(Convergent thinking and divergent thinking)
Convergent thinking (CT – tư duy hội tụ) là tư duy tập trung vào câu trả lời, là khả năng tìm câu trả lời “đúng” cho những câu hỏi chuẩn mực, không đòi hỏi phải sáng tạo. Lối tư duy này nhấn mạnh vào tốc độ, độ chính xác, và hiệu quả khi câu trả lời đã có từ trước, chỉ cần nhớ lại hoặc suy luận ra. Đây là lối tư duy kiểu “học thuộc lòng”, là sản phẩm phổ biến của nền giáo dục theo kiểu nhồi nhét. Tư duy này cần thiết, nhưng chỉ cho tình huống phải ra quyết định rất nhanh, hoặc giải quyết vấn đề cũ. Những người thiên về CT rất sợ đưa ra câu trả lời “sai”. Mấu chốt của nó là “tìm câu trả lời”.
Divergent thinking (DT – tư duy phân nhánh) là tư duy bắt đầu bằng câu hỏi và rẽ nhánh ra nhiều giải pháp, ý tưởng khác nhau. Lối tư duy này hiệu quả khi phải sáng tạo, tìm lời giải cho một vấn đề mới (bao gồm cả vấn đề cũ nhưng ở trong hoàn cảnh mới). Tư duy này cần thời gian, và cả thử sai, để đi đến giải pháp tốt nhất. Những người thiên về DT không sợ đưa ra những ý tưởng, giải pháp “ngớ ngẩn”. Mấu chốt của nó là “đặt câu hỏi (đặt vấn đề)”.
Khi làm một việc mới (điển hình là trong một start-up), khả năng DT rất quan trọng, vì ngay cả các vấn đề cũ cũng được đặt trong hoàn cảnh mới, đòi hỏi một câu trả lời khác so với trước. Nếu sử dụng CT và “nhanh chóng” tìm ra câu trả lời, thì tổ chức sẽ đi vào lối mòn và không thể sáng tạo được.
Trẻ con vốn dĩ có khả năng DT rất tốt, tuy nhiên trong quá trình đi học rất dễ bị “giáo dục” trở thành CT (vì trả lời “đúng” thì được điểm cao). Bố mẹ và thầy cô cần giúp trẻ duy trì được khả năng DT của chúng, vì đây mới là khả năng mà robot không có (ít ra là trong tương lai gần).
Thuật ngữ do nhà tâm lý học J.P. Guilford tạo ra.