Tag Archives: đa nhiệm

Screen time cho trẻ ở các lứa tuổi

Nên cho trẻ bao nhiêu Thời gian bên màn hình (Screen Time)? Nên hạn chế thời gian nhìn màn hình của trẻ như thế nào? Đó là mối quan tâm hàng đầu của bố mẹ trong thời đại CNTT, mà rất tiếc là vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Bài này giới thiệu các đề xuất của Avi Luxenburg, dựa trên lý thuyết về các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của trẻ (lý thuyết Erikson).

Định nghĩa: thời gian bên màn hình (ST) là thời gian xem các phương tiện truyền thông (media) một cách thụ động (ví dụ TV, phim) và thời gian tương tác với media một cách chủ động (máy tính, trò chơi điện tử, thiết bị di động, v.v.).

Giai đoạn 1 (Lòng tin vs. Ngờ vực, dưới 1 tuổi)

Vì trẻ sơ sinh phụ thuộc 100% vào người chăm, sự phát triển của lòng tin (trust) dựa trên sự tin cậy và chất lượng của người chăm trẻ (bố mẹ hoặc bảo trợ).

Nếu trẻ phát triển thành công lòng tin, nó sẽ cảm thấy an toàn trong cuộc sống. Người chăm không nhất quán, vô cảm hoặc phũ phàng sẽ góp phần làm trẻ phát triển sự ngờ vực. Một khi trẻ không có lòng tin, chúng sẽ sợ hãi và tin rằng thế giới mâu thuẫn và bất định.

ST: không nên có.

Giai đoạn 2 (Tự chủ vs Hổ thẹn, 1-2 tuổi)

Trong giai đoạn này, trẻ cố gắng tách bản thân khỏi bố mẹ và thử nghiệm với chinh mình. Trẻ con không bị gò ép hay đòi hỏi quá sẽ cảm thấy an toàn và tự tin hơn. Trẻ con không có đủ tự do để thử nghiệm với sự tự quản, hay bị đòi hỏi nhiều quá, có khả năng cảm thấy mình không xứng đáng và nghi ngờ bản thân.

ST: Lời khuyên phổ biến là không. Một số cha mẹ cho rằng ST có ích như một phần rất nhỏ trong quá trình học của trẻ. Ví dụ, bố mẹ có thể dạy con nhìn và cảm giác được trứng, đọc truyện có trứng như Humpty Dumpty, và cho trẻ xem video 90 giây về Humply Dumpty. Trong trường hợp này, ST không được sử dụng tách rời, mà là phần nhỏ của một trải nghiệm học tập lớn hơn.

Giai đoạn 3 (Chủ động vs Mặc cảm về khả năng, 3-6 tuổi)

Ở giai đoạn này, trẻ con tỏ ra vô cùng tò mò với thế giới, và “bắt đầu khẳng định quyền lực và sự kiểm soát của chúng đối với môi trường xung quanh thông qua các trò chơi và tương tác xã hội”. Ở tuổi này, trẻ nhỏ thử các loại hành động và nhìn thấy quan hệ nhân quả của các hành động. “Mình đã vẽ tặng mẹ và mẹ thích, mình sẽ làm nữa”. “Mình đã vẽ cho mẹ nhưng mẹ không thích vì mình bôi bẩn hết cả quần, mình sẽ không làm nữa”. Trẻ nhỏ ở giai đoạn này có mặc cảm tội lỗi khi làm gì đó và bị phạt. Nghịch màu và bôi bẩn ra đi văng là một hoạt động trung tính cho đến khi ai đó có phản ứng tiêu cực (và có thể là trừng phạt). Trẻ con vượt qua giai đoạn này một cách thành công sẽ tự tin trong việc hành động, ngược lại là cảm giác có lỗi và tự nghi ngờ, dẫn đến ngại hành động.

ST: Ở giai đoạn này, trẻ nhỏ cần trải nghiệm tối đa với thế giới vật lý, nơi có rất ít ranh giới cho trước đối với hành động của chúng. Không có tỷ lệ, hình thù hay cấu trúc cho trước. Ngay cả những tương tác màn hình phức tạp nhất cũng có hạn chế về hành động và kết quả.

Đây là một ví dụ. Khả năng có thể gõ (type) các chữ cái đã gỡ bỏ rào cản cho nhiều đứa trẻ vì việc viết trở nên dễ dàng hơn (rất tuyệt cho một số người có khuyết tật nào đó). Khi bạn gõ “h”, đó là “h”, và mặc dù bạn có thể chọn nhiều phông chữ khác nhau, thì đó vẫn là những thứ đã được cố định trước. Ở giai đoạn này, có lẽ không có bất kỳ giới hạn nào thì vẫn hơn. Khi viết chữ “h”, một đứa trẻ có thể chọn sáp, bút chì, bút lông hay thậm chí là bằng tay. Nó cũng có thể chọn vô số thứ để viết lên, từ giấy đến bìa hoặc bức tường đẹp đẽ mà mẹ vừa thuê sơn kia. Nó có thể nhấn mạnh hoặc nhẹ, thay đổi góc, v.v.

