Về bức ảnh phất cờ trên nóc hầm Điện Biên Phủ

Tấm ảnh đã trở thành biểu tượng và được sử dụng rộng rãi, nhưng theo những gì tôi tìm hiểu được qua các nguồn tin public trên mạng, thì vẫn không rõ nguồn gốc của nó thực sự là thế nào. Bài này tóm tắt những gì tôi tìm hiểu được, mong có thêm thông tin để sáng tỏ.

Cập nhật 10/5/2023: đã tìm ra nguồn gốc bức ảnh – cắt từ đoạn phim tài liệu dựng lại vào năm 1964 (xem ở cuối bài)

Có mấy bức ảnh chụp cảnh này

Tôi tìm thấy 3 bức ảnh chụp cảnh này, trong đó bức #1 được sử dụng nhiều nhất và trở thành biểu tượng, bức #2 cũng được dùng tương đối nhiều, còn bức #3 tôi chỉ tìm thấy trong kho của Getty images.

Bức #1 (sau đây gọi là bức ảnh chính) đôi khi bị lật ngang, và có vài lần được công bố dưới dạng ảnh màu bởi một số media của VN. Nhiều khả năng là được tô màu.

Trên các media VN, bức #2 nhiều lần được chú thích là của AFP, trên Getty Images cũng ghi là AFP/ VNA FILES, trên chùm ảnh của TTXVN thì ghi là Tư liệu/ TTXVN phát. Như vậy có lẽ ảnh này do phóng viên AFP chụp, nhưng chưa chắc đã chụp vào đúng thời điểm tấn công hầm De Castries.

Bức ảnh chính do ai chụp và khi nào?

Giả thuyết 1: cảnh được dựng lại và ở trong phim của Roman Karmen

Ảnh này có trên wikimedia và được sử dụng trong bài wikipedia tiếng Anh và Việt về trận ĐBP (bài tiếng Nga dùng ảnh khác). Ảnh được chú thích là lấy từ phim “Việt Nam” – bộ phim nửa hư cấu nửa tài liệu của đạo diễn Liên xô Roman Karmen được công bố năm 1955. Nhưng trong phim (ít ra là phim mà tôi xem được, tiếng Nga) không hề có cảnh này.

Giả thuyết này cũng được đề cập trong một bài trên báo Lao động ngày 24/4/2004.

Nguồn: flickr manhhai

Và cũng được tướng Lê Mã Lương khẳng định trong một bài phỏng vấn trên Tuần Việt Nam (link thứ cấp):

Như vậy, Thiếu tướng Lê Mã Lương nói, lá cờ cắm trên nóc hầm Đờ Cát chỉ là biểu tượng, xuất hiện lần đầu trong bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” của nhà quay phim Liên Xô Roman Karmen. 

Sau này, khi Karmen dựng lại những hình ảnh đó cho bộ phim, ông đã giao lá cờ Quyết chiến quyết thắng cho một chiến đấu viên của đại đội cầm lá cờ xông lên. Từ đó, trong tâm tưởng của mọi người đều nghĩ rằng có lá cờ cắm trên nóc hầm của tướng Đờ Cát. 

Kết luận sơ bộ: giả thuyết này không đúng, nhưng vì được nhiều nguồn có vẻ uy tín khẳng định, thành thử nhiều người tin. Nếu muốn khẳng định thì cần tìm được đoạn phim có cảnh này, có thể ko phải là bộ phim trên.

Giả thuyết 2: ảnh được chụp thực tế, và của nhiếp ảnh gia Triệu Đại

Giả thuyết này được nêu trong bài viết của tác giả Chu Chí Thành trên Báo Tin tức của TTXVN 7/5/2021 (online): “Mọi người đều biết bức ảnh Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng (QCQT) phất cao trên nóc hầm De Castries của nhà nhiếp ảnh Triệu Đại đã đi vào lịch sử như một mốc son…”, nhưng bài không nêu bằng chứng đủ thuyết phục.

Nếu xem chùm ảnh về ĐBP cũng trên website của TTXVN, thì họ chú thích ảnh này là “tư liệu TTXVN”, trong khi ở một ảnh khác chụp tướng De Castries thì ghi rõ là “Triệu Đại – TTXVN”. Hơn nữa, giả sử Triệu Đại là tác giả bức ảnh, thì chắc phải có nhiều bài viết về tác giả cũng như bối cảnh của bức ảnh, nhưng tôi không tìm thấy.

Như để thêm phần lộn xộn, bài trên báo “Thế giới và Việt Nam” online (baoquocte.vn) ngày 12/5/2018 chú thích ảnh này là của AFP.

Còn trên Getty Images, ảnh này được chú thích là “Photo by Apic/ Getty Images”

Kết luận sơ bộ: giả thuyết này cũng không đúng.

Tóm lại là khi nào và ai chụp – suy luận cá nhân

Theo tôi, các bức ảnh này được chụp tại trận chứ không phải dàn dựng sau đó, vì nếu dàn dựng lại để quay phim chụp ảnh, thì chắc phải có nhiều ảnh hơn và xuất xứ rõ hơn. Có lẽ là của phóng viên nước ngoài (AFP?) chụp vào đúng thời điểm xảy ra.

Tuy nhiên, cũng vẫn có khả năng ảnh được chụp vào thời điểm dàn dựng lại. Trong chú thích của ảnh #2 trên Getty Images, có dòng chữ cảnh báo: “EDITOR’S NOTE: THE VAST MAJORITY OF VIETNAMESE PHOTOS OF THE BATTLE ARE RECONSTRUCTIONS DONE FOR THE PURPOSE OF PROPAGANDA. MOST OF THEM WERE TAKEN JUST HOURS AFTER THE ACTUAL EVENTS DEPICTED”.

Cũng lạ, chẳng lẽ sau ngần ấy thời gian mà sự thật vẫn chưa được làm sáng tỏ? Hy vọng có thêm thông tin về câu chuyện này.

Cập nhật 10/5: đã tìm thấy!

Sau khi chia sẻ bài này trên Facebook, tôi nhận được thông tin từ account Mua He:

Link đến nguồn trên website INA. Đúng là cảnh của ảnh #1 và #2 là từ đoạn phim ngắn này.

Từ đây phát sinh một số câu hỏi: phim được bên Pháp mua lại năm 1986 là mua lại từ ai? Cá nhân hay tổ chức nào của Việt Nam đã tổ chức sản xuất đoạn phim 1m24s này? Tại sao các chú thích về bức ảnh không đề cập đến đoạn phim này?

Nhân chuyện này, lại nhớ câu chuyện năm 2022 triển lãm của họa sỹ Mai Duy Minh về trận Điện Biên Phủ bị dừng vì người ta phản đối bức tranh của anh, cho là “cờ rách quá và bộ đội hốc hác”. Có lẽ vì hình ảnh đó trái ngược với hình ảnh trên, mà mọi người đã quen nhìn và cho là ảnh thật. Nhưng cả hai phương án đều là hư cấu và không thể dùng cái này để phủ định cái kia. Ảnh cắt từ phim dàn dựng có thể dùng làm biểu tượng, nhưng không được coi là sự thật.


Leave a Reply