Lời người dịch: các nhãn thế hệ (kiểu Millenian, Gen Z) được sử dụng ngày càng nhiều trong việc mô tả, đánh giá và hành xử với mọi người, kể cả ở VN. Khi tìm hiểu về vấn đề này, tôi thấy một số quan điểm phản đối cách dán nhãn như vậy, mà tôi cho là có lý. Dưới đây là một bài như vậy (link), đăng trong mục Quan điểm của tờ The Washington Post, ngày 7/7/2021. Bài gốc có nhiều link.
Cuối bài này, tôi dẫn thêm một số nguồn khác cùng quan điểm.
Tác giả: Philip N. Cohen, giáo sư xã hội học tại Đại học Maryland, College Park và là tác giả viết sách, với cuốn mới nhất là “Gia đình: Đa dạng, Bất bình đẳng và Thay đổi Xã hội.”
Hãy xem xét những fact sau: Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, thì chị em vô địch quần vợt nhà Williams cách nhau cả một thế hệ. Venus, sinh năm 1980, thuộc “Gen X”; Serena, sinh năm 1981, là một “Millennial”. Trong khi đó, Donald Trump và Michelle Obama đều cùng thế hệ. Người đầu sinh năm 1946 trong khi người sau sinh năm 1964, khiến cả hai đều là “baby boomer”.
Trước khi bạn bắt đầu vắt óc suy nghĩ, để cố nhồi nhét những con người đa dạng này vào khuôn mẫu thế hệ, hãy để tôi ngăn bạn lại: Đừng làm thế. Đó là quan điểm mà tôi và khoảng 150 nhà nhân khẩu học và khoa học xã hội khác đã viết trong một bức thư ngỏ gửi tới Trung tâm Nghiên cứu Pew, kêu gọi họ chấm dứt việc thúc đẩy sử dụng các nhãn thế hệ (Generation labels – Thế hệ im lặng, thế hệ baby boomer, Thế hệ X, thế hệ Millenial và giờ là Thế hệ Z).
Nhãn thế hệ, tuy được công chúng chấp nhận rộng rãi, nhưng lại không có cơ sở trong thực tế xã hội. Trên thực tế, trong một cuộc khảo sát của chính Pew, hầu hết mọi người đã không xác định đúng thế hệ cho mình — ngay cả khi họ được xem một danh sách các lựa chọn cho trước.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì khi các nhà khảo sát, nhà báo hoặc công ty tiếp thị áp đặt các danh mục (category) này, thì các bản sắc (identity) mà chúng định mô tả thậm chí còn chưa tồn tại. Thay vì hỏi mọi người rằng họ cảm thấy gắn bó với nhóm nào và tại sao, thì những người cung cấp các “thế hệ” chỉ cần công bố các danh mục, và bắt đầu đưa ra các tuyên bố về họ. Đó không phải là cách xác định bản sắc xã hội.
Thông lệ đặt tên “thế hệ” dựa trên năm sinh ít nhất đã có từ thời “Thế hệ đã mất” (Lost generation), mà người ta đề xuất cho cuối thế kỷ 19. Nhưng, một khi truyền thống đã biến thành một cuộc đua không hồi kết để trở thành người đầu tiên đề xuất ra một cái tên nghe kêu tiếp theo, thì nó đã gây ảnh hưởng xấu cho khoa học xã hội và sự hiểu biết của công chúng.
Ranh giới được đề xuất giữa các thế hệ cũng chẳng có ý nghĩa gì hơn những cái tên mà người ta đặt cho chúng. Không có nghiên cứu nào xác định ranh giới thích hợp giữa các thế hệ, và không có cơ sở thực nghiệm nào để áp đặt các đặc điểm tính cách sâu rộng mà người ta tin là tiêu biểu cho chúng. Những mô tả về các thế hệ thì hoặc là những khuôn mẫu (stereotype) đáng xấu hổ, hoặc là những bức tranh biếm họa, với sự mơ hồ như của chiêm tinh. Trong một bài báo, bạn có thể đọc rằng Millennials là “những con sư tử tự do”, “cơ động xuống dưới”, “lạc quan”, “tiền Copernican”, “không liên kết, chống phân cấp, [và] không tin tưởng” — mặc dù họ cũng “hòa thuận với cha mẹ, tôn trọng người lớn tuổi và làm việc tốt với đồng nghiệp.”