Điểm mấu chốt là viết chữ “h” thì phong phú và thú vị hơn nhiều so với gõ. Sẽ đến lúc ra muốn tập trung vào nội dung bài viết và khi đó gõ thì hiệu quả hơn, nhưng ở giai đoạn này, tốt hơn là thử nghiệm với tất cả các khả năng thử nghiệm vật lý.

Nếu theo hướng này, ta cần hạn chế nghiêm ngặt ST cho trẻ. Đa số sách cho rằng 30-45 phút mỗi ngày là tối đa. Và cũng như giai đoạn trước, sẽ tốt hơn cho trẻ nếu ST được thực hiện trong ngữ cảnh học tập rộng hơn chứ không chỉ đơn giản là tự thân.

Giai đoạn 4 (Tài năng vs Tự ti, 5-12 tuổi)

“Khi trẻ lớn lên, chúng dần cảm nhận được giá trị của bản thân trong những việc mình làm. Hoàn thành được các việc, nhất là các việc do chúng tự chọn và làm – giúp trẻ thấy tự hào về việc mình làm và mình là ai”

Ở giai đoạn này, trẻ con phát triển cảm giác năng lực qua các thành tựu. Chúng ta muốn trẻ cảm thấy được việc, có năng lực và tự tin vào kỹ năng của bản thân. Các tương tác xã hội cho chúng cảm giác tự hào ban đầu về thành tựu và khả năng của mình.

Một khi cảm giác thành tựu và năng lực là thứ mà trẻ tìm kiếm ở giai đoạn này, thì trải nghiệm phiêu (flow – dòng chảy) là thứ mà chúng rất nên có. Khái niệm phiêu được GS Mihály Csíkszentmihályi đưa ra khi nghiên cứu về việc cái gì khiến chúng ta sung sướng (happy). Ông phát hiện ra rằng chúng ta sung sướng nhất khi phiêu.

Đơn giản nhất, phiêu là khi chúng ta tập trung tối đa đến mức quên thời gian, cảm thấy mình kiểm soát được hoạt động, cảm thấy biết được điều gì sẽ xảy ra và cần làm gì tiếp. Trải nghiệm phiêu là hoạt động học tập và rèn luyện năng lực tốt nhất. Phiêu khiến chúng ta hài lòng và cảm thấy có thể làm tiếp mãi. Không có gì khiến ta cảm thấy thành tựu và năng lực hơn là trải nghiệm phiêu. Xem thêm videos on Flow (and Multitasking).

Flow

Mô hình dao động trải nghiệm (Experience Fluctuation Model) theo Csíkszentmihályi. Ví dụ về việc chơi game: khi người chơi có năng lực trung bình thì game đưa ra những thách thức khó hơn, và người chơi ở trạng thái Khuấy động. Khi thành thục, người chơi chuyển sang Dòng chảy (phiêu), rồi chuyển xuống Kiểm soát là khi kỹ năng đã vượt lên thách thức. Thế rồi game đưa ra thách thức khó hơn và người chơi lại về trạng thái Khuấy động, cứ thế xoay vòng đến hết. Tham khảo thêm bài tiếng Việt về mô hình này.

ST:

Ở giai đoạn này, ST rất hấp dẫn với trẻ. Đứa trẻ không hứng thú với viết văn hay làm toán sẽ dễ tìm đến trải nghiệm phiêu thông qua các hoạt động liên quan thiết bị số. Trò chơi điện tử (game) rất dễ tạo ra trải nghiệm phiêu, nên được gọi là “máy tạo phiêu” (flow machine)

Game là máy tạo phiêu

Lúc đầu, người chơi sẽ đương đầu với những thách thức dễ, không đòi hỏi nhiều kỹ năng. Sau đó thách thức tăng dần với kỹ năng, tạo nên một tình huống hoàn hảo để phiêu xuất hiện. Các bước rất rõ ràng khi người chơi tiến bộ dần, và phản hồi luôn là tức thì. Thực tế là rất nhiều game chứa các thành phần của trải nghiệm phiêu. Liệu bạn có còn thắc mắc tại sao chúng lại phổ biến đến thế? Là vì chúng trao cơ hội trải nghiệm phiêu dễ hơn nhiều so với học viết, vẽ, hay nhảy.

Multi-tasking

Càng ngày, chúng ta càng thấy ở trẻ khả năng đa nhiệm (multi-tasking). Rất dễ thấy bọn trẻ vừa xem video vừa làm bài tập về nhà và đồng thời lướt facebook.

