Những người có tư duy độc lập hay cho rằng những người khác tin vào tuyên truyền, và tìm cách tranh luận. Nhưng sự thật là tuyên truyền không nhằm vào mục đích khiến mọi người tin, mà có mục đích khác.
Điều đầu tiên cần biết là: tuyên truyền không biết cách thuyết phục mọi người để họ hành động. Một ví dụ dễ thấy là việc tuyên truyền tiêm vaccine ở Nga. Tuyên truyền càng nhiều thì người ta càng nghi ngờ và phản đối. Bất cứ khi nào cần kêu gọi mọi người hành động, thì tuyên truyền sẽ bất lực.
Tuyên truyền không phải là báo chí, là đưa tin, mà là một thể loại khác, và không liên quan đến niềm tin. Do đó không thể tranh luận đúng sai với nó.
Tuyên truyền có 3 chức năng sau:
Một, cung cấp cho khán giả một cách nhìn nhận (phương án) mà họ thích về những sự kiện đang xảy ra. Nói cách khác là tuyên truyền liên tục khen ngợi khán giả: ví dụ họ thuộc về một dân tộc vĩ đại, tuyệt vời, hạnh phúc, được thế giới ngưỡng mộ và ghen tị, có những thành tựu vĩ đại. Họ luôn bị kẻ thù bao vây, nhưng kẻ thù không có bất kỳ cơ hội chiến thắng nào, vì họ là dân tộc anh hùng, thông minh. Tức là, bạn giỏi không phải vì bạn đã làm được gì, mà vì bạn là một phần của thứ gì đó rất hoành tráng, rất đáng tự hào.
Hai, tuyên truyền không trông chờ từ bạn bất cứ một hành động nào. Nó yêu quý bạn vô điều kiện. Bạn không cần phải rời khỏi sofa để tham gia bất cứ sự kiện nào. Bạn cứ việc nằm xem TV và thấy mình đang tham gia vào đủ các sự kiện lịch sử, thấy mình tham gia đàm phán với Mỹ, vô địch Olympics, v.v. Tuyên truyền cho bạn cảm giác được tham gia mà lại hoàn toàn không cần sự tham gia của bạn, cảm giác dự phần mà không phải hành động gì. Bạn có thể nghèo đói, thất nghiệp, nhưng Thủ tướng Đức phải kiêng dè bạn (vì bạn là người Nga!). Bạn có thể chẳng là ai cả, nhưng Crimea là của bạn!
Xu hướng tự nhiên của con người là không hành động, không thích ra quyết định. Luôn đi theo con đường dễ nhất, ít tốn sức nhất. Chỉ cần cho phép con người không phải hành động gì, là người ta sẵn sàng chịu khổ. Người nằm trên sofa không cần phải làm bất cứ việc gì để là người Nga, tức là vĩ đại. Điều này rất hấp dẫn và rất tự nhiên đối với bản chất con người.
Ba, tuyên truyền nêu ý kiến của chính quyền, do đó việc ủng hộ là cần thiết, là chính thống, là an toàn. Ví dụ, năm nay tạp chí mode công bố màu của năm màu tím. Tại sao lại tím? Vì tạp chí mode bảo thế, họ biết rõ hơn chúng ta. Tương tự, nếu chính quyền tuyên bố “bảo vệ các giá trị truyền thống”, thì tức là nên bảo vệ, mặc dù không rõ thế nào thì được gọi là “truyền thống”. Phản bác là vô ích. TV không tranh luận, nó chỉ hình thành nên quan điểm chính thống, mà nếu ai đó không theo thì sẽ thành kẻ ngoài lề.
Như vậy mục đích của tuyên truyền không phải để thuyết phục mọi người tin gì đó. Mục đích của tuyên truyền là xây dựng một cách nhìn nhận (phương án) về các sự kiện thực tế mà bạn sẽ thấy rất tiện lợi để đi theo, không cần phải làm gì, an toàn và cảm thấy được ủng hộ.
Ba phương pháp của tuyên truyền:
Một, làm cho quá tải. Hệ thống tuyên truyền sẽ làm việc này khi cần che dấu thất bại hoặc tội ác. Bề ngoài có thể thấy là ngớ ngẩn và hỗn loạn, nhưng thật ra lại rất hiệu quả. Ví dụ như vụ MH17, hay vụ Bucha… Ngay sau thảm họa, xuất hiện ngay lập tức và tràn ngập những cách giải thích nhảm nhí, ví dụ như “máy bay chở đầy xác chết”. Tất cả các lý giải này đều vô căn cứ và không được xác nhận. Chúng có thể xuất hiện cùng lúc và mâu thuẫn lẫn nhau, và đó không phải là vấn đề. Mỗi thông tin như vậy không có ý nghĩa gì về nội dung. Quan trọng là chúng rất nhiều, lấn át sự thật. Điều này tác động vào bản tính lười của khán giả: vì có quá nhiều cách giải thích nên họ cũng không quan tâm đến sự thật nữa, mà chọn phương án ‘chính thống’, an toàn.
Hai, đưa tin về tương lai. Rất nhiều bài viết, nhiều tuyên bố về việc chính quyền SẼ làm gì đó, và tất nhiên là rất vĩ đại, tuyệt vời. Chặt chẽ mà nói, chưa xảy ra thì nghĩa là không phải tin tức. Nhưng việc chém về tương lai tươi sáng lại rất dễ chịu đối với người nghe. Tương tự với điều này là các tin về việc chính quyền đã ngăn chặn được gì đó, “phá tan âm mưu” nào đó, mà không có bất cứ chi tiết nào đi kèm và tất nhiên không thể kiểm chứng.
Ba, số đông bịa đặt. “Nhân dân” nghĩ thế này, “đa số” bảo thế kia, v.v. Các quan điểm chính thống được gán cho số đông, để những người bất đồng phải cảm thấy cô độc. Nhưng, ý kiến người dân không được thể hiện qua phiếu bầu công minh hay các khảo sát xã hội chuẩn mực, mà qua các cảnh quay được dàn dựng trên TV. Nếu bạn không cùng quan điểm, thì bạn không thuộc về nhân dân, hãy cuốn xéo hoặc im mồm. Dần dần, bạn đi đến kết luận bi quan là dân tộc này xứng đáng với chính quyền này, nhưng không phải vậy, vì thật ra người dân không được hỏi.
Như vậy, tuyên truyền giống như tấm gương ma quái. Sẽ vô ích nếu đi tìm hiểu sự thật ở đó. Với mỗi nhóm người, ủng hộ hay phản đối, tuyên truyền tác động theo hai cách khác nhau. Nhóm đầu thì đánh vào nhu cầu, nhóm sau thì đánh vào nỗi sợ. Với nhóm đầu, tuyên truyền cho họ một cách giải thích thực tế mà họ chấp nhận, và nói với họ rằng, đúng là chúng ta nói dối, nhưng là vì điều tốt. Với nhóm sau, thông điệp là “mày chỉ có một mình, bọn tao là số đông”. Thế là, mặc dù bạn không tin nhưng rốt cuộc lại đồng ý với nó.
Vì vậy, đừng tin mình là thiểu số.
Bài này tóm tắt video của Maxim Katz, một chính trị gia người Nga. Tuy nói về nước Nga nhưng cũng đúng với các hệ thống tuyên truyền nói chung.
Bài hay quá! Một góc nhìn mới.