C. Lévi-Strauss. Cấu trúc luận và Sinh thái (1/4)

Bài báo này là bản ghi lại một bài giảng của C. Levi-Strauss bằng tiếng Anh tại Hoa Kỳ vào năm 1972 cho sinh viên tại Đại học Barnard. Ấn bản đầu tiên: Structuralism and Ecology: Geedersleeve lecture, delivered at Barnard College, March 28 // Barnard Alumnae, Spring 1972, p. 6—14. Tái bản năm 1973 (bằng tiếng Anh) tại Paris; bản dịch sang tiếng Pháp được Lévi-Strauss đưa vào tuyển tập các bài báo Le regard eloigne. Paris: Plon, 1983.

Bản dịch này bỏ qua trang đầu tiên của bài báo, có tính chất giới thiệu bài giảng. Về tư liệu, bài viết có những điểm giao thoa với tác phẩm ” La Voie des Masques The Way of The Mask ” (xuất bản 1975), và về vấn đề thì  rất gần với “La Pansee sauvage” – liên quan đến “những yếu tố giới hạn (restreints) của tâm trí.”

Cách tiếp cận cấu trúc, do tôi đề xuất hơn một phần tư thế kỷ trước, thường được các đồng nghiệp Anglo-Saxon của tôi gọi là “chủ nghĩa duy tâm” (idealism) hoặc “tâm thần luận” (mentalism). Tôi thậm chí còn được coi là một người theo trường phái Hegel. Một số nhà phê bình buộc tội rằng tôi coi các cấu trúc tư duy là nguyên nhân tạo ra văn hóa, và đôi khi còn pha trộn hai thứ đó. Họ cũng tin rằng tôi đang tìm cách nghiên cứu cấu trúc của tâm trí con người, để tìm ra thứ mà họ mỉa mai gọi là “những quy luật phổ quát (universals) của Levi-Strauss.” Nếu đúng là mọi chuyện như vậy, thì quả thật việc nghiên cứu các bối cảnh văn hóa mà trí óc hoạt động trong đó sẽ không đáng để quan tâm. Nhưng nếu đúng như vậy, thì tại sao tôi lại trở thành một nhà nhân học thay vì theo đuổi sự nghiệp triết học, phù hợp với nền tảng học vấn của tôi? Và tại sao trong các sách của mình tôi lại dành sự chú ý nhiều đến vậy cho những chi tiết dân tộc học nhỏ nhất? Tại sao tôi cố gắng xác định chính xác các loài thực vật và động vật mà mỗi cộng đồng biết đến; các mục đích kỹ thuật khác nhau mà chúng được sử dụng; và nếu những thực vật hoặc động vật này có thể ăn được, thì chúng được chế biến như thế nào để tiêu thụ – tức là luộc, hầm, hấp, bỏ lò, nướng trên lưới, rán trên chảo, hoặc thậm chí sấy khô hay hun khói? Trong nhiều năm, tôi làm việc với vô số các loại bản đồ mặt đất và bầu trời, giúp tôi theo dõi vị trí của các ngôi sao và chòm sao ở các vĩ độ khác nhau và vào các thời điểm khác nhau trong năm; các chuyên luận về địa chất, địa lý và khí tượng; các nghiên cứu về thực vật học; sách về động vật có vú và chim.

Lý do rất đơn giản: không thể thực hiện bất kỳ loại nghiên cứu nào mà trước đó không thu thập và kiểm tra tất cả dữ liệu. Như tôi thường nhận xét, không có nguyên tắc chung hoặc quá trình suy luận diễn dịch (deductive) nào cho phép chúng ta dự đoán các hoàn cảnh ngẫu nhiên hình thành nên lịch sử của mỗi nhóm người, các đặc điểm cụ thể của môi trường sống của họ, hay cái cách thức không thể đoán trước mà mỗi nhóm người đã chọn để diễn giải các sự kiện lịch sử riêng lẻ hoặc các khía cạnh của môi trường tự nhiên.