Nhưng, nhiều nghiên cứu cho thấy không có cái gọi là đa nhiệm thực sự, tức là khả năng tập trung vào nhiều việc một lúc. Thuật ngữ chính xác hơn là task-juggling (tung hứng việc), tức là trẻ sẽ chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác và ngược lại. Theo Csíkszentmihályi, một người có thể xử lý được 110 bit / giây. Nghĩa là gì? Ví dụ khi bạn nghe và theo dõi tôi, bạn sẽ xử lý nội dung mà tôi nói, xử lý các mối liên kết giữa nội dung đó với tri thức của bạn, ngữ điệu cho bạn biết thêm thông tin về tôi, và cử chỉ của tôi cũng vậy. Tất cả các thông tin đầu vào đó tương tác với hình dung của bạn, với kinh nghiệm của bạn. Nếu bạn tập trung hết cỡ vào nghe và xem, bạn sẽ xử lý khoảng 60 bit thông tin mỗi giây. Đó là lý do tại sao bạn không thể thực sự nghe hai người cùng lúc, vì ngưỡng tối đa là 110 bit.

Khi trẻ con không có đủ thông tin để xử lý, bọn trẻ sẽ tìm cách “làm đầy” bằng cách thêm vào. Đôi khi bạn thấy mình vừa xem phim vừa làm gì đó. Các hoạt động đòi hỏi tập trung cao, ví dụ viết, sẽ không cho phép đa nhiệm (task-juggling). Ví dụ bạn k0 thể viết và trả lời email, hay thậm chí nghe nhạc và cảm nhận được lời. Đa nhiệm không cung cấp đủ chỗ cho trải nghiệm dòng chảy, vì dòng chảy đòi hỏi 100% công suất xử lý thông tin của ta.

Như đã nói, thế giới công nghệ số rất hấp dẫn người trẻ bởi ở đó họ có thể trải nghiệm phiêu dễ hơn và ít phải tập luyện hơn, so với chơi violin chẳng hạn. Sự hấp dẫn này không hẳn là tệ.

Với việc có thể sáng tạo và làm việc trên máy tính và mạng, thời gian sử dụng máy tính (ST) có thể trở thành một công cụ tiềm năng để phát triển cảm nhận năng lực và thành tựu. Chỉ khi ST được sử dụng cho những thứ không sinh lợi (non-productive – vô bổ), ví dụ vào mạng xã hội hàng giờ, hay chơi game, hay lướt web một cách lơ đãng, thì ST mới không có tác dụng cho mục tiêu quan trọng nhất ở giai đoạn này – phát triển tài năng của trẻ.

Xu hướng đa nhiệm cũng như sử dụng ST cho những việc “vô bổ” khiến bố mẹ muốn hạn chế ST của con mình. Đây là vấn đề khó, bởi ở lứa tuổi này bọn trẻ đang khám phá, giải trí và phát triển các mối quan hệ trực tuyến. Chúng muốn nhiều ST hơn. Có lẽ nên giới thiệu cho chúng về phiêu, cái gì khiến chúng vào trạng thái đó và ra. Cũng nên đàm phán với trẻ về ST có ích (productive) và “vô bổ” (non-productive). Có lẽ cũng là lúc xác định khi nào thì được đa nhiệm và khi nào không.

Cũng như ở giai đoạn trước, trẻ rất cần tương tác và hoạt động trong thế giới vật lý. Thế giới trong màn hình không linh hoạt và năng động như thế giới thật, vì các khả năng bị hạn chế bởi các thông số khi lập trình, đóng gói sẵn, và không có sự lộn xộn hay ho như ở thế giới thật. Nhưng mặt khác, thế giới số lại là chỗ tuyệt vời để khám phá những thứ ta không thể trải nghiệm trong thế giới thật, tỷ như giả lập xây dựng một thành phố và xem nó phát triển ra sao sau 1000 năm, hay vẽ tranh mà không tốn phí.

Melton và Shankle khuyến cáo ST hàng ngày cho trẻ ở khúc đầu của giai đoạn này là 45 phút, và khúc sau là 2 giờ. Khi quyết định ST phù hợp, bố mẹ cần cân nhắc theo nhu cầu cá nhân của con trong bối cảnh chúng muốn phát triển năng lực và thành tựu.

Giai đoạn 5 (Cái tôi và Nhầm lẫn về vai trò, 12-19 tuổi)

(chưa dịch)

Bài liên quan:

Ảnh hưởng của đồng bọn (với trẻ)

Tư duy hội tụ và tư duy phân nhánh

Các giai đoạn phát triển Tâm lý xã hội của một người (Erikson)

Gippenreyter: 10 điều Không trong nuôi dưỡng trẻ em

Nguồn khác tham khảo:

ConnectSafety Parents’ Guide to Facebook (pdf tiếng Anh)