Rõ là ngớ ngẩn. Nhưng có hại gì chứ? Chẳng phải những thẻ (tag) này chỉ là một trò vui của người viết? Một cái móc thuận tiện để người đọc bám vào, và là một cách nói về sự thay đổi thế hệ – điều mà không ai có thể phủ nhận là một hiện tượng có thật? Trong khoa học xã hội hàn lâm, chúng tôi nghiên cứu và giảng dạy về sự thay đổi xã hội, nhưng chúng tôi không nghiên cứu và giảng dạy những phạm trù này vì đơn giản là chúng không có thật. Và trong khoa học xã hội, thì thực tại vẫn là yếu tố quan trọng.
Các danh mục thậm chí không thể hiện được những trải nghiệm chung. Hãy xem xét lịch sử cuộc đời của những người thuộc thế hệ boomer – một nhóm được xác định bởi một sự kiện lịch sử có thật (tỷ lệ sinh tăng đột biến trong khoảng thời gian từ 1946 đến 1964). Nhóm này bao gồm cả những người đàn ông sinh vào cuối những năm 1940, 42% trong số họ đã phục vụ trong quân đội, và cả những người sinh vào đầu những năm 1960, những người trưởng thành sau Chiến tranh Việt Nam và nhập ngũ với một tỷ lệ nhỏ hơn nhiều (12%).
Nhóm Millennials cũng bị phân rẽ tương tự, một đằng là những người học xong trung học trước cuộc Đại suy thoái (với họ, tỷ lệ thất nghiệp trung bình là 7% sau khi tốt nghiệp) và một đằng là nhóm sau đó (với tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt trên 11%). Không nhà khoa học xã hội nào lại vẽ ra những phạm trù này khi biết những gì chúng ta biết ngày nay.
Không liên quan đã đành, điều tệ hơn là, những danh mục vô căn cứ như vậy khiến mọi người hướng tới sự rập khuôn (stereotyping) và việc đánh giá hấp tấp về tính cách. Điều này thật đáng tiếc, bởi vì việc đo lường và mô tả sự thay đổi xã hội là rất cần thiết, và việc phân tích giai đoạn lịch sử mà con người sinh ra và lớn lên có thể hữu ích. Mọi người nên viết sách báo về những chủ đề này. Nhưng, vẽ những ranh giới tùy tiện giữa các năm sinh và đặt tên cho chúng thì không giúp ích gì.
Hơn nữa, mọi người trải nghiệm lịch sử theo những cách khác nhau dựa trên xuất thân của họ – người da đen so với người da trắng, người nhập cư so với người bản địa, nam giới so với phụ nữ, trẻ em có iPad và trẻ em không có iPad. Vì vậy, việc gộp tất cả mọi người lại với nhau theo năm sinh thường bỏ lỡ tất cả những xung đột kỳ vĩ và sự phức tạp trong thay đổi xã hội.
Có rất nhiều lựa chọn thay thế tốt cho việc chia thành các thế hệ như hiện nay. Chúng ta có thể đơn giản mô tả mọi người theo thập kỷ mà họ sinh ra. Chúng ta có thể xác định các nhóm liên quan đến một vấn đề cụ thể — chẳng hạn như học sinh năm 2020. Với sự xuất hiện của “Thế hệ Z” mà Pew đã công bố một cách rầm rộ, đây chính là thời điểm tốt nhất để xuống khỏi chuyến tàu này.
Khi gửi thư ngỏ tới Trung tâm Nghiên cứu Pew, chúng tôi đã nhận được câu trả lời lịch sự cho biết rằng tổ chức này dự định tiến hành các cuộc thảo luận nội bộ về nghiên cứu thế hệ, bao gồm việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia khi thực hiện. Đó là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh vai trò của một tổ chức, thì chúng ta với tư cách là độc giả, người viết, nhà nghiên cứu, giáo viên và học sinh cũng có vai trò trong việc suy nghĩ vượt ra ngoài các phạm trù thế hệ cũ rích, vốn đang làm suy yếu hiểu biết của chúng ta về thay đổi xã hội.
Tham khảo thêm:
‘Gen Z’ Only Exists in Your Head (14/10/2021)
It’s Time to Stop Talking About “Generations” (18/10/2021)