • Lý thuyết tuân theo (espoused theory): thế giới quan và các giá trị mà người ta tin rằng bản thân đang hành động theo
  • Lý thuyết dùng thật (theory-in-use): thế giới quan và các giá trị có thể suy ra từ hành vi của họ, cũng chính là tấm bản đồ họ dùng để ra hành động

Nói tóm tắt, người ta không biết rằng Lý thuyết dùng thật của họ thường không phải là Lý thuyết tuân theo, và không biết rằng mình có một Lý thuyết tuân theo.

Một ví dụ từ nghiên cứu của Argyris giúp làm rõ sự khác biệt này: một nhà tư vấn quản lý, khi được hỏi về cách giải quyết bất đồng với khách hàng, đã trả lời rằng trước tiên anh ta sẽ nêu hiểu biết của mình về bất đồng, sau đó sẽ thống nhất với khách hàng loại dữ liệu mà hai bên sẽ đồng ý thu thập để giải quyết bất đồng. Đây là Lý thuyết tuân theo của anh ta (hay là lý thuyết đằng sau những gì anh ta nói), là hai bên cùng kiểm soát vấn đề. Tuy nhiên, một đoạn băng ghi âm nhà tư vấn trong tình huống như vậy cho thấy, thật ra anh ta áp đặt quan điểm của mình và bác bỏ quan điểm của khách hàng. Điều này cho thấy Lý thuyết dùng thật của anh ta (hay là lý thuyết đằng sau những gì anh ta làm), là sự kiểm soát gần như đơn phương của anh ta đối với vấn đề và khước từ việc trao đổi thông tin liên quan.

Nhưng, tại sao có thể bảo rằng người ta có một Lý thuyết dùng thật nhất quán, trong khi họ không ý thức được điều đó? Các tác giả lý giải là vì các hành động của họ không hề ngẫu nhiên. Người ta thiết kế các hành động mà mình làm (bản đồ) và do đó chịu trách nhiệm với thiết kế đó. Nhưng họ lại không ý thức được thiết kế này, và không biết rằng nó khác so với cái thiết kế tuân theo (espoused design) của mình.

Trong mô hình 3 cấp độ về văn hóa của tổ chức của Edgar Schein, Lý thuyết tuân theo tương ứng cấp độ 2 (espoused values), và Lý thuyết dùng thật tương ứng cấp độ 3 (basic assumptions). Điều này lý giải hiện tượng tại sao có công ty tuyên bố hệ giá trị của mình, nhưng có tình huống lại không tuân theo, vì khi đó hành động của họ bị chi phối bởi Lý thuyết dùng thật, mà lại cứ đinh ninh là đang tuân theo các giá trị kia!

Việc biết là có Lý thuyết dùng thật (hay trong trường hợp tổ chức, là basic assumptions) sẽ giúp người ta cố gắng xác định và ứng dụng hay điều chỉnh, để công việc hiệu quả hơn (chính là quá trình học tập của cá nhân hay tổ chức).

Ghi chú: vì không tìm được nguồn tiếng Việt nào giải thích ổn thỏa, nên tự tóm tắt bài này, chủ yếu từ nguồn

4 thoughts on “Giải thích đơn giản: Lý thuyết hành động (Argyris & Schön’s theories of action)

  1. Minh Đức

    Cảm ơn anh về những thông tin trên ạ! Cá nhân em nghĩ gọi Lý thuyết tuân theo là Lý tưởng, còn Lý thuyết dùng thật là Lý luận có dễ hiểu hơn không ạ. Vì tuyên bố hệ giá trị của cá nhân hay tổ chức thì đấy là lý tưởng của họ, chiến đấu cho mục đích đó. Còn lại trong thực tế họ dùng lý luận gì để biện minh cho hành động của họ thì lại là câu chuyện khác ấy ạ.

    Reply
    1. Phan Phuong Dat

      Tôi nghĩ là ko hẳn như bạn giải thích. Espoused theory k0 hẳn là lý tưởng đâu, mà là cái người ta nghĩ là họ đang dùng, còn cái theory-in-use thì họ lại ko ý thức đc.

      Reply
  2. Pingback: Câu hỏi “tại sao?” – nên và không nên | Phan Phuong Dat

  3. Pingback: Định nghĩa văn hóa – lý thuyết của Edgar Schein (phần 2/2) | Phan Phuong Dat

Leave a Reply