Ngoài ra, nhân học là một khoa học thực nghiệm (empirical). Mỗi nền văn hóa là một hoàn cảnh độc đáo mà chỉ có thể được mô tả và thấu hiểu bởi quá trình nghiên cứu tâm huyết. Chỉ có con mắt để ý tìm kiếm như vậy mới có thể phát hiện không chỉ các dữ kiện (fact), mà còn các tiêu chí, thay đổi theo từng nền văn hóa, theo đó mỗi nền văn hóa gán ý nghĩa cho một số loài động vật nhất định hay những loài thực vật, khoáng chất, thiên thể và các hiện tượng tự nhiên nhất định, để từ tập dữ kiện hữu hạn xây dựng nên một hệ thống logic. Nghiên cứu thực nghiệm cho phép ta tiếp cận cấu trúc. Vì ngay cả khi những thành phần giống hệt nhau được duy trì ở đây và ở kia, thì kinh nghiệm chứng minh rằng, những thành phần giống hệt nhau này có thể được quy cho những nguyên nhân khác nhau; và ngược lại, các thành phần khác nhau đôi khi lại thực hiện cùng một chức năng. Mỗi nền văn hóa được xây dựng dựa trên một số ít các đặc điểm riêng biệt của môi trường của nó, nhưng không thể đoán trước được chúng là gì hoặc chúng sẽ phục vụ mục đích gì. Hơn nữa, các nguyên liệu thô do môi trường cung cấp để quan sát và tư duy là vô cùng phong phú và đa dạng, đến nỗi trí óc chỉ có thể chạm được một phần nhỏ của nó. Trí óc có thể sử dụng nó để phát triển một hệ thống nào đó trong một dãy vô số những hệ thống có thể hình dung khác; và không gì có thể định trước rằng hệ thống nào trong số đó là quan trọng hơn.

Như vậy, trước tiên chúng ta vấp phải yếu tố tùy ngẫu (tính bất kỳ), từ đó nảy sinh những khó khăn mà chỉ có kinh nghiệm mới có thể giải quyết được. Tuy nhiên, mặc dù việc lựa chọn các thành phần có thể là bất kỳ, nhưng chúng được tổ chức thành một hệ thống, và các kết nối giữa chúng tạo thành một tổng thể. Trong La Pensée sauvage (Wild Thought), tôi đã viết rằng “nguyên tắc làm nền tảng cho phân loại không bao giờ có thể được định (postulate) trước; nó chỉ có thể được phát hiện ra sau (posteriori) bằng con đường quan sát dân tộc học – nói cách khác, bằng con đường kinh nghiệm.” Tính tương liên (coherence) của bất kỳ hệ thống phân loại nào đều rất phụ thuộc vào những yếu tố giới hạn (restreint), đặc trưng cho hoạt động của trí óc con người. Những yếu tố giới hạn này quyết định sự hình thành của các biểu tượng và giải thích sự đối lập của chúng và cách chúng được kết nối với nhau.

Do đó, quan sát dân tộc học không buộc chúng ta phải lựa chọn giữa hai giả thuyết: hoặc là một bộ óc mềm dẻo được định hình một cách thụ động bởi các tác động bên ngoài, hoặc là các quy luật tâm lý phổ quát đưa ra khởi đầu cho mọi thứ ở khắp mọi nơi, tạo ra những phẩm chất giống nhau và hoạt động bất chấp lịch sử và các đặc điểm cụ thể của môi trường. Nhiều khả năng là, những gì chúng ta quan sát và cố gắng mô tả là một nỗ lực để thực hiện một cái gì đó giống như sự thỏa hiệp giữa các xu hướng lịch sử nhất định với các đặc điểm cụ thể của môi trường ở một mặt, và mặt khác là với các yêu cầu về trí óc (mental), những yêu cầu mà trong mỗi lĩnh vực lại là một sự tiếp tục của các yêu cầu trước đó cùng loại. Bằng cách thích ứng với nhau, hai trật tự thực tại này được trộn lẫn, và do đó tạo ra một tổng thể có ý nghĩa.

