Cách đây khoảng 1 tuần, trên Facebook Group “Con Tự Học”, có một người mẹ đưa lên một câu hỏi

Câu hỏi này nhận được nhiều comment, đồng thời còn có người đưa nó ra ngoài group như một cái cớ để nói quan điểm bản thân. Thấy có nhiều ý kiến đa dạng, nên tôi tóm tắt trong bài viết này.
Các ý kiến chủ đạo
Nhóm A. Coi việc bị mắng là bình thường, hãy chuẩn bị cho con đương đầu với sự khắc nghiệt của cuộc đời sau này. Hơn nữa, bị mắng là “ngớ ngẩn” thì cũng có gì ghê gớm đâu, chữ đó quá nhẹ, tôi cũng từng bị mắng thế và cũng dùng để mắng con.
Phân tích: các comment theo tinh thần này nhận được rất nhiều like. Qua đó, có thể thấy người lớn (bao gồm các bố mẹ) ủng hộ quan điểm này. Quả thật, việc chuẩn bị cho con trẻ bản lĩnh là cần thiết và không ai phản đối, nhưng không có nghĩa là cho con trẻ đương đầu với chuyện đó sớm, nhất là nếu chúng còn nhút nhát (có thể gọi là quá sức). Những người ủng hộ quan điểm này đã bỏ qua cảm xúc của đứa trẻ (là điều mà mẹ cháu đã tả rất rõ trong post), một số người dùng bản thân làm thước đo (“tôi thấy chữ ngớ ngẩn cũng có gì ghê gớm đâu”) để nói rằng đứa trẻ xúc động như vậy là không đúng. Thế nhưng, với cảm xúc thì không có khái niệm đúng hay sai. Đứa trẻ rất cần được chia sẻ cảm xúc trước tiên, để thấy được quan tâm được yêu thương, rồi sau đó mới đến các chuyện khác (cụ thể ở đây đứa trẻ đang cảm thấy gì, sẽ được nói ở phần dưới). Việc quá muốn đứa trẻ rèn luyện khả năng đương đầu với những lời tiêu cực có thể tạo ra những hậu quả không mong muốn, ví dụ sẽ làm chúng tìm cách trốn chạy thay vì đương đầu, hoặc mất tự tin.
Nhóm B. Phản ứng với cô giáo. Chê trách cô giáo, gồm cả những lời nặng nề. Đề nghị gặp hiệu trưởng, v.v.
Phân tích: các comment kiểu này cũng nhiều (và tạo thành 1 “phe” đối lập với nhóm bênh vực GV). Có lẽ chúng cho ta thấy tình trạng mất niềm tin của các bố mẹ đối với hệ thống giáo dục. Thay vì tìm hiểu kỹ sự việc (ví dụ tìm hiểu xem cô giáo nói trong hoàn cảnh nào, cô thường xuyên hành xử như vậy hay chỉ nhất thời mất kiên nhẫn), các bố mẹ có sẵn bức xúc và bùng nổ khi thấy chuyện gì đó khẳng định mối nghi ngờ của mình.
Nhóm C. Bênh vực cô giáo và / hoặc phê phán người mẹ. Chỉ căn cứ vào post này đã kết luận người mẹ bao bọc con quá, đòi hỏi ở cô giáo nhiều quá, v.v. rồi mở rộng thành mỉa mai. Đặc biệt, có thầy giáo tạo một post riêng trên Facebook của mình (và để public) để nêu quan điểm theo hướng này, xin trích status và một số comment hưởng ứng:





Phân tích: Xu hướng phản ứng này ngược lại so với phản ứng buộc tội cô giáo đã nêu ở trên. Tại sao chỉ từ một băn khoăn lo lắng cho con của người mẹ, mà lại có thể tạo ra phản ứng này, với sự tổng quát hóa thành “sùng bái trẻ em” với nghĩa mỉa mai? Có lẽ cũng vì những ấm ức đã dồn nén sẵn ở phía các thầy cô giáo và những người ủng hộ. Sự thật là trong xã hội cũng có nhiều bất công với họ, và cảm xúc tiêu cựu dồn nén chỉ chờ cơ hội bùng nổ, và rất tiếc là lại bùng nổ với kẻ yếu thế – trẻ em, chứ không phải với những người “ở trên” có trách nhiệm với tình trạng này. Cả hai xu hướng phản ứng thái quá cho ta thấy một sự bất ổn, mất niềm tin trong giáo dục, sự dè chừng giữa bố mẹ và nhà trường, và con trẻ sẽ là nhóm bị ảnh hưởng nhất.
Nhóm D. Các comment thuộc nhóm D chia sẻ sự lo lắng của người mẹ:
- Chia sẻ lo lắng về việc đứa trẻ sẽ tự ti về sau
- Tìm cách an ủi con trẻ, “sai là bình thường”
- Động viên con mạnh mẽ lên, ko cần phải buồn
- Trước tiên cảm nhận cảm xúc của con
Tổng hợp các ý kiến của nhóm D, các hành động mà người mẹ nên làm sẽ là:
- Tâm sự với con để chia sẻ cảm xúc của bé. Tìm hiểu xem sao con buồn khóc. Ví dụ khóc vì cô mắng thì ít, nhưng vì thấy xấu hổ trước các bạn (nếu cô mắng trước mặt các bạn). Sau khi hiểu rõ rồi, sẽ tìm cách khuyên giải để bé thấy thoải mái, và dần dần tự tin hơn.
- Tìm hiểu và nếu thấy cần thì đến nói chuyện với cô. Nếu sự việc là đơn lẻ, chỉ là sự cố chứ không phải quan điểm giáo dục của cô là vậy, thì nói chuyện rất dễ. Nếu ngược lại, sẽ cần theo dõi thêm và cân nhắc các hành động tiếp theo. Lưu ý một thực tế là sĩ số các lớp cấp 1 ở trường công rất lớn (đến 60+ học trò), nên sẽ là trở ngại cho việc kết nối cảm xúc giữa cô và trò.
- Khi nói chuyện với cả con và cô giáo, thông điệp của người mẹ là: (1) chú ý đến cảm xúc của đứa trẻ. (2) Không nên khắt khe với sai sót của trẻ, ngược lại nên khuyến khích chúng để trẻ không sợ sai. Những lúc sai, lúc thất bại (fail) là lúc học được nhiều nhất. Nếu trẻ sợ sai, sẽ mất tự tin và về sau chỉ muốn làm những việc quen thuộc (chắc chắn không sai), đánh mất sự dấn thân và sáng tạo, và điều này sẽ đi vào tầng vô thức rất khó sửa chữa.
Kết luận
- Trong mọi người ẩn chứa nhiều bức xúc, ấm ức không được giải tỏa. Thiếu sự yêu thương, bao dung và cảm thông. Mọi người hay phản ứng theo hướng phán xét, trách cứ hay thậm chí lên án những người có quan điểm khác mình. Điều này là trở ngại lớn cho việc giáo dục trẻ nhỏ
- Các bố mẹ bắt buộc phải tham gia một cách chủ động vào việc giáo dục con trẻ, đặc biệt là phải chú ý đến cảm xúc của chúng, vì những ảnh hưởng về cảm xúc sẽ tạo ra những hậu quả tâm lý khó chữa về sau (theo Alice Miller)