Đam mê khác với Cần thiết

Khi đăng ký tham gia CLB tài năng lập trình FSOFT, các bạn nhỏ phải viết luận về chủ đề “tại sao tôi muốn vào CLB để học lập trình”. Cơ bản có thể chia các bài luận làm 2 nhóm, một nhóm kể về những trải nghiệm cá nhân với máy tính và lập trình, nhóm kia tìm cách chứng minh lập trình là quan trọng, cần biết và nên biết.

Những bạn thuộc nhóm 2 đưa ra các luận điểm để chứng minh tầm quan trọng của lập trình đối với xã hội và kinh tế, với các ý giống như những gì chúng ta nghe xem qua TV, báo chí. Rồi các bạn khẳng định rằng rất nên theo học. Đọc các bài này, có cảm giác các bạn bị ảnh hưởng bởi cách giáo dục kiểu “văn mẫu”, khi tất cả các bà nội bà ngoại trên đời đều được tả như nhau. Các ý rất riêng, rất độc đáo của từng bạn dường như đã bị chính các bạn lọc bỏ, vì thói quen viết theo mẫu nói trên đã kịp trở thành vô thức. Có lẽ các vị phụ huynh nên chú ý điều này, khuyến khích các bạn nhỏ giữ được tư duy độc lập của mình, cho dù nó có khác chuẩn mực số đông như thế nào.

Tôi không loại trừ khả năng có bạn sẽ học và trở nên rất giỏi vì cho rằng lập trình là quan trọng. Nhưng thứ mà CLB tìm kiếm là sự đam mê. Việc bạn thấy gì đó là quan trọng không phải là đam mê. Đánh giá sự quan trọng là suy nghĩ, thuộc về trí óc, còn đam mê là cảm xúc, thuộc về con tim. Một bạn nhỏ có thể đam mê vẽ, cho dù nó không quan trọng theo nghĩa là nhu cầu xã hội đang cao, tương lai tìm việc được bảo đảm. Đam mê là những thời khắc cụ thể, những kỷ niệm nhiều cảm xúc. Một lần chơi game đến khuya rồi tò mò tìm hiểu cách làm, một lần nghịch code tình cờ được thầy phát hiện, một lần lọ mọ “phá máy” bị mẹ mắng nhưng rồi lại tạo điều kiện cho theo học, v.v. Là những gì bạn cảm thấy, chứ không phải suy tính ra.

Có câu, “không phải những suy nghĩ, mà là những ước mơ làm thay đổi cuộc đời ta”. Cùng với gia đình, CLB sẽ giúp nuôi dưỡng đam mê của các bạn nhỏ thành những ước mơ và hiện thực hóa chúng.

Leave a Reply