Thời gian gần đây, tôi tìm học Tâm lý học và Nhân học Văn hóa, và nhận thấy một số điều có thể hữu ích cho những người đang học như tôi.
Nói chung, khi học bất kỳ môn khoa học gì, ta cũng cần hiểu được các khái niệm và quan hệ giữa chúng, và hình thành một bản đồ trong đầu, gồm các điểm và các đường nối. Có sự khác biệt lớn trong quá trình dựng bản đồ giữa các môn KH tự nhiên và KH xã hội.
Với môn KHTN, các khái niệm là rất rõ ràng và chặt chẽ, nên ta có thể vẽ từng điểm một cách chắc chắn, rồi nối chúng lại. Với môn KHXH, các khái niệm rất trừu tượng, mơ hồ và phải dựa vào nhau để làm rõ, nên ta không thể chốt từng điểm một cách chắc chắn.
Cách học ở đây là, các điểm (khái niệm) chỉ có thể được làm rõ khi các đường nối (quan hệ) được rõ dần. Như vậy, ta phải chấp nhận bắt đầu bằng một bản đồ rất mung lung, rồi từng bước một cùng lúc làm rõ hơn các đường và các điểm, cứ thế lặp đi lặp lại để tấm bản đồ rõ nét dần. Cảm giác hoang mang và bối rối là dễ hiểu trong quá trình này.
Quá trình này giống như sự hình thành của một lưới neuron, các neuron phát triển đồng thời với những kết nối giữa chúng.
Một nguyên nhân của khó khăn trong việc học các môn KHXH có lẽ là vì ở trường phổ thông ta chỉ quen với việc học môn KHTN. Các môn như Sử, Địa ở trường phổ thông là môn học ghi nhớ và suy luận, chứ không phải về các khái niệm khoa học trừu tượng. Một nguyên nhân nữa là tiếng Việt thiếu một hệ thống thuật ngữ KHXH đầy đủ và nhất quán, các khái niệm được dịch mỗi lúc một kiểu.
