Có một dạo hay thấy khẩu hiệu “an toàn giao thông – nói không với tai nạn”, chắc là biến thể của “an toàn là bạn, tai nạn là thù”. Thoạt nghe có vẻ hay, nhưng nghĩ lại thì thấy, làm gì có ai “nói có” với tai nạn? Cũng có người như vậy (thực sự muốn tai nạn xảy ra), nhưng số đó rất ít và cần được ngăn lại bằng cách hoàn toàn khác.
Thực tế là không ai “nói có” với kết cục xấu cả, ai cũng muốn tránh. Do đó, thay vì “nói không” với kết cục, ta cần phải biết “nói không” với những hành động có thể tạo nên chúng. Điều này mới thực sự cần, vì các hành động đó có một sức cám dỗ nhất định, trong khi người ta, nhất là người Việt, lại có thiên hướng hy vọng là mình sẽ thoát, là hậu quả đáng tiếc kia sẽ chừa mình ra. Ví dụ như uống rượu lái xe, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, v.v.
Mới đây xuất hiện khẩu hiệu mới, “hãy lái xe bằng trái tim!”. Cũng là một dạng lôi kết cục ra dọa, mùi mẫn hơn. Nhưng, trong những tình huống cụ thể, “lái bằng trái tim” nghĩa là gì? Ví dụ khi tôi đang bị sốc chuyện tình cảm, hay khi tôi đang chở một người thân đi cấp cứu, thì trái tim bảo tôi lái thế nào? Câu trả lời có trong… phim hành động: tất cả các tay lái “bằng trái tim” đều bất chấp luật giao thông và gây ra vô số tai nạn!
Lái xe là chuyện của lý trí, là việc tuân thủ luật và rèn kỹ năng. Thú vị là trong khi thế giới tìm cách loại bỏ “trái tim” ra khỏi xe – bằng cách chế xe không người lái, thì Việt Nam lại kêu gọi ngược lại.
Trong đại đa số trường hợp, nguyên nhân của kết cục xấu không phải là vì người ta muốn thế, mà vì người ta đã có các hành động làm tăng rủi ro, nôm na là làm ẩu. Để giảm tai nạn một cách bền vững, chỉ có cách là bớt làm ẩu, thế nhưng điều này rất khó, vì làm ẩu có sự hấp dẫn đặc biệt. Thứ nhất là đỡ tốn kém (cả về tiền và thời gian), thứ hai là nếu trót lọt thì nó cho ta cảm giác là mình giỏi hơn người, mình có thể “tự cho phép” điều đó. Nó chính là nẻo “đường tắt” trứ danh mà người Việt ta luôn mơ ước và kiếm tìm!
Vì văn hóa “nói không với tai nạn”, nên ta có thể thấy dư luận xôn xao, “gióng hồi chuông cảnh báo” mỗi khi xảy ra sự cố, rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy cho đến … sự cố tiếp theo. Đó có thể là cháy quán karaoke, chở vật liệu quá khổ lưu thông trên đường gây chết người, đào hố sâu không che chắn khiến trẻ chết đuối, sinh viên đi tình nguyện tử vong, v.v. Chính quyền cũng mau mắn thể hiện “trái tim”, “vào cuộc ra quân” vài đường cho yên lòng dân (dễ nhất là tạm thời cấm tuốt), để rồi mọi thứ lại về quỹ đạo. Dù sao thì xử lý hậu quả, chứ không phải loại bỏ nguyên nhân, mới là thứ tạo nên anh hùng: một đơn vị phòng cháy chữa cháy đã dập tắt đám cháy “kịp thời” là người hùng, còn đơn vị khiến cho không có đám cháy nào xảy ra thì khéo bị giải tán , vì chẳng có việc gì làm!
Hiện tượng trên không chỉ có trong xã hội, mà ngay trong mọi công ty hay gia đình. Một dự án bỏ qua quy trình kỹ thuật và may mắn thành công không những không bị kỷ luật mà còn được tôn vinh, vô hình trung thành “tấm gương” cho những người khác. Một đứa trẻ được bố mẹ bỏ qua thói xấu cho đến khi sự cố xảy ra và, bây giờ thì “sao mày ngu thế?”.
Đỉnh cao của “nói không với tai nạn” có lẽ là việc Ủy ban An toàn giao thông tổ chức cầu siêu cho các nạn nhân của tai nạn giao thông. Nhưng biết đâu đấy, có khi sẽ xuất hiện đỉnh cao hơn 🙂

Gặp bão thì những tấm tôn này có khả năng gây tai nạn khủng hơn tấm tôn lang thang trên đường. Ảnh chụp trên đường Phạm Hùng, đối diện Bến xe Mỹ đình.