Không có gì là Hegelian trong một khái niệm như vậy. Thay vì đến từ hư không, từ suy nghĩ của một nhà triết học, người có lẽ sẽ thực hiện một cuộc khảo sát chóng vánh giới hạn trong một phần nhỏ của địa cầu và trong một vài thế kỷ lịch sử của các ý tưởng, những yếu tố giới hạn này của trí óc con người được phát hiện ra bằng một quá trình suy luận quy nạp (inductive). Chúng ta chỉ có thể tiếp cận chúng bằng cách kiên nhẫn xem xét cách chúng được phản ánh, bằng những cách thức giống hoặc khác nhau, trong hệ tư tưởng của hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm cộng đồng. Hơn nữa, chúng ta không coi những yếu tố giới hạn này là có được ngay lập tức và cho tất cả, và không coi chúng như chiếc chìa khóa cho phép chúng ta, theo cách của phân tâm học, mở tất cả các ổ khóa từ đó về sau. Thay vào đó, chúng ta được dẫn dắt bởi các nhà ngôn ngữ học: họ nhận thức rõ rằng, trong thế giới ngữ pháp có thể xác định các tính chất chung, và hy vọng rằng họ có thể khám phá ra các quy tắc phổ quát (universals) của ngôn ngữ. Nhưng các nhà ngôn ngữ học cũng đồng thời biết rằng hệ thống logic, được hình thành bởi các phổ quát tố như vậy, sẽ nghèo nàn hơn nhiều so với bất kỳ ngữ pháp cụ thể nào, và sẽ không bao giờ có thể thay thế nó. Họ cũng biết rằng, việc nghiên cứu ngôn ngữ nói chung và các ngôn ngữ riêng lẻ đã tồn tại hoặc vẫn tồn tại là một vấn đề vô tận, và tập hợp hữu hạn các quy tắc sẽ không bao giờ mô tả được hết các tính chất chung của các ngôn ngữ này. Khi các phổ quát tố được tìm thấy, chúng sẽ hoạt động như các cấu trúc mở: luôn có thể bổ sung, mở rộng hoặc sửa chữa các định nghĩa trước đó.

Như vậy, có hai loại thuyết tất định (determinism) vận hành đồng thời trong đời sống xã hội; và không có gì đáng ngạc nhiên rằng, vì chúng khác nhau về bản chất, nên mỗi trong số chúng, theo quan điểm của cái kia, có thể tỏ ra tùy ngẫu. Đằng sau mỗi cấu tạo (construct) tư tưởng lại có những cấu tạo cũ hơn. Và chúng tạo ra tiếng vọng trong thời gian, quay trở lại cái thời điểm giả định, khi hàng trăm nghìn năm trước, hoặc có thể lâu hơn, nhân loại, khi lúng túng tìm lời giải thích, đã nghĩ ra và kể những huyền thoại đầu tiên của mình. Và cũng đúng là, ở mọi giai đoạn của quá trình phức tạp này, mọi cấu tạo tư tưởng đều bị thay đổi dưới tác động của các hoàn cảnh kinh tế và công nghệ thịnh hành; chúng làm méo mó, làm biến dạng nó theo nhiều hướng. Không có cơ chế chung nào, có thể nằm ở nền tảng của những cách thức khác nhau mà bộ óc con người vận hành trong các xã hội khác nhau, ở các giai đoạn phát triển lịch sử khác nhau, mà lại hoạt động trong chân không. Những bánh răng trí óc (mental) này phải kết nối với các cơ chế khác; quan sát không bao giờ phát hiện được những hành động riêng biệt của các bộ phận của cơ chế tổng thể; chúng ta chỉ có thể khẳng định kết quả tương tác của chúng mà thôi. Những quan điểm này, hoàn toàn không phải quan điểm triết học, được truyền cho ta từ quá trình nghiên cứu dân tộc học nghiêm ngặt nhất đối với bất kỳ vấn đề cụ thể nào. Tôi sẽ cố gắng minh họa hoạt động thực hành này bằng các ví dụ lấy từ phân tích thần thoại mà tôi đã làm trong hai mươi năm.

(Xem tiếp phần 2, 3 và 4)
Dịch từ bản tiếng Nga СТРУКТУРАЛИЗМ И ЭКОЛОГИЯ.

Leave a Reply